THIÊN CỔ HÙNG VĂN BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO
Nguyễn Trãi là một vị danh nhân văn hóa thế giới được công nhận. Bản thân ông cũng là một bậc nho gia trứ danh đương thời, đã góp công lớn trong cuộc chiến đuổi quân Minh xâm lược giành lại giang sơn. Dù bản thân là một tài năng lớn cả về văn học và chính trị, mưu lược, nhưng cuộc đời ông tuy thế vẫn lắm nỗi truân chuyên và có một kết cục bi thảm khiến người đời ai cũng thương tiếc.
Nhị Khê, đất lành sinh ra danh nhân
Nguyễn Trãi (chữ Hán: 阮廌, 1380 – 19 tháng 9 năm 1442), hiệu là Ức Trai (抑齋). Sinh ra trong gia đình có cha lẫn mẹ là bậc trí thức Nho giao cao tầng, thừa hưởng nền giáo dục ưu tú nên ông cũng là bậc tài hoa nổi bật hàng đầu thời đó.
“Nguyễn Trãi, ông hiệu là Ức Trai, người làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, là con Nguyễn Phi Khanh, tiến sĩ cuối nhà Trần, cháu ngoại Trần Nguyên Đán. Ông tuổi trẻ đã văn chương nổi tiếng. Kinh sử, bách gia, binh thư thao lược, đều am hiểu cả”. (Lịch triều hiến chương loại chí)
Hơn nữa, Nguyễn Trãi sinh ra ở đất Nhị Khê, thuộc Phủ Thường Tín, là nơi có phong thủy tốt sinh ra nhiều nhân tài văn học, nổi bật nhất là vùng đất Cung Hoàng và Nhị Khê, được khen là đứng đầu của phủ ấy:
“Đất Cung Hoàng, đất Nhị Khê càng đáng khen là đứng đầu trong 1 phủ.
Làng Cung Hoàng ở huyện Thanh Đàm, là nơi Văn Trinh Chu An ở. Ông đã từng làm nhà, đọc sách ở chỗ gò lớn làng Cung Hoàng, phía trước gần đầm. Học trò theo học rất nhiều. Sau khi ông mất, người trong huyện lập đền thờ ở ngay chỗ ấy. Nay hãy còn.
Làng Nhị Khê ở huyện Thượng Phúc, là quê hương Nguyễn Trãi. Cha sinh ra Trãi là Phi Khanh, thường làm phòng đọc sách ở cái gò trong làng, dời nhà đến ở đấy. Rồi sinh ra Nguyễn Trãi. Trãi học rộng văn hay, theo Lê Thái Tổ khởi nghĩa, có công lúc mở nước. Sau khi Trãi mất, người trong huyện lập miếu ở ngay chỗ gò đất ấy để thờ. Nay con cháu phồn thịnh, là một họ danh vọng ở Nhị Khê.” (Lịch triều hiến chương loại chí)
Có lẽ cũng không hề là trùng hợp khi cả hai bậc danh nhân lại quê ở cùng một phủ và cùng làm nhà đọc sách ở trên gò cao trong làng. Theo thuyết phong thủy các gò ấy có lẽ là nơi kết huyệt phát về văn học cho vùng đất ấy, quả đúng là địa linh nhân kiệt vậy.
Mười năm lận đận chờ minh chủ
Sau khi nhà Hồ thay nhà Trần, cả hai cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi với tài hoa của mình đều dễ dàng đỗ đạt và ra làm quan. Tuy nhiên ngày vui ngắn chẳng tày gang, năm 1407 quân đội nhà Minh rầm rập tiến vào Đông Kinh đánh bại nhà Hồ chiếm đóng nước ta, Nguyễn Phi Khanh đầu hàng quân Minh và bị bắt giải về Trung Quốc.
“Mùa thu, tháng 8, Quý Ly mở khoa thi thái học sinh. Lấy đỗ bọn Lưu Thúc Kiệm 20 người. Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Hiến, Nguyễn Thành đều đỗ kỳ này.
Mùa đông, tháng 12, Hán Thương lấy Nguyễn Phi Khanh làm Hàn lâm học sĩ.
Bọn Hồ Đỗ, Phạm Lục Tài, Nguyễn Ngạn Quang, Đoàn Bồng đều bị bắt. Còn bọn Trần Nhật Chiêu, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Cẩn, Đỗ Mãn đều đã đầu hàng từ trước” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Quân Minh chiếm nước ta, để dễ bề cai trị và lung lạc nhân dân, chúng tìm những bậc danh sĩ tài năng và danh vọng lớn ra làm quan để củng cố bộ máy chính quyền. Nguyễn Trãi là một trong những người mà chúng nhắm đến, thậm chí còn định giết nếu không dùng được ông, vì chúng e ngại tài năng của ông. Nhưng có lẽ Nguyễn Trãi là người mang mệnh lớn, phải phò tá Lê Lợi gầy nên nhà Lê, nên ông chỉ bị giam lỏng ở thành Đông Quan chứ không bị giết. Trong sử cũ cho rằng ông còn sống nhờ vào tướng mạo nổi bật và lòng yêu tài của Hoàng Phúc, viên quan tinh thông thuật nhìn người, đạo thuật Phong thủy và cai trị theo đường lối mềm mỏng vào thời điểm đó.
“Tổng binh Trương Phụ ép Phi Khanh viết thư gọi ông, ông bất đắc dĩ phải ra hàng. Phụ biết là ông không chịu ra làm, muốn giết đi, nhưng Thượng thư Hoàng Phúc thấy ông mặt mũi khác thường, tha cho và giam lỏng ở Đông Quan”. (Lịch triều hiến chương loại chí)
Khoảng thời gian 10 năm từ 1407-1417 này có thể nói là mười năm ẩn náu lưu lạc và rất khổ cực bất đắc chí của Nguyễn Trãi. Thế nhưng ngọc thì càng mài càng sáng, người quân tử Nho gia trong khó khăn mới thể hiện ra bản chất đáng quý của mình. Những kinh lịch gian khổ 10 năm cuối cùng đã thành hình nơi ông một bản lĩnh đủ để giúp quân chủ dẹp loạn yên dân, khi đã chín muồi, cơ duyên run rủi đã khiến ông gặp được chân chủ của đời mình. Sau khi xem Bình Ngô sách, Nguyễn Trãi được Lê Lợi phong cho chức Tuyên phong đại phu Thừa chỉ Hàn Lâm viện, ngày đêm dự bàn việc quân.
“Khi Bình Định Vương về đánh ở Lỗi Giang, thì có ông Nguyễn Trãi, vào yết kiến, dâng bài sách bình Ngô, vua xem lấy làm hay, dùng ông ấy làm tham mưu” (Việt Nam sử lược)
Ngòi bút nhân nghĩa có sức mạnh hơn vạn quân
Việc thành lập một triều đại hùng mạnh và lâu dài, không phải đơn giản là dùng quân sự mà còn có đường lối và chính sách trị dân, đây mới là điều quyết định. Chỉ có những chính sách phù hợp ý Trời và lòng người, theo thời gian tích được nhiều uy đức thì triều đại đó mới có thể lâu dài.
Xưa nay nước Nam ta không thiếu những bậc danh tướng quyết thắng sa trường, tiêu diệt quân địch nơi chiến trận, nhưng ít nhiều cũng sẽ có tổn thất cho cả hai bên và giảm được lòng thù hận để tránh di hại gây ra chiến tranh về sau. Cho đến trước Nguyễn Trãi, vẫn chưa có ai có thể dùng ngòi bút mà đem đến chiến thắng tuyệt đối cho quân ta (thắng cả về quân sự và tâm lý, chính trị). Nguyễn Trãi là bậc Đại nho duy nhất trong lịch sử đã dùng học thuật Nho gia chân chính và ngòi bút tài hoa của mình làm được điều thần kỳ đó.
Ông đã viết thư chiêu hàng các tướng lãnh nhà Minh, góp phần lớn tổ chức thành công hội thề Đông Quan, để quân Minh rút về nước tránh cho quân ta tổn hao xương máu và hòa bình lâu dài hơn. Ông còn chịu trách nhiệm cho tất cả thư từ giao thiệp trong quân với nhà Minh.
“Bấy giờ, vua dựng lầu nhiều tầng ở dinh Bồ Đề trên bờ sông Lô (Khi ấy, có hai cây bồ đề ở trong dinh, nên gọi là dinh Bồ Đề), cao bằng tháp Báo Thiên, hằng ngày vua ngự trên lầu nhìn vào thành để quan sát mọi hành vi của giặc, cho Trãi ngồi hầu ở tầng hai, nhận lệnh soạn thảo thư từ qua lại”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
“Phong cho viên Hàn Lâm Viện Thừa chỉ học sĩ là Nguyễn Trãi chức “Triều liệt đại phu nhập nội hành khiển, Lại bộ Thượng thư, kiêm Cơ Mật viện”. Hoàng đế sai dựng một cái lầu mấy tầng trong dinh Bồ Đề, hằng ngày ngài ngự tại từng lầu trên cùng, để trông vào thành bên địch, cho Nguyễn Trãi ngồi ở tầng lầu dưới, để bàn luận cơ mưu hầu ngài, và thảo những thư từ gởi tới”
(Đại Việt thông sử)
Thư của ông lời lẽ khi thì cương như mãnh tướng sa trường, khi thì nhu nhẫn khuyên nhủ chí tình, quả thật là những kiệt tác có giá trị sánh ngang sức mạnh vạn quân.
Thư khuyên nhủ Phương Chính lần đầu là mềm mỏng, hợp tình lý:
“Tôi trộm nghĩ cái nỏ nặng nghìn cân không vì con chuột nhắt mà nẩy máy. Nay ngài là bậc danh tướng hiện thời, lại đem quân hai nước mà tranh thắng với kẻ thất phu, có được chăng nữa, chẳng qua cũng chỉ phong hầu; vạn nhất ngã thua, thì bốn phương nhân thế mà chinh chiến không thôi, dẫu người cơ trí mà không giỏi lo tính về sau, hối làm sao kịp? Chỉ e mua cười với đương thế, để chê cho đời sau, tôi rất vì người lo ngại. Vì ngài tính kế ngày nay,
không gì bằng cởi giáp nghỉ binh, ngồi nhàn mà nhận hàng, đó là thượng sách. Thế tuy là may cho bọn tôi cùng ngài, mà cũng là may lớn cho vạn dân thiên hạ vậy”.(Quân trung từ mệnh tập)
Sau đó với thái độ cố chấp của giặc, ông liền đổi giọng văn mạnh mẽ quyết liệt:
(Tháng 5 năm Bính ngọ (1426) quân ta đến thành Nghệ An, giặc không ra đánh, ta mới viết thư cho).
Bảo cho mày ngược tặc Phương Chính: Ta nghe nói người danh tướng trọng nhân nghĩa, khinh quyền mưu. Bọn mày gửi thư cho ta, cứ cười ta núp náu ở nơi rừng núi, thập thò như chuột, không dám ra nơi đồng bằng đất phẳng để đánh nhau. Nay ta đã đến đây, ngoài thành Nghệ An đó đều là chiến trường cả, mày cho đấy là rừng núi chăng? Là đồng bằng chăng? Thế mà mày cứ đóng thành bền giữ như mụ già là làm sao? Ta e bọn mày không khỏi cái nhục khăn yếm vậy” (Quân trung từ mệnh tập)
Bình Ngô Đại Cáo, áng văn biểu dương nhân nghĩa toàn vẹn nhất
Trong lịch sử chống ngoại xâm dài hàng nghìn năm của dân ta, những chiến thắng huy hoàng luôn là niềm tự hào của mọi người dân. Nền văn học cổ nước ta đã từng có những áng văn chương hào hùng miêu tả lại các chiến công như Bạch Đằng giang phú, hay kêu gọi lòng yêu nước như Nam quốc sơn hà, nhưng một áng văn chương nên rõ ngọn nguồn và tuyên ngôn xiển dương nền đạo đức nhân nghĩa tuyệt vời nhất chỉ có mình Bình Ngô Đại Cáo.
Đây vừa là bài hùng văn nhấn mạnh đường lối “đức trị” và đạo dùng binh “nhân nghĩa” dẹp loạn cứu dân của hoàng triều Lê, vừa là công trình thể hiện bản lĩnh văn chương trứ danh của Nguyễn Trãi.
Nếu Thần ban cho con người ngôn từ cao đẹp là để diễn tả lại nét đẹp của cuộc sống thế gian, thì chính những ngôn từ đó khi vận dụng vào Bình Ngô đại cáo mới có thể diễn tả hết thành quả huy hoàng và quá trình chiến đấu hào hùng của cuộc “hưng binh” vì dân mà “điếu phạt trừ bạo” của tướng sĩ vua quan nhà Lê. Chúng ta hãy cùng nhau điểm qua những câu văn tuyệt hảo của áng hùng văn này nhé.
Nguyễn Trãi là Nho gia chính tông, Nhân nghĩa chính là điều mà triều đại mới phải thực hiện như một chính sách nhất quán dùng để dẹp loạn yên dân. Việc quân cũng phải dùng nhân nghĩa.
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
Tiếp đó là khẳng định những điều quý giá của dân tộc ta chính là nền văn hiến lâu đời và bờ cõi Nam Bắc phân chia. Điều này rất quan trọng vì trong văn hóa cổ Trung Hoa thì trên trời sao dưới đất như vậy, hai phương Nam Bắc là do các vị tinh tú trên trời đã phân chia rõ ràng, là ý trời không thể xâm phạm.
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác”
Sau khi đã có bờ cõi do Trời ban, thì các vị vua của nước Nam cũng đăng vị Hoàng đế, nghĩa là Thiên tử giống như triều đình Trung Hoa, và đây cũng là hình thế được Trời công nhận. Lưu ý là Nguyễn Trãi dùng từ “xưng đế” chứ không phải vương hay vua, đây là một lần nữa khẳng định tính chính thống đối với nhà Lê, có được ngôi là do Thiên mệnh.
“Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”
Đường lối quân chính của khởi nghĩa Lam Sơn chính là dựa trên “nhân nghĩa” , dùng Nhân nghĩa chỉ đạo cho cuộc kháng chiến, để giáo dục và khích lệ tinh thần cứu nước của quân dân:
“ Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo”.
Nguyễn Trãi luôn nhấn mạnh “Thiên mệnh” mà nhà Lê được giao, vì cứu dân mà đứng ra gánh vác trách nhiệm,thay Trời hành đạo.
“Trời thử lòng trao cho mệnh lớn
Ta gắng trí khắc phục gian nan.
Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới
Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào…”
Đoàn quân Nhân nghĩa của nhà Lê không phải là chỉ nên đạo lý suông, mà quả thực Nhân nghĩa chính là thể hiện trong cách họ đối xử với quân thù, khoan dung trong tư thế uy nghi của kẻ chiến thắng, vừa bảo tồn xương máu quân dân, vừa tích đức lớn cho triều đại và quốc gia mới được trùng tân.
“Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức”.
Lời bàn:
Cổ nhân có câu “Văn là người”. Từ một viên quan mất nước lưu lạc mười năm, sau nhờ tìm được minh quân phò tá mà trở thành khai quốc công thần, có thể nói cuộc đời của Ức Trai tiên sinh cũng phỉ chí tang bồng. Người đời sau hay vì vụ án Lệ Chi Viên và người thiếp Thị Lộ của ông mà có những nhận xét phiến diện về bản thân ông. Nhưng cái chân Tâm của ông nó sáng rõ thế nào, lòng ngay thẳng của ông oan ức ra sao, thảy đều thể hiện trong “Bình Ngô đại cáo”. Bởi vì một kẻ tiểu nhân hám lợi, tham sắc hay thích tranh đấu quan trường sẽ không thể nào hiểu được nội hàm Nhân Nghĩa của Cáo Bình Ngô, sẽ không ngu đến mức vì một tiểu thiếp mà bị hàm oan giết vua chết cả dòng tộc. Chỉ có thể là Chí sĩ Nguyễn Trãi, một Nho gia chính tông cả đời đem đạo của mình để kinh bang tế thế, trong một phút lơi lỏng mà trở thành nạn nhân chính trị với nỗi oan thiên cổ mà thôi. Nhưng Bình Ngô Đại Cáo đã lưu danh thiên cổ, Quân trung từ mệnh tập đã xuất sắc chiêu hàng giặc Minh, có lẽ Nguyễn Trãi cũng không oán trách gì những oan ức mà người đời đối với ông, vì ông chính là Ức Trai, là vầng sao Khuê sáng nhất trong lịch sử Nho gia Việt Nam vậy.
Tác giả: Minh Bảo