TẢ-TRUYỆN. – Hai vua Trịnh và Tức vì lời nói sanh ra xích mích. Tức-hầu đem quân đánh Trịnh. Bị thua to. Rút quân.
Người quân tử đoán biết nước Tức sẽ mất. 26
Là vì :
- không độ sức người,
- không lượng sức mình,
- không thân với kẻ thân (Tức-hầu và Trịnh-bá đồng họ).
- không suy điều tranh luận,
- không tự xét coi phải hay quấy.
Đã phạm vào năm lỗi lại còn ra binh đánh người, nên thất trận, ba quân bị tiêu diệt, như vậy chẳng đáng lắm sao ?
Phàm theo lẽ trong thiên-hạ, hèn không cầu nhọc, mà nhọc vẫn tự đến, nghèo không cầu khó, mà khó vẫn tự đến, nạn không cầu nhục, mà nhục vẫn tự đến. Nếu chẳng biết các điều đó không thể tránh được mà cứ lo trốn-tránh tức là tự chui vào tai-vạ.
Người quân-tử đã nhận : nhọc là sự thường của hèn-hạ, khó là sự thường của nghèo-nàn, nhục là sự thường của hoạn-nạn. Những ai muốn tránh sẽ gặp họa là vì không biết tự xử theo thường đó thôi. Tự-xử trong sự nhọc, tuy hèn mà yên, tự-xử trong sự khó, tuy nghèo mà yên, tự-xử trong sự nhục, tuy hoạn-nạn mà yên…
Cách tự-xử theo thói thường của một nước nhỏ cũng thế.
Nước Tức là một nước rất nhỏ, ở cận nước lớn, kính-nhường, sợ-sệt còn e chẳng bảo-tồn được thay, phương chi lại tranh-đua với người ! Đương khi giao-thiệp cùng Trịnh, nói năng bất-hòa, nếu Tức biết tự-xử thường trong địa-vị của một nước nhỏ thì nước Trịnh chắc không trái ý và cũng chưa đánh bại Tức.
Nay, không dằn được cơn giận trong một lúc, lại quên mình là nước nhỏ phạm đến nước lớn nên phải nhận lấy thất bại và góp cả năm điều lỗi vào mình !
Còn khi bất hòa vì lời nói, Trịnh không cử binh đánh Tức mà Tức lại mang quân đánh Trịnh trước là bởi tại sao? Vì lòng của nước nhỏ hay nghi người khinh-rẻ mình nên tức giận mới dễ sanh ; vì đó nước Tức mới cử binh đánh trước.
Lòng đó, nào phải chỉ một mình Tức-hầu mới có ! Phàm khi lâm vào khốn-khổ mà bị dể-khinh thì ai lại không căm tức. Còn ta lại hiểu như vầy : trong khi sang quý được mọi người cung-phụng thì nào phải cung-phụng ta đâu, chính là cung-phụng sự sang của ta đó ! Trong lúc nghèo-hèn bị mọi người khinh-dể thì nào phải khinh-dể ta đâu, chính là dể-khinh sự nghèo-hèn của ta đó ! nếu trước quý sau hèn mà ta vẫn là ta, chỉ có sự cung-phụng đổi ra dể-khinh mà thôi, vậy thì ngày trước nào có phải thật vì ta mà cung-phụng đâu ? Nếu trước hèn sau quý, mà ta vẫn là ta, chỉ có sự dể-khinh đổi ra cung-phụng mà thôi, vậy thì ngày trước nào phải thật vì ta mà khinh-dể đâu ?
Ai kia tự cung-phụng sự sang-quý thì tại sao ta lại vui ? Ai kia tự dể-khinh sự nghèo-hèn thì tại sao ta lại giận ?
Cái tâm nếu thật là tâm của ta, tức là đầu mối để biện-lý sự-tình của ta, thì có rảnh đâu để vui sự sang-quý, có rảnh đâu mà giận sự nghèo-hèn ?
*
LỜI-BÀN. – Ở trong hèn-hạ mà ghét lao-khổ, ở trong nghèo-nàn mà ghét cùng-khốn, ở trong hoạn-nạn mà ghét tủi-nhục, đều là những cách gọi tai-họa.
(nguồn: sách Đông Lai Bác Nghị, soạn giả bác sĩ Lê Tấn Tươi bản Ebook)
Lời bàn góp của người viết:
Cái tính khí nói trong bài này, tâm tật đố hay đố kỵ, thường hay thấy ở VN, bất kể giàu nghèo đều có.. Đặ biệt sau này nhiễm cái văn hóa Tàu cộng thêm vào sự phân biệt giai cấp, chia rẽ giàu nghèo mạnh mẽ thì nó càng mạnh hơn. Chính vì ghét nghèo ghét khổ mà người ta tìm mọi cách làm giàu, tìm mọi cách để hưởng thụ nên cái đất nước này sau 40 năm mới như ngày nay. Có cái nhân đó, mới có cái quả là thảm cảnh cách ly nhiều người chết ngay trong thời bình, cả triệu dân phải tản cư ngay trong thời bình. Thế mới hay cái tâm tật đố nó là căn nguyên của nhiều hậu quả lớn trong cuộc đời, và nó đều bắt đầu khi ánh mắt soi xét nhìn sang người khác chứ không nhìn lại chính mình. Càng xét nét thì càng dễ động tâm, mà động tâm thì ắt sẽ có nhân quả. Vì thế muốn siêu phàm ắt phải bất động tâm, chính là nói nhìn vào chính mình và đừng so sánh với người khác thôi. Lão Tử giảng “vô vi”Thượng thiện nhược Thủy”, Khổng Tử nói “quân tử bất tranh” ấy đạo lý thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng lại là minh triết rất cao nơi cõi người này vậy.
Minh Bảo