Cuộc sống luôn trải qua những thăng trầm, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Giữa quân tử và tiểu nhân có thể phân biệt được trong những hoàn cảnh đặc thù nhất. Người luôn giữ vững bản thân, kiên trì theo đuổi mục tiêu thì dù có ngặt nghèo, sóng vỗ tứ bề vẫn luôn hướng về phía trước, làm những việc phù hợp với Nhân Nghĩa. Trái lại, kẻ tiểu nhân trong lúc đường cùng, không điều gì mà không dám làm, thậm chí hủy hoại danh phẩm, coi thường luân lý. Người Quân tử lúc đương vận, vẫn có thể giữ gìn nhân phẩm, không hoang dâm trụy lạc, kiên trì tiết tháo.
Trong một lần Khổng Tử cùng các môn đệ bị vây ở hai nước Trần – Thái, hai nước này không muốn ông đến nước Sở phục vụ vì lo sợ khi Sở có được ông sẽ trở nên hùng mạnh. Lúc này lương thực của các thầy trò đã cạn, các đồ đệ của ngài rất đói và sốt ruột. Khổng Tử thì vẫn ung dung dạy học và ngâm thơ, không gián đoạn.
Một hôm, Tử Lộ xông vào đầy vẻ bực bội:
“Người Quân Tử cũng có lúc khốn cùng như vậy sao?”
Khổng Tử nói: “Người quân tử đối mặt với cảnh khốn cùng thì vẫn có thể kiên trì tiết tháo, kẻ tiểu nhân khốn cùng thì việc gì cũng có thể làm.”
Thấy Tử Cống có vẻ giận giữ, Khổng Tử nói: “Tứ à, con cho rằng ta là người học rộng biết nhiều chăng?”
Tử Cống nói: “Vâng, lẽ nào không phải vậy?”
Khổng Tử nói: “Không phải thế. Chẳng qua ta chỉ trước sau không thay đổi kiên trì tín ngưỡng của mình, và dùng nó để xâu chuỗi những tri thức lại với nhau. Về điểm này thì ta mạnh hơn người khác.”
Khổng Tử biết các đệ tử đều có lòng oán giận đối với hoàn cảnh bên ngoài, bèn muốn nhân cơ hội này dạy các đệ tử kiên trì giữ tiết tháo, kiên trì tín ngưỡng như thế nào.
Trước tiên Khổng Tử gọi Tử Lộ và hỏi: “Trong Kinh Thi có nói: ‘Không phải tê giác, cũng không phải hổ, lại đi đi lại lại nơi hoang dã’. Lẽ nào học thuyết của ta có chỗ nào không đúng chăng? Tại sao chúng ta lại rơi vào cảnh khốn cùng này?”
Tử Lộ nói: “Con nghĩ ắt là do chúng ta chưa đủ nhân đức chăng? Do đó người khác không tín nhiệm chúng ta. Con nghĩ là do mưu trí của chúng ta không đủ chăng? Do đó người ta không để chúng ta đi.”
Khổng Tử nói: “Có những nguyên nhân này sao? Trọng Do, ta ví von cho con nghe, giả sử người có nhân đức đều nhất định được tín nhiệm, thế thì còn có chuyện Bá Di, Thúc Tề chết đói trên núi Thú Dương không? Giả sử người có mưu trí đều nhất định thông suốt không trở ngại, thế thì có chuyện Tỷ Can bị mổ bụng moi tim không?”
Tử Lộ ra ngoài, Tử Cống bước vào gặp Khổng Tử. Khổng Tử nói: “Tứ à, trong Kinh Thi có nói: ‘Không phải tê giác, cũng không phải hổ, lại đi đi lại lại nơi hoang dã’. Lẽ nào học thuyết của ta có chỗ nào không đúng chăng? Tại sao chúng ta lại rơi vào cảnh khốn cùng này?”
Tử Cống nói: “Học thuyết của thầy cực kỳ rộng lớn, do đó các chư hầu trong thiên hạ không ai có thể dung nạp thầy được. Sao thầy không giảm thấp một chút cho hợp với họ?”
Khổng Tử nói: “Tứ à, người nông phu tốt tuy giỏi gieo cấy nhưng không thể đảm bảo nhất định sẽ có thu hoạch tốt. Người thợ giỏi chế tạo đồ cũng không nhất định có thể khiến tất cả mọi người hài lòng.
Người quân tử có thể nghiên cứu và đưa ra học thuyết của mình, có thể dùng phương pháp nhất định để quy phạm xã hội, quả lý quốc gia theo thứ tự nhất định, nhưng không nhất định có thể được xã hội dung nạp.
Ngày nay con không chuyên cần tu dưỡng học tập học thuyết mà con phụng sự, lại muốn hạ thấp tiêu chuẩn xuống, cho hợp với người khác đề cầu người ta dung nạp. Tứ à, chí hướng của con không xa không lớn rồi!”
Tử Cống ra ngoài, Nhan Hồi bước vào yết kiến. Khổng Tử nói: “Hồi à, trong Kinh Thi có nói: ‘Không phải tê giác, cũng không phải hổ, lại đi đi lại lại nơi hoang dã’. Lẽ nào học thuyết của ta có chỗ nào không đúng chăng? Tại sao chúng ta lại rơi vào cảnh khốn cùng này?”
Nhan Hồi nói: “Học thuyết của thầy cực kỳ rộng lớn, do đó chư hầu trong thiên hạ đều không thể dung nạp được, Mặc dù như vậy, thầy vẫn kiên trì không mệt mỏi thúc đẩy học thuyết của mình, không được dung nạp cũng có quan hệ gì đâu? Chính vì không được thế tục dung nạp, do đó mới có thể hiển thị ra bản sắc người quân tử không cẩu thả, không xuề xòa! Không thể nghiên cứu tu dưỡng và hoàn thiện học thuyết của mình, đó mới là nỗi sỉ nhục của chúng ta.
Học thuyết rộng lớn tinh sâu đã vô vùng hoàn thiện mà không được áp dụng, đây là nỗi sỉ nhục của những người thống trị quốc gia. Không được dung nạp thì có quan hệ gì đâu? Không được dung nạp thì càng có thể hiển thị ra phong phạm người quân tử không chạy theo thế tục”.
Khổng Tử vui mừng cười và nói: “Là như thế đó, đứa con nhà họ Nhan này nếu con là người làm chủ triều chính, ta nguyện sẽ nhậm chức dưới con.”
Thế là Khổng Tử phái Tử Cống đến nước Sở. Sở Chiêu Vương phái người đến đón tiếp Khổng Tử, Khổng Tử mới được thoát thân.
Từ câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng đôi khi đứng trước những khó khăn hay đối diện với những thế lực mạnh chúng ta chùn chân mỏi chí. Nhưng khi đã là một người có đủ hiểu biết, có sự học tập tu dưỡng mỗi ngày thì đối đãi với vấn đề đó rất thản nhiên, tự tại. Chỉ cần làm việc theo đúng theo giá trị, dùng nhân tâm bao quát cốt lõi vấn đề thì những rào cản xung quanh sẽ đột nhiên bé lại. Người quân tử làm việc theo kim chỉ nam đã vạch rõ, dựa vào Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín mà hành xử, không chấp trước vào tàn cuộc của bản thân, mà luôn nghĩ đến lợi ích lớn hơn của tập thể, của tín ngưỡng mà mình theo đuổi dù có bước trên chông gai.
“Uy Vũ Bất Năng Khuất” tức không khuất phục trước những thứ tàn bạo, mạnh mẽ bên ngoài, đều không lay động, uy hiếp được cái chí của người quân tử.
“Bần Tiện Bất Năng Di” là dù cho hoàn cảnh bần cùng, thiếu thốn, bất tiện đến nhường nào vẫn luôn ngay thẳng, không di dịch phẩm đức vốn có.
Ngày nay, đứng trước những áp lực, con người ta thường dễ bị lay động và nhục chí. Hoặc giả có một chút khó khăn, liền giở trò tiểu nhân đồi bại một cách lén lút hòng thay đổi được hoàn cảnh. Người dư dả tiền của thì hoang dâm, đồi bại, tiêu pha trác tán. Những việc đó nay đã hoàn toàn đi ngược hẳn với những giá trị Đạo đức của người quân tử thời xưa.
Phần truyện Khổng Tử và môn Đệ sưu tầm từ Nguồn: minghui.org