VỊ TRẠNG NGUYÊN ĐẦU TIÊN CỦA NHÀ TRẦN
Trương Hanh (chữ Hán: 張亨; 1200-năm mất không rõ) là vị Trạng nguyên đầu tiên của nhà Trần.
“Nhâm Thìn, [Kiến Trung] năm thứ 8 [1232], tháng 2, thi Thái học sinh. Đỗ đệ nhất giáp là Trương Hanh, Lưu Diễm; đệ nhị giáp là Đặng Diễn, Trịnh Phẫu; đệ tam giáp là Trần Chu Phổ”. (Đại Việt sử ký toàn thư)
Ông là người làng Mạnh Tân (Yên Tân), huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, Hải Dương(xã Gia Lương, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay). Làm quan đến chức Thị lang, Hàn lâm học sĩ.
Vùng đất Trạng nổi danh thời Trần
Trương Hanh sinh ra ở làng Yên Tân , trên một vùng đất xưa gọi là phủ Hạ Hồng, tỉnh Hải Dương ngày nay. Làng ông là một ngôi làng thuần nông với những người dân nghèo chất phác, vốn không phải là cái nôi học hành nổi tiếng gì hết. Tuy nhiên, có lẽ đây là một vùng đất phong thủy tốt, nên kể từ khi Trương Hanh thi đỗ Trạng nguyên, sau đó vùng đất này lại tiếp tục sản sinh ra nhiều người đỗ đạt cao. Đáng kể nhất trong đó có Trạng nguyên Trần Quốc Lặc, Kinh Trạng nguyên Trần Cố. Điều này khiến cho vùng đất Hạ Hồng cùng với Thượng Hồng trở thành hai vùng “đất Trạng”, phát triển cùng với sự hưng thịnh của Nho học trong thời nhà Trần. Sau khi đỗ đạt làm quan, Trương Hanh luôn quan tâm phát triển phong trào học tập ở quê nhà, góp phần làm cho quê ông trở thành một trong những nơi hiếu học nhất cả nước.
Nhà nghèo hiếu học, may gặp minh sư
Trương Hanh sinh ra lúc giao thời, lớn lên trong thời điểm chuyển giao quyền lực giữa hai triều đại là Lý và Trần. Triều Lý huy hoàng tồn tại hơn 200 năm vốn đã xây dựng nên một nền khoa cử Nho học khá hoàn thiện, tuy nhiên cơ hội thành công vẫn không phải dành cho tất cả mọi người. Vào thời đó, việc học hành không phải ai cũng có cơ hội học hành thành tài để ra làm quan, nhất là con em các gia đình nông dân nghèo. Trương Hanh vốn chính là con em trong nhà làm nông rất nghèo ở vùng đất nông thôn Hạ Hồng. Có thể nói cơ hội được đi học đối với ông quả là một giấc mơ khó đạt được.
Tuy nhiên trời không phụ người có lòng và có chí, lúc giao thời hai triều đại sẽ có nhiều đại quan và các bậc trí giả chán ngán thời cuộc nên cáo quan về quê ở ẩn dạy học, một trong số đó là đại quan về hình luật nổi danh đương thời, Lê Vi Nhân. Sau khi từ quan, vị đại nho này về quê nhận học trò dạy Nho học. Tuy nhiên, điều đặc biệt là ông chỉ nhận học trò nghèo mà thôi, mỗi làng chỉ một người, vì ông không muốn học trò ông sau này lên kinh ra làm quan cho nhà Trần. Điều này đã khiến cho Trương Hanh may mắn được Lê Vi Nhân nhận làm đệ tử, với tư chất thông minh, siêng năng và ham học nên không lâu sau Trương Hanh đã được sư phụ ưu ái dạy bảo riêng, nhất là dạy về luật pháp triều đình. Sau này Trương Hanh đỗ đạt, Làm quan đến chức Thị lang, Hàn lâm học sĩ.
Họ Trương, một dòng họ danh giá hiển đạt cả văn lẫn võ
Ngoài các dòng họ nổi tiếng như Đinh Lê Lý Trần Hồ Nguyễn thì nước ta còn nhiều dòng họ khác cũng đóng góp khá nhiều danh tài cho quốc gia, nổi bật nhất có thể kể đến là dòng họ Trương, gồm rất nhiều danh nhân cả văn lẫn võ ở cả 3 miền trong suốt nghìn năm lịch sử nước ta, có thể kể đến như:
Thời Trần:
Trương Hán Siêu (năm sinh không rõ – 1354) tên chữ Hán: 張漢超, tự là Thăng Phủ, hiệu Đôn Tẩu. Ông là đại quan, danh thần trải 4 đời vua nhà Trần, từng giữ các chức: Hàn lâm học sĩ, Hành khiển, Hữu ty lang trung, Tả ty lang trung, Thượng thư. Ông được các vua Trần tôn trọng làm Thầy, vừa là nhà thơ, tác gia và tác giả bài Bạch Đằng Giang Phú nổi tiếng.
Trương Xán (1227-năm mất không rõ). Ông là Trạng nguyên thời Trần, trạng nguyên thứ ba của nước ta, người Quảng Bình. Làm quan đến chức Hàn Lâm học sĩ, được một số làng chài thờ như một vị Phúc thần chuyên cứu giúp những người đi biển.
Thời Bắc thuộc
- Trương Hống và Trương Hát, hai anh em là Tướng tài của Triệu Việt Vương.
- Trương Nữu là tướng quân, chức Đại tư mã của Phùng Hưng.
Thời Đinh
- Trương Ma Ni, võ sư, tướng quân, sau làm chức Tăng lục võ sư thời Đinh.
- Trương Công Giai (1665-1728) Thượng thư bộ Hình thời Hậu Lê.
- Trương Chiến công thần khai quốc, tước Đinh Thiện Hầu thời nhà Lê.
Thời Tây Sơn, Nguyễn
- Trương Công Hy (1727-1800) quan đại thần, chức Binh bộ Thượng thư, tước Thùy Ân hầu thời Tây Sơn.
- Trương Đăng Quế (1793-1865) danh thần nhà Nguyễn thờ 4 triều vua. Ông là nhà thơ, nhà sử học, là thầy học của vua Thiệu Trị và một số quý tộc nổi tiếng khác, trong đó có Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương.
- Trương Quốc Dụng (1797-1864) danh thần, là nhà văn, và là người có công chấn hưng lịch pháp Việt Nam thời Nguyễn.
- Trương Minh Giảng (1792-1841), đại tướng quân, danh thần nhà Nguyễn, Tổng đốc Trấn Tây Thành.
- Trương Công Định (1820-1864), võ quan, chức Lãnh binh, sau làm thủ lĩnh chống Pháp.
- Trương Vĩnh Ký (1837-1898) nhà bác học đa tài nổi tiếng thế giới, nhà ngôn ngữ học thông thạo 18 ngôn ngữ, nhà chính trị, học giả, nhà văn, nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa.
- Trương Văn Thám (張文探) (Hoàng Hoa Thám) (1836-1913) còn gọi là Đề Dương, Đề Thám (“Đề đốc” Thám) hay Hùm thiêng Yên Thế, là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp (1885 – 1913).
Tác giả: Minh Bảo