Thư pháp xuất hiện hầu như đồng thời với sự hình thành văn tự bởi nhu cầu trình bày trang nhã và minh bạch văn bản. Công cụ chính tạo nên thư pháp là bút và chất liệu lưu trữ văn tự, mà sau được hiểu gồm mực và giấy.
Trong thế giới Tây phương, thư pháp gia thường là hiền sĩ hoặc tăng lữ vì đặc thù thực dụng của thể chữ kí ngang mặt giấy. Ngược lại, ở thế giới Á Đông, thư pháp gia có sự phân cấp rất rõ: Thư pháp gia đã ít nhất một lần đậu khoa cử hoặc được kính nể cả tài năng và đức hạnh thì mặc nhiên liệt hạng tinh anh, những người này coi chữ của mình là vốn quý và chỉ đem tặng những ai thân thiết hay khả kính.
Trái lại, thư pháp gia vốn do thi hỏng thì chẳng những không đủ tư cách dạy học mà còn bị cả sĩ lâm coi khinh, vì thế, đối với họ thì bán chữ thuần túy là cách mưu sinh.
Thư pháp Đông Á (chữ Hán: 東亞書法, Đông Á thư pháp) là môn nghệ thuật viết chữ đẹp được hình thành từ việc rèn luyện viết chữ Hán. Người ta dùng bút lông, chấm mực tàu, viết chữ Hán trên các loại giấy tốt hay vải lụa, theo những phong cách khác nhau.
Thư pháp Trung Hoa là dòng thư pháp được phát triển sớm nhất, mạnh nhất và có ảnh hưởng sâu sắc đến các dòng thư pháp của các ngôn ngữ khác trong vùng Đông Á.
Thư pháp chữ Hán không chỉ là một môn của nghệ thuật của riêng Trung Quốc, Đài Loan mà cả vùng văn hóa Đông Á. Tại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, các tác phẩm thư pháp thường được thể hiện bằng chữ Hán và sử dụng bút lông, mực tàu, giấy và nghiên mài mực, còn gọi là “văn phòng tứ bảo”.
Người Trung Hoa đã đưa nghệ thuật viết chữ lên thành một môn nghệ thuật cao quý có tính chất phô diễn khí phách tiết tháo của con người.
Thư pháp Trung Hoa- Môn nghệ thuật có ảnh hưởng sâu sắc đến các nước lân cận
Thư pháp Trung Hoa là phép viết chữ của người Trung Hoa được nâng lên thành một nghệ thuật và có ảnh hưởng sâu sắc đến các nước lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam.
Theo truyền thuyết, vua Phục Hi nhân việc nghĩ ra bát quái mà sáng tạo “long thư”, vua Thần Nông xem lúa mà chế ra “tuệ thư”, Hoàng Đế nhìn mây mà đặt ra “vân thư”, vua Nghiêu được rùa thần mà làm ra “qui thư”, Đại Vũ đúc chín đỉnh mà tạo ra “chung đỉnh văn”. Thế nhưng đó chỉ là huyền thoại và không còn dấu tích gì để lại
Hệ văn tự sớm nhất được phát hiện cho đến nay là chữ giáp cốt (giáp cốt văn 甲骨文) mà niên đại được xác định khoảng 1200 TCN. Giáp cốt 甲骨 là nói gọn của quy giáp 龜甲 (mai rùa và yếm rùa) và thú cốt 獸骨 (xương thú). Chữ này do người đời nhà Ân (1766 – 1123 TCN) khắc để dùng vào việc bói toán.
Kim văn 金文, tức là kiểu chữ được khắc trên đỉnh vạc và các tế khí 祭器 (dụng cụ cúng tế) bằng đồng, là hệ văn tự được tìm thấy với niên đại trước đời Tần. Sau đời Tần, chữ viết được tìm thấy là chữ khắc trên bia đá, nên gọi là “bi văn”.
Khi đã chế ra bút lông, giấy và mực, chữ Hán bắt đầu được viết thành nét to nét nhỏ. Từ đời Hán, chữ Hán đã ổn định về kiểu chữ và loại nét. Cùng một chữ nhưng chữ Hán có 5 kiểu viết (gọi là thư thể 書体) chính:
- Chữ triện 篆書 (Triện thư): Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, ông đã sai thừa tướng Lý Tư thống nhất văn tự, tức là thống nhất các chữ viết giữa các nước trước đó từ đại triện thành chữ tiểu triện.
- Chữ lệ 隸書 (lệ thư). Là thư thể thông dụng trong công văn, kiểu chữ này rất phổ biến giữa thế kỷ 3 và 2 TCN.
- Chữ khải 楷書 (khải thư hay chính thư 正書). Là cải biên từ chữ lệ và bắt đầu phổ biến vào thế kỷ III cn. Đây là kiểu chữ chính thức, chuẩn mực, dễ nhận biết, dễ đọc nhất và vẫn là phổ thông nhất trong các kiểu viết chữ Hán hiện nay.
- Chữ hành 行書 (hành thư). Là dạng viết nhanh của chữ khải, được dùng trong các giấy tờ thân mật (như thư từ) và đề tranh. Chữ hành bắt đầu phổ biến vào thế kỷ 2. Khi được viết nhanh, chữ khải có thể được giản lược đi một hai nét để tạo thành một thư thể gọi là hành khải (行楷). Cũng tương tự như vậy, chữ hành sẽ biến thành hành thảo (行草). Tác phẩm thư pháp rất nổi tiếng Lan Đình Tập Tự (蘭亭集序) của Vương Hi Chi (王羲之) đời Tấn được viết với chữ hành.
- Chữ thảo 草書 (thảo thư). Là thư thể được viết nhanh nhất, bút pháp phóng khoáng. Có chữ Hán khi viết bình thường theo lối chữ khải thì phải viết rất nhiều nét nhưng với thảo thư thì có thể viết bằng một nét.
Nhiều chữ có thể viết liên miên nối tiếp nhau chỉ bằng một nét, thí dụ như cuồng thảo (狂草) (chữ thảo viết điên cuồng) của Hoài Tố (懷素, khoảng 730-780).
Vào khoảng giữa thế kỷ 2 và 4, nghệ thuật viết chữ được mệnh danh là thư pháp đã trở thành một bộ môn nghệ thuật tao nhã cao siêu của tao nhân mặc khách; một người điêu luyện về thư pháp thường được đánh giá là người trí thức có học vấn cao.
Trong thời này, Vương Hi Chi (303-361), một đại quan và một đại thư gia, đã được người đời tôn là «Thảo thánh» (草聖).
Thư Pháp- Nghệ thuật tạo tác “Thư phẩm” phản ánh “Nhân phẩm”
Văn hóa truyền thống vô cùng tôn trọng đạo đức, nhân phẩm, đặc biệt coi trọng sự hợp nhất của đạo đức và hành vi, đề xướng ‘Đức tài kiêm bị’ (vừa có đức vừa có tài).
Tương ứng, Thư Pháp cũng là môn nghệ thuật thuộc văn hóa truyền thống, là biểu hiện của nhân phẩm. Hay nói cách khác, nhân phẩm là phần nối dài của nội hàm thư pháp. Vì vậy, lịch sử có câu: ‘Văn như kỳ nhân’ (văn sao người vậy), ‘Tự như kỳ nhân’ (Chữ sao người vậy) để miêu tả cảnh giới thâm sâu của nghệ thuật thư pháp.
Thư pháp chú trọng phần ‘Khí chất’ và ‘Thần vận’ của chữ viết:
- Dương Hùng thời Tây Hán viết: ‘Thư, tâm họa dã.’ Nghĩa là chữ viết chính là bức tranh của nội tâm.
- Hạng Mặc thời Minh cũng nói trong “Thư pháp nhã ngôn” rằng: ‘Nhân phẩm ký thù, tính tình các dị, bút thế sở vận, tà chính tự hình’, nghĩa là: Nhân phẩm khác biệt, tính cách khác nhau, nhưng nhìn nét bút, tự hiện rõ chính tà.
- Thời Thanh, Lưu Hi Tải trong “Nghệ khái – Thư khái” (khái quát về nghệ thuật thư pháp) viết: ‘Thư, như dã. Như kỳ học, như kỳ tài, như kỳ chí, tổng chi viết: như kỳ nhân nhi dĩ.’, nghĩa là: Chữ viết là thế đó, nó thể hiện sự học, tài năng cùng chí khí, tóm lại: Chữ viết chính là người mà thôi!
Các nhà thư pháp trong lịch sử nhận định: muốn tu thư đạo, cần lấy lập đức làm đầu, đạo đức là căn bản của tài hoa, chú trọng sự hợp nhất của tố chất nhân phẩm bên trong và biểu hiện bên ngoài. Khi công phu thư pháp hồn hậu đạt đến một mức độ nhất định, gọi là có thần thái, thì khí vận cũng tự nhiên không hẹn mà tới.
Hoàng Đình Kiên viết trong “Luận thư” rằng: ‘Học thư pháp phải có đạo nghĩa trong tâm, học rộng theo các bậc thánh hiền minh triết, thì viết thư pháp mới cao quý, nếu trong tâm không có nhân cách cao thường, thì dẫu thư pháp siêu thường, phiêu dật, thì cũng chỉ là người dung tục mà thôi.’
Vương Hi Chi- “Thư Thánh” của Trung Hoa với bút pháp tuyệt kỹ & khí tiết chính trực
Vương Hi Chi (chữ Hán: 王羲之), tự Dật Thiếu (逸少), hiệu Đạm Trai (澹斋), là nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn trong lịch sử Trung Quốc.
Vương Hi Chi được nhìn nhận không chỉ là danh nhân thời Đông Tấn mà trong cả lịch sử Trung Quốc, là một trong Mười vị thánh trong lịch sử Trung Quốc. Nổi tiếng với bút pháp tuyệt kỹ & khí tiết chính trực, ông được xưng là Thư Thánh (書聖).
Sống gần như là cùng thời với Đào Uyên Minh, gặp lúc loạn thế, Vương Hi Chi kiên thủ tín ngưỡng cùng tiết tháo, không theo đám đua đòi quyền quý. Ông được triều đình cho đảm nhiệm qua các chức vụ Thứ sử, Hữu quân tướng.
Vương Hi Chi luôn cần mẫn chu đáo, thương dân như con. Tuy nhiên, do trực ngôn can gián, ông làm giới quyền quý nổi giận, thế là ông kiên nghị từ quan.
Suốt đời bảo trì bản sắc chất phác, Vương Hi Chi kiền thành tín đạo, tu đạo, lấy lòng dạ thuần chính sáng trong để cảm thụ cái đẹp của vạn vật trong tự nhiên tạo hóa, tìm tòi chỗ tinh vi thâm áo trong vũ trụ, mà tự mình ấn chứng trên nghệ thuật thư pháp.
Đường Thái Tông bình phẩm về thư pháp Vương Hi Chi là ‘Tận thiện tận mỹ’, có tính cách ‘Dĩ cốt ngạnh xưng’, nghĩa là cương trực trong sáng, chính trực, đồng thời đích thân chọn viết cuốn “Vương Hi Chi truyền luận”, đề xướng thiên hạ học tập theo thể chữ của Vương Hi Chi.
Không chỉ được mệnh danh là bậc “Thư Thánh”, Vương Hi Chi còn nổi bật trong cách dạy con về Thư Pháp.
Vương Hiến Chi, con trai của Vương Hi Chi, từ nhỏ đã trưởng thành trong vầng hào quang của cha, nên rất nóng vội muốn mau chóng lập được danh tiếng. Đến năm 45 tuổi, thư pháp của ông có thể tạm coi là xuất chúng, nhưng vẫn còn kém xa so với phụ thân.
Vương Hiến Chi bèn chủ động tìm tới cha hỏi: “Làm thế nào mới có thể viết chữ đẹp được ạ?” Phụ thân dẫn ông tới hậu viện, chỉ vào 18 chum nước lớn xếp thẳng hàng, nói: “Hãy dùng nước này mài mực viết chữ, đợi đến khi nào con dùng cạn chỗ nước trong chum, thì tự nhiên chữ sẽ luyện thành.”
Vương Hiến Chi nghe lời dạy bảo của cha, từ đó không còn nóng vội nữa, tĩnh tâm nghiên cứu thư pháp. Cuối cùng ông được tôn xưng là “Á Thánh”, trở thành người đầu tiên đứng sau “Thư Thánh” Vương Hi Chi.
Vương Hi Chi để lại cho hậu thế nhiều kiệt tác thư pháp nổi tiếng. Trong đó, tác phẩm nổi tiếng nhất mà ông để lại là Lan Đình tập tự.
Mùa hè năm 355, ông cùng một số nhà văn, nhà thơ tụ tập ở núi Cối Kê tại Lan Đình tránh nắng, cùng nhau uống rượu và làm thơ. Khi đó Vương Hi Chi cao hứng, lấy bút lông chuột viết lên giấy lụa, đó chính là tác phẩm Lan Đình.
Lan Đình tập tự được người đời ví như Mặt Trời, Mặt Trăng giữa bầu trời, được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hành thư”, đến ngàn năm sau hậu thế vẫn thán phục.
Nguồn
Wikipedia: Thư pháp
Wikipedia: Thư pháp Trung Hoa
Ntdvn.net: Thư pháp: Thư phẩm và nhân phẩm
Wikipedia: Vương Hi Chi
Trithucvn.org: Bí quyết của thư pháp: Một nét phân thanh tục
Ntdvn.net: Mạn đàm thư pháp: Đặc điểm Thần tính của thư pháp