NỀN TẢNG CỦA TU THÂN LÀ KỶ LUẬT
Nói tóm lại, để có thể thực thi tốt tuyệt kỹ Minh Minh Đức, thành công đường lối lãnh đạo dùng thân làm gương thì cần phải biết trọng Đức, tích Đức và tuân theo các quy tắc Đạo đức mà hành xử. Đồng thời phải biết kiềm chế bản thân, đưa nó vào kỷ luật, ức chế bớt các ham muốn ăn chơi hưởng lạc để có thể hạn chế tối đa khả năng hủy hoại đối với tấm gương mà bản thân đã dày công tạo dựng. Do đó tôi sẽ nói thêm một chút về hai chữ kỷ luật, vốn là chữ mà ngày nay không ai muốn làm theo mà đa phần luôn tìm cách để lách luật hay dùng thủ thuật để mong vượt qua. Kỳ thực, kỷ luật không phải là sự gò ép bản thân theo một khuôn phép cứng nhắc nào đó để đạt đến một kết quả nào đó. Do người hiện đại của Việt Nam mất đi cái gốc liên kết với ông cha vốn dùng chữ Hán, các nội hàm văn minh truyền lại cũng là chữ Hán. Vì thế mà người hiện đại dựa trên kiến thức và thành kiến hẹp hòi của mình đã hiểu sai nội hàm của rất nhiều thứ, đặc biệt là các tiêu chuẩn đạo đức ngày xưa.
Nghĩa gốc của từ “kỷ luật” 紀律 gồm có 2 chữ, trong đó “kỷ” 紀 gồm có 2 phần là bộ “mịch”糹nghĩa là sợi tơ, sợi chỉ và cũng có nghĩa là giềng mối, nối kết, ý chỉ cái căn bản gốc rễ. Phần thứ hai của chữ Kỷ lại chính là chữ Kỷ 己 nghĩa là “bản thân” (tự kỷ). Tiếp đó là chữ “luật” trong pháp luật, nhưng nội hàm thực sử của nó lại chỉ “quy luật tự nhiên”, ý chỉ luật Trời, đạo Trời vì luật Trời là cao nhất và căn bản nhất của mọi bộ luật trên đời, cũng là bộ luật tốt nhất. Ngày nay con người không sống theo quy luật tự nhiên nên đang phải trả giá cho chính mình.
Con người đang trả giá cho những hành vi không tuân theo quy luật thiên nhiên
Vậy tuân theo “kỷ luật”, nghĩa là luôn để cho bản thân sống thuận theo các quy luật của tự nhiên. Nhưng làm thế nào có thể giữ và hiểu được các quy luật tự nhiên, ấy là phải hiểu và nắm được cái căn bản gốc rễ của nó (ý nghĩa của bộ “Mịch” bên trên). Mà gốc rễ đó nằm ở đâu? Chính là các chuẩn tắc đạo đức mà Nho gia đã đề xướng như Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, vốn định ra dựa trên ngũ hành, là 5 loại vật chất và quy tắc vận động của cả vũ trụ này. Thêm vào đó, học thuyết Nho gia đặt trên niềm tin vào Thiên mệnh, hành sự theo ý Trời. Mà ý trời chẳng phải là quy luật tự nhiên nào chúng ta cần tuân theo là gì? Đây mới là nội hàm chân chính của hai chữ Kỷ Luật, vốn mang nghĩa tốt đẹp để gìn giữ phẩm chất đạo đức để chúng ta sống một cuộc sống tốt lành bình an. Và một cuộc sống tốt lành bình an chỉ xuất phát từ một nội tâm an lạc và sống thuận theo tự nhiên. Đây là khẳng định
Một cuộc sống tốt lành bình an chỉ xuất phát từ một nội tâm an lạc và sống thuận theo tự nhiên
Bản thân các bạn là sinh ra trong vũ trụ này, trừ thân thể của bạn, tất cả các tế bào cho đến từng lỗ chân lông, từng hơi thở đều là vận động theo quy luật vũ trụ. Chỉ có tư duy của con người mang theo nhiều tạp niệm mà luôn đi ngược với sự vận hành của cơ thể hay vũ trụ mà thôi. Lý do thì phần vì lo lắng, phần do tham cầu, phần do sân hận chấp trước và vô số chuyện khác. Vì thế mà trong thời đại ngày nay chúng ta ngày càng đau khổ, căng thẳng, mất định hướng và sinh ra bệnh tật. Bởi vì cái tâm trí không ổn định kia lại làm chủ thân thể chúng ta, nó quyết định trạng thái của thân thể khỏe mạnh hay bệnh tật, buồn hay vui, thành công hay thất bại. Vì sao lại nói thế? Bởi vì cơ thể con người nếu vận hành theo quy luật vũ trụ thì hoàn toàn không có bệnh hay phát sinh bệnh. Ví dụ như quả tim, nếu chúng ta để nó hoạt động bình thường vận chuyển màu thì cả đời nó cũng chả có bệnh. Nhưng đa phần là tâm trạng chúng ta lo lắng ăn không ngon ngủ không yên mà khiến trái tim nó vận chuyển máu không điều độ. Theo năm dài tháng rộng dĩ nhiên bệnh tật sẽ sinh ra. Cho nên y học cổ đại cho rằng bệnh 70% là do tâm sinh ra, nhất là khi tâm vận hành ngược với thân và ngược với vũ trụ thì con người ta sẽ có bệnh, sẽ đau khổ. Vậy chúng ta cần làm thế nào để thoát khỏi tình trạng này?
Bệnh do tâm sinh, bảy phần tinh thần ba phần bệnh. Tinh thần gây ra bệnh là do nó không vận hành theo quy luật tự nhiên
Nếu tâm là lý do của mọi vấn đề khi nó vận hành sai quy luật vũ trụ thì chúng ta cần phải làm cho nó đi đúng lại quy luật đó. Vậy quy luật vũ trụ là gì? Quy luật bao trùm Tam giới này của chúng ta chính là Âm Dương Ngũ Hành và nó vận hành dưới 1 nền tảng bao hàm to lớn bao hàm hết thảy gọi là Thiên đạo. Thiên đạo cũng bao hàm quy chuẩn đạo đức mà Thiên thượng đã dạy cho con người để sống sao cho hạnh phúc và được bình an, Thần Phật bảo hộ. May thay Nho gia đã đem hết những quy phạm này giảng dạy cho con người thế nhân từ nhiều nghìn năm nay. Chúng ta chỉ cần làm theo “kỷ luật”, đem bản thân rèn luyện sao cho tuân theo “kỷ luật” là đủ. Hãy tu Tâm và Thân để có thể hạnh phúc và thành công, có thể lãnh đạo chính mình và người khác. Đây là điều căn bản nhất của Nho gia, là điều khó nhất mà cũng là điều duy nhất phải làm được nếu muốn lĩnh hội hết tinh hoa của trường phái này.
Minh Minh Đức mà chúng ta đề cập đến bên trên, nói một cách tinh gọn thì chính là tu Thân theo Ngũ Đức, rèn Tâm, khắc chế dục vọng, sống theo quy luật vũ trụ để có thể sống một đời sống hoàn hảo. Nếu có người nào có thể truyền cảm hứng đời sống này cho nhiều người khác hơn và làm người ta tình nguyện cùng tu theo, vậy người đó chính là lãnh đạo, là bậc Đại nhân, đạo lý chỉ đơn giản vậy thôi.