TUYỆT KỸ ĐỘC MÔN CỦA NHO GIA
- NGUỒN GỐC SÁCH ĐẠI HỌC VÀ TỔNG QUAN NỘI DUNG SÁCH
Sách Đại Học là một thiên trong bộ “Lễ Ký” do học trò của Đức Khổng Tử là ông Tăng Tử 曾子, tự Tử Dư, tên thật là Tăng Sâm 曾参 (505 – 435 TCN) truyền lại.
Nguyên nghĩa của Đại Học nghĩa là cái học lớn, là cái học của bậc Đại Nhân, học để trị quốc bình thiên hạ tạo nên sự nghiệp bất hủ. Vì thế lời giảng trong sách Đại Học có thể coi là tinh hoa nhất trong các lời dạy của Khổng Tử dành cho các bậc chăn dân muốn tu thân theo con đường Nho học. Đây không phải là 1 cuốn sách dạy lãnh đạo thông thường, nó thật sự là một triết lý cao thâm về mọi mặt cuộc sống dành cho nhà lãnh đạo chân chính muốn thăng hoa chính mình.
Hình Tăng Sâm, đồ đệ Khổng Tử. Nguồn: Internet
Sách Đại Học được chia làm 11 phần. Phần đầu tiên gọi là Thánh Kinh, tức lời truyền dạy của Đức Khổng Tử. Mười phần sau là ghi chép của ông Tăng Tử giải thích phần Thánh Kinh đó cho rõ nghĩa hơn.
Sách Đại học có thể coi là kinh điển số một của Nho gia về cách tu thân trị quốc đạt đến đỉnh cao sự nghiệp. Nó khái quát tư tưởng lãnh đạo nhập thế của Nho gia là “Trị Quốc Bình Thiên Hạ” thành 2 phần là Tam cương và Bát mục.
- Tam cương:
- Minh Minh Đức
- Tân Dân
- Chỉ Ư Chí Thiện
- Bát mục:
- Cách Vật
- Trí Tri
- Thành Ý
- Chính Tâm
- Tu Thân
- Tề Gia
- Trị Quốc
- Bình Thiên Hạ
Người lãnh đạo chỉ cần tuân theo chỉ dẫn của sách này để tu thân dưỡng tính, nắm được ba cương lĩnh chính yếu để tu thân trở thành lãnh đạo thành công và 8 điều mục và quy trình thực hành để có thể bảo đảm bản thân đi đến cuối con đường nhập thế, trở thành lãnh đạo quân tử thành công, làm lợi cho cả thiên hạ.