TU THÂN TỀ GIA TRỊ QUỐC BÌNH THIÊN HẠ
Thánh Tông Thuần Hoàng Đế Lê Tư Thành là bậc minh quân số một trong lịch sử Việt Nam. Thời Ngài trị vì đã đưa Đại Việt trở thành bá chủ khu vực Đông Nam Á, khiến cả Trung Hoa cũng phải nể phục, các nước lân bang đều bị chấn nhiếp.
Ngoài tài năng trị quốc bẩm sinh thì thành công đó còn đến từ sự áp dụng hoàn hảo hệ tư tưởng trị quốc của Nho giáo vào tình hình nước ta. Đây cũng là một minh chứng tuyệt vời của những lý thuyết Tu Tề Trị Bình trên thực tế, vốn đã từng thành công trước đây vào thời Lý Trần nay lại quật khởi lần nữa sau những năm dài đô hộ đen tối. May mắn thay những tư tưởng và bài học này vẫn còn lưu lại trong lịch sử để ngày nay chúng ta có thể hình dung được phong thái của một bậc thiên tử chân chính là như thế nào.
Đức khiêm cung của một vị hoàng đế
Nho giáo đề xuất tu thân, coi việc tu dưỡng bản thân là điều kiện quan trọng trước cả việc trị quốc. Trong việc tu thân thì đức tính khiêm cung có thể nói là rất khó thực hiện, nhất là với người trên ngôi cửu ngũ chí tôn như hoàng đế.
“Đinh Hợi, [Quang Thuận] năm thứ 8 [1467], (Minh Thành Hóa năm thứ 3)
Mùa đông tháng 10. Ngày 16, đại thần và các quan dâng biểu xin vua thêm tôn hiệu. Vua phê rằng:
“Trẫm chưa dám nói đến danh hiệu Hoàng đế. Đối với các khanh, trẫm xưng là Hoàng thượng, đối với Thái miếu, trẫm xưng là Tự hoàng, như thế cũng đủ khác với danh hiệu của các thân vương rồi. Những lời ấy, các khanh nên nghĩ lại. Sau này vài năm nữa, nếu thấy trên thì trời thuận, dưới thì dân yên, mưa gió điều hòa, nước lớn thân thiện, nước nhỏ sợ uy, mới có thể bàn đến tôn hiệu. Các khanh nghĩ kỹ lại xem”.
Ngày 19, đại thần và các quan văn võ lại dâng, biểu xin thêm tôn hiệu. Tờ biểu viết: Bệ hạ đã lên ngôi chí tôn, nên xưng là Hoàng đế. Vua không nghe.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Lời bàn:
Con người ta lắm khi sống ở đời cũng là vì một cái danh hão mà khổ tâm truy cầu mãi. Nhất là khi cái danh đó lại là tôn hiệu Hoàng đế cao quý của thiên hạ. Bao vị vua xưa nay vì thói háo danh mà tự khoác lên mình vô số tôn hiệu hoành tráng, và tạo thành cái cớ cho bề tôi tha hồ tâng bốc nịnh hót. Cái tệ này quả còn xấu hơn tham quan ô lại, Vì họ không quan tâm để biết rằng, tôn hiệu chỉ cao quý khi nó xứng đáng với những thành quả cai trị của một nhà vua có thể làm cho nhân dân no ấm, nước giàu quân mạnh. Nếu không làm được thế thì xưng tôn hiệu có ích gì, chẳng qua lại phí mất bút mực của sử gia, để tiếng cười chê cho hậu thế mà thôi. Những thứ gì như là “Nùng Bình phiên phục” của Lý Thái Tông nhà Lý chẳng đủ nực cười rồi sao. Thế nên với trí tuệ của mình, Lê Thánh Tông dĩ nhiên là sẽ không làm việc vô nghĩa đó vậy.
Sự bác học đa tài của Lê Thánh Tông
Lê Thánh Tông ngoài tài trị quốc ra còn có rất nhiều tài năng thiên bẩm khác có thể làm kinh ngạc nhiều người vì không nghĩ rằng một vị vua bận rộn chính sự mà lại vẫn có thể học hỏi và có thể lĩnh hội được nhiều kiến thức với độ khó cao như vậy.
“Canh Dần [Hồng Đức] năm thứ 2 [1471], (Minh Thành Hóa năm thứ 6)
Ngày 25 đêm ấy, Đỗ Nhuận hầu trước mặt vua. Nhân nói đến hai chữ “Đạo lý”, vua bảo rằng:
“Đạo là việc đương nhiên, rõ ràng dễ hiểu, lý là cớ dĩ nhiên, mầu nhiệm khó thấy. Ta từng làm bài thơ về hai chữ ấy, lâu ngày mới xong”.
Nhuận thưa rằng:
“Lý học của đức vua rất sáng tỏ uyên bác; trong chỗ hỗn nhiên mà phân biệt rất rõ ràng, rất tinh vi hàm súc, thể hiện ra ở lời thơ, không phải người học vấn tầm thường có thể mong mà theo kịp được”.
Vua lại nói về thiên văn học, chỉ ra rằng sự vận hành của Nhị thập bát tú và Ngũ tinh đều có xâm phạm tới nhau. Nếu sao nọ phạm vào sao nào đó thì ứng với một việc nào đó”.
Xem thế, có thể thấy được đôi nét về tầm học rộng hiểu sâu của vua.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Lời bàn:
Đạo và Lý là lẽ huyền diệu trong kinh sách xưa nay. Sự vận hành khế hợp của tinh tượng ứng với việc nhân gian là một pháp lý sâu xa khó cảm nhận. Tất cả những điều này không phải của một trí thức thông thường chỉ nghiên cứu học tập lại có thể ngộ được chỉ trong một đời. Ấy vậy mà Lê Thánh Tông lại có thể chỉ trong vài câu nói mà đưa ra nhận thức thấu triệt như thế, quả thực là trí huệ trời ban, không phải là việc của con người thông thường có thể đạt đến vậy. Nên những thành tựu phi thường của Lê Thánh Tông ắt phải là thiên mệnh, do trời ban cho mới có thể đạt đến, không phải sức người muốn là được đâu.
Hoàng đế mong nghe lời can gián để sửa mình
Trong lịch sử Trung Hoa có Ngụy Trưng là một vị gián quan xuất sắc dưới thời Đường Thái Tông. Cái may mắn lớn nhất đời của Ngụy Trưng là có một vị vua như vua Thái Tông, nhà Đường nổi tiếng vì khả năng nghe lời can gián. Lê Thánh Tông hiểu rõ việc tốt này nên đã cố gắng sửa mình để nghe lời can gián và ông cũng khuyến khích các quan thẳng thắn khuyên can mình.
“Giáp Thân [Quang Thuận] năm thứ 5 [1464], (Minh Thiên Thuận năm thứ 8)
Tháng 8, sắc dụ Hình bộ tả thị lang Nguyễn Mậu rằng:
“Ngươi chăm lo việc nước, điều gì hay thì quy về cho vua, không kém gì Như Hối, Huyền Linh. Đến như Đái Trụ xử việc phức tạp khó khăn, Ngạn Bác tâu bày rõ ràng, tường tận, so với hai người đó cũng có khá hơn một chút. Làm bầy tôi như vậy thực đáng khen ngợi lắm, nên ban cho bạc lạng. Khi nào bạc ban đến nơi, ngươi càng nên mài giũa thêm lòng son vốn có mong cho ta tới cõi trị bình. Ta có lỗi lầm gì hãy thẳng thắn chỉ ra, hãy cứng như Đổng Tuyên, chớ như Tô Uy quen thói giấu giếm”
(Chú thích:
Như Hối: tức Đỗ Như Hối. Huyền Linh: là Phòng Huyền Linh, đều là bề tôi giỏi của Đường Thái Tông. Đái Trụ: là người minh mẫn, cương trực, rất giỏi xử việc rối rắm phức tạp làm đến Kiểm hiệu Lại bộ thượng thư cho Đường Thái Tông. Ngạn Bác: tức là Ôn Ngạn Bác, giỏi việc tâu bày, làm Thượng thư hữu bộc xạ đời Đường Thái Tông. Đổng Tuyên: là quan lệnh ở Lạc Dương, tính cứng cỏi, thẳng thắn, khi xử vụ án giết người đầu bếp của Hồ Dương công chúa, Hán Vũ Đế bắt Tuyên phải lạy tạ công chúa, Tuyên chống hai tay xuống đất, nhất định không chịu lạy. Tô Uy: là trọng thần của nhà Tùy mất, Uy sống tùy thời, triều nào lên cũng xin thờ phụng và đều được trọng dụng. Đến khi Đường Thái Tông đương nước, Uy xin yết kiến, không được Thái Tông chấp nhận)
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Lời bàn:
Cổ nhân có câu “Kẻ thù lớn nhất của mỗi người là chính mình” hay nói đúng ra “kẻ thù” đó chính là cái sĩ diện của bản thân. Vì cái sĩ diện sợ mất mặt ấy mà người ta có thể làm nhiều điều xấu kể cả khi thâm tâm không mong muốn. Nhất là với một bậc Thiên tử chúa cả thiên hạ thì cái sĩ diện ấy còn to chừng nào. Nhưng sai lầm thì không chừa một ai kể cả Thiên tử, mà Thiên tử sai lầm thì hậu quả là cả thiên hạ. Nên bậc minh quân ngày xưa đều hạ mình xuống, bỏ đi sự cao ngạo mà cầu nghe lời phải từ gián quan hay các bậc hiền nhân nghĩa sĩ để có thể cai trị ít sai lầm hơn. Có câu “không cầu lập công, chỉ cầu đừng sai lầm” thật đúng với trường hợp này. Có lẽ ức vạn bá tính ắt cũng chỉ mong điều nhỏ nhoi ấy nơi bậc quân vương mà thôi.
Lê Thánh Tông làm thơ dạy con
Không chỉ chăm lo cai trị xã tắc, Lê Thánh Tông còn rất chú ý dạy dỗ con mình, đặc biệt là Hoàng thái tử còn nhỏ. Dù công việc quân quốc bận rộn, nhưng ngài cũng không quên làm một bài thơ răn dạy cho thái tử nên người bằng những điển tích ngày xưa.
“Tháng 8, sai Hoàng thái tử vào học. Vua làm thơ đưa cho như sau:
Chí thân hạp bất tận thành ái,
Tiện bế cương trường nhiễu chỉ phu.
Sở quốc Phàn Cơ quang phụ đức,
Trưởng tôn hoàng hậu hữu gia mưu.
Đầu sàng trùng sử Tần vương hận,
Dương túy thời tri Vệ Quán ưu.
Chúng khẩu hưu hưu thông nhĩ quát,
Hà tằng nhất kiến Tiết Cư Châu.
( Thân yêu há chẳng hết lòng này,
Xiểm nịnh làm cho dạ đổi thay.
Nước Sở Phàn Cơ nêu đức tốt.
Trưởng Tôn hoàng hậu có mưu hay.
Tần Vương hận chuyện lăn ra sập.
Vệ quán lo âu khéo giả say,
Trăm miệng ồn ào tai phải điếc,
Cư Châu đâu thấy được người ngay).
Bây giờ Hoàng thái hậu là người nhân huệ có thừa mà không đủ quả quyết, răn dạy con cháu chưa bao giờ đổi sắc mặt, có khi đánh bằng roi vọt, nhưng chỉ một lát lại thương xót. Vua sợ Tranh dần dà trở nên phóng túng kiêu ngạo, nên làm bài thơ này đưa cho.”
(Chú thích:
Nguyên văn “Cương trường nhiễu chỉ phu” lấy ý từ hai câu thơ: “Hà ý bách luyện kim, hóa tác nhiễu chỉ phu “(ngờ đâu loại kim cứng trăm lần tôi lại hoá thành chất mềm vòng vào ngón tay được) của Lưu Công. Câu này dịch ý.
Phàn Cơ: là bà phi của Sở Trang Vương. Trang Vương hay đi săn, Phàn Cơ can không được, bèn nhất định không ăn thịt những con vật Trang Vương săn được.
Trưởng tôn hoàng hậu: là bà hậu của Đường Thái Tông, tính khiêm nhường kiệm ước, làm gương cho phi tần trong cung, có tài văn học, thường bàn việc với Thái Tông.
Đường Thái Tông muốn lập Tần Vương Trị làm thái tử. Một hôm, sau khi tan chầu, chỉ còn Trưởng Tôn Vô Kỵ và Phòng Huyền Linh ngồi lại. Thái Tông nói với hai người: “Ta có hai con và một em, không biết lập ai, lòng ta buồn lắm”, rồi nằm lăn ra sập, lấy con dao tự dí vào cổ. Bọn Vô Kỵ sợ hãi chạy tới ôm lấy Thái Tông, giằng lấy con dao đưa cho Tần Vương và hỏi Thái Tông muốn lập ai. Thái Tông nói: Muốn lập Tần Vương. Bọn Vô Kỵ nói: “Chúng tôi xin vâng mệnh, ai bàn cách khác thì chém. Thái Tông quay sang bảo Tần Vương: “Cậu đã bằng lòng lập con rồi đấy, phải tạ cậu đi”.
Vệ Quán: là bề tôi của Tấn Vũ Đế, biết Huệ Đế tư chất kém không làm vua được, nhưng chưa dám nói với Vũ Đế. Sau nhân khi dự yến, giả say, vỗ vào sập của Vũ Đế ngồi mà nói: “Chổ ngồi này thực đáng tiếc”.
Tiết Cư Châu: là thiện sĩ người nước Tống thời Chiến Quốc.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Lời bàn:
Phàm các triều các đại, bậc vương giả lấy được nước đều là từ trong chinh chiến gian khổ, trải bao phong sương mà thành tựu đại nghiệp. Vậy mà cơ nghiệp ấy tất cả đều mất đi trong tay những kẻ kế nghiệp với một cuộc sống xa hoa sung sướng. Lê Thánh Tông một đời anh minh chắc sẽ không mong cơ nghiệp mình dày công tạo dựng lại hủy trong tay của hậu nhân bất tài, nên mới dụng tâm làm bài thơ dùng điển tích để răn dạy con. Thái tử Lê Tranh sau này lớn thành một vị vua tốt, giữ vững giang sơn, nhân dân được nhờ ắt một phần cũng bắt nguồn từ bài thơ này, đáng phục thay.
Ý thức bảo vệ quốc gia và binh pháp siêu phàm của Lê Thánh Tông
Thời Lê Thánh Tông nổi tiếng với các chiến công mở rộng lãnh thổ và bắt lân bang quy phục. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ lãnh thổ của Lê Thánh Tông còn ghi trong sử sách như một lời răn dạy cho hậu thế về sự quan trọng của việc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ.
“Quý Tỵ, Hồng Đức năm thứ 4 [1473], (Minh Thành Hóa năm thứ 9)
Mùa hạ, tháng 4. Vua dụ bọn thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng:
“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”(Đại Việt sử ký toàn thư)
Để giữ lãnh thổ không bị xâm phạm và mở rộng cương vực khi cần thiết, Lê Thánh Tông còn dùng đến biện pháp quân sự, bản thân ông còn chứng tỏ mình là một nhà quân sự tài năng hiếm có trong sử sách. Những chiến dịch của ông đều vô cùng thành công không chỉ nhờ vào chiến pháp mà còn nhờ sự chuẩn bị vô cùng chu đáo mọi mặt của quân đội.
Bước đầu là rèn tập binh sĩ, củng cố quốc phòng từ căn bản cho đến các quy định dành cho tướng sĩ, bảo đảm quân đội luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao.
“Ất Dậu, [Quang Thuận] năm thứ 6 [1465], (Minh Hiến Tông Kiến Nhu Thành Hóa năm thứ 1) Ban hành phép duyệt tập trận đồ thủy bộ.
Về thủy trận thì có những đồ pháp như: Trung hư, Thường sơn xà, Mãn thiên tinh, Nhạn
hàng, Liên châu, Ngư đội, Tam tài hành, Thất môn, Yển nguyệt.
(Chú thích:
“Trung hư”: có nghĩa là trống giữa, Thường sơn xà: rắn Thường sơn, Mãn thiên tinh: sao đầy trời, Nhạn hàng: chim nhạn bay sóng hàng, Liên châu: chuỗi hạt châu, Ngư đội: đàn cá., Tam tài hành: trời, đất, người là tam tài, Thất môn: bảy cửa, Yển nguyệt: trăng khuyết)
Về bộ trận thì có những đồ pháp như: Trương cơ, Tương kích, Kỳ binh. Lại ban 31 điều quân lệnh về thủy trận, 22 điều về tượng trận, 27 điều về mã trận, 42 điều về kinh vệ bộ trận.
Vua lại dụ các Tổng quản, Tổng tri các vệ quân năm đạo và quân các phủ trấn rằng:
“Hễ có quốc gia là phải có võ bị. Những lúc rỗi việc làm ruộng, phải ngừng những việc không cần kíp, cứ ngày rằm hàng tháng, thì vào phiên để điểm mục, liệu cắt quân nhân vào những việc như giữ cửa nhà, điếm canh, kiếm cỏ lợp nhà, nuôi voi… Còn thì trước đó một, hai ngày, phải theo các trận đồ nhà nước ban xuống, ở ngay địa phận của vệ mình đóng, tiến hành chỉnh đốn đội ngũ, dạy quân lính những phép ngồi, đứng, tiến, lui, tập nghe những tiếng hiệu lệnh chiêng trống, cho quân lính quen với cung tên, không quên việc võ bị. Đến ngày thứ tư trở đi, mới sai làm tạp dịch. Nếu quan nào không biết để tâm răn dạy, rèn tập quân lính, dám sai chúng làm các việc tạp nhiễu thì cứ xử biếm chức hoặc bãi chức”.
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Và kết quả của sự chuẩn bị dài hơi đó là những chiến công vang dội khi tung quân sĩ bình định bốn phương, đến tận ngày nay hơn 500 năm vẫn chưa lần nào quân đội Đại Việt lập lại kỳ tích như thế:
“Kỷ Hợi, [Hồng Đức] năm thứ 10 [1479]
Tháng 8, ngày 23, sai tướng thần đem 18 vạn quân, chia làm 5 đường đi đánh Ai Lao,
Bồn Man và Lão Qua, đều phá tan cả. Phò mã đô uý Đông quân đô đốc phủ chưởng phủ sự Đoan Vũ hầu Trịnh Công Lộ làm Chinh Di tướng quân, đeo ấn tướng quân. Đô đốc đồng tri Lê Vĩnh làm Chinh Di phó tướng quân và Tổng bình đồng tri là bọn Nguyễn Lộng dẫn quân kiên dũng các vệ Minh Nghị, Quảng Vũ, Ngọc Kiềm, Anh Đức, Phấn Uy thuộc Đông quân, gồm 2.000 người, theo đường An Tây tiến đánh Ai Lao. Du kỵ phó tướng quân Lê Lộng và Thổ binh tham tướng Đinh Thế Nghiêu đều dưới quyền chỉ huy. Sai Chinh Tây tướng quân Sùng quận công Lê Thọ Vực đem quân đi theo đường chính Trà Lân, chỉ huy các doanh du kích, đánh Ai Lao và Bồn Man. Sai Trấn Lỗ tướng quân Lê Đình Ngạn chỉ huy các doanh hoành dã từ đường Ngọc Ma tiến sang để đón chặn đường giặc chạy. Du kỵ phó tướng quân là bọn Lê Lộng tiến theo đường châu Thuận Mỗi để chẹn yết hầu giặc. Thảo tặc phó tướng quân là bọn Lê Nhân Hiếu thì theo đường Phủ Thanh Đô mà đánh vào chỗ sơ hở của giặc. Năm đạo quân cùng hợp đồng đánh Ai Lao, phá tan bọn chúng, vào thành Lão Qua, tịch thu của cải châu báu. Quốc vương nước ấy chạy trốn. Ta bắt sống dân chúng, chiếm lấy đất đai, đến tận sông Trường Sa, giáp biên giới phía nam nước Miến Điện, nhận được thư của nước Miến Điện, thắng trận trở về.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Lời bàn:
Đại tượng truyện phần quẻ Càn và Khôn có 2 câu như sau
“Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức
Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật”
(Cơ Trời vận động mạnh mẽ, quân tử theo đó mà tự mình trở nên mạnh mẽ không ngừng
Thế Đất là thuận theo, người quân tử lấy đức dày bao dung vạn vật)
Phàm là vua chúa ở đời muốn làm nên kỳ công vĩ tích lưu danh thiên cổ, ắt phải thuận theo Thiên đạo mà hành sự. Trong đó người lãnh đạo bản thân phải luôn tự lực tự cường đạo của Trời (Càn) và tu dưỡng đạo đức theo Đất (Khôn) để canh tân quốc gia. Lê Thánh Tông chính là đã thực thi một cách hoàn hảo theo hai câu trên và đem đến kết quả đáng kinh ngạc. Đại Việt thời Lê Thánh Tông hùng bá Đông Nam Á, Nam chinh bình định Chiêm Thành, Tây chinh đánh tan Lão Qua, Vạn Tượng, Ayutthaya đến tận Miến Điện. Binh uy lừng lẫy, hễ đánh là thắng, cả nhà Minh cũng không dám vọng động. 500 năm đã qua đi cũng chưa lúc nào nước ta vượt qua được những thành tựu đỉnh cao của thời này. Trong thế kỷ 21, bàn đến giấc mộng phú quốc cường binh của Đại Việt, phải chăng các nhà lãnh đạo nên học thêm về cách làm của tổ tiên?
Bản lĩnh nghe lời khuyên can của Lê Thánh Tông
Nếu người Trung Hoa tự hào thời Trinh Quán có vua Đường Thái Tông biết nghe lời can gián mà trở thành minh quân, tạo ra thời thịnh thế cho nhà Đường thì người Việt Nam cũng có quyền tự hào về vua Lê Thánh Tông, một vị anh quân cũng rất giỏi nghe lời khuyên can.
Tương truyền thời Lê Thánh Tông sau khi nhà vua dụ bảo và khuyến khích đình thần dâng lời can gián thì việc này đã trở thành một nề nếp rất hay. Và từ đó mới có những vị quan đại thần mẫu mực đến lúc sắp mất vẫn thảo sớ can ngăn vua, có những anh lính thấp cổ bé họng vì lòng trung mà can đảm dám can vua, còn lưu lại giai thoại trong sử cho đến ngày nay.
Bậc lương đống quốc gia, sắp mất vẫn dâng sớ can vua
“Ất Dậu, [Quang Thuận] năm thứ 6 [1465], (Minh Hiến Tông Kiến Nhu Thành Hóa năm thứ 1)
Tháng 11, đại xá, vì hai điện Kính Thiên và Cẩn Đức mới làm xong.
Quốc tử giám tế tửu kiêm Văn minh điện đại học sĩ Nguyễn Bá Kỳ chết.
Trước đó, Bá Kỳ cho rằng vua làm văn không chú ý tới kinh, sử, dâng sớ khuyên căn. Vua
dụ rằng:
“Trẫm vừa xem hết tờ sớ, ngươi bảo là trẫm không chú ý kinh, sử, lại chuộng lối học phù hoa, vô dụng, chỉ ngụ ý ở ngoài mây khói. Nếu ta ưa chuộng văn hoa, không lấy gốc kinh, sử, thì còn sách nào nữa? Ta tự xét mình, xét lời ngươi nói, thì trong bốn chữ “phù hoa vô dụng” kia, thực đã gồm cả lòng trung rồi, thế mà ta lại làm văn mà biện lại, thì ta thực có lỗi. Lúc ấy, ngươi đã kịp thời can ngăn, chẳng vì thế mà giữ ý”.
Đến đây chết, vua sai Tư lễ giám quan Phạm Hổ đem sắc đến dụ rằng:
“Ngươi thờ vua trung thành, giữ mình chính trực, sớm tối ở bên ta, nay đã được 6 năm, lúc thoi thóp rồi mà lòng trung vẫn mãi chưa thôi!”.
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Dù là một người lính nhỏ bé, nhưng vẫn có trách nhiệm nói ra lời phải can ngăn vua.
“Đinh Hợi, [Quang Thuận] năm thứ 8 [1467], (Minh Thành Hóa năm thứ 3)
Ngày Giáp Tuất mồng 10, sai quân ngũ phủ làm kiểu mẫu đồ chiến khí, rồi lại đổi làm kiểu khác, quân nhân có người than oán. Quân nhân vệ Uy lôi là Văn Lư dâng sớ đại ý nói:
“Thần trộm thấy hồi tháng giêng năm nay bệ hạ đã ban ra kiểu mới, sai các quân chế tạo chiến khí, nay lại đổi làm kiểu khác, như thế là chính lệnh bất thường”.
Vua sai Lại bộ dụ Lư rằng:
“Chiến khí vẫn cùng một kiểu, ngươi nói thế là nói càn”.
Thị lang Lương Nhữ Hộc nói riêng với Lư rằng:
“Ngươi không phải lấy là chức phận được nói, sao dám bàn bậy việc nước”?.
Lư trả lời:
“Nước lấy dân làm gốc, mà binh là để bảo vệ dân. Nay hiệu lệnh bất tín, quân dân buồn rầu than oán, ông là cận thần lại im lặng không nói, tôi thấy mà nói thì cũng là yêu vua thôi”.
Bọn Nhữ Hộc nín lặng”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Lời bàn:
Mặt đất bao la, biển sâu vạn trượng, núi cao nghìn đời vẫn luôn khiêm nhường và im lặng, nên mới có sự to lớn vĩnh hằng đến vậy. Nên bậc đế vương ở đời muốn thành đại sự nghiệp ắt phải có lòng khiêm hạ rất mực. Người đó phải có sự bao dung đủ để lắng nghe hết mọi ý kiến của kẻ thần hạ, nếu không thì cũng chỉ là kẻ tầm thường ngồi trên ngôi cao, ác hại cho dân không biết đến chừng nào. Nên mới nói đức khiêm cung là quý báu nhất đối với bậc lãnh đạo, quẻ Khiêm cũng là quẻ tốt hoàn hảo duy nhất trong kinh Dịch. Phải chăng vì thế mà các triều đại có quân chủ khiêm cung đều là thời thịnh trị bậc nhất chăng?
“Quẻ Khiêm thủ nghĩa ở Hào Cửu tam và ở hình dung của quẻ: một Hào Dương tức là Dương Cương chi tài, mà chịu khuất lấp dưới Hào m, siêu việt như núi non mà chịu ẩn mình trong lòng đất, quán thế hiền tài mà sống thầm lặng trong lòng dân, giúp ích cho đời mà không khoe khoang nửa lời, nửa tiếng. ” (trích “Kinh dịch đại toàn – Nhân tử Nguyễn Văn Thọ”).
Các chính sách trị quốc hiệu quả thời Lê Thánh Tông
Thời Lê Thánh Tông là một thời đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử. Có được kết quả này là một loạt các chính sách hợp lý bao quát các mặt quan trọng trong xã hội do Lê Thánh Tông đưa ra. Có thể kể đến một số chính sách sau:
Khuyến khích nông nghiệp, cấm lạm dụng tửu sắc
“Quý Tỵ, Hồng Đức năm thứ 4 [1473], (Minh Thành Hóa năm thứ 9). Mùa xuân, tháng giêng,
vua thân hành cày tịch điền và đốc suất các quan cày.
Cử hành lễ Giao.
Cấm tửu sắc. Ra sắc chỉ cho quan viên và trăm họ rằng:
“Kể từ nay, trong nhà không làm cỗ thết khách thì không được chè chén, người vợ không phạm tội thì không được ruồng bỏ. Kẻ nào dám rượu chè bừa bãi, gia đạo không nghiêm, kẻ nào không có mối lái mà dám vụng trộm tư thông thì phải trị tội”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Bản thân Lê Thánh Tông không những là người tinh thông Lý số, thuật nhìn người mà ông còn đưa ra những chính sách khuyến khích tiến cử nhân tài rất hiệu quả.
“Đinh Hợi, [Quang Thuận] năm thứ 8 [1467], (Minh Thành Hóa năm thứ 3)
Sai triều thần tiến cử chức quan huyện cương trực biết trị kẻ gian tà, mỗi người một
cử viên. Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đổ đưa 8 người thế gia thân quen là bọn Nguyễn Thế Mỹ ra để vua chọn. Vua cho rằng họ là bọn mới lên, tài năng bình thường. Hôm sau lại sai cử 10 người đang giữ các chức trách trong kinh. Thái bảo Lê Niệm cử Lương Thế Vinh, Đô đốc Trịnh Văn Sái cử Hộ khoa cấp sự trung Đặng Thục Giáo, thượng thư Trần Phòng cử Thượng bảo tự khanh Dương Tông Hải, đều là những người mình biết. Vua xem tờ tâu, phần nhiều là những người có chức, bèn loại bỏ họ tên của bọn Lương Thế Vinh, chỉ để lại Giáo thụ Nguyễn Nhân Tùy, Huyện quan Đinh Bô Cương trong diện xét chọn và phê rằng:
“Lục bộ, Lục khoa và Ngự sử đài mà tiến cử bậy thì chịu tội giáng hay bãi chức. Néu tiến cử được người giỏi thì nhất định sẽ được trọng thưởng”.
Sai nội quan đưa cho đình thần xem, không ai không kinh hãi vì vua xét người rất sáng suốt.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Ngay cả những việc tư pháp xử án cũng được nhà vua quan tâm.
“Ất Dậu, [Quang Thuận] năm thứ 6 [1465], (Minh Hiến Tông Kiến Nhu Thành Hóa năm thứ 1)
Ra lệnh chỉ cho các quan nắm việc kiện tụng rằng:
“Nên xét định ngay các đại phu ở Ngũ hình viện, người nào xử kiện không có oan uổng thì ghi thành một hạng, người nào bình thường ghi thành một hạng, người nào hèn kém thì ghi thành một hạng, tâu trình lên. Hạng không có oan uổng thì khen thưởng, hạng bình thường thì giữ lại làm việc, hạng hèn kém thì bổ chức Chuyển vận”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Lời bàn:
Trên ngai vàng của hoàng đế nhà Thanh ở Tử Cấm Thành Bắc Kinh có treo một tấm biển đề 4 chữ “Chính Đại Quang Minh” được xem là chuẩn mực hành xử của các hoàng đế cầm quyền để có thể trị vì thành công. Nếu hoàng đế muốn sự nghiệp của mình to lớn đường hoàng “Chính Đại” thì các chính sách của ông phải “Quang Minh” nghĩa là rõ ràng minh bạch và hiệu quả để có thể phát triển đất nước. Mà sự “Quang Minh” chỉ có thể đến từ một trí óc minh mẫn do sự chuyên cần tu dưỡng tâm thân mà ra. Thế mới thấy những lý thuyết “tu thân” rồi mới “tề gia” “trị quốc” của Nho gia quả là vô cùng chính xác và sâu sắc thay.
Khi hoàng đế tự mình nhận lỗi
Năm 1467, vùng Bắc Bình ở phía Đông Bắc nước ta bị loạn lạc. Tổng binh Bắc Bình lúc ấy là Lê Hối đánh dẹp mãi không thành công, triều đình phải phái Đô đốc Khuất Đả đem quân đến để phối hợp tiễu trừ cũng bị bại trận nốt. Cả hai vị tướng vì thế mà cùng bị đem ra xét xử. Cuộc xét xử này đã dẫn đến một giai thoại vô cùng thú vị khi mà lần đầu tiên 1 vị hoàng đế vốn luôn anh minh lại hạ mình nhận lỗi với thần tử của mình.
“Đinh Hợi, [Quang Thuận] năm thứ 8 [1467], (Minh Thành Hóa năm thứ 3)
Tháng 8, Khâm sai quyền Lại khoa cấp sự trung Nghiên Nhân Thọ hặc tội tổng binh trấn An Bang Lê Hối không biết trù liệu đánh giặc, Đốc tướng Khuất Đả đuổi đánh giặc thất lợi đến nỗi bị thua. Lệnh cho Nhân Thọ tiến hành điều tra và bắt hai người về kinh.
Hình bộ thượng thư Trần Phong xét hỏi việc của Tổng binh Bắc Bình Lê Hối. Án xong, định xét xử theo quân lệnh, vì thấy Hối có công, xin cho theo luật bát nghị.
Đỗ ngự sử Trần Xác nói:
“Hối đã giao cho pháp ty xét hỏi, nên theo luật bát nghị. Chỉ có tội đại ác, phản nghịch
mới không được nghị xét thôi, chưa bao giờ thấy phạm pháp mà không nghị xét cả”.
Vua dụ Xác rằng: “Quân pháp chỉ có một chứ không có hai, lời Xác nói thế là đã tách làm hai đấy, hoàn toàn không phải là bàn về quân pháp, chỉ là lời du thuyết mà thôi, nên trị hắn về tội du thuyết”.
Không bao lâu, vua lại dụ Xác rằng:
“Ta vu oan nhà ngươi là kẻ du thuyết, đó là ta lỡ lời. Ngươi có mưu kế gì hay, cứ vào nói với ta, để như cơn mưa ngọt khi đại hạn, như con thuyền lúc cần qua sông. Hãy kính nhớ lấy”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Lời bàn :
Sĩ diện là một loại tình cảm bồng bột ai ai cũng có. Dĩ nhiên nó cũng có khía cạnh tốt và xấu. Vào những thời điểm xấu nhất của tình cảm này, vì nó mà người ta sẽ phạm nhiều sai lầm đôi khi không thể cứu vãn. Nếu nó mà đi kèm với những loại tính cách như kiêu ngạo, cố chấp nữa thì hậu quả rất khó tưởng tượng. Thật không may là cái tổ hợp tính cách này rất hay gặp ở các bậc uy quyền tột bực trong thiên hạ, người mà xem mình là con trời. Mà con trời thì dường như không thể sai lầm. Lê Thánh Tông đã vượt qua sĩ diện của mình mà nhận lỗi, việc làm tưởng như nhỏ nhặt nhưng ý nghĩa của nó lại rất lớn. Nhận lời ấy của vua, kẻ thần hạ còn ai mà không cố gắng hết sức đóng tài cho quốc gia? Đó cũng chính là điều mà nhân dân và xã tắc mong mỏi vậy. Thời thịnh trị Hồng Đức cũng là từ những điều nhỏ nhặt này mà ra thôi. Phải chi các bậc chăn dân trên đời này ai ai cũng biết tự nhận lỗi thì chẳng phải thiên hạ sẽ luôn âu ca thái bình sao?
Tác giả: Minh Bảo