VÌ SAO PHẢI TRỌNG ĐỨC TU THÂN?
Nhiều người sau khi đọc phần trên giảng giải về Đức, chắc hẳn sẽ thắc mắc vì sao lãnh đạo phải trọng Đức, phải tu thân, không phải chỉ cần quản lý mọi việc, xử lý chính sự cho có kết quả tốt là được rồi hay sao? Ở đây là chúng ta đang nói về Đạo lớn dành cho nhà lãnh đạo quân tử, bậc Đại Nhân ở khu vực nhỏ có thể tạo phúc cho công ty, lớn hơn có thể tạo phúc cho cả quốc gia, thế giới chứ không đơn thuần là bàn về cách làm lãnh đạo và làm công việc lãnh đạo sao cho tốt. Chúng ta không muốn làm tốt, mà là muốn bản thân trở thành vĩ đại. Người lãnh đạo có thể “Coi là tốt” đã có quá nhiều và cũng tiêu tan qua thời gian không ai còn nhớ đến, chỉ những người vĩ đại thì sự nghiệp của họ mới còn lưu lại trong sử xanh mà thôi.
Tuy nhiên để thành công trong việc thực hành tu thân theo Minh Minh Đức, chúng ta cũng phải chú ý đến những điều gì? Hãy đọc những điều ấy trong phát biểu sau của vị vua anh minh nhất thời Đường nhé.
“Năm Trinh Quán thứ nhất, Đường Thái Tông bảo các đại thần thị tòng:
− Phép làm vua là phải bảo tồn dân trước nhất, nếu hại dân để nuôi mình thì giống như cắt thịt đùi mình lèn bụng, bụng tuy no đầy nhưng người sẽ chết. Nếu muốn yên thiên hạ thì trước nhất bản thân phải có hành vi đúng đắn. Chẳng bao giờ có chuyện thân ngay mà bóng cong, trên trị vì tốt mà dưới hỗn loạn. Ta thường nghĩ, cái làm tổn thương bản thân ta không xuất phát từ vật ngoài thân, mà phần lớn là tai họa do các sở thích và ham muốn gây nên. Nếu quá yêu thích của ngon vật lạ, chìm đắm trong tửu sắc thì ham muốn nhiều ắt cũng tổn thương lớn. Điều này vừa có hại đến việc trị nước, vừa phiền nhiễu dân. Huống chi lại nói ra những điều trái đạo lý thì sẽ khiến lòng dân ly tán, oán hận sản sinh, việc phản nghịch cũng xuất hiện. Cứ nghĩ đến những điều này ta lại không dám buông thả ham muốn để theo đòi hưởng lạc.” (Trích Trinh Quán chính yếu, Ngô Hách)
Sự buông thả kỷ luật của bản thân, ham muốn hưởng lạc, không chuyên tâm tu thân dưỡng tính sẽ là kẻ thù lớn nhất của người quân tử theo con đường Minh Minh Đức. Mong mọi người hãy nhớ kỹ và luôn thực hành. Không như mọi người do thiếu thông tin nên hay cho rằng Nho gia chỉ là nói về lý thuyết tu thân, thực chất Nho gia cũng như các triết lý khác của phương Đông đều coi trọng sự rèn luyện thực chất. Thực hành mới là nền tảng để triết thuyết này có thể đem lại lợi ích lớn nhất cho mọi người. Khổng Tử và các môn đệ của Ngài đều là những nhà lãnh đạo thực tế vô cùng xuất sắc. Xin hãy xem câu chuyện dưới đây để thấy đức Khổng Tử thực hành Minh Minh Đức có kết quả thế nào và bậc quân vương khi chạy theo dục vọng thì sẽ phá hủy thành tựu đó như thế nào.
“Đến năm thứ 9 đời vua Lỗ Định công, ông được 51 tuổi, được vua Lỗ mời ra làm quan, phong cho chức Trung Đô Tể lo việc cai trị ở Ấp Trung Đô, tức là đất Kinh thành. Một năm sau, bốn phương lấy chính sự của ông làm khuôn mẫu. Năm Lỗ Định Công thứ 10 (500 TCN), ông phò vua Lỗ đi phó hội với Tề Cảnh Công ở Giáp Cốc. Nhờ tài ngôn luận và ứng đáp kịp thời, vua Tề rất khâm phục và trả lại cho nước Lỗ ba khoảnh đất ở Quy Âm mà Tề đã chiếm của Lỗ từ mấy năm trước.
Qua năm sau, Đức Khổng Tử giữ chức Tư Không, rồi thăng lên Đại Tư Khấu (Hình Bộ Thượng thư) coi việc hình án. Ông đặt ra luật lệ để cứu giúp kẻ nghèo khổ, lập ra phép tắc, định việc tống táng, lớn nhỏ có trật tự, trai gái không lẫn lộn, gian phi trộm cắp không còn nữa, xã hội được an bình thịnh trị. Sau 4 năm, Lỗ Định Công phong ông lên làm Nhiếp Tướng Sự (Tướng Quốc), coi việc Chính trị trong nước. Ông cầm quyền được 7 ngày thì tâu với vua Lỗ xin giết gian thần Thiếu Chính Mão để chỉnh đốn quốc chính. Ông chỉnh đốn kỷ cương trong nước, dạy dân những điều lễ, nghĩa, liêm, sỉ, nên dân không còn nhiễu loạn mà chính trị mỗi ngày một tốt lên. Sau ba tháng, nước Lỗ trở nên thịnh trị.
Nước Tề thấy nước Lỗ mạnh lên, có ý lo ngại. Vua Tề theo kế, lập ra Bộ Nữ Nhạc mà đem dâng vua Lỗ. Khổng Tử biết vua Tề có ý dùng chuyện hưởng lạc để làm suy bại chính sự nước Lỗ nên khuyên Lỗ Định công đừng nhận, nhưng Định công không nghe. Quả nhiên vua Lỗ sau khi nhận Bộ Nữ Nhạc sinh ra lười biếng mà chán ghét Khổng Tử. Lỗ Định công không nghe lời can gián của Khổng Tử, bỏ bê việc triều chính, có khi luôn 3 ngày không ra coi triều, mọi việc đều giao cả cho quyền thần. Khổng Tử can gián vua Lỗ nhiều lần nhưng không được, chán nản xin từ chức, bỏ nước Lỗ đi chu du các nước chư hầu.” (Khổng tử- Wikipedia)
Khổng Tử với đạo đức cao thượng và kỹ thuật lãnh đạo đỉnh cao, chỉ dùng Lễ Nghĩa mà trong ba tháng có thể làm cho nước Lỗ bắt đầu hưng thịnh và có cơ hội phát triển thành bá chủ chư hầu, khiến cho nước Tề phải dùng mưu để ngài thôi chức. Nhưng kỳ công như vậy, tài hoa như vậy mà cũng chỉ cần có 1 đội nữ nhạc lại có thể phá tan hoang trong một sớm, vậy dục vọng của con người có phải là quá đáng sợ không? Nhất là khi dục vọng đó nằm ở trong những người nắm giữ địa vị cao của tổ chức hay quốc gia. Vì thế nói người lãnh đạo chính là tương lai của tổ chức và quyết định vận mệnh của nó, quả là chí lý thay.
Vậy nên lãnh đạo ắt là phải trọng Đức và tu thân mới có thể thành công lớn được.