Hãy thử tưởng tượng viễn cảnh này:
Vị sếp thứ nhất của bạn vừa giao cho bạn một dự án lớn. Bạn rất hào hứng nhận nó, nhưng sếp của bạn không hề chỉ dẫn bạn cũng như cách cô ấy mong đợi bạn thực hiện nó. Cô ấy chỉ đưa ra thời hạn và để bạn tự tìm cách.
Vị sếp thứ hai của bạn lại hoàn toàn trái ngược. Anh ấy sẽ giao cho bạn một công việc và sau đó dành vài tuần tiếp theo để lượn lờ quanh bạn, “chất vấn” các quyết định của bạn và đưa ra “lời khuyên hữu ích” mọi lúc mọi nơi.
Hai ví dụ này minh họa cho các điểm đối lập của hai phong cách quản lý.
Vị sếp đầu tiên của bạn có Phong cách lãnh đạo tự do “laissez faire” hay còn gọi là Phong cách trao quyền quyết định, và vị sếp thứ hai lại là người có Phong cách quản lý vi mô cổ điển – được gọi một cách lịch sự hơn là một nhà lãnh đạo “rất cao tay”.
Cả hai phong cách đều có thể hiệu quả trong những trường hợp nhất định, nhưng thông thường, sẽ không hiệu quả khi phong cách ấy đi đến mức cực đoan. Như thường lệ, phong cách lãnh đạo tiếp cận tốt nhất nằm đâu đó cân bằng giữa cả 2 phong cách.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét từng phong cách lãnh đạo cũng như biết được làm sao để tìm ra phong cách tốt nhất cho từng người và tình huống cụ thể.
Phong cách lãnh đạo tự do (Laissez Faire)
Thuật ngữ “laissez-faire” trong tiếng Pháp có nghĩa là “cứ thuận theo tự nhiên”. Đây là một mô tả rất phù hợp cho phong cách lãnh đạo này!
Nhà lãnh đạo theo phong cách tự do ( Laissez Faire) là các bậc thầy của giao việc. Họ để đội ngũ của mình tự tìm hướng và giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ, và rất ít khi giám sát. Nhân viên thường có toàn quyền để tự đưa ra quyết định với phong cách lãnh đạo tự do này. Trên thực tế, đỉnh cao của Phong cách lãnh đạo tự do là nhà lãnh đạo sẽ dường như hoàn toàn vắng mặt !
Phong cách quản lý vi mô ( micromanagement)
Phong cách quản lý vi mô hoàn toàn trái ngược với phong cách lãnh đạo tự do. Họ không khuyến khích việc ủy quyền và nếu có, khi họ ủy quyền, họ dành rất nhiều thời gian để liên tục “lượn lờ” để kiểm tra tiến độ của đội ngũ.
Nhà quản lý vi mô tập trung vào từng chi tiết nhỏ và không khuyến khích việc các thành viên trong đội ngũ của họ đưa ra quyết định khi họ vắng mặt.
Rõ ràng điều này có thể gây bực bội và khó chịu cho các nhân viên trong đội ngũ, nó làm chậm tiến độ công việc và hạn chế khả năng sáng tạo của đội ngũ . Về mặt tích cực, nó giúp đảm bảo rằng công việc được thực hiện chính xác và kịp deadline.
Tìm kiếm sự cân bằng giữa hai phong cách
Làm thế nào để bạn tìm được sự cân bằng phù hợp giữa phong cách lãnh đạo tự do và phong cách quản lý vi mô ? Điều đáng nói ở đây là các nhà quản lý hiếm khi chọn một trong hai phong cách quản lý này. Tuy nhiên, có thể rất khó để xác định khi nào nên trao nhiều tự do hơn cho đội ngũ và khi nào nên giám sát nhiều hơn; có một số yếu tố mà bạn cần cân nhắc khi nghĩ về điều này.
Thấu hiểu đội ngũ của bạn
Đội ngũ mà bạn đang lãnh đạo sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách lãnh đạo của bạn. Việc thấu hiểu đội nhóm của mình giúp bạn biết mình cần phải áp dụng phong cách lãnh đạo nào để tạo ra hiệu quả tốt nhất.
Ví dụ, hình dung bạn đang lãnh đạo một đội ngũ gồm toàn các nhân viên có chuyên môn, những người có những thành tích đã được chứng minh. Họ biết những gì họ cần làm, và họ đã từng làm việc cùng nhau nhiều lần trước đây. Trong trường hợp này, sẽ phù hợp hơn nếu bạn áp dụng phong cách lãnh đạo tự do để trao quyền nhiều hơn. Bạn vẫn cần phải làm công tác định hướng, nhưng không nên giám sát liên tục.
Nếu áp dụng phong cách quản lý vi mô trong tường hợp này chắc chắn sẽ không phù hợp.
Mặt khác, hình dung nếu bạn đang lãnh đạo một đội ngũ nhân viên thiếu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, họ không chắc chắn về những quyết định và hướng đi của mình cũng như không chắc về những gì công ty mong đợi ở họ. Trường hợp này lại cần vai trò định hướng của người quản lý hơn bao giờ hết.
Thấu hiểu đội ngũ của bạn là bước đầu tiên trong việc tìm ra sự cân bằng giữa việc quản lý ít hay quản lý nhiều. Hơn nữa, bạn cũng cần phải sử dụng các cách tiếp cận khác nhau cho từng cá nhân trong đội nhóm – ví dụ, cách quản lý một nhân viên mới tốt nghiệp sẽ hoàn toàn khác so với quản lý một nhân viên đầy kinh nghiệm.
Trong khi suy nghĩ về từng cá nhân trong đội ngũ của bạn, hãy sử dụng các hướng dẫn sau để quyết định xem phong cách lãnh đạo nào bạn cần áp dụng:
Phong cách lãnh đạo tự do thích hợp nhất khi:
- Nhân viên lâu năm, có kinh nghiệm, và được đào tạo bài bản.
- Các đội ngũ có năng lực, quyết đoán và tự tin.
- Các đội ngũ sáng tạo.
Phong cách quản lý vi mô thích hợp nhất khi :
- Nhân viên trẻ, mới tốt nghiệp, thiếu kinh nghiệm
- Nhân viên thường xuyên trễ deadline
- Công việc liên quan đến các phòng ban khác, dễ xảy ra mâu thuẫn
- Các đội ngũ dựa vào các quyết định nhanh chóng.
Thấu hiểu tình huống của bạn
Khi áp dụng vào tình huống của bạn, có một số yếu tố bạn cần xác định trước khi lựa chọn phong cách lãnh đạo phù hợp.
Ví dụ, có một số loại công việc không cho phép xảy ra sai xót, như: lắp ráp máy bay, công tác an toàn cho những tòa nhà cao tầng, chuẩn bị tài liệu cho cuộc đàm phán triệu đô. Đây chính là lúc quản lý vi mô phát huy tối đa tác dụng của nó. Đội ngũ của bạn cũng sẽ hiểu được tầm quan trọng của công việc mà họ đang làm.
Ngược lại, nếu bạn đang chịu trách nhiệm cho những phòng ban yêu cầu sự sự do tư duy và sáng tạo để hoàn thành mục tiêu. Thì phong cách lãnh đạo tự do là cách tiếp cận lý tưởng, bởi các thành viên trong đội ngũ của bạn có thể thoải mái tự do loại bỏ mọi áp lực để sáng tạo.
Trong khi suy nghĩ về tình huống bạn đang mắc phải, dưới đây là một số gợi ý giúp bạn tìm ra được sự cân bằng:
Phong cách lãnh đạo tự do phù hợp nhất khi:
- Bạn đang quản lý một phòng ban yêu cầu sự sáng tạo.
- Bạn là một quản lý mới cần xây dựng các mối quan hệ với đội ngũ của mình.
- Các dự án linh hoạt về deadline và mục tiêu của mỗi cá nhân.
- Nhân viên của bạn đã chứng minh được sự tin tưởng cũng như năng lực hoàn thành mục tiêu đúng hạn.
Phong cách quản lý vi mô phù hợp nhất khi:
- Dự án yêu cầu hướng dẫn cực kỳ chi tiết khiến nhân viên của bạn có thể bối rối.
- Công việc yêu cầu sự chính xác tuyệt đối.
- Sai lầm có tác động trực tiếp tới sự thành bại của công ty, hay sự an toàn của mọi người.
- Bạn đang chịu trách nhiệm sản xuất một sản phẩm yêu cầu chất lượng và đúng hạn tuyệt đối.
Phân tích giữa nhu cầu và mong muốn
Nằm giữa việc tìm kiếm cân bằng này việc bạn cần làm là nhìn vào nhu cầu và mong muốn của mỗi cá nhân.
Ví dụ, một trong những thành viên trong đội ngũ bạn muốn làm việc ở nhà theo cách riêng. Nhưng nếu anh ta không thể hoàn thành công việc như đã nói, thì giờ là lúc anh ta cần sự quản lý của bạn. Việc bạn quyết định xem thành viên trong đội ngũ của mình cần gì, tùy thuộc vào chi phí của những gì họ muốn.
Mẹo
Khi bạn làm việc theo kiểu cầm tay chỉ việc với phong cách quản lý vi mô, bạn sẽ bị đánh giá là lạnh lùng và vô nhân cách. Tuy nhiên, bạn có thể cho đội ngũ của mình thấy rằng bạn là người dễ gần bằng cách chia sẻ những câu chuyện khi giao nhiệm vụ, khen ngợi một công việc hoàn thành tốt hoặc cho đội ngũ của bạn hoặc chia sẻ một vài mẹo từ kinh nghiệm trước đây của bạn. Bên cạnh đó, áp dụng phong cách lãnh đạo tự do cho đội ngũ của bạn không có nghĩa là họ phải tự làm hết mọi thứ. Bạn vẫn cần theo dõi tiến trình của họ và đảm bảo rằng bạn luôn sẵn sàng hỗ trợ họ nếu họ có thắc mắc. Nếu bạn lùi lại quá xa, rất có thể đội của bạn sẽ cảm thấy bị mất phương hướng.
Mỗi nhà lãnh đạo đều có “vùng an toàn” của riêng họ. Bạn có thể cảm thấy mình bị cuốn hút vào phong cách lãnh đạo tự do hơn, và cực kỳ khó chịu với phong cách quản lý vi mô. Nhưng nếu bạn thiên về các phong cách khác nhau trong các tình huống khác nhau là dấu hiệu của một nhà lãnh đạo giỏi: bạn đang mang lại cho các thành viên trong nhóm của mình những gì họ cần chứ không phải những gì bạn muốn cho họ.
Mẹo 1 :
Nếu bạn biết rằng bạn có xu hướng quản lý vi mô mọi người quá nhiều, bạn có thể tìm hiểu cách giải quyết vấn đề này trong bài viết về Làm thế nào để tránh phong cách quản lý vi mô ( cập nhật sau) của chúng tôi. Và bạn có thể tìm hiểu thêm về phong cách lãnh đạo tự do và các kiểu lãnh đạo khác trong bài viết của chúng tôi về Phong cách lãnh đạo.
Mẹo 2 :
Bạn cũng có thể xác định phong cách lãnh đạo phù hợp với tình huống của bạn thông qua bài viết Ma trận lãnh đạo
Những điểm chính
Phong cách lãnh đạo tự do và phong cách quản lý vi mô là hai phong cách lãnh đạo hoàn toàn trái ngược nhau. Trên thực tế không nên áp dụng một trong hai phong cách đến cực đoan, nhưng nếu bạn áp dụng 2 phong cách này vào tùy tình huống khác nhau thì chắc chắn sẽ rất hữu ích. .
Hãy xem xét rõ các thành viên trong đội ngũ của bạn và suy nghĩ về tình huống bạn đang đối mặt. Sau đó, chọn cách tiếp cận phù hợp nhất.