Hoa sen trong giếng ngọc
Trong lịch sử khó tìm được một vị quốc sĩ nào như ông, không những nổi danh ở đất Việt mà còn “mang chuông đi đánh xứ người” khiến cho ngoại bang phải nể phục. Cuộc đời ông giống như một hành trình phiêu lưu kỳ thú. Chúng ta đang nói đến lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.
PHẦN 1: ANH HÙNG KHÔNG CÂU NỆ XUẤT THÂN
Hoa sen trong giếng ngọc
Mạc Đĩnh Chi (1280 – 1346), tên tự là Tiết Phu, hiệu là Tích Am, là một quan đại thần triều Trần, lưỡng quốc Trạng nguyên. Tương truyền Mạc Đĩnh Chi mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo, hai mẹ con phải đi vào rừng sâu hái củi để kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên sự nghèo khó ấy càng mài dũa cho ý chí tự lập của Mạc Đĩnh Chi. Ông luôn nung nấu quyết tâm học hành thành tài để thay đổi vận mệnh, giúp sức cho đời.
Gia cảnh tuy nghèo khó nhưng mẹ ông vẫn nhịn ăn nhịn mặc, chu cấp cho Đĩnh Chi ăn học đến nơi đến chốn. Cảm động tấm lòng của mẹ nên Mạc Đĩnh Chi rất ham học, không lúc nào ngơi đọc sách, nghiền ngẫm nghĩa sách, kể cả lúc gánh củi đi bán. Không có sách học, thì mượn thầy mượn bạn, Mạc Đĩnh Chi cố tìm học sách thánh hiền.
Không có tiền mua nến, để đọc sách Mạc Đĩnh Chi đốt củi, hết củi thì lấy lá rừng đốt lên mà học. Hoàn cảnh thật vô cùng gian khổ nhưng ông không hề nản chí. Do có nghị lực phi thường, cộng với bản tính thông minh trác việt, chẳng bao lâu Mạc Đĩnh Chi đã nổi tiếng là thần đồng Nho học xứ Đông (tức Hải Dương ngày nay).
Trời cũng chiều lòng người, nhất là người thành tâm hướng thiện và nhẫn chịu khó khăn không lời oán thán. Cuối cùng cơ hội cũng đến với ông.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: “Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng, thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu, v.v… gồm 20 người, đều được dùng cho đời“.
Sau nhiều năm cố công học tập gian khổ, Mạc Đĩnh Chi đã đỗ đạt cao nhất, không phụ lòng kỳ vọng của mẹ.
“Giáp Thìn, [Hưng Long] năm thứ 12 [1304], (Nguyên Đại Đức năm thứ 8).
Tháng 3, thi kẻ sĩ trong nước. Ban cho trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi chức Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm nội thư gia; bảng nhãn Bùi Mộ chức chi hậu bạ thư mạo sam, sung làm nội lệnh thư gia; thám hoa lang Trương Phóng chức Hiệu thư quyền miện, sung làm nhị tư; Nguyễn Trung Ngạn đỗ hoàng giáp; tất cả 44 người đỗ thái học sinh”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Khi mới nhìn thấy dung mạo ông, nhà vua chê xấu. Mạc Đĩnh Chi bèn làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Sen trong giếng ngọc) để tự ví mình với sen. Trong bài phú có đoạn:
Há rằng trống rỗng bất tài
Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay
Nếu ta giữ mực thẳng ngay
Mưa sa gió táp xem nay cũng thường
Vua Trần Anh Tông xem, khen hay, bèn thăng ông làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội thư gia.
Làm quan thanh liêm, đạo đức sáng ngời
Sống một cuộc đời nghèo khó từ nhỏ, sau khi đỗ đạt hiển hách, làm đại quan triều đình, rất nhiều người sẽ bị danh lợi cám dỗ mà bán rẻ lương tâm, tham ô của công, không việc xấu nào không làm. Nhưng Mạc Đĩnh Chi là một trường hợp hoàn toàn khác. Ông chính thực là người đạo đức cao thượng, luôn sống rất trong sạch, một lòng nghĩ cho dân cho nước. Dù thế ông vẫn bị nhà vua thử thách, và câu chuyện này đã trở thành giai thoại về tấm gương thanh liêm của ông.
“Dù nghe tiếng ông liêm khiết đã lâu, vua Trần Minh Tông vẫn muốn thử thách. Nhà vua sai thị vệ bỏ trước cửa nhà Mạc Đĩnh Chi 10 quan tiền. Sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy tiền để trước cửa, ông lập tức vào triều tâu lên vua.
Tâu bệ hạ, sáng sớm nay, thần bắt được 10 quan tiền ở trước cửa nhà, hỏi khắp cả nhà không ai nhận, nay thần xin trao lại để bệ hạ trả cho người đã mất!
Vua Trần Minh Tông mỉm cười và nói:
Tiền ấy không ai nhận, cho khanh giữ lấy mà dùng.
Thưa bệ hạ, tiền này không ít, người mất của chắc xót xa lắm nên tìm người trả lại thì hơn.
Khanh yên tâm, cứ giữ lấy mà dùng, tiền ấy để thưởng cho lòng chính trực, liêm khiết của khanh đấy.
Bấy giờ, Mạc Đĩnh Chi mới vỡ lẽ là nhà vua thử lòng ông. Nhận tiền xong, ông chào tạ ơn nhà vua rồi ra về.”
(Các ông trạng Việt Nam-Vũ Ngọc Khánh)
PHẦN 2: ĐI SỨ TRUNG HOA- UY CHẤN TRUNG NGOẠI
Do là Trạng nguyên tài học cao nhất nước nên Mạc Đĩnh Chi được cử đi sứ nhà Nguyên. Lúc này hai nước chỉ vừa trải qua hơn 20 năm hòa bình sau một cuộc chiến khốc liệt nên quan hệ khá căng thẳng. Trạng nguyên vào thời kỳ này phải có tài học tuyệt đỉnh của Nho gia cũng như lòng dũng cảm phi thường của một võ tướng thì mới đảm đương được. Qua hàng loạt thử thách cân não về bản lãnh và cả dũng khí, ông đã được vua Nguyên phong làm Lưỡng Quốc Trạng nguyên. Chúng ta hãy cùng ôn lại những gì Mạc Đĩnh Chi đã trải qua những thử thách nơi xứ người để dành vinh quang cuối cùng cho bản thân và đất nước ra sao nhé.
Thử thách đầu tiên nơi quan ải
Năm 1308, Mạc Đĩnh Chi nhận chiếu chỉ của vua Anh Tông đi sứ nhà Nguyên. Dạo ấy vào đầu mùa Hạ, tuy trời ít mưa, nhưng đã mưa thì như đổ nước từ trên trời xuống. Đường sá, đồng ruộng, nước trắng băng một màu, việc đi lại gặp trở ngại lớn. Vì vậy đoàn sứ bộ đến quan ải chậm mất hai ngày. Quan coi ải một mực không cho qua. Mạc Đĩnh Chi giận lắm, toan quay trở về nhưng nghĩ đến mệnh vua mà mình gánh vác chưa trọn nên nán lại xin đi.
Ngẫm nghĩ hồi lâu , viên quan coi ải nói :
– Nghe nói ngài là người có tài văn chương, tài ấy sao không sử dụng lúc này? Bây giờ tôi ra một vế câu đối, nếu đối thông suốt, sẽ mở cửa ải, bằng không xin mời ngài quay lại .
Yên lặng giây lát, viên quan nọ hí hửng ra đối :
– Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.
(Đến cửa ải chậm, người coi cửa đóng cửa không cho khách qua)
Không cần suy nghĩ lâu, Mạc Đĩnh Chi đối ngay :
– Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.
(Ra đối thì dễ, đối lại thì khó, mời tiên sinh đối trước).
Quan coi ải vái ông hai vái, tỏ ý phục tài, rồi mở cửa cho đi.
(Các ông trạng Việt Nam-Vũ Ngọc Khánh)
Cuộc chiến chữ nghĩa nơi triều đình Nguyên Mông
Tuy xưng là Thiên triều Trung Hoa, quốc hiệu Đại Nguyên, nhưng các hoàng đế Nguyên triều với nguồn gốc du mục Mông Cổ, vốn được xem là Di địch trong văn hóa Hoa hạ, nên vẫn không thể bắt các sứ thần hoàn toàn tâm phục khẩu phục, đặc biệt là Đại Việt, nơi vốn đã tự coi mình là truyền nhân chính thống duy nhất của văn minh Hoa hạ sau khi nhà Tống mất. Vì trong quan niệm của một triều đại theo khuôn mẫu Nho gia như Đại Việt thì thần phục Di Địch như Mông Cổ, kể cả có là Thiên triều cũng là một điều vô cùng sỉ nhục.
Bản sắc tinh túy nhất của văn minh Hoa hạ thể hiện ra ở chữ Hán và nghệ thuật sử dụng điển cố ngôn từ, câu đối. Nên cuộc chiến văn tự giữa Đại Việt và triều đình Nguyên Mông tuy không gươm đao nhưng khốc liệt không kém chiến trường thật là bao nhiêu, May thay, Mạc Đĩnh Chi với công học tập khắc khổ từ nhỏ, đã tỏ ra là một Nho tướng số 1 thời đó trên lãnh vực này. Dưới đây là nhưng giai thoại còn lưu truyền về cuộc chiến này.Trong chính sử không ghi lại nhiều câu chuyện về chữ nghĩa này, tuy nhiên huyền sử và giai thoại dân gian còn lưu truyền khá nhiều. xin ghi ra đây vài mẩu chuyện thú vị.
Giúp thánh triều trừ bỏ đạo tiểu nhân
“Đĩnh Chi người thấp bé, người Nguyên khinh ông. Một hôm viên tể tướng mời ông vào phủ cho cùng ngồi. Lúc ấy, đương hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ ngỡ con chim sẻ thực, vội chạy đến bắt. Người Nguyên cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu. Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi tại sao. Đĩnh Chi trả lời:
“Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẽ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân”. Mọi người đều phục tài của ông.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
“Lại một lần, mấy viên quan nhà Nguyên cho đào một hố sâu, đan phênh đậy lên, rồi lấp một lần đất mỏng. Hôm sau họ cùng đến mời MDC đi thăm cảnh. Mạc nhận lời ngay, khi đến bờ sông, họ nhường cho ông lên cầu sang sông trước . Nhưng vừa toan cất ngựa lên cầu thì sụp ngay xuống hố sâu. Mấy viên quan nọ cười nói :
Chúng tôi ra cho một vế câu đối, nếu ông đối được thì sẽ kéo lên.
Mạc Đĩnh Chi gắt : – Thì các ông cứ ra đối chứ sao !
Một người bèn đọc :
Can mộc, hoành cừ, lục giả tương như tư đạo
(Tạm dịch: gỗ thẳng , cẳng ngang, đường đi ngỡ là đất phẳng ).
Câu này là câu đối khó vì toàn là tên người ghép lại : Can Mộc, Hoành Cừ, Lục Giả, Tương Như, Tư Đạo, đều là những nhân vật nổi tiếng xưa nay của Trung Quốc.
Mạc Đĩnh Chi ở dưới hố, nhân trước khi ngã, có trông sang bên kia sông, thấy một cái đình tựa ở chân núi đối lại :
Đại đình, an thạch , vọng chi nghiễm nhược thái sơn
(Tạm dịch: Đình to, đá vững, nhác trông ngỡ Thái Sơn ) .
Câu này cũng toàn tên người ghép lại và cũng là những người nổi tiếng xưa nay: Đại Đình, An Thạch, Vọng Chi, Nghiễm Nhược, Thái Sơn.
Mấy viên quan nọ phục tài ứng biến mau lẹ của họ Mạc, bèn xúm nhau đỡ ông lên khỏi hố.”
(Các ông trạng Việt Nam-Vũ Ngọc Khánh)
Lời bàn:
Thiên triều ắt phải là nơi của những bậc chính nhân quân tử cầm quyền để tạo phúc cho muôn dân, tài đức đủ để chư hầu nể phục. Ấy vậy mà cái “Thiên triều” gốc Du mục này lại lấy ngoại hình làm thước đo cho cách đối xử, không nhìn ra anh tài trong thiên hạ, thì có khác gì lũ tiểu nhân giả danh chính trực đâu. Giúp “thánh triều” trừ “tiểu nhân” chẳng hóa ra chỉ có Mạc Đĩnh Chi là quân tử trong cái tể tướng phủ đó hay sao, quả là thâm thúy. Thật đúng là “thiên triều” gốc Mông cổ thì trình độ văn minh cũng chỉ đến thế mà thôi.
Nước nào là nước lớn, có văn minh thì là nước lớn vậy
Bữa nọ, trong lúc chờ thiết triều, Quan Thái sư ra vế đối:
“Nghìn dặm giống nhau, giống nước, giống núi, giống mặt trời và trăng.”
(“Thiên lý vi trùng, trùng thủy trùng sơn trùng nhật nguyệt.”)
Hàm ý câu này là nước Việt cách Trung Quốc nghìn dặm mà núi sông đều giống như Trung Quốc, cùng chung mặt trời mặt trăng, nghĩa là chung một bầu trời. Mà Thiên tử lại là con Trời cai trị hết mọi thứ trong thiên hạ, còn có ý là văn hóa của Việt cũng là học từ Trung Quốc. Ông ta hẳn muốn ngầm khẳng định rằng nước Việt nhỏ bé cũng chỉ là một phần của Trung Quốc, phải để cho Thiên tử Trung Quốc cai trị. Vế ra vô cùng hiểm hóc và tinh tế khó đối cho chỉnh, nhất là đối về ý tứ sâu xa kia.
Nhưng sứ thần Mạc Đĩnh Chi không hổ danh là đệ nhất anh tài nước Nam, ông đã ung dung đối lại như sau:
“Một người thành lớn, vua lớn, nước lớn, trời đất lớn.”
(“Nhất nhân thành đại, đại quân đại quốc đại càn khôn.”)
Cái hay của câu “Đại quân đại quốc đại càn khôn” là: không những đối chữ mà còn đối lại về hàm ý. Vì sao nước Việt nhỏ mà lại dùng “đại quân đại quốc”? Có phải là quá khoa trương hay không? Không những không nói quá mà là nói rất đúng, vì thời điểm đó Đại Việt tuy là nước nhỏ nhưng lại kế thừa văn hóa Nho học chính thống, là nước duy nhất có nền văn minh đủ lớn để đại diện cho Hoa Hạ thay cho nhà Tống (lúc này nhà Tống đã bị nhà Nguyên diệt mấy chục năm). Những bậc tài danh Nho giáo, binh pháp cho đến Tam giáo cửu lưu đều chạy nạn Mông Cổ mà sang Việt Nam, lẽ dĩ nhiên đem theo cả những thứ tinh hoa nhất mà lưu giữ tại đây. Khi đó thì nước Cao Ly thua trận, Nhật Bản lúc này chưa đủ mạnh và ở tận ngoài biển, không thuộc lục địa. Nên chỉ còn nhà Trần là đối thủ duy nhất, mạnh nhất và chính diện ba lần đánh bại nhà Nguyên một cách oanh liệt. Do đó nước Việt tuy nhỏ mà lại là “đại quốc” (đánh bại nước lớn) chứa “đại càn khôn” (văn hóa lớn), nước Nguyên tuy lớn nhưng thực chất lại là “nhỏ” vì không kế thừa tinh hoa Hoa Hạ chính thống, gốc lại là người du mục vốn hay bị người Hán coi thường do quan niệm Hoa Di từ xa xưa.
Thấy vậy, một viên quan Thái úy (quan võ) liền ra một vế đối dọa nạt:
“Trong biển chứa nước, trời xanh bao bọc cả mặt trời mặt trăng và các vì sao.”
(“Hải trung hàm thủy, thanh thiên bao nhật nguyệt tinh thần.”)
Ý của viên quan này nói thế nước Trung Quốc lớn rộng như biển thâu hết nước mọi nơi. Cũng lại giống như bầu trời giữ mặt trời, mặt trăng và các vì sao. So sánh ra thì thấy nước Việt quá nhỏ bé. Mạc Đĩnh Chi đối lại như sau:
“Trên trời chia hướng, chỉ đất bao gồm cả đông tây nam bắc.”
(“Thiên thượng phân kim, chỉ địa quát đông tây nam bắc.”)
Người xưa đo đất thường dùng La bàn phong thủy có phân kim để định hướng. Trên trời nhìn xuống thì đất ở đâu cũng to như nhau bất kể Đông Tây Nam Bắc. Hay nói cách khác, Trung Quốc không thể cho mình là lớn mà cậy thế ăn hiếp nước nhỏ được.
Bắn rụng Mặt trời ngay giữa sân Thiên triều
Đến khi thiết triều, vua Nguyên thấy sứ An Nam thấp lùn xấu xí liền ra vế đối:
“Lị, mị, võng, lượng bốn con quỷ nhỏ.”
(“Lị mị võng lượng tứ tiểu quỷ.”)
Thiên tử nhà Nguyên có ý chê Mạc Đĩnh Chi hình dung xấu như quỷ, hơn nữa lại chơi chữ: bốn chữ “Lị” (魑), “Mị” (魅), “Võng” (魍), “Lượng” (魎) đều có chữ “Quỷ” (鬼) ở bên phải.
Mạc Đĩnh Chi đối lại:
“Cầm, sắt, tỳ bà tám vua lớn.”
(“Cầm sắt tỳ bà bát đại vương.”)
Các chữ “Cầm” (琴), “Sắt” (瑟), “Tỳ bà” (琵 琶) đều có tám chữ “Vương” (王) đặt ở trên tên các loại đàn. Ý ông ngầm nói mình học nhạc của Thánh hiền là Cầm, Sắt, Tỳ bà, và có phong độ vương giả, chứ không như ông Thiên tử kia toàn là học theo ma quỷ bốn loài.
Vua Nguyên tức giận nhưng vì Mạc Đĩnh Chi đối quá chuẩn, nên không thể làm gì ông. Thế là vua Nguyên bèn ra tiếp một câu đối đầy khí thế dọa nạt của Thiên triều để chèn ép Mạc Đĩnh Chi:
“Nhật hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố”.
Nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy vầng trăng. Hàm ý là đại quốc đủ sức đốt cháy nước nhỏ.
Mạc Đĩnh Chi đã đối lại:
“Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô”.
Nghĩa là: Trăng là cung, sao là đạn, chiều tới bắn rụng Mặt trời.
Lời đối khiến vua Nguyên rất bất ngờ, bàng hoàng nhưng phải thừa nhận là đối rất chuẩn, rất hay, lại có chí khí anh hùng. Từ đó vua quan nhà Nguyên mới nhìn vị sứ giả thấp bé, xấu xí này bằng một con mắt khác, không còn có ý coi thường nữa. Vì dẫu rằng họ rất muốn dùng uy thế đè bẹp sứ thần Đại Việt nhưng lại không làm được gì cả. Nếu vẫn còn muốn ăn hiếp Đại Việt bằng quân sự thì sẽ ra sao? Tấm gương của ba lần xâm lược trước đó còn sờ sờ. Thế nên chả trách sao mà đường đường là thiên tử Nguyên triều cũng không dám làm hại đến một viên sứ giả nhỏ bé như Mạc Đĩnh Chi.
Lòng nhân nghĩa và trung hiếu không hề mâu thuẫn
Đến khi chuẩn bị từ tạ vua nhà Nguyên để về nước, người Trung Hoa vẫn chưa buông tha cho ông. Họ lại muốn thử tài sứ giả lần nữa, bèn ra một câu đố vô cùng hóc hiểm:
“Có một chiếc thuyền, trên đó chở vua, thầy học và cha mình (quân, sư, phụ). Đến giữa dòng chẳng may gặp sóng lớn, thuyền đắm. Khi ấy ngươi ở trên bờ ra cứu nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi. Vậy ngươi cứu ai?“.
Vua, thầy và cha đều là những bậc tôn kính, thực sự tình huống rất khó xử. Mà nếu trả lời sai, ông còn có thể phạm tội khi quân phạm thượng và có thể bị xử trảm, một câu hỏi gài bẫy đầy tinh vi vì đây chính là điểm mâu thuẫn giữa hai chữ Trung Hiếu, để lý giải điều này đòi hỏi trình độ Nho học và ngộ tính cao chứ không phải tầm chương trích cú là được.. Nhưng họ đã quên rằng, Mạc Đĩnh Chi là bậc túc nho chính tông và ngộ tính cao bậc nhất đương thời , loại luận giải này không hề làm khó được ông:
“Thần đứng trên bờ, thấy thuyền bị đắm, tất phải vội vã nhảy xuống sông cứu. Hễ thần gặp ai trước thì thần cứu người ấy trước, bất kể đó là vua, thầy học hay cha mình“. Câu trả lời rất hợp tình hợp lý nên Mạc Đĩnh Chi không bị làm khó nữa, được đồng ý cho ra về.
Hậu duệ của Trạng Nguyên đa tài ở xứ Cao Ly
Trong số các sứ thần cùng sang nhà Nguyên thì sứ thần Cao Ly và Việt Nam là có quan hệ với nhau thân thiết hơn cả. Cũng vì một số danh tướng nhà Lý đã tỵ nạn và phục vụ đắc lực cho Cao Ly (như Lý Nghĩa Mẫn và Hoàng tử Lý Long Tường) nên hai nước quan hệ rất hữu hảo.
Chuyện kể rằng một bữa, nhân có người dâng quạt lên, vua Nguyên đã yêu cầu sứ thần Đại Việt và sứ thần Cao Ly đề thơ. Bài thơ của Mạc Đĩnh Chi làm xong trước, ý sắc nét. Vua Nguyên xem xong, cứ gật gù khen ngợi. Vua Nguyên cảm phục tài và đức của Mạc Đĩnh Chi, rồi đích thân phong Mạc Đĩnh Chi là Lưỡng quốc Trạng nguyên (Trạng nguyên hai nước).
“Đến khi vào chầu, gặp lúc nước ngoài dâng quạt, vua Nguyên sai làm bài minh. Đĩnh Chi cầm bút viết xong ngay, lời bài minh như sau:
Lưu kim thước thạch, thiên vị địa lô, nhĩ ư tư thì hề, Y Chu cự nho.
Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thì hề, Di Tề ngã phu.
Y! dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ, hữu như thị phù.
(Chảy vàng tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y Chu đại nho.
Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo.
Ôi, được dùng thì làm, bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là thế ru!).
Người Nguyên lại càng thán phục.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Bài đối đáp của Mạc Đĩnh Chi đã khiến cho Trạng nguyên nước bạn phải nể phục. Sau buổi thi tài, hai người đã kết giao và trở thành tri kỷ. Trạng nguyên Cao Ly có lời mời Mạc Đĩnh Chi đến thăm nước mình. Mạc Đĩnh Chi vui vẻ nhận lời và đã ở lại Cao Ly 4 tháng.
Cũng trong thời gian này, Trạng nguyên nước Cao Ly đã mai mối cháu gái làm thiếp cho Đĩnh Chi. Sau đó, Mạc Đĩnh Chi dẫn theo người thiếp về đến Trung Quốc, ở sứ mấy năm thì người vợ Cao Ly sinh con. Khoảng chục năm sau đó, Mạc Đĩnh Chi lại đến Cao Ly lần nữa. Ông đã đi chu du khắp nơi, đến đâu cũng được ngưỡng mộ và kính trọng. Lúc đó, người thiếp Cao Ly tiếp tục mang thai, sinh một bé trai.
Khi ông về nước, người thiếp này đã ở lại Cao Ly, tần tảo nuôi nấng các con khôn lớn rồi dựng vợ, gả chồng. Bà thường ở với người con trai út. Cuối đời bà từ biệt con cháu, đi vào chùa ở, hưởng thọ 93 tuổi. Con cháu của Mạc Đĩnh Chi ở Cao Ly cũng rất tài giỏi và đỗ đạt cao.
Theo như lời kể của hậu duệ đời thứ 20 của họ Mạc ở Cao Ly, người con trai của Mạc Đĩnh Chi làm quan võ, sinh được 12 người con gồm 8 trai, 4 gái. Ngành trưởng phần đông đều là thương nhân giàu có. Ngành thứ, sau này sinh ra nhiều nhân tài có những đóng góp nhất định cho lịch sử văn hóa Cao Ly. Sau này, họ phát hiện ra rằng nguồn gốc của họ ở nước Việt. Vậy suốt nhiều thế kỷ sau, con cháu dòng họ Mạc ở Cao Ly vẫn thường xuyên tìm về cội nguồn.
Lời kết
Trung Hoa và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng Nho gia và rất coi trọng chuyện “Chính thống”. Nhà Nguyên chiếm Trung Hoa trên lưng ngựa, tự xưng là Thiên triều. Nhưng bản thân họ lại không hiểu văn hóa truyền thống Trung Hoa vốn dĩ đề cao đạo đức, văn trị hơn là dùng võ lực. Người Nguyên ỷ vào vũ lực và thể hình nên khinh khi Trạng nguyên Việt Nam vốn thấp bé. Thế nhưng Mạc Đĩnh Chi với tài trí, lực học hơn người đã chứng minh cho họ thấy là bề dày văn hóa của người Nguyên so với Đại Việt vẫn còn nông lắm.
Văn hóa Trung Hoa mà triều Nguyên đang sở hữu chỉ là cái vỏ ngoài nông cạn vì phần tinh hoa đã bị họ đốt giết đi hết cả. Sau khi thấy vũ lực không dùng được, họ mới quay sang cổ súy cho Nho học. Nên ở thời điểm đó, chỉ có Đại Việt mới thực là nơi tồn trữ những gì tinh hoa và nguyên bản nhất của Nho học.
Giữa đế Quốc Nguyên Mông hùng mạnh, ngay sân chầu Thiên tử và ở giữa Tướng phủ mà một nhà nho nhỏ bé dám xé trướng và đòi “bắn rụng Mặt trời” há có phải chuyện tầm thường? Cái uy thế, sức mạnh vô địch của Đại Nguyên kia rồi thì cũng sẽ đi xuống và bị bắn hạ, chỉ có đạo đức Thánh hiền và những gì chân chính mới tồn tại và được ca tụng ngàn đời.
Cái dũng của ông nào phải của kẻ thất phu mà chính là của một nhà nho chân chính. Một người đạo đức cao như vậy, chân chính vậy nên cũng không lạ khi con cháu ông nhiều đời sau vẫn vinh hoa phú quý và đóng góp to lớn cho xã hội vậy.
Tác giả: MINH BẢO