BẬC DANH NHO KHAI KHOA ĐẤT THĂNG LONG
Thăng Long thành nghìn năm văn hiến, là thủ đô rồng bay lên và niềm tự hào của dân tộc nghìn năm qua, đất kinh đô với biết bao văn nhân tài tử, cho đến nay vẫn là vùng đất quan trọng nhất và nhiều nhân tài nhất nước ta, đặc biệt là về văn chương học vấn. Có lẽ cũng không phải trùng hợp, khi mà vùng đất có phong thủy tốt nhất Việt Nam lại sinh ra một vị Đại Nho Khai Khoa tài năng xuất chúng, vừa là trạng nguyên, quan lớn trải thờ 3 triều vua mà còn là bậc danh nhân sống thọ nhất trong lịch sử.
Vị trạng nguyên lớn tuổi và tam triều nguyên lão
Bùi Quốc Khái (chữ Hán: 裴國愾 1141-1234) là người đỗ đầu khoa thi Tiến sĩ năm Trinh Phù thứ 10 (Ất Tỵ, 1185) dưới thời vua Lý Cao Tông nước Đại Việt. Bản thân là người có tài nhưng không thích con đường công danh nên mãi đến năm 45 tuổi, Bùi Quốc Khái mới đi thi và trở thành người đỗ đầu kỳ thi đó:
“Ất Tỵ, năm thứ 10 (1185). (Tống, năm Thuần Hi thứ 12).
Tháng giêng, mùa xuân. Thi các sĩ tử để sung vào hầu vua học tập.
Thi các học trò, trạc 15 tuổi, người nào thông hiểu Thi, Thư, sung vào tòa Kinh diên, hầu vua học tập. Bọn Bùi Quốc Khái và Đặng Nghiêm 30 người trúng tuyển.
Lời chua – Quốc Khái: Người làng Bình Lãng, huyện Cẩm Giàng”
(Khâm Định Việt sử thông giám cương mục)
Sau khi đỗ đạt, ông được vua bổ nhiệm chức Nhập thị Kinh diên, giữ nhiệm vụ dạy Thái tử và hầu vua học. Ông làm quan ba triều: Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng, làm quan đến chức Đô ngự sử.
“Bùi Quốc Khái một lòng trung nghĩa, dày công giúp nước an dân. Gặp lúc triều chính đổ nát, gian thần lộng quyền, ông treo ấn từ quan, rồi xuất gia đầu Phật ở chùa Thiên Niên”. (gần Hồ Tây, Hà Nội)… (Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam-Nguyễn Quang Thắng-Nguyễn Bá Thế)
Ngày 18 tháng 1 năm Giáp Ngọ (1234) ông mất, thọ 93 tuổi. Với tuổi thọ này, ông hiện có thể xem là một trong những bậc danh nho sống thọ nhất trong lịch sử nước ta.
Vị tiến sĩ khai khoa đất Thăng Long
Theo sử sách ghi thì ông là người làng Bình Lãng, huyện Cẩm Giàng, nhưng theo tư liệu mới nhất trên tấm bia ở Văn chỉ làng Bằng Liệt, xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì (nay đổi thành phường thuộc quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), vốn được lập trước hai cuốn sách trên khá lâu đã khẳng định Bùi Quốc Khái là người làng Bằng Liệt. Như vậy, có thể thấy khả năng ông là người quê gốc ở Hà Nội là rất cao.
“lúc đầu, hội tư văn mua một khu đất ở xóm Vĩnh Phúc dựng Từ chỉ làm nơi cúng tế lâu dài. Vị trùm trưởng cùng các thành viên trong hội xuất ruộng tư làm ruộng tế điền của hội để lưu truyền mãi mãi. Hàng năm cho người cày cấy lấy tiền lợi tức cúng tế. Cứ vào 12 tháng 2 chuẩn bị lễ vật dâng tế lên Từ chỉ cáo tế các chi vị: Tiến sĩ cập đệ, Đệ nhất giáp, Đệ nhị danh, Bảng nhãn Khoa Ất Tỵ, chức Ngự sử đài, Đô ngự sử Bùi tướng công (Quốc Khái) cùng các vị chức sắc trúng trường, viên mục, các hương sắc trên dưới cùng được phối hưởng, để khí thiêng hun đúc, nối dài thờ tự muôn ngàn vạn năm, mãi mãi trường tồn cùng trời đất. Nhân đó khắc lên bia đá để truyền về sau”. (trích văn bia làng Bằng Liệt-TS Bùi Xuân Đính-Wikipedia)
Nếu căn cứ theo nội dung trên văn bia thì Bùi Quốc Khái chính là người gốc Hà Nội xưa và do ông thi đỗ vào thời Lý, nên ông mới chính là vị đại nho Khai Khoa cho đất kinh đô Thăng Long chứ không phải là Chu Văn An (thời Trần) như trước nay.
Lời bàn:
Theo văn hóa cổ truyền, con người cả một đời cho đến lúc mất rất coi trọng 5 loại Phúc phận là Trường Thọ, Phú Quý, Khang Ninh, Hiếu Đức, Thiện Chung. Chữ Thọ là đứng đầu trong các loại phúc phận, vì nếu không có Thọ thì các loại phúc còn lại sẽ không còn ý nghĩa. Để có được sự Trường thọ, người ta phải sống phù hợp với đạo Dưỡng sinh trong đó Tâm pháp là quan trọng nhất. Người trường thọ và làm đại quan trải ba đời vua ắt phải có lối sống thân tâm rất trong sạch và thanh tĩnh mới đạt được như thế. Mãi đến 45 tuổi mới đi thi và đậu Trạng nguyên, điều này cho thấy Bùi Quốc Khái là người đạm bạc, không tham cầu phú quý công danh, sự trường thọ và địa vị lâu dài của ông quả thật đáng ngưỡng mộ và làm tấm gương cho các bậc nho gia muôn đời sau noi theo vậy.
Tác giả: Minh Bảo