Năm 1853, đô đốc Perry của Hải quân Mỹ dẫn hạm đội gồm bốn tàu hơi nước vũ trang đầy đủ đến nghênh ngang đậu trước cảng Uraga, vịnh Edo yêu cầu Nhật Bản mở cửa thông thương. Các võ sĩ Samurai nai nịt chỉnh tề đeo gươm sáng loáng nhưng hết thảy đều kinh hoàng khiếp sợ trước bầy quái vật sắt khổng lồ kia. Chúng đã khiến cho những bộ giáp sắt và cây kiếm Katana trứ danh trở nên vô dụng. Lần đầu tiên sau nhiều năm thái bình dưới thời Mạc Phủ, lần đầu tiên người Nhật cảm thấy bất lực và sỉ nhục như thế.
Dĩ nhiên, dưới tính cách hiếu võ và tinh thần võ sĩ đạo thì việc ác đấu và lấy mạng để rửa sạch sỉ nhục có lẽ là điều mà người Nhật muốn làm nhất. Nhưng họ đã không chọn làm như thế mà đi con đường khác. Họ tạm thời ký hòa ước với Mỹ và sau đó thực hiện một cuộc Minh Trị Duy Tân long trời lở đất, biến nước Nhật thành một cường quốc kiểu Âu Châu. Sau đó mấy chục năm, bằng trận chiến đánh bại nhà Thanh và sau đó là hạm đội Nga trên biển Hoàng Hải, họ đã chính thức đứng vào hàng ngũ những cường quốc có thể ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Ở đây không bàn đến việc họ đã Duy Tân thế nào, chỉ muốn nêu lên sự lựa chọn của dân tộc Nhật trước thời khắc nguy nan. Bởi vì kết quả cuộc đời của con người cho đến vận mệnh dân tộc đều là tổng hợp của các lựa chọn. Người Nhật thời đó họ đã chọn con đường gian nan nhất, đó là chiến thắng chính BẢN THÂN, chiến thắng chính sự trì trệ của quốc gia sau nhiều nâm thái bình. Họ còn chiến thắng luôn cả cái TÂM TỰ ÁI, SỸ DIỆN của những người Samurai muốn hành động bồng bột cho thỏa cái bản năng nhất thời nhưng đổi lại là sự thê thảm của cả quốc gia khi chống lại một cường quốc tối tân hơn mình mọi mặt. Vì sao họ lại chọn như thế?
Vì họ hiểu rằng, cho dù họ có thế chiến thắng kẻ thù trước mắt này, nhưng sự đổ nát và tổn hại sinh mạng sẽ không đem đến cho họ một kết thúc có hậu. Và sau lưng kẻ thù, còn có bao nhiêu kẻ thù khác, và liệu họ có thể đủ sức chống lại cả thế giới thực dân Tây Phương đang như hổ rình mồi ngoài kia sao?. Họ sẽ chiến đấu, sẽ chiến thắng, nhưng không phải lúc này, mà là lúc họ hiểu biết rõ hơn về kẻ thù của mình, lúc mà họ đủ sức mạnh. Tinh thần Samurai là tinh thần vũ dũng, coi cái chết như lông hồng, nhưng đó không phải là tinh thần của những kẻ ngu, mà là của bậc đại trí đại dũng coi chết như về, nhưng biết chết đúng lúc và chết một cách xứng đáng nhất, giá trị nhất. Đó mới là tinh hoa của nền văn minh Á Đông, sự tôn trọng đối với sinh mệnh và tư duy lấy đại cục làm trọng.
Từ xưa cho đến nay, người Việt ta bao thế hệ luôn thích tìm hiểu về nguyên nhân vì sao người Nhật thành công với nền Minh Trị Duy Tân, còn chúng ta thì không. Chẳng qua khác biệt nó nằm ở chỗ nhận thức và lựa chọn mà thôi. Ngày nào mà nước ta còn cổ vũ cho việc chiến đấu và chiến thắng, còn coi những chiến công đẫm máu của ông cha như một phương thức duy nhất để bảo vệ quốc gia, không học được những bài học quý báu hơn từ lịch sử thì cả nghìn năm nữa cũng không thể có cái Minh Trị Duy Tân nào thành công ở đất nước này. Quốc gia cũng thế, cá nhân cũng thế, chọn sai thì sẽ khó mà sửa lại được. Mà lựa chọn đúng, nó lại nằm ở trình độ về nhận thức, thứ mà nó vốn đã khác biệt từ cái gốc rễ là văn hóa và giáo dục. Không đổi cái điểm này thì tất cả “ước mơ giàu mạnh” gì thì cũng chỉ là mơ ước mà thôi
Minh Bảo