Lý Thánh Tông (chữ Hán: 李聖宗 30 tháng 3 năm 1023 – 1 tháng 2 năm 1072) là vị Hoàng đế thứ ba của hoàng triều Lý nước Đại Việt, trị vì từ tháng 11 năm 1054 đến khi qua đời năm 1072.
Thời đại của cha ông là Lý Thái Tông, ông và con ông là Lý Nhân Tông được xem là thời thịnh vượng của Nhà Lý với tên gọi là Bách niên Thịnh thế (百年盛世).
Trong thời kỳ cầm quyền của mình, Lý Thánh Tông đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, khoan giảm hình phạt, đồng thời bảo trợ Phật giáo và Nho giáo. Ông còn xây dựng quân đội Đại Việt hùng mạnh, thực hiện chính sách đối ngoại cứng rắn với Đại Tống và mở đất về ba châu Địa Lý, Mã Linh, Bố Chính (nay là một phần thuộc Quảng Bình và Quảng Trị, Bắc Trung Bộ Việt Nam) sau thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt – Chiêm (1069).
Lấy nhân đức để trị quốc- thương dân như con
Lý Thánh Tông là một vị vua nổi danh nhân hậu và đức độ, tấm lòng thương dân của Lý Thánh Tông đến nay vẫn còn được sử sách lưu truyền.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép:
“Ất Mùi, Long Thụy Thái Bình năm thứ 2 [1055], mùa đông, tháng 10, đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.
Sách Đại Việt sử lược (khuyết danh) còn ghi một câu mà Toàn thư có lẽ chép thiếu trong câu chuyện trên:
“Năm nay – năm Ất Mùi, trong cõi được miễn tiền thuế một nửa”. Giáp Thìn, [Chương Thánh Gia Khánh] năm thứ 6 [1064] Mùa hạ, tháng 4, vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm”.
Lý Thánh Tông còn rất chú trọng sản xuất nông nghiệp. Tháng 10 âm lịch năm 1056, nhà vua ban bố Chiếu khuyến nông. Ông cũng đi đến nhiều nơi để xem nông dân gặt lúa. Khi sản xuất gặp khó khăn (như vào tháng 4 âm lịch năm 1070), nhà vua đem tiền, thóc và lụa trong kho phát cho dân nghèo.
Là một tín đồ Phật giáo mộ đạo, Lý Thánh Tông đã cho xây rất nhiều chùa tháp, trong đó có chùa Thiên Phúc, Thiên Thọ – nơi hoàng gia nhà Trần sau này thường lễ Phật, dựng các tượng Đế Thích, Phạm Thiên bằng vàng và đúc chuông đồng lớn. Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong sách Lý Thường Kiệt: lịch-sử ngoại-giao và tông giáo triều Lý, các biểu hiện thương dân của Thánh Tông xuất phát từ sự thấm nhuần tinh thần từ bi của Phật pháp, chứ không phải từ động cơ tuyên truyền chính trị.
Bên cạnh đó, ông rất chú trọng mở mang Nho học. Mùa thu năm 1070, nhà vua đã xây dựng Văn miếu và tạc tượng thờ Chu Công, Khổng Tử cùng 4 học trò xuất sắc. Ông cũng cho vẽ tranh thờ 72 môn sinh của Khổng Tử và sai tế lễ bốn mùa.
Sử thần Ngô Sĩ Liên đã nhận xét về vua Lý Thánh Tông trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư như sau:
“Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân, là việc đầu tiên của vương chính. Thánh Tông lo tù nhân trong ngục hoặc có kẻ vô tội mà chết vì đói rét, cấp cho chiếu chăn, ăn uống để nuôi sống, lo quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, cấp thêm cho tiền bổng và thức ăn để nhà được giàu đủ. Lo dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông, gặp năm đại hạn thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo, trước sau một lòng, đều là thành thực. Huống chi lại tôn sùng đạo học, định rõ chế độ, văn sự thi hành mau chóng bên trong; phía nam bình Chiêm; phía bắc đánh Tống, uy vũ biểu dương hiển hách bên ngoài. Tuy có việc lầm lỗi nhỏ khác cũng vẫn là bậc vua hiền”.
Nguồn: