Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải là một danh thần bậc nhất đời thịnh trị nhất của nhà Trần. Ông văn võ toàn tài, đã từng đem quân thu phục Thăng Long trong chiến tranh chống Nguyên Mông lần 2. Trận Chương Dương là dấu son chói lọi trong nghệ thuật chiến tranh dân tộc, cũng là vinh quang lớn nhất ông từng tạo ra được hậu thế hay nhắc đến.
Chương Dương đoạt giáo giặc
Đây là căn cứ thủy quân lớn nhất, đồn trú lực lượng quân Nguyên tinh nhuệ đông đảo nhất, đồng thời cũng là lá chắn bảo vệ cho Thoát Hoan lúc này đang đóng ở Thăng Long. Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải đích thân chỉ huy chiến dịch lớn này. Ông cùng Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản và Phạm Ngũ Lão thân dẫn thủy quân tinh nhuệ cùng đoàn thiết kỵ binh thần tốc đánh gục đoàn quân đông đảo nhưng tinh thần rệu rã của Thoát Hoan.
Các dũng sĩ thiết kỵ binh Thánh Dực Quân với trường mâu, giáp sắt và lực cơ động mạnh mẽ đã nhanh chóng đánh gục quân kỵ binh Mông Cổ vốn đã thoi thóp sau nhiều đợt tổn thất trước đó. Trận đánh kỵ chiến vỗ mặt này đã mở toang căn cứ Chương Dương trên bộ, tạo điều kiện cho thủy quân Đại Việt áp sát tràn lên chiếm lĩnh trận địa từ sau lưng địch. Quân Mông Cổ tại chỗ hầu như đã tan rã sau đợt cường công mạnh mẽ hai mặt đó. Các binh đoàn Thánh Dực hùng dũng tiến thẳng về Thăng Long.
Thoát Hoan nghe tin thất trận lập tức thân dẫn đại quân ra khỏi thành chi viện cho Chương Dương thì trúng phải phục kích của quân Đại Việt do Trần Quang Khải dày công sắp đặt từ trước. Hai mặt giáp công, sức ép của đoàn thiết kỵ Thánh Dực và hạm đội thủy quân khổng lồ hừng hực khí thế xung sát đến đã khiến đạo quân cứu viện của Thoát Hoan hoàn toàn bị tiêu diệt. Thoát Hoan và các tướng lãnh phải dẫn tàn quân tháo chạy nhục nhã khỏi Thăng Long.
Vầng thơ chiến thắng, oanh liệt ngàn năm
Chiến dịch Chương Dương Hàm Tử thắng lợi rực rỡ. Ngày đánh đuổi hoàn toàn quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Quan trọng nhất là chúng ta đã thu hồi được kinh đô để đón Hoàng gia trở về, vỗ yên xã tắc.
Thái sư Trần Quang Khải trong bộ giáp trận còn vương dấu tích của quân thù trong những trận chiến khốc liệt vừa qua. Ông cùng đoàn cận vệ và đoàn thiết kỵ Thánh Dực quân rầm rập phi ngựa băng qua cổng thành Thăng Long, nơi mà ngày hôm trước vẫn còn là nơi chiến địa điêu tàn.
Quân Đại Việt sau khi tái chiếm Thăng Long đã hoàn toàn làm chủ tòa thành này. Họ nhanh chóng chia người ra các nơi phòng thủ và lập lại trật tự. Nhưng ngày hôm nay tất cả phải hoàn thành một nhiệm vụ vô cùng vinh dự, chào đón hoàng đế và triều đình quang phục Thăng Long.
Trong ngày vui khải hoàn đó, khi đoàn thuyền của hoàng đế và triều đình tiến vào thành Thăng Long. Vị Thượng tướng Thái sư vốn nghiêm nghị ít nói, nhưng trải qua nhiều năm tháng chiến đấu gian khổ, lại thấy được không khí chỉnh tề hùng tráng của quân sĩ, hùng tâm tráng chí bất chợt nổi lên, ông vận nội lực ngâm vang 1 bài thơ ứng tác, đến nay vẫn còn lưu truyền.
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san.”
(Tụng giá hoàn kinh sư).
Ba quân tướng sĩ lập tức như nước vỡ bờ, tất cả cùng giơ cao gươm giáo hô to “vạn tuế”. Thanh âm hào hùng, một khí thế hùng vĩ lan tỏa khắp nơi. Đó chính là hào khí Đông A trong truyền thuyết.
Minh Bảo