ĐẠI HỌC- ĐẠO CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO
Dẫn nhập
Hình minh họa: M.Gandhi-nhà lãnh đạo vĩ đại của Ấn Độ và câu nói của ông (nguồn: Internet)
Có được một người lãnh đạo hết lòng vì dân, cống hiến vô vụ lợi để đem đến một nền quản trị thịnh vượng bền vững luôn là điều mong mỏi từ ngàn xưa của tất cả dân tộc. Nhưng mấy nghìn năm của nhân loại thì những người như thế là quá ít, đa phần chỉ coi lãnh đạo như một nghề và cũng chỉ truy cầu “vinh thân phì gia” mà thôi. Vì thế mà những triều đại, công ty vụt nổi lên rồi chợt tắt như sao mai buổi sớm, không nhiều người có thể để lại những nền tảng quản trị lâu dài cho mai sau. Vì sao lại như thế, là vì đa phần các quốc gia khuyết thiếu một nền tảng lý luận tinh thần và thực hành hoàn chỉnh từ cơ bản đến nâng cao dành cho lãnh đạo, một triết thuyết thực tế chẳng những có thể giúp người lãnh đạo thành công mà còn phải thăng hoa được tinh thần, nhìn xa trông rộng và bao dung hơn.
Từ sự khuyết thiếu của nền tảng triết thuyết đó, hãy nhìn lịch sử của nhân loại từ xưa đến ngày nay, chúng ta sẽ nhận ra rằng người ta đã làm ra nhiều thành tựu kinh ngạc, cùng với sự phát triển rực rỡ của nền kinh tế và hàng vạn thứ lung linh khác làm say mê tâm trí tất cả mọi người. Ấy thế mà như tôi đã nói ở trên, chúng ta vẫn không có sản sinh ra nhiều những người lãnh đạo có thể làm cho thế giới của chúng ta trở nên tươi đẹp hơn mà có phần ngày càng làm cho con người trở nên không hạnh phúc, hay nói đúng hơn là không hiểu hạnh phúc là gì và làm thế nào để sống một cuộc sống hạnh phúc thật sự.
Hình minh họa chữ Nho (nguồn: Internet)
Tình hình đó thể hiện từ dân thường lên đến tầng lớp lãnh đạo cao hơn. Khi các bậc chăn dân từ công ty cho đến các quốc gia ngày càng say mê truy cầu lợi ích và quyền lực, thâu tóm vào tay mình càng nhiều càng tốt, mặc kệ cho những kẻ khác ra sao thì ra. Vì thế mà hành tinh tươi đẹp của chúng ta mới đến hiện trạng như ngày nay, mọi thứ đều biến dạng gần như không thể cứu vãn. Vì sao như thế, là vì người ta không có hình mẫu noi theo, không có cách khắc chế dục vọng bản thân ngày càng lớn dần theo địa vị và quyền lực. Người xưa có câu, “quyền lực gắn liền với trách nhiệm”, nên khi dục vọng quá to lớn thì quyền lực ấy trở thành thứ gây họa cho mọi người. Phải chăng chỉ có loại thuốc nào có thể trị được cái Tâm của người ta thì mới có thể giải quyết rốt ráo vấn đề này? Loại thuốc đó chính là một nền tảng triết thuyết thực tế dành cho lãnh đạo như tôi nói ở trên. Chỉ có nó mới có thể giải quyết vấn đề từ căn bản.
(chân dung nhà lãnh đạo kiểu mẫu mọi thời đại-Đường Thái Tông Lý Thế Dân- nguồn : Internet)
May mắn thay, chúng ta vẫn còn có hy vọng, khi mà thứ nền tảng đó chính là đã từng xuất hiện và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Chỉ vì người ta không hiểu rõ nó mà không thấy hết sức mạnh của nó. Nó chính là điều quý giá có thể ví như Thượng đế trước khi rời xa vẫn còn lưu lại cho con người những điều quý giá để có thể tự cứu lấy mình và tận hưởng một cuộc sống đáng giá hơn. Đó chính là những giá trị văn hóa truyền thống phương Đông, những điều đã từng tạo nên những xã hội hài hòa và đáng sống nhất thế giới suốt mấy nghìn năm qua, đã từng sản sinh ra nhiều nhất số lượng những nhà lãnh đạo chân chính truyền cảm hứng cho vô số dân tộc trong nhiều thiên niên kỷ. Một trong những giá trị đó chính là nền văn minh của Nho gia, nghệ thuật lãnh đạo, tu thân dưỡng tính với vô số gương lãnh đạo thành công vĩ đại.
Hôm nay tôi xin mạn phép giới thiệu với các bạn 1 quyển sách quan trọng bậc nhất trong nền tảng triết thuyết Nho gia dành cho các lãnh đạo, có thể coi là học thuyết dành cho lãnh đạo tinh anh, đó chính là sách Đại Học. Từ xưa nó đã được mệnh danh là cái học dành cho các bậc Đại Nhân, những nhà lãnh đạo chân chính thực tâm muốn tạo nên sự nghiệp to lớn cho hậu thế, chứ không đơn giản là làm “nghề lãnh đạo”.
Tác giả: Minh Bảo