“Ngã bản hữu quan cư đỉnh nại, khả tạm điều canh”
(Ta vốn có chức làm được Tể tướng, nhưng còn tạm nấu nồi canh.)
Nguyễn Hiền thi đỗ Trạng nguyên khi mới 13 tuổi, trở thành Trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử thời vua Trần Thái Tông. Đây cũng là khoa thi Nho học đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đặt ra danh vị Tam khôi, bao gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, và Thám hoa. Nền khoa cử nước ta dựa vào chữ Hán, một thứ chữ bác học rất khó nắm bắt và uyên thâm. Thế mà với trí thông minh tuyệt đỉnh, Nguyễn Hiền chẳng những tinh thông thứ chữ này mà còn biến nó thành một nghệ thuật qua những giai thoại còn lưu truyền đến nay. Hậu thế có lẽ sẽ khó có thể tưởng tượng ra một cậu bé thiếu niên lại có thể dùng chữ Hán đến trình độ tuyệt vời như thế.
1-Bảy tuổi là thần đồng, trời sinh đã tự biết
Kể từ những khóa thi Nho học đầu tiên vào thời Lý, đến thời Trần thì khoa cử đã trở nên rất bài bản và tuyển dụng được nhiều hiền tài cho quốc gia. Thời nhà Trần, Đại Việt đang trên đà trở nên hùng cường, khoa cử cũng xuất hiện rất nhiều bậc đại khoa danh tiếng. Trong đó, triều vua Trần Thái Tông có lẽ là triều đại chứng kiến nhiều sự đỗ đạt của những vị đại khoa có thể nói là trẻ nhất mọi thời đại, trong đó có ông Trạng nổi tiếng Nguyễn Hiền mới 12 tuổi. Còn một ông bảng nhãn thì 17 và thám hoa 14 tuổi, quả là một bộ ba thiên tài hiếm thấy.
“Đinh Mùi, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 16 [1247], (Tống Thuần Hựu năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ thám hoa lang. Cho 48 người đỗ thái học sinh, xuất thân theo thứ bậc khác nhau.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Nguyễn Hiền (1234 – 1256) vốn là một thần đồng từ thuở 7 tuổi, học một biết mười và đến năm 11 tuổi thì danh tiếng đã vang xa.
“Lúc mới lên sáu, bảy tuổi, ông đi học nhà sư ở chùa, nhà sư mỗi buổi dạy mười tờ giấy, Nguyễn Hiền học qua là thuộc làu.
Một hôm nhà sư tụng kinh vừa xong vào phòng nằm nghỉ, mơ thấy Phật giáng mộng xuống bảo rằng: “Nhà sư sao không bảo Trạng cứ để cho lên chùa lờn với Phật ?” Nhà sư tỉnh dậy, soi đèn xem các tượng Phật thì thấy sau lưng mỗi tượng có chữ đề “Phạt 30 trượng” và sau mình hai tượng hộ pháp thì có chữ “Phạt 60 trượng” Nhận xét chữ thì chính chữ Nguyễn Hiền. Nhà sư quở mắng Nguyễn Hiền, bắt phải lấy nước tẩy đi.
Nguyễn Hiền học các sách, qua mắt một lượt là nhớ ngay. Thơ từ phú sách, nói ra tức là văn chương. Năm mười một tuổi đã nổi tiếng thần đồng.”
(Nam Hải dị nhân truyện-Phan Kế Bính)
Thi đỗ Trạng nguyên ngay khi còn quá nhỏ, tự phụ tài năng của mình nên đến nay dân gian vẫn còn truyền lại giai thoại thú vị về việc ông Trạng thiếu niên của chúng ta bị nhà vua cho về quê học thêm Lễ nghĩa trong lần lên triều đầu tiên.
“Nhà vua thấy Nguyễn Hiền còn trẻ tuổi mà đổ sớm, mới hỏi :
Trạng nguyên học ở đâu?
Trạng Hiền quỳ tâu :
Thần xin tâu bệ hạ , thần chỉ học thần…và thỉnh thoảng có hỏi sư ông ở chùa làng thêm đôi ba chữ.
Vua thấy Trạng nguyên nói năng quê kịch mà còn có vẻ kiêu căng không được vừa lòng nên truyền phán buộc trạng trở về học lễ nghĩa thêm. Trạng Hiền vì thế chưa được ban áo mão.”
(Các ông Trạng Việt Nam-Vũ Ngọc Khánh)
Lời bàn:
Nhân đọc lại cuộc đời thần đồng Nguyễn Hiền, chợt nhớ đến bài thơ ngũ ngôn chữ Hán ngày xưa đã từng biết, thấy giật mình vì sao mà lại ứng với hành trạng của ngài đến như thế. Phải chăng tất cả đều là ý trời.
七歲應神童
天生我狌通
有才朝聖主
何必謁侯公。
Thất tuế ứng thần đồng
Thiên sinh ngã tính thông
Hữu tài triều thánh chúa
Hà tất yết hầu công.
Tạm dịch:
Bảy tuổi là thần đồng
Trời sinh tính vốn thông
Có tài phò thánh chúa
Chẳng cần viếng hầu công
2-Vua chê ta bất lễ, nay phải có đủ lễ ta mới vâng mệnh
Vua vừa cho Trạng Hiền về quê học lễ nghĩa ít lâu thì triều đình lại cần phải mời ngài đến giải quyết vấn đề nan giải. Thời điểm đó, quân Mông Cổ đã bắt đầu hoành hành khắp thế giới và sắp xâm lấn Đại Việt, họ cử sứ giả sang dò xét xem triều đình nước ta có người tài chống giữ hay không để tiện bề liệu kế. Vì thế mà sứ thần Mông Cổ sang nước Nam đem theo một bài thơ chiết tự rất khó, sang thách triều đình ta giải nghĩa như sau:
“Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Nhị vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành gian”.
Vua Trần hỏi các quần thần thì không ai giải được, phải sai hai quan văn võ đến nhà Nguyễn Hiền mời vào triều để hỏi. Và để mời được Trạng về cũng không dễ dàng và đã nảy sinh những giai thoại chữ nghĩa khá thú vị từ lúc mời cho đến lúc lai kinh giải đố.
“Hai viên khâm sai không quản ngày đêm, phi ngựa nước đại tìm về làng Trạng. Thấy một lũ trẻ đang đùa nghịch ở gốc đa đầu làng, viên quan võ thử ra một câu đối để dò xem Trạng có mặt trong đám ấy chăng. Vế ra là:
“Tự là chữ, cất giằng đầu, chữ tử là con, con ai con nấy?”
Một đứa trẻ đối ứng khẩu ngay:
“Vu là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa nào đứa này?”
Vế đối là theo lối chiết tự chữ Hán. Chữ “Tự” (字) có hai bộ phận, trên như cái giằng xay, dưới là chữ “Tử” (子). Để nguyên “Tự” có nghĩa là chữ, bỏ giằng trên còn lại chữ “Tử” nghĩa là con, và gắn luôn với vế đối nôm tiếp đó thì thành một câu hỏi nửa Hán nửa Nôm. Câu hỏi cũng có sắc thái của người trên hỏi kẻ dưới.
Trạng Hiền cũng đối lại bằng cách chiết tự chữ Hán kết hợp với một phần Nôm: chữ “Vu” (于) là chưng có hai nét ngang và một nét móc, bỏ nét ngang (一) ở giữa thành chữ “Đinh” (丁), nghĩa là đứa, đi với ‘đứa nào đứa này’ là một vế đối rất chỉnh và rất xược.
Đối xong đám trẻ giải tán ai về nhà nấy. Hai viên sứ giả biết đứa trẻ ấy là Trạng Hiền, mới hỏi thăm đến tận nhà thì thấy Trạng đang lúi cúi ở dưới bếp.
Viên quan văn bèn đọc một câu rằng:
“Ngô văn quân tử viễn bào trù, hà tu mị Táo”
(Tôi nghe quân tử xa chỗ bếp núc, sao phải nịnh vua bếp)
Trạng Hiền ứng khẩu đối ngay:
“Ngã bản hữu quan cư đỉnh nại, khả tạm điều canh”
(Ta vốn có chức làm được Tể tướng, nhưng còn tạm nấu nồi canh.)
Hai vị khâm sai biết đúng là Trạng bèn mời về cung, Trạng nói:
-Trước, vua chê ta không biết lễ. Nay thì chính nhà vua cũng không biết lễ. Ta không phụng chiếu đâu. Nếu Nhà vua muốn mời ta về phải có voi ngựa, bằng sắc, mũ áo rước thì ta mới đi.
Sứ phản hồi xin vua đầy đủ các nghi thức trên, bấy giờ trạng mới chịu hồi cung. Khi đến kinh, Trạng Hiền cầm bút viết ra một chữ và giải rằng:
-Câu thứ nhất nghĩa là chữ nhật 日, ngược xuôi bằng đầu nhau. Câu thứ nhì là bốn chữ Sơn 山, ngược xuôi cũng là chữ Sơn cả.Câu thứ ba hai chữ vương 王 tranh nhau ở trong một nước, câu thứ tư là bốn chữ khẩu 口 ngang dọc đều là khẩu cả. Tóm lại chỉ là một chữ điền 田.
Giải xong, đưa cho sứ nhà Nguyên xem, sứ phải chịu là giỏi.”
Sau sự kiện ấy, vua phong cho Trạng làm chức Kim tử vinh lộc đại phu, sau thăng đến Công bộ thượng thư, nhưng mới 22 tuổi Trạng đã đột ngột qua đời, để lại nhiều tiếc thương cho cả triều đình.
Lời kết:
12 tuổi Trạng nguyên, 22 tuổi ra đi. Cuộc đời Nguyễn Hiền quả như một ngôi sao băng vô cùng huy hoàng rồi vụt tắt, để lại hậu thế nghìn năm sự luyến lưu cho một tài hoa mà vắn số. Nhưng biết đâu được, cõi trần này vốn chẳng đáng để bậc tinh anh như ngài lưu lại lâu. Phải chăng để giúp vua Trần ứng đối sứ giả nhà Nguyên mà thôi mà ngài vâng mệnh dạo chơi xuống đây một chốc?
Nếu không thế thì sao có người học cả đời vẫn chẳng đạt, mà đứa trẻ 12 tuổi lại đỗ Trạng nguyên. Chỗ mê đó chỉ có thể trả lời bằng niềm tin vào sự vĩnh hằng của sinh mệnh và bí ẩn về trí huệ thật sự của con người mà thôi.
Tác giả: Minh Bảo