.Thầy địa lý Tả Ao là ông Mỗ, người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Thuở nhỏ, mồ côi cha, nhà nghèo, mẹ mắt lòa, ông theo một người khách buôn ở phố Phù Thạch về Tàu, học nghề chữa mắt.
Thầy thuốc Tàu khen người có hiếu, hết lòng dạy cho. Khi nghề đã thành, sắp sửa về nước, chợt có thầy địa lý chính tông, đau mắt đã lâu không khỏi, đến mời thầy thuốc này chữa cho. Thầy già yếu, không đi được, sai ông đi thay. Thầy địa lý khỏi mắt, trông mặt mũi ông rồi nói:
– Anh này có thể dạy được đây.
Bèn đem hết cái học của mình ra truyền cho. Hơn một năm, thầy muốn thử ông xem ra thế nào, bèn lấy cát đắp các hình sơn thủy, vùi một trăm đồng tiền ở dưới, đưa cho ông một trăm cái đinh để điểm huyệt. Ông điểm xong, gạt cát ra xem thì trúng chín mươi chín huyệt, sai có một huyệt mà thôi.
Thầy địa lý nói:- Khá lắm!
Bèn cho ông về. Lúc chia tay, thầy dặn:
– Đi qua núi Hồng Lĩnh, chớ có ngẩng nhìn.
Ông vâng lời, ra về. Đến nhà thì mẹ hãy còn mạnh. Đem phương thuốc học được ra chữa, mẹ khỏi mắt. Nhân có việc đi qua núi Hồng Lĩnh, nhớ lời thầy dặn, không hiểu duyên cớ thế nào. Thử trèo lên núi trông xem, ngắm được một cái huyệt rất quý, cười mà rằng:
– À, ra thầy dặn ta không được ngẩng lên nhìn là vì thế!
Bèn về đem tiên phần đến chôn. Không bao lâu, ông sinh ra được một con trai.
Bấy giờ người Minh trông thiên văn nói:
– Các ngôi sao đều chầu cả về phương nam, nước An Nam được đất rồi!
Thế rồi vua Minh xuống chiếu cho các nhà phong thủy, ai đã điểm huyệt đất cho người An Nam hay dạy phong thủy cho người An Nam thì phải dùng kế phá đi. Nếu không, sẽ phải tội tru di tam tộc. Chiếu ban xuống, thầy địa lý đoán hẳn lại chỉ có ông chứ không còn ai, liền sai con sang do thám.
Sang đến nơi, con thầy địa lý hỏi ông rằng:
– Từ khi về nước đến nay, bác đã táng được ngôi tiên phần nào chưa?
Ông đem tình thực kể. Người khách ấy bèn ngầm đào trộm ngôi mả và lừa đem con trai ông về Tàu.
Chưa bao lâu bà mẹ ông mất, ông định đem táng ở một cái huyệt ngoài hải đảo. Ngày giờ đã định, không may sóng gió cản trở, không ra chôn được, thành ra lỗi kỳ.
Ông than rằng:
– Đó là cái huyệt miệng rồng, năm trăm năm mới mở một lần, mà chỉ mở trong một khắc. Nay đã lỡ rồi, còn gì nữa. Thật là số mệnh của ta!
Từ đấy, ông không tưởng gì đến gia nghiệp, thường đi chu du bốn phương đặt mả cho người. Khi mất, chỉ có hai người con gái.
Trước kia, khi còn ở nhà, ông đã ngắm sẵn huyệt cho mình, nói là kiểu con chó đuổi đàn dê, táng chỉ ba ngày sẽ thành địa tiên. Tuổi già, ông ở kinh đô về, người đã yếu sẵn. Ông có đem theo một người học trò cùng về, dặn công việc sau này. Nửa đường, người học trò lại chết. Ông về đến nhà thì ốm nặng, bảo người nhà khiêng đến huyệt ấy. Nhưng đường xa liệu chừng không đến nơi được, ông bèn chỉ một cái gò bên cạnh đường nói:
– Đó là một ngôi đất huyết thực. Bất đắc dĩ thì chôn đó cũng được.
Ông xuống cáng, chỉ hướng cho người nhà đào, chôn lấp mình. Sau, quả nhiên làm phúc thần.
Chao ôi! Phương thuật của ông kể cũng rất lạ, vậy mà họ tên không truyền lại! Tiếc thay!
(Có thuyết bảo ông họ Hoàng, tên Chỉ)
Nguồn: Tang Thương Ngẫu Lục-Phạm Đình Hổ