Giá trị lớn nhất của Nho gia đóng góp cho nhân loại chính là các triết thuyết về Tu Thân, Tề Gia,Trị Quốc, Bình Thiên Hạ. Đây là một hệ thống tư tưởng hoàn hảo và cổ xưa nhất trên thế giới có thể giúp con người thăng hoa bản thân, đem nền đạo đức xã hội phục hồi cũng như giúp các bậc quân vương tạo ra một nền thái bình và thịnh vượng lâu dài. Phương thức trị quốc tu thân này tương truyền do Thần đem xuống nhân gian thông qua các Thánh nhân từ thời cổ đại với nhiều ứng dụng khác nhau qua các thời đại. Đại để có thể tóm lược như sau:
Hoàng Đạo vô vi
Đây là thời kỳ bình minh khai sáng của văn minh Trung Hoa, là thời kỳ xa xưa nhất còn ghi chép lại trong lịch sử. Thời kỳ này gọi là thời Tam Hoàng, trong lịch sử có nhiều thuyết về Tam Hoàng, nhưng 2 thuyết phổ biến nhất là:
1-Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Thái Hoàng
2-Phục Hy-Nữ Oa-Thần Nông
Tranh vẽ Phục Hy Thị-nguồn Wikipedia
Trong đó thuyết thứ hai hiện nay phổ dụng hơn cả, vì hai vị Phục Hy và Thần Nông còn lưu lại rất nhiều Thần tích và di sản cho hậu thế. Thời kỳ này còn gọi là thời “Nhân Thần Đồng Tại”, là thời kỳ tốt đẹp nhất, khi mà Thần còn triển hiện cho con người thấy. Các vị Tam Hoàng cai quản thế gian lúc này cũng là các vị Thánh nhân Á Thần. Theo các văn hiến cổ ghi chép, “Hoàng” là Thần linh đến từ tầng cao của vũ trụ. Họ giáng thế ở cõi nhân gian, trở thành “Hoàng”, truyền thụ trí huệ và văn hóa cho nhân loại, bảo hộ nhân loại bước qua thời kỳ mông muội, tiến vào nền văn minh. Những thứ họ truyền thụ tuyệt đối không phải là trí tuệ mà người phàm tục có thể sáng tạo ra được, do đó gọi là văn hóa Thần truyền. Thời kỳ này được sử gia Trung Hoa coi là thời trị vì tốt nhất, đạt đến cảnh giới “Vô vi nhi trị”, tức là đỉnh cao nhất của Đạo trị quốc, hoàn toàn tuân theo Ý trời mà đất nước thanh bình thịnh trị.
Thời đại này cũng là lúc Phục Hy chế ra Tiên Thiên Bát Quái dựa trên Hà Đồ Lạc Thư, qua đó tạo ra Kinh Dịch. Tác phẩm hàng đầu của Nho gia. Tuy nhiên tất cả học thuyết của Nho gia đều không thể hướng con người đạt đến trình độ của thời đại này được, chỉ có triết lý của Đạo gia là có khả năng và có đề cập đến mà thôi.
Đế Đạo trọng đức
Sau khi qua thời Tam Hoàng cực trị, Trung Hoa bắt đầu bước vào nền văn minh 5000 năm. Mở đầu là thời đại Ngũ Đế, còn có 5 vị vua là Hoàng Đế, Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Khốc, Nghiêu, Thuấn. Đây là các vị Đế được coi là hình mẫu về Đạo trị quốc của Nho Gia, là các Thánh Nhân tiêu biểu, cũng là thời đại mà họ vô cùng tôn sùng và mong muốn đạt đến. Ước mơ làm cho đất nước trở nên đời “Nghiêu Thuấn” là ước mơ lớn của tất cả Nho sinh.
Tranh vẽ Hoàng Đế cưỡi rồng về trời- Nguồn 52lishi.com
Thời này con người bắt đầu trở nên khôn ngoan xảo trá, tranh đấu lẫn nhau. Như thế nhân loại dần dần trở nên gián cách với Đại Đạo tự nhiên, càng ngày càng rời xa Thần, nên cần có có Thánh nhân giáng sinh dùng Đạo đức để quy chính lại nhân tâm, mục đích cuối cùng là giáo hóa chúng sinh, trị vì quốc gia đạt đến trình độ “vô vi nhi trị” mà quay trở về với Hoàng Đạo vô vi trước đây. Tuy nhiên đây là điều không thể vì quá trình suy thoái của nhân loại là không thể đảo ngược. Tuy nhiên thời đại này vẫn là hình mẫu lý tưởng và tốt hơn rất nhiều so với các triều đại về sau. Tấm gương của các vị Ngũ Đế thời này là các Thánh Nhân và mô phạm đạo đức tất cả các Nho sinh phải noi theo.
Vương Đạo trị quốc
Đến thời kỳ Vương Đạo trị quốc, nhân tâm đã trở nên càng phức tạp và ô trọc, thiên hạ càng lệch xa Đạo. Vương bèn quán thông Thiên, Địa, Nhân, chế định chế độ lễ nhạc để quy chính hành vi nhân loại, để giáo hóa thiên hạ, thi hành nhân nghĩa ra khắp thiên hạ, vì thế thiên hạ tới tấp quy phục. Đây là thời kỳ Tam Đại gồm 3 triều đại là Hạ Thương và Chu trong lịch sử.
Trong đó triều đại nhà Chu với chế độ lễ nghi đạo đức hoàn chỉnh nhất là hình mẫu để Khổng Tử dựa vào đó mà phục hưng Nho gia sau này.
Sau khi vương thất nhà Chu suy vi, dời đô về phía Đông gọi là nhà Đông Chu, thì chư hầu hoành hành đánh giết lẫn nhau mấy trăm năm gọi là thời Xuân Thu Chiến Quốc, Đây là một trong những thời kỳ loạn lạc nhất trong lịch sử Trung Hoa. Khổng Tử phục hưng Nho giáo chính là vào thời kỳ này. Đây cũng là thời mà Vương đạo hầu như đã tiêu vong, chỉ còn mỗi Khổng Tử là kêu gọi các bậc vua chư hầu phục hồi Vương Đạo để làm cho thiên hạ thái bình. Tuy nhiên thời kỳ này là thời hoàng kim của cái gọi là Bá Đạo, tức là cái đạo của kẻ có sức mạnh đàn áp kẻ khác, đạo của kẻ mạnh. Nên Khổng Tử ôm hận một đời là vì vậy.
(còn tiếp)
Minh Bảo