Võ Đạo 武道 nghĩa đen là con đường học võ hay con đường của võ, quy tắc của võ. Thâm sâu hơn một chút, nó chính là con đường để đạt đến đỉnh cao của người học võ. Nói một cách khái quát hơn thì Võ đạo là mục đích duy nhất và cao nhất mà một Võ nhân chân chính phải đạt đến. Vậy mục đích đó là gì? Chính là đạt đến trạng thái minh ngộ hoàn toàn về ý nghĩa của Võ và Đạo, tinh thần hòa làm một với vũ trụ vô biên, có những năng lực võ công siêu phàm. Nghe có vẻ mơ hồ nhưng nếu phân tích sâu hơn thì Võ đạo cũng có tiêu chuẩn riêng của nó.
Người đạt đến Võ đạo chính là có võ công cao nhất. Nghĩa đen là không ai có thể đánh bại ông ta bằng võ thuật. Và nghĩa khác cao hơn chính là ông ta không cần phải dùng đến bất cứ chiêu thức gì cũng có thể chiến thắng, bởi vì khi đứng trước người đạt đến Võ đạo thì mọi ý chí chiến đấu, phân cao thấp, sân si hận thù đều sẽ bị hóa giải hết.
Vậy chẳng phải ông ta đã đạt đến nghĩa chân chính của chữ Võ là gì, đó chẳng phải là ngăn cản việc can qua đó sao, cũng là “vô chiêu thắng hữu chiêu”, là “bất chiến tự nhiên thành”. Đó là vì ông ta đã ở một trạng thái tinh thần siêu nhiên và cao hơn tất cả võ sĩ khác trên đời. Ngoài ra những công phu tưởng trong truyền thuyết như Khinh công, Thủy thượng phiêu, Kim chung tráo, Thiết bố sam, Súc địa thành thốn… đều có thể thi triển rất nhẹ nhàng.
Có người có thể nghĩ, vậy nếu ông ta gặp người có Võ đạo cao hơn mình thì sao? Người đạt đến trình độ này đã không thể được xếp cùng với thường nhân được nữa. Tâm hồn khoáng đạt, bao la, trong sáng của họ không có chỗ cho tâm tật đố, tự mãn thấp hèn. Sự hơn thua hay danh hiệu võ công đệ nhất với họ là không còn quan trọng. Vậy thử hỏi giữa họ có thể xảy ra tranh đấu hay không?
Bạn là cao thủ dùng kiếm và có thể dùng kiếm đánh bại đối thủ mạnh nhất. Nhưng bạn có thể nào dùng kiếm để đánh bại cái thác nước cao 70m đang ngày đêm ầm ĩ, cuộn trào kia không? Chắc chắn là không. Chính là vì nó và bạn ở hai cảnh giới khác nhau. Nó là “Đại Tự Nhiên” và căn bản không quan tâm đến bạn, chẳng cần biết bạn là ai, bạn muốn làm gì với nó và sức mạnh hai bên cách nhau quá xa. Khi đứng bên thác nước bạn chỉ có thể ngưỡng mộ mà ngắm nhìn chứ không thể khởi lên đấu chí hay sát khí mà hơn thua với nó vì bạn biết rõ điều đó là vô ích.
Người đạt đến Kiếm đạo chính là cảnh giới tinh thần của họ là một dòng thác vĩ đại cuồn cuộn như thế. Tinh thần của họ là một với Đại Tự Nhiên, không có bắt đầu cũng chẳng có kết thúc mà nó vĩnh viễn đồng tại với vũ trụ. Những tranh đua ganh ghét từ con kiến nhỏ đang cầm kiếm kia liệu có làm họ quan tâm? Người chúng ta nhắc đến ở đây chính là Đệ nhất Kiếm Thánh Nhật Bản mọi thời đại Miyamoto Musashi. Ông là người đạt đến Kiếm đạo và khai ngộ về Kiếm và dòng nước. Hãy đọc trước tác cuối cùng và vô cùng nổi tiếng của ông “Ngũ Luân Thư” nếu có duyên, bạn sẽ hiểu ví dụ này sâu sắc hơn.
“Chân giá trị của binh pháp không thể khu trú trong giới hạn của kiếm thuật. Nếu nhìn vào thế giới, ta thấy chư nghệ được bán như những món hàng. Người ta dùng vũ khí để bán chính bản thân của mình. Giống như tách hạt ra khỏi hoa, rồi đánh giá hạt thấp giá trị hơn hoa. Nghĩ về binh pháp theo cách đó, cả người dạy lẫn người học đều chú tâm để phô bày kỹ thuật hoa mỹ. Họ tìm cách để ép đóa hoa nở vội. Họ nói về “Đạo trường này và Đạo trường kia”. Họ tìm kiếm tư lợi. Có người đã từng nói: “Nếu ngươi hiểu Đạo thật rộng, ngươi sẽ nhận ra sự tồn tại của “Đạo” trong mọi sự. Người ta phải trau dồi, hoàn thiện Đạo riêng của mình. Binh pháp sơ lậu là căn nguyên khổ ải, lời nói thật chí lý”.
Về mặt tinh thần, như đã nói ở trên, người đạt đến Võ đạo chính là đạt đến một trạng thái tinh thần hoàn mỹ hòa nhập làm một với Đại Tự Nhiên, “Thiên nhân hợp nhất”. Đặc điểm chính của tinh thần này là “vô dục, vô cầu, vô tranh, vô đấu”. Nên nếu một người luyện võ còn mang trên mình tâm tranh đấu để thành thiên hạ đệ nhất thì quả là không xứng đáng với cả chữ Võ chứ đừng nói đến chữ Đạo. Nên về mặt tinh thần, người đạt đến Võ đạo chính là phải biết cách tu dưỡng tinh thần của mình, từ bỏ các dục vọng cá nhân. Bỏ đi càng nhiều thì trình độ võ học và con đường Võ đạo sẽ càng rộng mở.
Ngoài ra, việc luyện tập võ công một cách chân chính lại còn có tác dụng bồi dưỡng nội lực tráng kiện thân thể và dưỡng sinh tồn thần. Những người luyện võ đắc Đạo chân chính tất cả đều sống hơn một tuổi là điều rất dễ dàng. Muốn dưỡng sinh đúng sống thọ thì thực hành võ công chính tông, tu bỏ dục vọng là điều cần thiết nhất. Vậy nên những gì mà truyện kiếm hiệp miêu tả về các võ lâm cao thủ có năng lực như Thần mà lại tranh nhau cái danh hiệu võ lâm đệ nhất, vì mỹ nữ, vì giang sơn mà tranh mà giết thì quả là một sự bôi bẩn đến nhân cách của cổ nhân. Các tác gia võ hiệp quả đúng đã gây ra nghiệp chướng rất to lớn vậy. Hàng triệu người đã đua nhau hâm mộ và học võ cũng vì muốn tranh đấu như các nhân vật tiểu thuyết thay vì tu dưỡng đạo đức và rèn luyện công phu chân chính để giúp đời.
Về mặt thực tế, trong lịch sử xưa nay, trên thế giới những người đạt đến Võ đạo mà thế gian biết đến chỉ có ít ỏi vài người như sau (dĩ nhiên không tính các cao nhân ẩn dật). Trung Hoa: Toàn Chân Giáo Vương Trùng Dương, Khưu Xứ Cơ, Tiên gia Lã Động Tân, Võ Đang Trương Tam Phong, Thiếu Lâm Đạt Ma Sư Tổ. Nhật Bản: Kiếm Thánh Miyamoto Musashi, Hiệp Khí Đạo Morihei Ueshiba. Việt Nam: Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Thiền sư Vạn Hạnh, vua Trần Nhân Tông.
Nhìn vào danh sách này ta thấy có hai đặc điểm như sau. Một là toàn bộ những cao nhân bên trên đều là người tu hành một phần hay cả một đời của họ. Hai là các môn phái của họ từ sau đời của Tổ sư thì không còn ai đạt đến Võ đạo nữa. Ví dụ dễ thấy nhất là Võ Đang và Thiếu Lâm. Sau khi Trương Tam Phong và Tổ Đạt Ma viên tịch thì cả nghìn năm qua hai phái này không hề có ai khai ngộ ở Võ đạo hết. Nhất là phái Thiếu Lâm với 72 tuyệt kỹ mà trong suốt lịch sử 1500 năm của nó chỉ có duy nhất Đạt Ma là tinh thông hết. Chỉ có một vị sư luyện đạt 13 tuyệt kỹ nhưng sau này cũng bị điên loạn mà chết. Miyamoto và Ueshiba cũng là phải tu hành Thiền Tông nhiều năm trước khi chứng ngộ Võ đạo.
Vậy quá trình để đạt đến Võ Đạo ắt phải liên quan mật thiết đến việc tu thân dưỡng tính và phải có một con đường đặc thù để hành giả phải vượt qua, chúng ta sẽ tìm hiểu con đường đó trong phần sau nhé
Tĩnh Thủy