Nguyên văn: “大學之道,在明明德,在親民,在止於至善”
Hán Việt: Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện.
Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thân gần dân chúng, đạt tới chỗ chí thiện (vô cùng hoàn thiện). (sách Đại Học- Tăng Tử)
MINH MINH ĐỨC-LÃNH ĐẠO BẰNG CÁCH LÀM GƯƠNG
Trình độ đỉnh cao mà hầu như người lãnh đạo nào cũng mong ước đạt đến là có thể khiến nhân viên tin tưởng vô điều kiện và tự giác noi theo bản thân mình và làm việc hết mình. Đó gọi là nghệ thuật lãnh đạo lấy thân làm gương. Tuy nhiên xưa nay những lãnh đạo có thể đạt đến trình độ này vẫn không có nhiều. Nếu có thì cũng chỉ là một thời gian và cũng không phải là một tấm gương hoàn hảo. Vì sao lại như thế? Vì bản thân việc lấy mình làm gương cũng phải có những bí quyết mấu chốt và những tiêu chuẩn của nó. Nếu không hiểu biết rõ ràng những điều này thì sẽ không thể thực hiện được. Đây chính là chỗ mà sách Đại Học sẽ điểm hóa cho ta bằng tuyệt kỹ Minh Minh Đức. Vậy Minh Minh Đức là gì?
Hình chữ Đức vẽ theo lối thư pháp (nguồn: Internet)
Quân tử Nho gia tuân theo mệnh trời mà hành sự, vì thế coi Trời và đạo Trời là chỉ dẫn cao nhất cho con đường lãnh đạo của mình. Học Nho gia mà không hiểu Thiên mệnh và Thiên đạo thì đừng học, vì nhất định sẽ rơi vào ma đạo mà làm điều xấu cho nhân gian. Đây là tiêu chí xuyên suốt, là ngọn đèn soi đường để người học Đạo luôn đi đúng và hiểu đúng các học thuyết cổ xưa, kể cả Nho hay Đạo đều như thế. Mà điều gì đại biểu cho Thiên Đạo trong Nho gia, chính là Đức và lối sống trọng Đức, cầm quyền dùng Đức.
Vì vậy Minh đức nguyên nghĩa là cái Đức Sáng, Minh Minh Đức nghĩa là làm sáng thêm cho cái Đức Sáng. Vậy vì sao mà cái Đức này lại cần phải làm sáng nó? vì nó là tiêu chuẩn đầu tiên và quan trọng nhất của người quân tử khi cầm quyền. Nho gia quan niệm rằng cầm quyền cai trị ắt phải dùng Đức, chứ không phải dùng sức mạnh và hình phạt. Muốn làm người cầm quyền, bản thân phải tu thân tích Đức, phải có Đức, phải trọng Đức và phải nêu cao tấm gương trọng Đức của bản thân. Trong Luận ngữ, Khổng Tử có viết:
“Tử viết: Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi”
Dịch: Khổng tử nói: Cầm quyền phải có đức, giống như sao Bắc đẩu ở nơi cố định cho các ngôi
sao vây quanh
Vì lẽ gì mà người quân tử phải trọng Đức, phải làm sáng cái Đức ấy? Có 3 lý do phải làm thế
Đầu tiên, Đức là cái mà Trời phú cho con người, là lẽ sống thuận theo Thiên đạo:
Đức có sẵn trong lòng mỗi người từ khi sinh ra. Vì con người là vạn vật chi linh, là sinh mệnh duy nhất có khả năng tu thành Đại Đạo, thành Thần Phật nên bản chất con người sinh ra đã mang trong mình dấu ấn của Trời, chính là Đức, hay còn gọi là Minh Đức, Minh Mệnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho con người xứng đáng với danh xưng “vạn vật chi linh”, bởi vì mang theo cái Đức, là thứ vật chất có thể kết nối con người với thiên thượng, là chứng nhận để tu thân lập đức. Không có cái đức ấy sẽ không thể làm người, đó là quy tắc căn bản nhất
hai chữ Thiên Đạo viết kiểu thư pháp (nguồn: Internet)
Thứ hai, cái Đức ấy phải được bồi bổ tu dưỡng bằng cách Tu thân suốt cả cuộc đời:
Nếu không có Đức ấy thì không thể thành công bất cứ điều gì. Sự nghiệp của một lãnh đạo cũng là phải nhờ cái đức ấy mà có thể đại thành, đạt đến đỉnh cao. Tu dưỡng Đức độ của bản thân chính là làm sáng cái Đức ấy từ nơi bản thân mình, làm nó ngày càng dầy dặn và to lớn hơn, sáng hơn. Sự nghiệp của bản thân cũng là theo sự to lớn và tươi sáng kia mà phát triển theo. Đó gọi là Minh Minh Đức vậy.
Khổng Tử và các môn đệ- tu thân là con đường của người quân tử
Thứ ba, đức ấy còn là phúc lành của bản thân mỗi người lưu lại từ nhiều đời trước:
Dù đức ban đầu là do trời ban cho sinh mệnh mỗi người. Nhưng quá trình sống qua nhiều đời mới quyết định hiện tại ta có thể làm gì với số lượng đức có được ở hiện tại. Đức càng nhiều thì khả năng thành công càng cao và càng dễ lên địa vị lãnh đạo cao nhất. Vì thế mà Nho gia xưa nay luôn giảng 2 chữ Thiên mệnh, nó cho rằng Thiên mệnh quy định người nào sẽ thành lãnh đạo cao nhất. Vậy Thiên mệnh dựa vào cái gì để có thể đưa người đó trở thành lãnh đạo, chính là dựa vào cái Đức tự thân của người đó. Mỗi người tùy vào lượng Đức của mình mà có thể gánh vác công việc cao thấp và nhiều ít khác nhau. Điều này hoàn toàn không liên quan đến kỹ năng hay bản sự, nó hoàn toàn là từ bản thân Muốn nó tăng hay giảm là do cách sống của bản thân tu thân mà thôi. Không thể dùng thủ đoạn để tăng nó lên tùy ý được.
Các kinh điển cổ của Nho gia cũng bàn về đức và minh đức như sau:
Thiên Khang cáo nói: “Có thể làm sáng tỏ cái đức.” (“khắc minh đức.”)
Thiên Thái Giáp nói: “Suy nghĩ thẩm sát đức sáng mà trời đã phú cho.” (“cố thị thiên chi minh mệnh.”
Thiên Nghiêu điển nói: “Có thể làm sáng tỏ cái đức cao thượng.” Tất cả đều nói rằng cái đức có thể tự làm sáng tỏ từ nơi bản thân mình vậy. (“khắc minh tuấn đức.” Giai tự minh dã.)