Trật tự xã hội:
Quân tử: người có đức hạnh hoàn toàn, nhân phẩm cao quí, chăm lo Đạo Thánh Hiền để sửa mình, dẫu nghèo khó cũng không làm điều trái đạo. Quân tử là người tu thân theo Nho giáo, muốn đem Đức hạnh bản thân mình để tế thế an dân, phò vua giúp nước. Quân tử do đó chỉ một lòng cầu Đạo, chỉ nói Đạo nghĩa, không nói đến Danh Lợi. Dần về sau, khi Nho học thịnh do nhà nước tổ chức Khoa cử, lại khiến các Nho sinh vì thi cử đỗ đạt làm quan mà thành ra những phường ham cầu danh lợi, thực đáng tiếc thay. Tuy nhiên vì lý Âm Dương mà trong mỗi người quân tử lúc đang tu thân đều có ẩn hiện 1 phần tiểu nhân trong đó, nên ý nghĩa chân chính của tu thân là trừ bỏ đi cái phần tiểu nhân trong người của mình vậy.
Tiểu nhân: người có chí khí hèn hạ, tham danh cầu lợi, miệng nói nhân nghĩa mà trong lòng tính chuyện bất nhân, dù giàu có nhưng tinh thần vẫn đê tiện. Tiểu nhân là hình ảnh tương phản của quân tử, chỉ quan tâm đến Lợi, không thích nói Đạo nghĩa. Dẫu là tiểu nhân không tốt, nhưng do lý Âm Dương mà nó cũng có 1 phần quân tử trong mình. Do đó người quân tử lấy câu “hữu giáo vô loại” mà giáo hóa chúng sinh, khiến cho họ gột rửa bản chất tiểu nhân mà ngày càng hiển lộ ra sự quân tử chính trực, trở thành người đạo đức tốt.
Sỹ nông công thương: Đây là bốn giai cấp điển hình trong xã hội Nho giáo xưa. Thứ tự nói lên mức độ trọng vọng và quan trọng với xã hội. Sỹ là Nho sỹ, người làm quan và phụ tá nhà vua dĩ nhiên quan trọng nhất, sau đó là nhà nông đảm bảo lương thực cho xã hội. Tuy nhiên thủ công và thương gia xếp sau không phải vì họ không quan trọng mà vì Nho gia không chú trọng những thứ tinh xảo (thủ công) và tư lợi cá nhân (của thương gia) nên cho rằng những người này là xa rời với Đạo Thánh hiền hơn Sỹ và Nông, do đó mà xếp sau.
Tôn ti trật tự: Dù có giáo lý Đại đồng nhưng Nho giáo còn có thêm 1 giáo lý là bất bình đẳng, hay còn gọi là tôn ti trật tự, nghĩa là thứ tự cao thấp. Theo Nho giáo thì bất bình đẳng là bản chất của vạn vật, do Trời định ra như thế, nên mới có cao thấp sang hèn. Đây chính là phần diễn giải của Dịch hay nguyên lý Âm Dương trong Nho giáo.“Có trời đất rồi sau mới có vạn vật, có vạn vật rồi sau mới có trai gái, có trai gái rồi sau mới có vợ chồng, có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi, có vua tôi rồi sau mới có trên dưới, có trên dưới rồi sau lễ nghĩa mới có chỗ thi hành” (Kinh Dịch-Tự quái truyện)
Tam Cương: ba mối quan hệ chính trong xã hội là quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), phu thê (vợ chồng). Ba mối quan hệ này đặt trên nền tảng tôn ti trật tự và thuyết Chính danh của Nho giáo.
Quân thần cương: Quan hệ vua tôi, tức là Trung: Trung với nước, trung với dân. Tuy nhiên chữ Trung trong Nho giáo không hề nói ngu trung như người ta hay hiểu lầm. Người quân tử Nho gia chỉ phục vụ cho vua chúa có đạo đức, chỉ hy sinh vì đại nghĩa, can gián vua làm điều bất nghĩa mới là trung. Tận trung báo quốc, chí hiếu cha mẹ cũng là một phần của chữ Trung trong Nho giáo.
Phụ tử cương: Quan hệ cha con, cha mẹ phải hiền, hết dạ thương con và con phải hiếu thảo với cha mẹ. Làm con còn phải dựa vào Nhân nghĩa để khuyên can cha mẹ không làm điều xấu, mới là đúng chữ Hiếu trong Nho giáo.
Phu thê cương: Quan hệ vợ chồng. Nghĩa là: xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Người phụ nữ khi đi lấy chồng thì phụng sự chồng, khi chồng chết thì ở vậy nuôi con mới là người tiết hạnh.
Quan điểm Giáo dục:
Giáo hóa: Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của người quân tử Nho giáo, giáo dục dạy dỗ cho dân chúng các chuẩn mực ăn ở, tu dưỡng sao cho hợp với đạo đức và lễ nghi. Nho giáo chủ trương dùng Lễ và Nhạc để thực hành giáo hóa một cách hiệu quả nhất. Hữu giáo vô loại: Thời cổ chỉ người giàu mới có tiền học, nhưng Khổng Tử chủ trương đem sự giáo dục đến cho bách tính nên chỉ cần người có lòng cầu học, quyết tâm học thì ông sẽ dạy với một chi phí tượng trưng ít ỏi. Đây là tư tưởng tiến bộ vượt thời đại của Nho giáo. Lễ: Không đơn giản là chỉ việc tế Lễ thần linh hay các phép tắc cư xử của Nho gia. Lễ Ký viết: “Nhạc chế tác theo trời, Lễ chế định theo đất”. Cho nên Nho gia dùng Lễ Nhạc để giáo hóa thiên hạ quy chính lại tinh thần xã hội và đạo đức để không dùng đến hình phạt hay pháp luật, với mong muốn đạt đến xã hội hài hòa thịnh vượng. “Nhạc là sự hài hòa của trời đất. Lễ là trật tự trong trời đất. Do hài hòa nên muôn vật đều sinh sôi nảy nở tốt tươi. Do trật tự nên các loài vật mới có khác biệt” (Lễ Ký) Lễ là mặt Âm của giáo hóa, nó cần mặt Dương là Nhạc kết hợp mới có thể giáo hóa thành công. Nhạc: không như chúng ta nghĩ nhạc là để giải trí. Đối với Nho gia, Nhạc có nguồn gốc thiêng liêng và cao quý hơn. Theo Lễ Ký thì Nhạc chính là lấy nguyên tắc biến hoá tuần hoàn của trời mà chế tác, nó có tác dụng kết hợp với Lễ để làm cho tâm của dân chúng trở nên quân bình, yên ổn hài hòa do tác dụng Âm Dương tương hỗ, từ đó mà đề cao tâm tính và đạo đức, làm xã hội phát triển hài hòa. Lễ Ký viết: “Nói về luân lý, để không tổn hại thì đó là tình ý của Nhạc. Để mọi người vui vẻ yêu thích thì đó là chức phận của Nhạc. Trung dung, ngay chính, không tà vạy, đó là bản chất của Lễ. Khiến mọi người trang trọng, cung kính, hòa thuận thì đó là chức năng của Lễ“. Tu thân: là sửa mình dựa trên các chuẩn mực sống của Nho Giáo , bước đầu là làm người quân tử, sau đó cuối cùng đạt đến cảnh giới Chí Thiện, trở thành bậc Thánh nhân.
Ngũ Thường (Ngũ Luân): năm điều thường có, năm đức tính của người quân tử phải gìn giữ gồm Nhân Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Nhân Đức đầu tiên và quan trọng nhất. Trong Nho giáo cho rằng phải tu thân hoàn hảo ở Lễ Nghĩa Trí Tín thì mới có thể đạt đến Nhân. Nhân đại diện cho Thánh Nhân, là đức cao nhất mà quân tử Nho gia muốn đạt được Nhân ứng với Mộc trong ngũ hành, nó cũng chỉ lòng yêu thương bao dung với vạn vật và con người. Sống ở trên đời cần có 1 tấm lòng, ấy là lòng NHÂN vậy.
Lễ đức thứ hai sau Nhân, nó là hệ thống quy định cách cư xử đạo đức theo trật tự của xã hội Nho giáo. Chỉ có giữ bản thân sống theo đạo đức, khắc kỷ phục lễ mới có thể đạt đến đức Nhân. Nội hàm của Lễ nằm ở cái Tâm thành của người khi thực hành nó, nên nó ứng với Hỏa trong ngũ hành. Lễ còn thể hiện ra ở cách sống và cư xử cao thượng, luôn ung dung tự tại trong bất kỳ hoàn cảnh nào, luôn giữ thân tâm trong sạch, mới là quân tử thủ Lễ chân chính.
Nghĩa là nguyên tắc đối nhân xử thế của Nho gia, cũng dựa trên thuyết Chính Danh, xử sự phải theo đạo đức, coi thường tư lợi. Ví dụ như nghĩa cha con, nghĩa thầy trò, nghĩa chồng vợ, nghĩa anh em cốt nhục đồng-bào, nghĩa bằng hữu chi giao.. nên nó còn là trách nhiệm của người quân tử đối với đất nước, gia đình, con cái, xã hội.. Người xưa rất trọng nghĩa, nên hay nói chữ Nhân Nghĩa. Người quân tử nhân mà không có nghĩa là ngụy quân tử. Làm việc nghĩa dù có phải mất mạng cũng không từ nan. Xả thân vì đại nghĩa chính là gương trung hiếu của kẻ sĩ Nho gia. Do tính chất cương quyết nên nó ứng với Kim trong ngũ hành.
Trí là sự thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai. Ứng với Thủy trong ngũ hành. Chữ Trí đặt sau Nhân Lễ Nghĩa vì cái trí não con người hay dẫn người ta đi vào đường tà. Do đó chỉ khi nào tu thân giữ Nhân, thủ Lễ, trọng Nghĩa thì cái Trí tuệ của người quân tử mới đáng quý, mới có thể giúp người ta phân biệt đúng sai, để hành sự và sống tốt hơn ở đời.
Tín Ứng với Thổ trong ngũ hành. Chỉ niềm tin vào Thiên mệnh, Thiên đạo.Từ niềm tin đó mà cư xử đúng mực tạo nên uy tín của bản thân. Nó cũng chỉ sự giữ lời hứa và coi trọng lời ăn tiếng nói. Chữ Tín xếp cuối trong Ngũ đức, nên có thể coi là chốt chặn cuối cùng của đạo đức con người. Người mà không có nhân lễ nghĩa trí mà còn giữ được chữ Tín thì còn có thể dạy, vì còn Tín nghĩa là còn tin vào Thiên đạo nên có thể phát triển được. Nếu mất luôn chữ Tín thì không xứng đáng làm người. Chữ Tín còn quan trọng ở chỗ là lòng TIN đối với Thầy và Đạo để có thể học mà đạt Nhân. Không có lòng tin ngay từ đầu thì coi như không thể dạy được.
Tứ Đức: bốn tính nết tốt người phụ nữ phải có, là: Đức Ngôn Dung Công. Sự quan trọng xếp theo thứ tự. Không giống như sự sai lệch ở Việt Nam hay dùng Công Dung Ngôn Hạnh vốn có sai sót so với triết lý Khổng môn.
Đức: Lấy vợ trọng đức. Đức hạnh là quan trọng nhất. Ở đây có thể hiểu là Đức theo quẻ Khôn trong Kinh Dịch, chỉ sự Nhu Thuận, bao dung, hiền hòa của đất mẹ nuôi dưỡng vạn vật. Là Đức tốt nhất cùng với Đức của Càn dành cho người nam.
Ngôn: Lời nói dịu dàng, đoan chính. Lời nói là biểu hiện ra bên ngoài của nội tâm. Vì thế người vợ đức hạnh phải có lời nói đạt tiêu chuẩn đạo đức. Không nói lời chanh chua bạc ác và thiếu lễ độ.
Dung: Là sự thể hiện của nét đẹp và quan trọng nhất là thái độ hòa nhã, nét mặt từ ái vui tươi.Người có đức hạnh chắc chắn sẽ thể hiện qua nét mặt và ngoại hình. Công: Là khả năng quản lý công việc gia đình. Nó không đơn giản chỉ là nấu bếp hay may vá thêu thùa chăm con. Chữ công ở đây chỉ khả năng quán xuyến và trợ giúp chồng giữ yên nhà cửa, giúp gia đạo thịnh vượng bình an.
Quan điểm trị quốc:
Dĩ đức trị quốc: Nho giáo trọng lễ nghĩa, cho rằng dùng Lễ nhạc giáo hóa sẽ tốt hơn dùng pháp chế. Để làm được Lễ nhạc giáo hóa, đòi hỏi vua phải tu thân trở thành bậc Thánh vương có đạo đức lớn. Do đó vua dùng Lễ nhạc giáo hóa, tu thân dưỡng đức trị vì, không lạm dụng hình phạt chính là dùng Đức trị quốc.
Chính danh: là mỗi sự vật phải được gọi đúng tên của nó, mỗi người phải làm đúng chức phận của mình. “Danh không chính thì lời không thuận, lời không thuận tất việc không thành” (Luận ngữ). Từ trên xuống dưới vua tôi cho đến cha mẹ con cái ai cũng phải làm đúng bổn phận và trách nhiệm xứng với cái danh mình mang thì xã hội sẽ ổn định và hài hòa.
Bát Mục: 8 điều thực hành của Nho Giáo dùng để sửa mình (tu thân), bao gồm: Cách vật, Trí tri, Thành ý, Chính tâm, Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ. Cách vật: Vạn vật đều có bản chất thực sự của nó. Người ta hay bị giả tướng do quan niệm và tâm bất thuần bất tịnh che lấp nên không thấy được chân tướng sự vật và vật chất. Chỉ có bỏ hết quan niệm che lấp bản tâm, mới nhìn sự vật với đúng bản chất của nó.
Trí tri: Sau khi công phu cách vật thành tựu rồi, nhìn rõ bản chất vạn sự, người ta mới có thể hiểu được Thiên mệnh, hiểu được cái Lương tri trong lòng của chính mình, hành sự theo Thiên mệnh, gọi là Trí tri, nghĩa là hiểu được cái Lương tri.
Thành ý: Sau khi Trí tri, hiểu chính mình, hiểu Thiên mệnh, biết lẽ sống cao thượng ở đời và nhiệm vụ của bản thân thì người ta mới khởi lên cái Ý một cách Thành khẩn, Ý chí muốn tu thành Thánh nhân, đem đạo đức giáo hóa và làm lợi cho thế nhân.
Chính tâm: Sau khi Thành Ý đã khởi lên rồi, thì bản Tâm sẽ trở nên Chính trực, nó giúp quy chính hết mọi tư tưởng xấu, tập trung vào việc tu dưỡng đạo đức.
Tu thân: Dùng hết tinh thần, nỗ lực tập trung vào việc quy chính mọi hành vi, sửa đổi những điều sai lầm của mình, sống đúng với tiêu chuẩn đạo đức quân tử Nho gia.
Tề gia: Sắp đặt các việc gia đình cho đúng phép.Để làm được điều này người gia chủ phải tu thân trước vì không tu thân sẽ không sáng suốt thấy chỗ chưa tốt của gia đình để mà tề gia chỉnh trị.
Trị quốc: Quản trị quốc gia theo đường lối chân chính. Ở đây là dùng Đức trị quốc. Đức của bản thân người quân vương tu thân mà thành, lấy thân mình làm gương, chỉnh sửa gia đình đế vương trước thì quốc gia tự nhiên trị.
Bình Thiên hạ: Đem lại thanh bình và hạnh phúc cho toàn dân trong thiên hạ. Vì sao có thể tạo phúc cho toàn thiên hạ an bình, là do toàn thiên hạ noi theo quân vương mà tu thân dưỡng đức. Gia đình khắp nơi đều tề, quốc gia khắp nơi đều trị bằng đức thì thiên hạ sẽ tự nhiên thái bình.
Minh Bảo