Giữ tâm sáng trống không
Tất cả đều do tâm
Thế giới này chính là tấm gương phản chiếu lại những gì diễn ra trong tâm của bạn.
Ngoại hình và tính cách của một con người như thế nào là do tâm của bạn đánh giá các yếu tố ấy. Từ đó đi đến kết luận tổng thể của cá nhân bạn về con người ấy. Sự vật, sự việc, hiện tượng có tính chất như thế nào là do tâm bạn đánh giá. Từ đó đi đến kết luận tổng thể của cá nhân bạn về sự vật, sự việc, hiện tượng ấy.
Thế giới xung quanh bạn được tạo ra từ những kết luận về con người, sự vật, sự việc, hiện tượng của cá nhân bạn.
Cách bạn nhìn nhận thế giới sẽ dẫn đến suy nghĩ, từ suy nghĩ dẫn đến hành động của bạn trong thế giới của bạn. Suy nghĩ và hành động của bạn tạo ra sẽ lập tức dẫn đến sự hình thành một phản lực đáp trả lại. Đó cũng chính là cách thức hoạt động của luật nhân quả, hay sự vận hành của nguyên tắc âm dương.
Do vậy, tất cả đều do tâm của bạn mà ra.
Muốn thay đổi thế giới xung quanh bạn, hãy thay đổi bản thân mình trước.
Để hiểu được vạn sự, vạn vật nói chung và bản thân chúng ta nói riêng, mỗi người cần tìm câu trả lời ở bên trong mình chứ không phải bên ngoài. Vì tâm là gốc rễ, nên không thể thấu hiểu thông qua ngọn được.
Tu thân chính là con đường quay về với Đại Đạo
Tuy nhiên, việc hướng tâm cần kết hợp với đề cao tâm thức thông qua con đường học gốc (văn hóa truyền thống) và tu thân mới có cái nhìn đúng đắn về bản thân mình và vạn sự vạn vật trong thế giới này. Việc chọn con đường học đúng, thực hành vào việc tu thân sẽ đề cao tâm thức của con người. Từ đó, cái nhìn của bạn về thế giới xung quanh sẽ thay đổi.
Và khi bạn đã có thay đổi từ trong tâm, “cái gương” kia sẽ thay đổi theo bạn.
Giữ tâm sáng trống không
Hướng ngoại là âm, hướng nội là dương. Động là dương, tĩnh là âm. Bản chất của thế giới này luôn là vận động, do vậy một cái tâm tĩnh sẽ khắc lại được sự vận động kia. Đó chính là vận theo âm dương mà hành xử.
Một cốc trà chứa nước trắng bên trong, khi bạn đổ một muỗng mực vào, màu nước trong cốc trà ấy sẽ hóa thành màu mực. Tuy nhiên với biển thì khác, cho dù chúng ta đổ bao nhiêu mực xuống biển sâu, theo thời gian nước biển sẽ trung hòa mực và nước biển sẽ trở lại màu vốn có. Vốn dĩ nước biển sâu khôn cùng, xét việc con người hiện nay chỉ khám phá được 30% đại dương đã nói lên điều ấy. Nước càng sâu thì càng tĩnh và có thể nhấn chìm mọi thứ vào bên trong nó và không để lại dấu vết gì trên bề mặt nước.
Cốc nước và biển sâu chính là hình ảnh tượng trưng cho cái tâm của con người. Tâm nhỏ thì dễ bị sự vật sự việc làm động và thay đổi. Tâm lớn thì ngược lại. Tâm lớn đi kèm với tĩnh và sự bao dung, há chăng đó chính là điều mà chúng ta cần để khắc sự động của thế giới bên ngoài. Tâm càng sáng thì càng tĩnh và không tạp niệm.
Tâm tĩnh thì huệ sinh, tâm động thì thần trí tán.
Nước trước khi ra đến biển thì phải chảy qua muôn vàn nơi cao cao thấp, sạch sẽ có, dơ bẩn có. Điều đó tượng trưng cho sự khó khăn và gian nan của con người cần trải qua trên con đường tu thân để đạt đến một mức độ tĩnh tâm nhất định.
Tâm tính càng được đề cao bằng việc tu thân, càng ít vấn đề cần phải giải quyết.
Hết
Ba Bruce