Tư Trị Thông Giám- Cuốn sử biên niên quan trọng hàng đầu của Trung Quốc
Tư Trị Thông Giám (chữ Hán: 資治通鑒) là một bộ sách được viết theo thể biên niên, khái quát một giai đoạn lịch sử trải qua 16 triều đại, kéo dài 1362 năm: từ năm 403 TCN – thời Chiến Quốc; đến năm 959 – hết thời Hậu Chu. Toàn bộ tác phẩm có 294 quyển, với khoảng 3 triệu chữ, ngoài ra còn có 30 quyển mục lục, 30 quyển Khảo dị (khảo sát sự giống và khác nhau).
Tư trị thông giám được đánh giá là cuốn sử biên niên quan trọng hàng đầu của Trung Quốc. Cuốn sách cung cấp những bài học kinh nghiệm cho giai cấp thống trị theo tôn chỉ ban đầu mà cuốn sách đặt ra và thực sự là kiệt tác của sử học Trung Quốc.
Tác giả chính của cuốn sử này là Tư Mã Quang – nhà sử học thời Tống. Ngoài Tư Mã Quang, những người biên soạn còn có Lưu Thứ, Lưu Ban, Phạm Tổ Vũ và con trai Tư Mã Quang là Tư Mã Khang.
Tư Mã Quang viết Tư Trị Thông Giám nhằm mục đích củng cố sự thống trị của triều đình nhà Tống nên nội dung cũng như hình thức mang màu sắc chính trị rõ nét, có thể gọi là sử chính trị. Căn cứ vào đức độ và tài năng của các bậc vua chúa, Tư Mã Quang chia thành năm loại: sáng nghiệp, thủ thành, lăng di, trung hưng và loạn vong. Những vua sáng nghiệp được đề cao như Hán Cao Tổ, Hán Quang Vũ Đế, Tùy Văn Đế, Đường Thái Tông… Những ông vua thủ thành như Hán Văn Đế, Hán Cảnh Đế… Loại vua kém nhất là loại thứ 5: loạn vong như Trần Hậu Chủ, Tùy Dạng Đế…
Tư trị thông giám chú trọng đề cập đến nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội trong tiến trình phát triển của lịch sử.
- Về quân sự, những trận đánh nổi tiếng như trận Xích Bích hay trận Phì Thủy được đề cập không chỉ nội dung mà còn nguyên nhân cũng được nêu chi tiết.
- Về kinh tế, Tư Trị Thông Giám đi sâu ghi chép những chính sách ruộng đất, tô thuế và lao dịch của các triều đại. Đây là những vấn đề ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh như biến pháp của Thương Ưởng thời Chiến Quốc, chính sách trị quốc của Hán Văn Đế, chế độ quân điền của Ngụy Hiếu Văn Đế.
- Về văn hóa tư tưởng và học thuật, Tư Trị Thông Giám đưa ra tổng quan về sự phát triển hưng thịnh của nền học thuật Trung Quốc từ Nho giáo, Đạo giáo, Pháp gia, Hình danh, Âm dương, Tung hoành gia; các học phái nhỏ cũng được thống kê ghi chép.
Không chỉ ghi chép các sự kiện lịch sử, Tư Mã Quang còn đưa ra những bình luận, kiến giải về các sự kiện đó. Có phần do ông ghi lại lời bình chú của người đời trước, có phần do ông tự bình chú.
Những ưu điểm nổi bật của Tư Trị Thông Giám:
- Tập hợp lịch sử trong 1362 năm vào một bộ sách, được viết với văn phong gọn gàng, chặt chẽ và tiếp thu được một số ưu điểm của thể loại “kỷ truyện”. Mỗi khi bắt đầu một sự kiện lớn trong lịch sử, tác phẩm đều nêu rõ nguyên nhân, kết quả, sử dụng nguồn sử liệu thống nhất, không bị phân tán. Điều đó mở ra một kỷ nguyên mới cho thể biên niên sử
- Sách sáng tạo ra phương pháp biên soạn sử mới gồm 3 bước và khảo dị các sự kiện lịch sử, đóng góp to lớn vào việc soạn sách
- Về tư tưởng sử học, Tư Trị Thông Giám phản ánh chủ trương dựa vào sự việc để viết thành sách, không hoa mỹ, bài trừ tư tưởng mê tín, phản đối thuyết ma quỷ thần thánh, tôn sùng sự tiến bộ, khi nói sự kiện thì nói sơ lược thời cổ, nói kỹ về thời đại.
Tư Trị Thông Giám có ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử sử học Trung Quốc. Sự thành công của Tư Mã Quang được sánh ngang với tác phẩm Sử ký Tư Mã Thiên.
Bộ sách là kết quả lao động cật lực của các tác giả sau 19 năm. Để có được công trình này, Tư Mã Quang và các cộng sự đã bỏ ra gần như cả cuộc đời nghiên cứu, khảo chứng. Khi Tư trị thông giám được mang in ấn nhân bản chưa đầy 1 tháng (1086) thì Tư Mã Quang qua đời vì lao lực.
Nhà sử học đời nhà Thanh là Vương Minh Thịnh đã đánh giá đây là một cuốn sách “không thể thiếu được trong trời đất, tất cả các học giả đều không thể không đọc”.
Tư Mã Quang- Nhà sử học “cả đời không làm những việc hổ thẹn với lương tâm”
Tư Mã Quang là nhà sử học nổi tiếng thời Bắc Tống, ngoài là người đã chủ trì biên soạn nên cuốn biên niên sử đồ sộ là “Tư trị thông giám”, ông còn có tác phẩm nổi tiếng là “Tư Mã Văn Chính công tập” v.v.
Tư Mã Quang, tự Quân Thực, là người ở thôn Thúc Thủy, huyện Hạ, Thẩm Châu (nay thuộc tỉnh Sơn Tây), nên người đời gọi ông là Thúc Thuỷ tiên sinh. Ông được phong chức Thái Sư, Văn Quốc Công.
Khi Tư Mã Quang tự nhận xét bản thân mình, ông đã nói rằng: “Ta không có điều gì hơn người khác, chỉ là cả đời ta không làm những việc hổ thẹn với lương tâm”. Người dân ở vùng Thẩm Châu, Lạc Dương đều bị cảm hoá bởi đức hạnh của ông đến nỗi mỗi khi có người phạm sai lầm thì họ sẽ nói: “Tư Mã Quân Thực tiên sinh lẽ nào không biết điều này sao?”
Khi Tư Mã Quang đảm nhiệm chức Thông phán tại Tịnh Châu (Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây ngày nay), người Tây Hạ thường xuyên xâm lấn biên giới, điều đó đã trở thành mối lo ở nơi đây.
Vì vậy Tư Mã Quang đã kiến nghị lên cấp trên của ông là Bành Tịch cho tu sửa hai tòa thành và chiêu mộ người dân trồng trọt, canh tác nhằm ngăn chặn và kiểm soát người Tây Hạ.
Bành Tịch đã nghe lời kiến nghị và phái Quách Ân thi hành việc đó, nhưng bởi vì Quánh Ân phòng ngự không chu toàn cho nên dẫn tới thất bại. Bành Tịch vì chuyện này mà bị cách chức.
Tư Mã Quang ba lần viết thư lên triều đình tự nhận trách nhiệm, xin được từ quan, nhưng đều bị từ chối. Sau khi Bành Tịch qua đời, Tư Mã Quang đã đối xử với vợ của Bành Tịch như mẹ của mình, ông chăm sóc con trai của Bành Tịch như đối với huynh đệ thân thiết. Người thời đó đều cho rằng Tư Mã Quang là một người hiền đức.
Thời Tư Mã Quang còn ở Lạc Dương, Văn Ngạn Bác thường dẫn theo các kỹ nữ đi du xuân. Ngày nào ông cũng mời rủ Tư Mã Quang đi cùng.
Một ngày khi đang du ngoạn tới “Độc Lạc Viên”, trông thấy người trông giữ khu vườn nhìn về phía mình thở dài, Tư Mã Quang hỏi người đó vì sao thở dài, người trông vườn đáp: “Bây giờ là lúc hoa cỏ cây cối sinh trưởng tươi tốt, mỗi lần ngài ra ngoài du ngoạn là mấy chục ngày, không chỉ khiến cho thanh xuân của ngài trôi đi, mà thậm chí đến một dòng sách ngài cũng không đọc. Đáng tiếc rằng ngài đã phóng túng bản thân, lãng phí thời gian cuộc đời vào những thú vui vô bổ!”
Tư Mã Quang nghe xong cảm thấy vô cùng hổ thẹn, ông đã phát thề sẽ không bao giờ ra ngoài du ngoạn nữa. Sau này, mỗi khi có người mời ông ra ngoài du ngoạn, Tư Mã Quang lại dùng lời của người trông vườn để khước từ.
Tư Mã Quang sống một đời giản dị, thanh liêm, ông không màng đến những điều xa hoa. Có người nói, khi vợ ông qua đời, trong nhà ông cũng không có tiền để lo việc tang lễ, vì vậy con trai ông là Tư Mã Khang chủ định mượn tiền để làm việc tang lễ được phô trương một chút, nhưng Tư Mã Quang đã không đồng ý.
Ông dạy bảo con mình rằng lập thân, xử thế quý ở chỗ tiết kiệm, không thể tùy ý mượn tiền người khác. Vì thế Tư Mã Quang đã đem cầm cố một miếng đất của mình và dùng số tiền đó để tổ chức một tang lễ bình thường. Đây chính là câu chuyện: “Điển địa táng thê” (Cầm cố đất để làm tang lễ cho vợ) của Tư Mã Quang.
Tinh hoa của “Tư Trị Thông Giám”
“Tư trị thông giám” là một cuốn sách lịch sử cực kỳ quan trọng do Tư Mã Quang thời Bắc Tống biên tập trong gần hai thập kỷ. Nếu không có thời gian để đọc hết, bạn có thể xem qua 10 điều tinh hoa được chọn lọc từ cuốn chính sử quý giá này.
1. Phu tín giả, nhân quân chi đại bảo dã. Quốc bảo vu dân, dân bảo vu tín; phi tín vô dĩ sử dân, phi dân vô dĩ thủ quốc. Thị cố cổ chi vương giả bất khi tứ hải, phách giả bất khi tứ lân, thiện vi quốc giả bất khi kỳ dân, thiện vi gia giả bất khi kỳ thân. Bất thiện giả phản chi…
Dịch: Chữ tín là pháp bảo chí cao vô thượng của bậc quân vương. Quốc gia là dựa vào dân bảo vệ, dân là dựa vào uy tín bảo vệ, không có uy tín thì không cách nào khiến dân phục tùng, không có dân thì không giữ được đất nước. Vậy nên, những người nối nghiệp vua chúa thời xưa không được lừa dối thiên hạ, những kẻ lập bá nghiệp không lừa dối các nước lân bang, những người giỏi trị nước không lừa dối dân chúng, những người giỏi quản lý gia đình không lừa dối người thân, chỉ có những người ngu xuẩn mới làm ngược lại …
2. Pháp giả thiên hạ chi công khí, duy thiện trì pháp giả, thân sơ như nhất, vô sở bất hành, tắc nhân mạc cảm hữu sở thị nhi phạm chi dã.
Dịch: Pháp luật là thước đo chính xác cho cả thiên hạ đều phải tuân thủ, chỉ những người giỏi sử dụng pháp luật, không phân biệt quan hệ thân sơ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, không trốn tránh, có như vậy mới khiến cho tất cả mọi người không dám dựa vào quyền thế mà vi phạm pháp luật.
3. Quốc tuy đại, hảo chiến tất vong; thiên hạ tuy bình, vong chiến tất nguy. Phu nộ giả nghịch đức dã, binh giả hung khí dã, tranh giả mạt tiết dã. Phu vụ chiến thắng, cùng vũ sự giả, vị hữu bất hối giả dã.
Dịch: Đất nước tuy to lớn nhưng nếu thích chiến tranh thì nhất định diệt vong, thiên hạ tuy thái bình nhưng quên mất chiến tranh thì nhất định có nguy hiểm. Giận dữ là đức tính nổi loạn, vũ khí là vật chẳng tốt lành, tranh đấu là điều nhỏ nhen, vụn vặt. Những người tận lực chiến đấu cho đến khi chiến thắng, những người cực kỳ hiếu chiến, quay đầu lại nhìn sẽ vô cùng hối hận.
4. Quân tử lập thiên hạ chi chính vị, hành thiên hạ chi chính đạo, đắc chí tắc dữ dân do chi, bất đắc chí tắc độc hành kỳ đạo, phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thị chi vị đại trượng phu.
Dịch: Người quân tử lập chỗ đứng trong thiên hạ, dẫn dắt thiên hạ theo chính đạo, có chí thì dẫn dắt dân chúng, không có chí thì tự mình hành theo đạo, giàu sang không làm lay động tâm, nghèo đói không làm thay đổi lòng, không khuất phục trước quyền lực, thì đó chính là đại trượng phu.
5. Hành nhất bất nghĩa, sát nhất vô tội, nhi đắc thiên hạ, nhân giả bất vi dã.
Dịch: Cho dù chỉ cần làm một điều xấu, giết một người vô tội là có thể giành được thiên hạ, nhưng một người nhân từ sẽ không làm như vậy.
6. Hiền nhi đa tài, tắc tổn kỳ chí; ngu nhi đa tài, tắc ích kỳ quá. Thả phu phú giả chúng chi oán dã, ngô ký vô dĩ giáo hóa tử tôn, bất dục ích kỳ quá nhi sinh oán.
Dịch: Người có tài đức nếu có quá nhiều tài sản sẽ làm họ hao mòn chí khí, còn kẻ ngu si, nếu của cải quá nhiều sẽ làm tăng thêm lỗi lầm. Vả lại người giàu có thường trở thành mục tiêu của sự oán hận, vì ta không có tài dạy dỗ con cháu, nên ta không muốn tăng thêm lỗi lầm cho chúng và sinh ra oán hận.
7. Tri quá phi nan, cải quá vi nan; ngôn thiện phi nan, hành thiện vi nan.
Dịch: Biết lỗi sai của mình thì không khó nhưng sửa sai thì mới khó, nói điều thiện thì không khó, làm việc thiện mới là khó.
8. Nhâm nhân đương tài, vi chính đại thể, dữ chi cộng lý, vô xuất thử đồ. Nhi chi dụng tài, phi vô tri nhân chi giám, kỳ sở dĩ thất nịch, tại duyên tình chi cử.
Dịch: Trọng dụng người có tài có trí thực sự là nguyên tắc cơ bản để điều hành một quốc gia, cùng những người có trí tuệ đồng tâm hiệp lực để giải quyết công việc chính trị cũng không ngoại lệ, nhưng xưa nay khi bổ nhiệm nhân tài, không phải những người nắm quyền không có cái nhìn phân biệt được hiền tài, sở dĩ có nhiều tật xấu là do quá coi trọng tình cảm.
9. Vô thư mục tiền chi ngu, hoặc hưng ý ngoại chi biến. Nhân giả, bang chi bản dã. Tài giả, nhân chi tâm dã. Kỳ tâm thương tắc kỳ bản thương, kỳ bản thương tắc chi kiền điên tụy hĩ.
Dịch: Nếu những lo lắng trước mắt không được giải tỏa, nó có thể gây ra những biến cố ngoài ý muốn. Dân là gốc của quốc gia, tài lực là nòng cốt của dân chúng. Nếu nòng cốt bị tổn hại, thì cái gốc cũng sẽ bị tổn hại, gốc bị tổn hại thì các cành cũng đều bị hủy hoại.
10. Chính nữ bất tòng nhị phu, trung thần bất sự nhị quân. Vi nữ bất chính, tuy phục hoa sắc chi mỹ, chức nhâm chi xảo, bất túc hiền hĩ; vi thần bất trung, tuy phục tài trí chi đa, trì hành chi ưu, bất túc quý hĩ. Hà tắc? Đại tiết dĩ khuy cố dã.
Dịch: Phụ nữ chuyên chính sẽ không theo hai đời chồng, một bề tôi trung thành sẽ không phục vụ hai vị quân chủ. Làm phụ nữ không chuyên chính thì dù có nhan sắc như hoa, như ngọc, khéo dệt gấm thêu hoa thì cũng không thể gọi là đức hạnh; làm bề tôi không trung thành cho dù có tài giỏi hơn người, đa mưu túc trí, công lao lẫy lừng đến đâu cũng không đáng được trọng dụng. Vì sao vậy? Bởi vì đã thiếu mất đi khí tiết.
Nguồn:
Wikipedia: Tư trị thông giám
Ntdvn.net: Người có học nhất định phải đọc Tư Trị Thông Giám; bằng không, nhất định phải đọc tám câu này
Tinhhoa.in: Tinh hoa của “Tư Trị Thông Giám”
Trithucvn.org: Trí tuệ cổ nhân: Thành sự tại cần, mưu sự kị lười
Chanhkien.org: Câu chuyện lịch sử: Giai thoại về Tư Mã Quang