Nền giáo dục và khoa bảng
Khoa bảng (科榜) là cái bảng danh dự, liệt kê tên họ các thí sinh đỗ đạt học vị trong các kỳ thi cử này, phần lớn được tuyển chọn làm quan chức cho triều đại phong kiến Việt Nam. Khoa bảng là tĩnh từ để chỉ những người đỗ đạt này. Thí dụ: “Gia đình khoa bảng” là gia đình có học, có người trong họ đỗ đạt cao trong những kỳ thi cử do triều đình tổ chức và chấm khảo.
Các sách xưa dùng chữ Nho dạy Nho giáo cho thí sinh dự các kỳ thi Hương, thi Hội gồm có: Nhất thiên tự, Sử học vấn tân, Ấu học ngũ ngôn thi, Minh tâm bảo giám, Minh đạo gia huấn, Tam tự kinh và bộ sách giáo khoa là Tứ Thư (Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học và Trung dung), Ngũ Kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu). Nhiều nho sĩ còn đọc thêm cả bách gia chư tử, các sách Phật giáo, Đạo giáo nữa
Một lớp học chữ Nho thời Nguyễn.
Nho giáo là cơ sở hình thành hệ thống giáo dục chính thống của Việt Nam trung đại ở bốn cấp kinh đô – tỉnh/đạo – phủ – huyện/châu, và chế độ thi tuyển gồm bốn cấp khảo hạch – thi Hương – thi Hội – thi Đình, để đào tạo ra quan lại nhà nước, quan viên làng xã. Hệ thống giáo dục chính thống này tồn tại song hành với mạng lưới giáo dục dân gian trong gia đình, làng xóm, làng nghề, nhằm giáo dục cách ứng xử với gia đình, cha mẹ, ông bà, tổ tiên, họ hàng, làng xóm, thần linh…
Từ thời Hậu Lê, việc thi cử được tiến hành đều đặn và quy củ. Các kỳ thi theo thứ tự là Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình. Người đỗ đầu cả ba được gọi là Tam Nguyên (như Tam Nguyên Nguyễn Khuyến).
Thi Hương được tổ chức mỗi 3 năm, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Thi Hội sau thi Hương 1 năm, vào năm Sửu, Mùi, Thìn, Tuất.
Nhà nước quân chủ Việt Nam cũng thường tổ chức những kỳ thi để chọn người tài ra làm quan hoặc đảm nhiệm những chức vụ trong chính quyền trung ương và địa phương. Các kỳ thi Nho học ở Việt Nam bắt đầu có từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông và chấm dứt vào năm 1919 đời vua Khải Định. Trong 845 năm đó, đã có nhiều loại khoa thi khác nhau, ở mỗi triều đại lại có những đặc điểm khác nhau, song trong các đời Lý, Trần, Hồ có một đặc điểm chung là các khoa thi đều do triều đình đứng ra tổ chức, chỉ đạo thi. Hệ thống thi cử tuyển người làm quan này gọi là khoa cử (chữ Nho: 科舉).
Đạo đức nhân văn và phong khí xã hội
Tại Việt Nam, Nho giáo đã bản địa hoá nên thành nền Việt nho, cung cấp các giá trị làm nền tảng cho nền văn hoá Việt Nam để tạo nên một truyền thống tốt đẹp về tư tưởng, đạo đức và nếp sống. Đó là ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm đạo đức của mỗi người đối với cộng đồng; là sự hiếu học, coi trọng nhân tài, coi trọng người có học vấn và tôn sư trọng đạo; là sự tích cực nhập thế, tích cực dấn thân vào các hoạt động xã hội; là việc coi trọng gia đình, trọng tình nghĩa. Câu châm ngôn “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” phổ biến ở các trường học tại Việt Nam hiện nay chính là lấy từ Nho giáo. Tuy nhiên trải qua nghìn năm lịch sử, dù Nho giáo có vẻ thịnh vượng nhờ giáo dục và khoa cử được mở khắp nơi nhưng chất lượng của Nho sinh ngày càng đi xuống. Không chỉ ở Việt Nam mà cả Trung Hàn Nhật đều thế, vì người ta chuộng lối học từ chương vô dụng cầu thi đậu kiếm công danh. Trong khi đó cái học của Nho giáo bản chất là để tu thân thành Đạo, viên mãn rồi mới đem tài đức giúp đời mà làm nên nghiệp lớn, vì thế mà đến thời cận đại sự trì trệ của Nho sinh và Nho học đã khiến các nước Đồng văn (trừ Nhật Bản) đều buông tay đầu hàng trước văn minh thực dụng của phương Tây. Từ đó mà chúng ta đã tổn thất mất đi một nền triết học luân lý tốt đẹp cao thượng nhất của ông cha, quả đáng tiếc thay.
Văn chương nghệ thuật truyền thống
Nho giáo được xem là có sức lan tỏa và ảnh hưởng đến Văn học Việt Nam, điển hình như hai bản tuyên ngôn độc lập như “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt và “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi đề cao tính dân tộc, nguyện vọng dành độc lập của Nhân dân Việt Nam, trong đó ở tác phẩm “Nam Quốc Sơn Hà” có kể đến câu: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở, rành rành định phận tại sách Trời” đã nhắc đến nước Nam đã có chủ quyền và luôn chống lại sự uy hiếp từ phía phương Bắc, chủ quyền đó đã được Trời cao công nhận và do đó xâm chiếm nước Nam là hành động chống lại mệnh Trời. Ý tưởng này chịu ảnh hưởng từ tư tưởng mệnh trời của Hán Nho.
Nho giáo đã góp phần làm hình thành các thể văn khoa cử (kinh nghĩa, chiếu, biểu, luận, văn sách, thơ, phú…), các thể loại văn học mô phỏng Trung Hoa (thơ Đường luật, phú, từ, đối…), các điển tích văn học, các sách giáo khoa truyền thụ Nho giáo, các tác phẩm văn học và nghệ thuật chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Những sản phẩm ấy làm thành dòng văn học nghệ thuật quan phương chính thống, tồn tại song hành với dòng văn học dân gian, nghệ thuật dân gian.
Ngôn ngữ văn tự
Nho giáo đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ngôn ngữ và chữ viết ở Việt Nam. Về ngữ âm, tiếng Việt, tiếng Mường đã biến đổi các phụ âm cuối, hình thành thanh điệu và rơi rụng các âm tiết phụ của thời Môn – Khơme; riêng tiếng Việt hiện đại còn rơi rụng các tổ hợp phụ âm đầu. Về ngữ pháp, tiếng Việt, tiếng Mường đã rơi rụng các phụ tố tạo từ của thời Môn – Khơme; riêng tiếng Việt hiện đại còn hình thành các phụ tố tạo từ gốc Hán – Việt, và mượn nhiều cách diễn đạt của tiếng Hán. Về từ vựng, trong tiếng Việt, tiếng Mường đều có nhiều yếu tố gốc Hán; riêng tiếng Việt có đến 70% từ gốc Hán. Hiện nay, tiếng Việt đang sử dụng một bộ phận từ vựng gốc Hán có số lượng và tần suất sử dụng rất lớn, bao gồm Hán – Việt cổ, Hán – Việt trung đại, Hán – Việt cận đại (khẩu ngữ của người Hoa Nam bộ), từ ngữ có yếu tố Hán – Việt. Trong vốn từ tiếng Việt, đặc biệt là lớp từ vựng văn hóa, số lượng các yếu tố gốc Hán chiếm một tỷ lệ áp đảo, cả ở ba cấp độ: từ, ngữ, phụ tố. Bộ phận từ vựng gốc Hán này bao gồm hầu hết các bình diện văn hóa mà cư dân Việt chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán.
Về văn tự, chữ Hán là văn tự chính thức của Việt Nam trong suốt thời phong kiến , phương tiện chuyên dùng chuyển tải Nho giáo, nên chữ Hán thường được gọi là chữ Nho, chữ Thánh hiền. Quá trình tiếp biến văn hóa Hán và Nho giáo trong chữ viết ấy tồn tại song hành với quá trình Việt hóa các văn tự ngoại lai. Từ khi ra đời dưới thời Trần, chữ Nôm, loại văn tự phái sinh từ chữ Hán, vừa được dùng để chuyển tải văn hóa dân gian. Và đến đầu thế kỷ XX, với phong trào Duy Tân – Đông Du, chữ Quốc ngữ, nhưng con người lại không hiểu được ý nghĩa văn tự, và những ý sâu xa mà các bật thánh nhân ngày xưa rất nhiều vì chữ Quốc Ngữ đã mất đi cái tinh hoa đó.
Tín ngưỡng tập tục
Thời Khổng Tử vốn không có Nho giáo. Nho giáo lúc đó gọi là Nho gia, nó đơn thuần chỉ được xem là những lời chỉ dạy của Bậc thánh hiền để con người noi theo và học tập để có thể tu dưỡng tâm thân giúp vua trị quốc. Nhưng sau khi hậu thế tôn sùng Khổng Tử là Thánh Nhân, các triều đại lập Miếu thờ Khổng Tử và các đệ tử thì Nho giáo được coi như một tôn giáo quan trọng nhất trong Tam giáo của người Trung Hoa, là gốc rễ của văn minh Trung Hoa (Nho Phật Lão). Khi du nhập vào Việt Nam, một quốc gia có cùng chiều sâu tâm linh và nền tảng văn minh nhiều ngàn năm. Các triết lý Nho giáo cũng như Tam Giáo được chấp nhận và khuyến khích phát triển, đặc biệt các triết lý của Nho giáo về Thiên mệnh, Hiếu đạo, Lễ nghĩa trong việc tế lễ, thờ cúng tổ tiên,… Vì vậy mà Nho giáo cũng như Tam giáo đã trở thành trụ cột trong nền tảng tâm linh của người Việt cùng với đức tin thờ ông bà tổ tiên.
Sự tác động của Nho giáo và văn hóa Hán đã làm Hán hóa một phần các phong tục vòng đời, đặc biệt là phong tục hôn nhân, phong tục đám ma. Trong thời trung đại, các phong tục này đều lấy hình mẫu của Nho giáo và văn hóa Hán làm chuẩn mực. Chính vì vậy mà cho đến ngày nay, vẫn còn nhiều người viết sách mô tả các phong tục và nghi thức ấy trong văn hóa Việt Nam hiện đại như thể chúng là bản sao của phong tục Trung Hoa trung đại! Thật ra, bên cạnh các phong tục hôn nhân, phong tục mai táng theo hình mẫu của Nho giáo và văn hóa Hán trước đây, người Việt ở các vùng miền khác nhau và các tôn giáo ở Việt Nam đều có cách thức riêng để thực hiện các phong tục ấy.
Sự biến mất của tư tưởng Nho gia tai Việt Nam và sự phát triển của “Xã Hội Gia”
Nhìn vào các mặt ảnh hưởng của Nho giáo ngày xưa chắc hẳn các bạn cũng hiểu con người Việt Nam đã in đậm những nét Văn Hóa từ đâu. Ngày nay Việt nho “không được xem trọng” trong văn hóa phương tây ảnh hưởng đang làm đạo đức một bộ phận giới trẻ xuống cấp. Ngày càng xuất hiện nhiều những trào lưu thác loạn lan truyền khắp mạng các mạng xã hội, những vụ án trái luân thường, những vụ án khắp các mặt báo con giết cha, trò đánh thầy, giáo viên quan hệ bất chính với học trò,… đây là một hồi chuông cảnh báo cho sự băng hoại đạo đức trong thời kỳ Việt Nho suy yếu. Giải pháp có thể là phục hưng Nho giáo lấy những khía cạnh tích cực đem vào giáo dục. Tinh giản, lược bỏ những điều câu nệ rườm rà, bó buộc không phù hợp với bối cảnh hiện đại từ đó có thể vừa cải thiện, duy trì luân lý đạo đức gia đình, xã hội vừa có thể hội nhập và phát triển cùng thế giới.
Lưu ý: những hình ảnh trên chỉ là hình ảnh mang tính chất minh họa. để cho bài viết trở nên phong phú.
Minh Bảo