Trẻ em xưa bắt đầu đi học thì học các sách “khải mông” (vỡ lòng) như Tam Tự Kinh, Đệ Tử Quy, Thiên Tự Văn, rồi đến Ấu Học Quỳnh Lâm, Thần Đồng Ngũ Ngôn Thi và Tăng Quảng Hiền Văn. Khi đó, học trò đã có đủ tri thức về lịch sử, văn hóa, nhân sinh quan, vũ trụ quan, và nhất là những chuẩn mực đạo đức, phép tắc lễ nghi cơ bản để làm người. Sau đó học trò bắt đầu học các kinh điển Nho gia, trở thành rường cột của quốc gia, là người truyền thừa văn hóa giữa thế hệ trước và thế hệ sau.
Thầy đồ dạy học (Ảnh: NTDVN)
Thế nên, hàng nghìn năm qua, xã hội đa phần ở trạng thái khá ổn định, đạo đức xã hội được duy trì ở mức khá cao, mọi người đều có thể dùng các tiêu chuẩn đạo đức làm người như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, hay các tiêu chuẩn Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ để tự ước thúc bản thân, xã hội khá hài hòa và bình yên.
Hiện nay, khi nền văn minh vật chất đã phát triển đến cực độ, chỉ trong hơn 100 năm mà các nguồn tài nguyên kiệt quệ, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, đủ các loại chất độc trong không khí, nước, đất, thực phẩm, quần áo, thuốc men. Con người phải chịu hậu quả là đủ các loại thiên tai và dịch bệnh liên tiếp xuất hiện, khiến con người mới thấy được xu thế coi trọng vật chất coi nhẹ tinh thần đã phá hủy đạo đức xã hội, khiến con người sống trong thống khổ và bất an.
Những người có lý trí và ham học hỏi tìm về với văn hóa truyền thống huy hoàng xưa, thấy được tầm quan trọng của việc sống hài hòa với thiên nhiên, thuận theo tự nhiên, mới giật mình thấy được trí tuệ cổ nhân sâu sắc và rộng lớn biết nhường nào. Tuy nhiên, do mạch văn hóa truyền thống bị phá bỏ, bị đứt đoạn gần thế kỷ, nên tài liệu học tập nghiên cứu cũng đã ít, và gặp khó khăn khi tìm hiểu văn hóa tư tưởng cổ xưa, thậm chí không tránh khỏi hiểu sai lệch, hoặc không hiểu. Bởi vì những danh từ, tên gọi, khái niệm cơ bản của văn hóa truyền thống đã bị mai một, nếu không có nền tảng cơ bản đó thì khi đọc những tác phẩm xưa sẽ thấy rất khó hiểu, hoặc khô khan tẻ nhạt.
Cái tên Ấu Học Quỳnh Lâm, theo nghĩa mặt chữ tức là “rừng ngọc đẹp dạy trẻ em”, tức là giáo dục trẻ em rất nhiều điều tốt đẹp quý báu như ngọc quỳnh vậy. Cuốn sách giáo khoa Ấu Học Quỳnh Lâm tuy là giành cho trẻ em xưa nhưng lại rất phù hợp với những người hiện đại đang muốn tìm về nguồn cội, nghiên cứu và học tập trí tuệ người xưa, và có kiến thức sâu sắc về thiên địa, vũ trụ và con người. Ví dụ, ngay bài đầu tiên, chỉ vài câu đã miêu tả đầy đủ sự hình thành của vũ trụ, trời đất:
“Khi trời và đất chưa được hình thành thì ở trạng thái hỗn mang, và khi sự hỗn mang tách ra thì trời và đất được hình thành. Khí trong nhẹ bốc lên tạo thành trời, khí đục nặng chìm xuống và ngưng tụ lại tạo thành đất. Mặt trời, Mặt trăng, Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Hỏa và Sao Thổ được gọi là Thất chính; Trời, Đất và con người được gọi là “Tam tài”.
Chúng ta cũng hiểu rõ được rất nhiều nguồn gốc những danh từ hiện đại đang dùng, mà chúng ta cứ ngỡ là “đương nhiên”, ví như “tại sao Mặt trời được gọi là Thái dương, Mặt trăng được gọi là Thái âm?”. Sách Ấu Học Quỳnh Lâm sẽ cho chúng ta biết rằng: “Bởi vì Mặt trời là cội nguồn của các loại khí dương, nên được gọi là Thái dương. Còn Mặt trăng tượng trưng cho các loại khí âm, nên cũng gọi là Thái âm, nên cổ nhân gọi Mặt trăng là Thái âm, và dùng chúng đại biểu cho Âm và Dương”.
“Ấu Học Quỳnh Lâm” làm một cuốn sách giáo khoa hàng đầu được xuất bản vào cuối triều đại nhà Minh, đầu triều đại nhà Thanh, và lưu truyền khá phổ biến ở Việt Nam. Bên cạnh cuốn “Tăng Quảng Hiền Văn”, thì cuốn “Ấu Học Quỳnh Lâm” thường được người dân thời bấy giờ chọn đọc nhất. Điều này cho thấy tầm quan trọng của cuốn sách với nền giáo dục đương thời.
“Ấu Học Quỳnh Lâm” hàm chứa nội dung bao la rộng lớn của nhiều lĩnh vực gồm Thần thoại, thiên văn học, địa lý và nhân văn, cũng như chế độ luân lý, đạo trị quốc. Có thể nói đây là một bộ bách khoa toàn thư đơn giản nhất giúp nuôi dưỡng nhân tài một cách toàn diện. Bởi vì cuốn sách này lấy nguồn gốc vũ trụ học rộng lớn “Thiên – nhân hợp nhất” của người thời xưa với nội hàm vĩ đại, bí ẩn, sâu sắc và khó có thể diễn tả thành lời. Ngày nay, người lớn đọc còn cảm thấy vô cùng kinh ngạc, khó mà tưởng tượng nổi trẻ em thời cổ đại được hưởng một nền giáo dục khoa học lớn đến như vậy.
“Ấu Học Quỳnh Lâm” ban đầu được gọi là “Ấu Học Tu Tri” (những điều cần biết trong giáo dục trẻ em). Tác giả cuốn sách này là Trình Đăng Cát (tự Doãn Thăng) ở Tây Xương vào cuối thời nhà Minh, một thuyết khác cho rằng là của Tiến sĩ Khâu Tuấn đời Minh biên soạn. Vào thời Càn Long nhà Thanh, Trâu Thánh Mạch bổ sung và đặt tên là “Ấu Học Cố Sự Quỳnh Lâm”, gọi vắn tắt là “Ấu Học Quỳnh Lâm”.
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 1: Thất chính và Tam tài
Ấu học Quỳnh Lâm – Bài 2: Mặt Trăng là Thái âm
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 3: Gió sắp thổi thì chim én bay
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 4: Thần Tuyết là Đằng Lục
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 5: Trâu nước Ngô hổn hển khi trăng mọc
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 6: Hoàng Đế phân chia lãnh thổ
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 7: Bồng Lai Nhược Thủy
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 8: Lý đoan và nhân nhật
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 9: Cây lửa hoa bạc
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 10: Đông Chí 106 ngày là Thanh Minh
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 11: Đua thuyền trong ngày tết Đoan Ngọ
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 12: Ngày Mậu thứ 5 cúng Thần Đất
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 13: Minh Hoàng du ngoạn cung trăng
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 14: Ở trong ngôi nhà đầy cỏ thơm
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 15: Mắt vua Thuấn có hai con ngươi
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 16: Tóc, da không được làm tổn hại
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 17: Nói xấu người khác và bạo chính
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 18: Không biết xấu hổ gọi là mặt dày
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 19: Quách Tử Nghi ngôi cao tể tướng
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 20: Trương Lương giẫm chân, ghé tai nói nhỏ
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 21: Chu Văn Vương nhân từ với cả xương khô vô chủ
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 22: Xem sự tích minh quân và trung thần
Ấu học Quỳnh Lâm – Bài 23: Câu chuyện chiếc chăn vải 10 năm
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 24: Cố sự Ngu Thuấn chế y phục
Ấu học Quỳnh Lâm – Bài 25: Dương Hỗ nho nhã khi mặc áo cừu nhẹ
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 26: Những điều tinh hoa của sách Đại Học
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 27: Nhạc Phi tận trung báo quốc
Ấu học Quỳnh Lâm – Bài 28: Hữu Sào thị
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 29: Trời ban văn hóa, Thánh nhân truyền lại
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 30: Hai vua Viêm Hoàng khai sáng văn minh
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 31: Phục Hy đến từ Hoa Tư Quốc
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 32: Hoàng Đế đặt quy chế Hán phục
Ấu học Quỳnh Lâm – Bài 33: Toại Nhân thị dùng gỗ đánh lửa
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 34: La bàn và Hỗn Thiên Nghi
Ấu Học Quỳnh Lâm – Bài 35: Thái Luân tạo ra giấy
Ấu học Quỳnh Lâm – Bài 36: Thần y Biển Thước
Ấu học Quỳnh Lâm – Bài 37: Thiên mệnh của Lỗ Ban
Ấu học Quỳnh Lâm – Bài 38: Phật Tổ và Lão Tử
Vì nội dung cuốn sách này khá phong phú, chúng tôi sẽ chọn lọc những chương phù hợp để trình bày với độc giả, để người đọc hiểu được bề rộng và chiều sâu của văn hóa truyền thống Á Đông, giúp độc giả có một thế giới quan, vũ trụ quan và nhân sinh quan cơ bản truyền thống, từ đó dễ dàng hiểu chính xác những kinh điển và thư tịch cổ xưa, phát hiện lại kho tàng bị lãng quên, tìm lại huy hoàng của nền văn minh cổ đại, để có thể tìm được miền tịnh thổ, có thể sống an nhiên, bình thản và vui vẻ trong xã hội rối ren hỗn loạn thời hiện đại.
Ban biên tập NTD Việt Nam
Bài 1: Thất chính và Tam tài
Nguyên văn chữ Hán
混沌初開,乾坤始奠。氣之輕清上浮者為天,氣之重濁下凝者為地。日月五星,謂之七政;天地與人,謂之三才
Hán Việt
Hỗn độn sơ khai, càn khôn thủy điện. Khí chi khinh thanh thượng phù giả vi thiên, khí chi trọng trọc hạ ngưng giả vi địa. Nhật nguyệt Ngũ tinh, vị chi Thất chính; Thiên địa dữ nhân, vị chi Tam tài.
Bính âm
Hùn dùn chū kāi, qián kūn shǐ diàn. Qì zhī qīng qīng shàng fú zhě wéi tiān, qì zhī zhòng zhuó xià níng zhě wéi dì. Rì yuè wǔ xīng, wèi zhī qī zhèng; tiān dì yǔ rén, wèi zhī sān cái.
Giải nghĩa từ ngữ
(1) 混沌 (Hỗn độn): trạng thái trước khi trời đất được khai mở.
(2) 乾 (Càn): Trời, thuộc Dương.
(3) 坤 (Khôn): Đất, thuộc Âm.
(4) 奠 (Điện): đặt định.
(5) 凝 (Ngưng): Sự kết tụ.
(6) 五星 (Ngũ tinh): dùng để chỉ năm ngôi sao Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
(7) 政 (Chính): sự vận hành của nhật nguyệt Ngũ tinh là cội nguồn và tham chiếu rõ ràng, rành mạch, có trật tự của nhân loại, quốc gia, chính sự, nên được gọi là “chính”.
(8) 才 (Tài): tài năng.
Bản dịch tham khảo
Khi trời và đất chưa được hình thành thì ở trạng thái hỗn mang, và khi sự hỗn mang tách ra thì trời và đất được hình thành. Khí trong nhẹ bốc lên tạo thành trời, khí đục nặng chìm xuống và ngưng tụ lại tạo thành đất. Mặt trời, Mặt trăng, Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Hỏa và Sao Thổ được gọi là Thất chính; Trời, Đất và con người được gọi là Tam tài.
Giải thích văn bản
Người xưa tin rằng, vùng đất Trung Nguyên là Thần Châu, và là trung tâm của nền văn hóa do Thần truyền lại. Con người là hậu duệ của Nữ Oa, thế giới và vạn vật đều do Thần tạo ra, con người và văn hóa đều do Thần truyền lại, nên được gọi là văn hóa Thần truyền. Tất cả những thứ của con người đều đến từ Thiên thượng. Vì vậy, cuốn sách “Ấu Học Quỳnh Lâm” phản ảnh quan niệm truyền thống về vũ trụ, quan niệm về Thiên nhân hợp nhất. Mãi cho đến thời kỳ cận đại, con người vẫn còn quan niệm như thế, nên từ đời sống, lịch sử, văn hóa, đều hòa nhập với trời đất. Họ cho rằng, vạn sự vạn vật của con người đều tương ứng với trời đất. Dù là thường dân hay hoàng đế, cũng đều biết tôn trọng và hành xử theo lẽ Trời, kính úy Trời Đất, trọng đức hành thiện, có trật tự rõ ràng, là quốc gia tuân thủ lễ nghi.
Vì vậy, con người thời bấy giờ đều biết nguyên lý Âm dương, Ngũ hành. Mở đầu bài viết này là nói về nguồn gốc của vạn vật trên thế giới, nhằm giải thích cụ thể cho các em những kiến thức nhân văn cơ bản nhất của thế giới mà con người trực tiếp nhìn thấy như Âm, Dương, Ngũ hành và mối liên quan mật thiết đến cuộc sống của con người. Để con người không quên nguồn gốc và sứ mệnh của bản thân được Trời ban cho. Với tư duy vĩ đại, khôn ngoan và nền văn hóa bác đại tinh thâm, con người sẽ không bao giờ có thể tách khỏi nền văn hoá lịch sử này.
Âm dương Ngũ hành
Khoa học hiện đại đã thừa nhận vũ trụ được tạo nên bởi Ngũ hành, nhân loại cũng là một phần trong vũ trụ, do đó cũng do ngũ hành tạo nên. Chỉ cần nắm được ngũ hành của một người, người ta có thể dự đoán được vận mệnh lên xuống của người đó (Hình: NTDVN)
Theo cách nói hiện đại thì Nhật nguyệt Ngũ tinh nằm trong phạm vi hệ Mặt trời. Năm ngôi sao tượng trưng cho Ngũ hành, mặt trời và mặt trăng đại diện cho âm và dương, và năm yếu tố âm dương này tạo thành vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Các bậc Thánh vương thời xưa cai quản đất nước phải nhìn thấu các hiện tượng thiên văn, thấu hiểu ý Trời và Đạo Âm dương Ngũ hành để quản lý dân chúng, đất nước theo ý Trời, luôn tuân theo Ngũ thường Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.
Biểu hiện bên ngoài trực tiếp nhất học theo sự sắp đặt của Nhật nguyệt Ngũ tinh để quốc gia với hình thức quân thần ai ở vị trí người ấy, người nào thực hiện bổn phận trách nhiệm người ấy, và các ngành các nghề đều làm theo Thiên ý. Vì vậy, trong thời kỳ hoàng kim của vương triều, mọi người đều biết rằng trên đầu 3 thước có Thần linh, và đạo đức nói chung được duy trì trong trạng thái nhân đức và có trật tự khá cao.
Trời, đất và con người được gọi là Tam tài, sự kết hợp của con người với Trời đất trực tiếp sẽ thể hiện ra vũ trụ quan Thiên nhân hợp nhất, con người sinh ra từ Trời đất, cũng cho thấy loài người có trí tuệ siêu phàm có thể kết thông với Trời đất. Vì vậy, người xưa chưa bao giờ dám làm trái ý Trời, dám muốn gì làm nấy, rất biết quý trọng sinh mệnh, cho rằng mạng người liên quan đến Trời. Vì vậy, nền văn hóa năm nghìn năm được huy hoàng là nhờ tôn trọng và đề cao sự thiện lương. Sau này, điều đó được thế giới ca ngợi nền văn hóa của Trời ban.
Kể chuyện
Bàn Cổ khai thiên tịch địa
Tương truyền, thuở sơ khai trời đất, vạn vật, vũ trụ hỗn mang, giống như quả trứng. Trong quả trứng này đã sinh ra Bàn Cổ, người tạo ra thế giới.
Bàn Cổ khai thiên tịch địa
Bàn Cổ khai thiên tích địa, sáng tạo ra vũ trụ (Hình NTDVN)
Bàn Cổ đã ngủ trong một quả trứng tròn suốt 18.000 năm. Khi tỉnh dậy, thấy trước mặt là một khối đen, vừa duỗi tay ra vừa đạp chân thì quả trứng tròn bị vỡ. Khí Dương nhẹ trong bay lên và biến thành một bầu trời cao xanh. Khí Âm nặng đục hạ xuống và biến thành đất rộng lớn. Kể từ đó, vũ trụ được phân chia thành trời và đất.
Bàn Cổ đứng sừng sững giữa trời đất.Từ đó về sau, bầu trời mỗi ngày tăng thêm một trượng (khoảng 3m), mặt đất mỗi ngày dày thêm một trượng, và Bàn Cổ mỗi ngày cũng cao thêm một trượng. Sau 18.000 năm nữa trôi qua, trời không thể cao, đất không thể sâu hơn. Bản thân Bàn Cổ đã trở thành một người khổng lồ dài 90.000 trượng, đội trời đạp đất, nâng đỡ trời và đất để chúng không quay trở lại tình trạng hỗn mang khi xưa.
Sau khi Bàn Cổ khai mở ra thế giới, ông là người duy nhất trên trái đất. Trái đất thuận theo cảm xúc của ông mà thay đổi. Khi ông vui thì sẽ không có mây, khi ông giận thì thời tiết u ám, khi ông khóc, trời mưa thành sông hồ, khi ông thở dài, mặt đất nổi gió, khi ông chớp mắt là bầu trời nổi sấm, khi ông ngáy, thì có tiếng sấm ầm ầm trên bầu trời.
Không biết đã trải qua bao nhiêu năm, trời và đất không còn cần đến Bàn Cổ nữa, và Bàn Cổ nằm trên đất bất động. Cơ thể của ông đã tạo cho vũ trụ có hình dạng và đồng thời tạo ra các vật chất trong vũ trụ. Đầu của ông biến thành Đông Sơn, chân biến thành Tây Sơn, thân biến thành Trung Sơn, cánh tay trái biến thành Nam Sơn, và cánh tay phải biến thành Bắc Sơn. Năm ngọn núi thiêng có bốn góc thành 1 hình vuông. Những ngọn núi đó mỗi một ngọn nằm giữa 1 khu vực.
Bàn Cổ đã sử dụng cơ thể của mình để biến thành vũ trụ trời đất.
Nữ Oa tạo ra con người
Sau đó, một nữ Thần tên Nữ Oa xuất hiện giữa trời và đất.
Một ngày nọ, Nữ Oa tìm thấy một hồ nước trong vắt. Bà dùng nước hòa với đất sét, chiểu theo hình dáng bản thân để nặn tạo ra những hình người đất nhỏ gồm cả nam lẫn nữ. Bà thổi một luồng khí vào những hình tượng người này, và đặt chúng xuống đất. Những bức tượng này lập tức sống động, có thể chạy nhảy, nói chuyện và cười vui.
Nữ Oa tạo ra con người
Theo truyền thuyết, Nữ Oa dùng đất tạo ra con người. (The Epoch Times)
Nữ Oa làm việc rất chăm chỉ mỗi ngày để tạo ra nhiều người đất nhỏ, nhưng nặn bằng tay vẫn khá chậm. Vì vậy, Nữ Oa đã ngâm sợi dây vào trong bùn vàng, sau đó kéo sợi dây ra khỏi bùn, khi kéo lên những giọt bùn này văng tung tóe, và chúng lập tức trở thành người sống.
Tuy nhiên, tuổi thọ của những người này khá ngắn ngủi. Vì thế, để ngăn chặn sự diệt vong của loài người, người mẹ tốt bụng này đã thiết lập mối quan hệ hôn nhân cho loài người, cho phép họ có con và sinh sản từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Huy Hải
Theo Lưu Như – Epoch Times
Nguồn bài viết: https://www.ntdvn.net/van-hoa/au-hoc-quynh-lam-bai-1-that-chinh-va-tam-tai-149318.html
Ấu học Quỳnh Lâm – Bài 2: Mặt Trăng là Thái âm
Nguyên Văn Chữ Hán
日為眾陽之宗,月乃太陰之象。虹名䗖蝀,乃天地之淫氣。月裡蟾蜍,是月魄之精光。
Hán Việt
Nhật vi chúng dương chi tông, nguyệt nãi thái âm chi tượng. Hồng danh đế đông, nãi thiên địa chi dâm khí. Nguyệt lý thiềm thừ, thị nguyệt phách chi tinh quang.
Bính âm
Rì wèi zhòng yáng zhī zōng, yuè nǎi tài yīn zhī xiàng. Hóng míng dì dōng, nǎi tiān dì zhī yín qì. Yuè lǐ chán chú, shì yuè pò zhī jīng guāng.
Giải nghĩa từ ngữ
(1) 眾陽 (Chúng Dương): Nhiều dương khí (Chúng, nhiều; Dương, Dương khí).
(2) 宗 (Tông): căn nguyên, căn bản.
(3) 象 (Tượng): biểu tượng, tượng trưng.
(4) 䗖蝀 (Đế đông): một tên gọi khác của cầu vồng.
(5) 淫氣 (Dâm khí): dùng để chỉ sự chuyển giao hỗn hợp của khí âm và khí dương (Dâm, ngâm tẩm).
(6) 蟾蜍 (Thiềm Trừ): con cóc. Tương truyền rằng, vợ của Hậu Nghệ đã uống thuốc tiên của Tây Thái hậu rồi bay lên mặt trăng biến thành con cóc.
Bản dịch tham khảo
Mặt trời là nguồn gốc của tất cả các khí dương, mặt trăng là biểu tượng tinh hoa của khí âm. Cầu vồng được hình thành do sự hòa quyện của âm dương của trời đất, con cóc ở cung trăng là do tinh hoa của mặt trăng ngưng tụ mà thành.
Ấu học quỳnh lâm
Mặt trời, mặt trăng, cầu vông (Hình minh họa: NTDVN)
Giải thích văn bản
Bài này vẫn nói về thiên văn, chỉ cần bạn đọc sẽ thấy rằng cuốn giáo trình vỡ lòng này thực sự là một bộ kiến thức uyên bác. Những kiến thức phổ thông mà con người nghiên cứu và học tập được sau này, đi ra xã hội vận dụng trong cuộc sống, cũng đều sẽ gặp. Ngày nay chúng ta đọc những điều uyên bác, cảm thấy nó rất cao, nhưng ở thời cổ đại, đây là kiến thức cơ bản và là nền tảng của bậc tiểu học. Ví dụ, như một trong những điều cuốn sách này dạy. Nếu bạn không đọc cuốn sách này, bạn sẽ không hiểu được nhiều tác phẩm kinh điển cổ xưa của cổ nhân.
Trong nhiều sách cổ và kinh điển, sẽ có rất nhiều từ ngữ, thuật ngữ, những từ này nếu bạn không hiểu thì sau này bạn sẽ không thể đọc được những sách cổ. Bạn có thể sẽ cảm thấy khó khăn khi đọc, và bạn sẽ không muốn đọc nó thêm lần nào nữa. Trên thực tế, chỉ cần bạn đọc xong cuốn giáo trình vỡ lòng này, bạn sẽ thấy rằng nhiều từ khó hiểu chỉ là cách cổ nhân đặt định ra từ như thế, cũng có rất nhiều tên gọi theo quan điểm vũ trụ học và lịch sử thời bấy giờ, thì bỗng nhiên sẽ ngộ ra rằng, đọc sách cổ không khó.
Ví dụ, mọi người ở đây có thể đã phát hiện ra rằng, hoá ra Nhật (mặt trời) sau này chuyển thành đọc là Thái dương. Bởi vì Mặt trời là cội nguồn của các loại khí dương, nên được gọi là Thái dương. Còn Mặt trăng tượng trưng cho Thái âm, nên cổ nhân gọi Mặt trăng là Thái âm, và dùng chúng đại biểu cho âm dương. Cầu vồng còn được gọi là Đế đông, nếu từ này xuất hiện trong sách cổ, tôi sẽ hiểu ra nó ngay lập tức, ồ, nó có nghĩa là Cầu vồng. Thật thú vị phải không? Đây là nền tảng của việc đọc sách.
Người xưa coi Hán cổ và những tài liệu vỡ lòng này là sách giáo khoa cho bậc tiểu học. Để học hiểu nghĩa gốc của Hán cổ, trước tiên phải hiểu hàm nghĩa, nguyên lai và xuất xứ của chữ này, sau này bạn mới có thể đọc hiểu được những văn bản cổ (cổ thư). Về sau, bạn sẽ có thể tự có kiến giải và lĩnh ngộ riêng của bản thân, không bị dẫn dắt sai lệch. Mục đích là có được những kỹ năng và kiến thức cơ bản để đọc được các sách kinh điển cổ.
Việc giải nghĩa từ trong sách cổ hay tri thức đều không phải là mục đích, mà mục đích là để người học có thể đọc hiểu các tác phẩm kinh điển và sách Thánh hiền trong tương lai. Một số điển cố thường sẽ xuất hiện trong những thơ từ của hậu thế, nhưng nếu không có nền tảng thì người xem sẽ cảm thấy không hiểu. Vì vậy, sau khi đọc cuốn bách khoa toàn thư này, bạn sẽ hoàn toàn có thể đọc hiểu các sách, thơ và lịch sử văn học cổ, điều này là rất quan trọng.
Nói một cách khác, đọc cuốn “Ấu Học Quỳnh Lâm”, có thể hiểu rõ ràng hơn rất nhiều điển cố, nguồn gốc, giống như sống cùng cổ nhân vậy, hiểu được phong tục, cách nghĩ, cuộc sống và tư tưởng của họ. Nét thanh lịch và vẻ đẹp của văn hóa truyền thống thuần chính như lúc đó mới sáng tỏ như gương.
Trong bài học tiếp theo, các bạn sẽ thấy rằng, “gió xoáy” được gọi là “dương giác” (sừng dê), và “tia chớp” được gọi là “lôi tiên” (roi sấm), rất sinh động.
Trong tương lai, mọi người sẽ thấy rằng, có rất nhiều từ ngữ giàu ý thơ và những danh xưng trang nhã trong đời sống hàng này đều xuất hiện ở đây. “Phương tung” (dấu vết thơm) thay cho “dấu chân”, và “bạch ốc” thay cho “nhà nghèo”, “lệnh tôn” để gọi phụ thân của người khác, “lệnh viên” để tôn xưng con gái của người khác.
“Quốc thủ” là thầy thuốc. Thợ mộc còn được gọi là “đại công sư”, đây là lý do tại sao Nhật Bản gọi thợ mộc là “đại công” (daiku).
Đây chỉ là vài ví dụ, đã khiến người ta phải thầm ngạc nhiên, trẻ em đọc những cuốn sách như thế này thì sao có thể không trở nên ưu nhã, sao có thể không trở nên giàu tố chất văn học đây? Tác dụng của nó quá rộng lớn, kiến thức này cho phép bạn đi khắp thiên hạ mà không sợ. Thật không thể tượng tượng nổi, trẻ em thời cổ đại thật may mắn như thế nào. Sinh viên đại học ngày nay cũng phải than thở là không bằng trẻ em xưa được.
Vì vậy, có rất nhiều người già Nhật Bản đã nói rằng, ngày xưa Nhật Bản gọi Trung Hoa là “đại nhân chi quốc” (quốc gia của những đại nhân), ý nghĩa là trẻ con Trung Hoa xưa hiểu biết rất sâu rộng và lễ phép, rất thông thái và lý tính, điều này khiến người ta kinh ngạc và khâm phục.
Người xưa xem “Tam Tự Kinh” là tôn chỉ của tri thức là phải dạy trước, được coi là bộ “Luận Ngữ” phiên bản trẻ em, là người dẫn đường, là tôn chỉ của học vấn, là yêu cầu đạo đức căn bản của việc làm người. Sau đó, mới học Hán cổ, viết và nhận biết các từ và các câu, cũng như hiểu được cách dùng từ của các điển cố, phong tục và tri thức và các năng lực cơ bản.
Sau đó, mới có khả năng tiến thêm một bước học tập các tác phẩm kinh điển của các Thánh hiền và văn hóa lịch sử của người lớn. Do đó việc học này có thể được gọi là “Đại học”. Đây là đặc điểm căn bản trong giáo dục của cổ nhân. Cuối cùng, là giúp bạn có được một trí huệ để tề gia và trị quốc một cách chính trực, giúp đỡ mọi người, và hoàn thành một đời sống có ý nghĩa mà không bị lạc lối.
Người xưa xem “Tam Tự Kinh” là tôn chỉ của tri thức là phải dạy trước, được coi là bộ “Luận Ngữ” phiên bản trẻ em, là người dẫn đường, là tôn chỉ của học vấn, là yêu cầu đạo đức căn bản của việc làm người. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)
Người xưa xem “Tam Tự Kinh” là tôn chỉ của tri thức là phải dạy trước, được coi là bộ “Luận Ngữ” phiên bản trẻ em, là người dẫn đường, là tôn chỉ của học vấn, là yêu cầu đạo đức căn bản của việc làm người. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)
Kể chuyện
Câu chuyện Mặt trời
Cách đây rất lâu, trên bầu trời đồng thời xuất hiện mười Mặt trời, khiến cho thời tiết vô cùng nóng bức, trên mặt đất không có lấy một ngọn cỏ, mọi người đều ở trong nhà không dám ra ngoài.
Mười Mặt trời này vốn là mười người con của Thiên Đế, và chúng rất nghịch ngợm. Thiên Đế quy định một ngày chỉ được lên trời chơi một lần, nhưng mười anh em này lại thường xuyên lẻn lên trời chơi với nhau khiến người dưới đất khổ sở. Vì vậy, Nghiêu Đế với cương vị là vua của một nước, đã thỉnh cầu Hậu Nghệ, bậc thầy bắn cung của thiên đình hạ phàm, giúp đỡ. Hậu Nghệ rút cung bắn tên ra để bắn, vốn dĩ chỉ muốn hù dọa anh em nhà Mặt trời, nhưng không ngờ một mũi tên đã bắn rơi một Mặt trời, nhiệt độ trên mặt đất lập tức giảm đi mấy độ. Hậu Nghệ liền liên tiếp bắn hạ chín Mặt trời. Lúc ấy, Nghiêu Đế thấy mặt đất trở nên lạnh băng, ông hiểu ra vai trò của Mặt trời là gì, liền ngăn cản Hậu Nghệ bắn tên lần nữa, vì vậy trên bầu trời chỉ còn một Mặt trời.
Hậu Nghệ bắn mặt trời
Hậu Nghệ liền liên tiếp bắn hạ chín Mặt trời. (Tranh: NTDVN)
Mặt trời còn lại rất lười biếng, thường trốn trong thung lũng ngủ, khiến thế giới trở nên tối tăm và lạnh lẽo. Vì vậy, Thiên Đế đã lệnh cho vị Đại Thần Viêm Đế trở thành Thần Mặt trời, quản lý Mặt trời. Thiên Đế ban cho Viêm Đế một con gà vàng để đánh thức Mặt trời đang say ngủ, một chiếc roi Thần Nhược Mộc và một chiếc xe Thần Long để bay trên trời truy đuổi Mặt trời. Từ đó trở đi ngày ngày Mặt trời đều mọc đúng giờ ở phía đông. (Nguồn “Hoài Nam Tử” của Lưu An và “Sơn Hải Kinh”)
Hằng Nga bay lên cung trăng
Khi ở trong thiên nhiên, cổ nhân thường có nhiều chuyện truyền thuyết thú vị: Bên trong cung trăng có một con cóc đang hấp thụ tinh hoa của ánh trăng. Phía sau lưng nó là màu đen, trên đầu có cặp sừng khá dài. Theo tương truyền nó đã hơn 3.000 năm tuổi! Con cóc này là do Hằng Nga , người đã uống trộm tiên dược hóa thành.
Theo truyền thuyết, sau khi Hậu Nghệ bắn hạ chín Mặt trời, ông bị Thiên Đế trừng phạt và không bao giờ được trở lại Thiên đình, vợ ông là Hằng Nga, cũng bị giáng hạ xuống phàm trần để chịu những thống khổ về sinh, lão, bệnh, tử trên thế gian. Một ngày nọ, Hậu Nghệ xin thuốc trường sinh bất tử từ Tây Vương Mẫu ở núi Côn Luân. Hằng Nga biết được rằng, hai người họ mà chia đều thuốc để uống thì chỉ trường sinh bất tử, nhưng nếu một người uống có thể bay lên và trở thành tiên, thế là cô đã bí mật uống hết chỗ linh dược ấy.
Hằng Nga bay lên cung trăng
Sau khi uống linh dược, thân thể Hằng Nga ngày càng nhẹ hẳn đi, và có thể bay lên được, cô bay vào cung trăng (Tranh: NTDVN)
Sau khi uống linh dược, thân thể Hằng Nga ngày càng nhẹ hẳn đi, và có thể bay lên được, cô bay vào cung trăng và hóa thành một con cóc. (Nguồn “Linh Hiến” của Trương Hoành)
Huy Hải
Theo Lưu Như – Epochtimes
Nguồn bài viết: https://www.ntdvn.net/van-hoa/au-hoc-quynh-lam-bai-2-mat-trang-la-thai-am-149616.html