Văn minh Trung Hoa từ thời Hoàng Đế đến nay có lịch sử lâu đời 5.000 năm, trong đó văn hóa tam giáo Nho – Phật – Đạo giao thoa chiếu sáng lẫn nhau, được các Thánh giả gọi là văn hóa Thần truyền. Nếu nói hai gia Phật và Đạo là văn hóa xuất thế, dạy con người làm thế nào phản bổn quy chân, thế thì văn hóa Nho gia chính là văn hóa nhập thế, giảng thuật đạo lý làm người như thế nào.
Khổng tử là người khai sáng văn hóa Nho gia (Tranh do họa sư Ngô Đạo Tử vẽ)
Khổng Tử (chữ Hán:孔子) (28 tháng 9, 551 TCN – 11 tháng 4, 479 TCN) còn gọi là Khổng Phu Tử (chữ Hán:孔夫子), tên thật là Khổng Khâu (chữ Hán:孔丘), tự Trọng Ni (chữ Hán:仲尼), tên gọi Khổng Tử là người đời sau tôn xưng ông.
Khổng Tử sinh ở ấp Trâu, thuộc làng Xương Bình nước Lỗ. Tổ tiên trước kia là người nước Tống, cha ông là Khổng Ngột (Thúc Lương Ngột) đã 51 tuổi mà không sinh được con trai nên phải bỏ vợ cả là Thi thị để lấy bà Nhan Trưng Tại khi đó mới 20 tuổi, hai người ở với nhau hai năm mà chưa có con nên đi cầu tự ở núi Ni Khâu Sơn sau đó sinh Khổng Tử. Khổng Tử sinh ở nước Lỗ năm thứ 22 đời Lỗ Tương Công. Khi sinh ra, trên đầu gồ giữa lõm cho nên đặt tên là Khâu (tức là cái gò).
Thời kỳ Xuân Thu, các chư hầu phân phong cát cứ mỗi phương, vì lợi ích mà chinh phạt lẫn nhau. Trong nội bộ các nước chư hầu, các quý tộc, đại phu có thực lực hùng hậu thường nắm giữ triều chính, để quốc quân ngồi vị trí mà không nắm thực quyền. Họ quanh năm chinh phạt không ngừng nghỉ, quyền lực khuynh loát, người dân các nước khổ không thể nào kể xiết.
Khổng Tử từ nhỏ đã thích lễ, thuở thiếu thời đã hiếu học, tuổi còn trẻ đã nổi tiếng thiên hạ về đức hạnh và học rộng. Nhằm vào tình hình thế gian đương thời bị sai khiến bởi lợi ích, lễ băng nhạc hoại, ông đã đề xuất khôi phục chế độ lễ nhạc nhà Chu, thực hiện học thuyết xử thế trị quốc nhân chính, lễ chế, bên trong thì dùng nhân ái trau dồi cái tâm, bên ngoài thì dùng quy chế lễ nhà Chu để quy chính bản thân. Dạy con người sùng chuộng đạo đức, tuân theo Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, giữ bổn phận khôi phục trật tự nhân luân “quân quân thần thần phụ phụ tử tử”, từ đó đạt được thiên hạ đại trị.
Tranh vẽ Khổng Tử năm 1770
Khổng Tử có lòng lo cho nước lo cho dân cứu giúp khắp thương sinh thiên hạ, muốn dấn thân vào quan lộ để thực hiện sách lược trị quốc của mình. Vì không được trọng dụng ở nước Lỗ, ông cùng các đệ tử đi chu du các nước hy vọng quốc quân các nước có thể coi trọng sách lược trị quốc của ông mà giao phó cho trọng trách thực thi hoài bão.
Nhưng quốc quân các nước và các đại phu nắm giữ triều chính trong lòng đầy tư tâm, biết rõ đức hạnh và tài cán của Khổng Tử có lợi cho nước cho dân, nhưng chỉ sợ lợi ích bản thân bị tổn thất, không được trọng dụng. Bất lực, Khổng Tử cứ đi lại giữa các nước Vệ, Tống, Trịnh, Trần, Sở… trong 14 năm trời, chịu đủ nỗi khổ cực, cuối cùng cũng không tìm được nơi để ông có thể thi triển lý tưởng báo quốc an dân.
Năm 68 tuổi, Khổng Tử trở về nước Lỗ, tiếp tục dạy học và bắt tay vào soạn sách. Ông cũng chỉnh lý lại các bản nhạc nước Lỗ khiến cho nhạc nhã và nhạc tụng mỗi loại có vị trí thích đáng của nó. Có thể nói Khổng Tử là người thầy tư nhân chuyên thu nhận học trò đầu tiên trong lịch sử giáo dục Trung Quốc. Trước thời ông, trường học hoàn toàn là của triều đình và thường chỉ thu nhận con em của gia đình quý tộc. Khổng Tử sáng lập ra trường học tư, thu nhận nhiều đồ đệ bất kể xuất thân sang hèn, đưa giáo dục mở rộng cho bình dân, đem tri thức văn hóa truyền bá cho dân gian, có cống hiến thật to lớn đối với giáo dục thời cổ đại.
Năm 69 tuổi, ông bắt tay vào việc hiệu đính các cổ thư bị tản nát, nhiều chỗ không rõ ràng, dễ bị thất truyền hoặc khiến người đời sau nhầm lẫn. Do vậy, Khổng Tử thực hiện san định lại các kinh sách của Thánh hiền đời trước, lập thành 6 cuốn sách: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu. Mỗi cuốn lại nói về một vấn đề khác nhau, từ thi ca, nghi lễ, bói toán cho tới sử học. Khổng Tử nói “Ta chỉ thuật lại mà không sáng tác. Ta tin tưởng và hâm mộ văn hóa cổ. Ta trộm ví mình như Lão Bành.”Việc Khổng Tử tự mình biên soạn 6 bộ sách đã thể hiện hiểu biết sâu rộng và tinh thần làm việc miệt mài của ông, có thể coi đây là một dạng Bách khoa toàn thư đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. 6 cuốn sách này gồm:
Kinh Thi (詩經 Shī Jīng): Sưu tầm các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử. Khổng Tử san định thành 300 thiên nhằm giáo dục mọi người tình cảm trong sáng lành mạnh và cách thức diễn đạt rõ ràng. Một lần, Khổng Tử hỏi con trai “Học Kinh Thi chưa ?”, nó đáp “chưa”. Khổng Tử nói “Không học Kinh Thi thì không biết nói năng ra sao” (sách Luận ngữ).
Kinh Thư (書經 Shū Jīng): Lưu lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử. Khổng Tử san định lại để các ông vua đời sau nên theo gương các minh quân như Nghiêu, Thuấn chứ đừng tàn bạo như Kiệt, Trụ.
Kinh Lễ tức Lễ Ký (禮記 Lǐ Jì): Chép các lễ nghi thời trước. Khổng Tử hiệu đính lại mong dùng làm phương tiện để duy trì và ổn định trật tự xã hội. Khổng Tử nói: “Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời” (sách Luận Ngữ).
Kinh Dịch (易經 Yì Jīng): Nói về các tư tưởng triết học Trung Hoa dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái… Đời Chu, Chu Văn Vương đặt tên và giải thích các quẻ của bát quái gọi là Thoán từ. Chu Công Đán giải thích chi tiết nghĩa của từng hào trong mỗi quẻ gọi là Hào từ. Kinh Dịch thời Chu gọi là Chu Dịch. Khổng Tử giảng giải rộng thêm Thoán từ và Hào từ cho dễ hiểu hơn và gọi là Thoán truyện và Hào truyện.
Kinh Xuân Thu (春秋 Chūn Qiū): Chép các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê của Khổng Tử. Khổng Tử không chỉ ghi chép như một sử gia mà theo đuổi mục đích trị nước nên ông chọn lọc các sự kiện, ghi kèm các lời bình, sáng tác thêm lời thoại để giáo dục các bậc vua chúa.
Ngoài ra còn có Kinh Nhạc bàn về nhạc thuật và nhạc khí, nhưng nguyên bản đã bị thiêu hủy trong Chiến tranh Hán-Sở, chỉ còn đôi chút làm thành một thiên trong Kinh Lễ, gọi là Nhạc ký. Tuy nhiên, giới học giả cũng cho rằng, so với 5 cuốn còn lại thì sách này có phẩm chất thấp nhất.
Mùa Xuân năm Lỗ Ai công thứ 14 (481 TCN), tương truyền người nước Lỗ đi săn bắt được một con kỳ lân què chân trái phía trước. Đức Khổng Tử đến xem rồi bưng mặt khóc, ông than rằng: “Ngô đạo cùng hĩ!” (Đạo của ta đến lúc cùng). Sách Xuân Thu chép đến đây thì hết, nên đời sau còn gọi sách Xuân Thu là Lân kinh.
Năm Nhâm Tuất đời Lỗ Ai Công thứ 17 (479 TCN), một hôm Khổng Tử chống gậy đi tản bộ trước nhà, vừa đi vừa hát: “Thái sơn kỳ đồi hồ! Lương mộc kỳ hoại hồ! Triết nhân kỳ nuy hồ! (Núi Thái sơn đổ ư! Cây gỗ tốt hư hoại ư! Triết nhân mòn mỏi ư!)” Học trò của ông là Tử Cống liền đến hỏi thăm, ông nói: “Ta biết mình sắp chết”. Đến ngày Kỷ Sửu, tức là ngày 18 tháng 2 năm Nhâm Tuất (tháng 4 năm 479 TCN) Khổng Tử tạ thế, hưởng thọ 73 tuổi. Trước khi mất Khổng Tử cảm thán “Chim phượng hoàng không bay đến, sông Hoàng Hà không xuất hiện đồ thư, một đời ta thế là hết”. Mộ của ông ở bên bờ sông Tứ Thủy, cực Bắc nước Lỗ, nay gọi là Khổng Lâm, thuộc huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông.
Khổng Tử là nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông. Khổng Tử cùng với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (624 – 544 TCN) và Lão Tử được coi là 3 nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất tới Văn hóa Á Đông.
Trí tuệ và công đức của Khổng Tử được đúc kết trong mỹ tự Vạn thế sư biểu (Bậc thầy của muôn đời sau) (chữ Hán: 萬世師表) hoặc Đại thành chí thánh tiên sư (chữ Hán: 大成至聖先師), hay như có thơ rằng Thiên bất sinh Trọng Ni, vạn cổ như trường dạ (chữ Hán: 「天不生仲尼,萬古如長夜”, tạm dịch: Trời không sinh Trọng Ni, muôn đời như đêm dài).
Tượng Khổng thánh tại Vân Tuyền Tiên Quán, Hồng Kông.
Con cháu Khổng Tử kế thừa truyền thống gia phong, luôn ghi nhớ lời dạy về cội nguồn gia tộc, thế hệ nào cũng ghi chép gia phả để thể hiện niềm tự hào về công lao của tổ tiên. Năm 2005, dòng họ Khổng Tử được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận là gia tộc có bộ gia phả lâu dài nhất trong lịch sử thế giới, với 86 thế hệ con cháu được ghi chép lại đầy đủ, trải dài trên 2.500 năm. Bộ gia phả không chỉ có giá trị to lớn với con cháu Khổng Tử, mà còn là tư liệu quý để tìm hiểu về lịch sử Trung Quốc trong 2.500 năm qua.
Mộ phần của Khổng Tử tại nguyên quán Khúc Phụ. Khổng miếu, mộ Khổng Tử và khu nhà thờ của họ Khổng nay là một di sản thế giới do UNESCO công nhận.