Thủy hử hay Thủy hử truyện (水滸傳, nghĩa đen là “bến nước”), tên gốc là Trung nghĩa truyện (忠義傳) hay Trung nghĩa Thủy hử truyện (忠義水滸傳) của một nhà nho tên là Thi Nại Am sống vào cuối triều Nguyên, đầu triều Minh.
Tác phẩm là một trong bốn tác phẩm lớn của văn học cổ điển Trung Hoa, thường gọi là nhóm Tứ đại danh tác, gồm “Hồng Lâu Mộng”, “Tây Du ký”, “Thủy Hử truyện” và “Tam Quốc diễn nghĩa”.
Thủy Hử là bộ tiểu thuyết theo lối văn bạch thoại đầu tiên,” được xưng danh là tiểu thuyết anh hùng bậc nhất của Trung Quốc với tư tưởng “Trung nghĩa song toàn, thế thiên hành đạo.” Mỗi tác phẩm trong Tứ đại danh tác này đều mang từng nét đặc sắc riêng, có người cho rằng chưa đọc “Thủy Hử,” thì chưa thể biết được những điều đặc sắc trong thiên hạ!
Đánh giá về “Thủy Hử”, nhà phê bình văn học Trung Quốc Kim Thánh Thán xem đây một trong “Lục đại tài tử thư”, bên cạnh “Trang Tử,” “Ly tao,” “Sử ký,” “Thơ Đỗ Phủ” và “Tây sương ký”. Văn phong của “Thủy Hử” thuần phác, mạch chuyện chặt chẽ, đọc nó chính là đọc được hết thảy các đạo của sách vậy, học tốt sách này, nắm được các đạo lý trong đó, thì có thể xem như có thể đã đọc được sách khắp trong thiên hạ.
Thủy Hử truyện- Câu chuyện về 108 vị hảo hán Lương Sơn Bạc
Vào cuối thời nhà Nguyên, Thi Nại Am (tên là Ngạn Đoan, 1296-1372) dựa vào sách “Đại Tống tuyên hòa di sự” và “Đông đô sự lược” của Vương Xưng thời Nam Tống cùng với các ghi chép lịch sử khác xoay quanh câu chuyện Tống Giang cùng với 36 người khởi nghĩa để tiến hành sáng tác nên.
“Thủy Hử truyện” miêu tả câu chuyện Tống Giang cầm đầu 108 vị lục lâm hảo hán bị bức bách phải vào rừng làm cướp. Những người này cảnh ngộ không giống nhau, hoặc là bị quyền thần hãm hại, hoặc kết giao với lục lâm thảo khấu, hoặc là thấy chuyện bất bình chẳng tha, đa số đều phạm phải tội nặng giết người phóng hỏa. Họ xưng hùng tụ nghĩa ở Lương Sơn Bạc, lập lá cờ “Thế thiên hành đạo”.
Tống Giang, thủ lĩnh Lương Sơn, một lòng hy vọng triều đình xem xét cơ điểm của họ mà hạ chỉ chiêu an. Sau khi nhiều lần đánh dẹp thất bại của triều đình, vua Tống Huy Tông đã hạ chỉ chiêu an.
Tống Giang cùng các vị hảo hán sau đó đã vì Đại Tống mà đi chinh chiến, tiêu diệt được loạn quân Phương Tịch. Tuy nhiên, trong 108 vị hảo hán chỉ còn lại 27 vị sống sót hồi kinh.
Bốn tên đại gian thần Sái Kinh, Đồng Quán, Cao Cầu, Dương Tiễn đợi sau khi Tống Giang và những người khác được phong quan, liền dùng thủy ngân hại chết Lư Tuấn Nghĩa, dùng rượu độc phát tác chậm để hại chết Tống Giang và Lý Quỳ.
Câu chuyện kết thúc bằng việc vua Tống Huy Tông nằm mơ đến Lương Sơn Bạc nghe Tống Giang giãi bày oan khuất.
Tương truyền rằng 108 vị anh hùng trong Thủy Hử chính là 36 sao Thiên Cương và 72 sao Địa Sát chuyển thế. Họ ở nhân gian biểu hiện bản sắc anh hùng hành hiệp chính nghĩa, chí tình chí nghĩa. Họ thích bênh vực kẻ yếu, cướp của người giàu cứu giúp người nghèo, dùng tinh thần chính nghĩa để chống lại những tham quan và hệ thống chính trị hủ bại, đây là những bản sắc anh hùng áo vải, lục lâm hảo hán vượt ra khỏi những quy củ hiện thực được nhiều người hâm mộ.
Đánh giá về “Thủy Hử”, nhà phê bình Kim Thánh Thán cho rằng: “108 người, mỗi người có một nét đặc sắc riêng,” “108 người, mỗi người đều có tính tình, khí chất, hình dáng, giọng nói riêng.” Giống như Cập Thời Vũ Tống Giang phò nguy cứu khốn, Hành Giả Võ Tòng cương dũng hiệp nghĩa, Báo Tử Đầu Lâm Xung cương nghị chính trực, Trí Đa Tinh Ngô Dụng thông tuệ đa mưu, Hoa Hòa Thượng Lỗ Trí Thâm ghét ác như thù, Hắc Toàn Phong Lý Quỳ khoát đạt thẳng thắn … mỗi người ai cũng đều có trung có nghĩa.
Thủy Hử truyện- Tiểu thuyết anh hùng biểu đạt chữ “Nghĩa” sâu sắc
Rất nhiều tiểu thuyết thời Minh và Thanh đều đề cập về một chữ “Nghĩa”. Tuy nhiên, đối với mỗi người khác nhau, mỗi triều đại khác nhau, biểu hiện và nội hàm của chữ “Nghĩa” cũng đều khác nhau. Thế nhưng thể hiện ý nghĩa của chữ “Nghĩa” một cách rõ ràng nhất chính là bộ ba tác phẩm kinh điển: Thủy Hử, Tam Quốc Diễn Nghĩa và Phong Thần Diễn Nghĩa.
Biểu hiện của “Nghĩa” trong Thủy Hử chính là nghĩa khí giang hồ, quan bức dân phản, không thể không hành tẩu giang hồ, cuối cùng lại tề tụ tại Lương Sơn.
Trong nghĩa khí giang hồ có nghĩa khí hào sảng của việc giết kẻ giàu để cứu người nghèo, cũng có nghĩa khí huynh đệ sẵn sàng giúp đỡ bạn bè không tiếc mạng sống, có phúc cùng hưởng, có nạn cùng chia.
Nghĩa khí giang hồ không thể đi chung với ‘cường đạo khí’, ‘thảo khấu khí’, mà là chờ đợi tới khi hoàng đế chiếu an, vợ con được hưởng quyền lợi, được ghi vào sử sách, đây mới là mục đích cuối cùng.
Đáng tiếc là cuối triều đại Bắc Tống, đạo đức suy đồi, triều đình hỗn loạn, vua Tống Huy Tông càng không nhìn thấy được vấn đề quan bức dân phản, càng không đánh giá chính xác được cái lợi và hại của nghĩa khí giang hồ.
Ông cho rằng những người này sau khi bị trấn áp thì trên người vẫn còn cường đạo khí và thảo khấu khí, nghĩ rằng những người này sau khi thời cơ tới họ sẽ khởi nghĩa vũ trang, sẽ ảnh hưởng đến ngôi vị hoàng đế của mình, vì vậy lợi dụng việc thảo phạt Phương Lạp chiến thắng trở về, liền cho họ uống thuốc độc, dẫn đến việc các công thần vô tội chết một cách oan uổng.
Đây cũng là kết cục bi thương cho nghĩa khí giang hồ của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc.
Thủy Hử truyện- Tác phẩm hé lộ nguồn gốc của sinh mệnh
Tương tự ba tác phẩm còn lại trong Tứ đại danh tác: Hồng Lâu Mộng, Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa… câu chuyện của Thủy Hử xảy ra nơi trần thế nhưng lại có những đầu dây mối dợ từ thiên thượng.
Thủy Hử bắt đầu với việc kể về bậc đế vương khai quốc của Đại Tống – Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn vốn là Tích Lịch Đại tiên trên thượng giới xuống trần để lập lại đời thái bình.
Đến đời cháu ngài, hoàng đế Tống Nhân Tông là Xích Cước Đại tiên, lại được phò tá bởi Văn Khúc tinh quân, Võ Khúc tinh quân cũng là những sinh mệnh từ trên cao tầng giáng hạ thành Bao Chửng và Địch Thanh. 72 Địa Sát Tinh và 36 Thiên Cương Tinh là những tinh tú chuyển sinh thành 108 hảo hán Lương Sơn để “thay Trời hành Đạo”…
Thủy Hử truyện- Tác phẩm với những câu nói kinh điển để đời
“Hữu duyên thiên lý lai tương hội, vô duyên đối diện bất tương phùng”: Dù xa ngàn dặm nếu có duyên sẽ gặp gỡ, cho dù đứng trước mặt mà vô duyên cũng sẽ không gặp nhau.
“Gia hữu dư lương kê khuyển bão, hộ đa thư tịch tử tôn hiền”: Nhà có thừa lương thực thì gà chó no bụng, dòng dõi có nhiều sách thì con cháu có tài đức.
“Tảo tri kim nhật, hối bất đương sơ”: Sớm biết có hôm nay, hối hận trước đây chẳng làm.
“Hảo sự bất xuất môn, ác sự truyền thiên lý”: Việc tốt không truyền ra khỏi nhà, việc xấu truyền xa ngàn dặm.
“Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chích tranh lai tảo dữ lai trì”: Thiện ác cuối cùng đều có báo ứng, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi.
“Quân tử vấn tai bất vấn phúc”: Quân tử hỏi họa không hỏi phúc.
“Nhập môn hưu vấn vinh khô sự, quan khán dung nhan tiện đắc tri”: Vào nhà đừng hỏi chuyện giàu khó, quan sát vẻ mặt biết được ngay.
“Kinh mục chi sự, do khủng vị chân; bối hậu chi ngôn, khởi năng toàn tín”: Việc thấy trước mắt vẫn e là chưa đúng sự thật; lời nói sau lưng, há có thể hoàn toàn tin.
“Tống quân thiên lý, chung tu nhất biệt”: Đưa người ngàn dặm, cuối cùng rồi cũng từ biệt.
“Lộ kiến bất bình, bạt đao tương trợ”: Giữa đường gặp chuyện bất bình, rút đao tương trợ.
“Tại nhân oải thiềm hạ, chẩm cảm bất đê đầu”: Ở dưới mái hiên thấp nhà người ta, sao dám không cúi đầu.
“Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”: Vẽ hổ chỉ vẽ được bộ da khó vẽ xương, biết người chỉ biết mặt khó biết lòng.
“Nhân vô thiên nhật hảo, hoa vô bách nhật hồng”: Người không thể ngàn ngày đều tốt, hoa không thể trăm ngày hồng tươi.
“Phúc vô song chí, họa bất đan hành”: Phúc không đến cùng lúc, họa không đến riêng lẻ.
“Tửu loạn tính; sắc mê nhân”: Rượu làm con người mất lý trí, sắc đẹp mê hoặc con người.
“Mạc ngữ thường ngôn đạo tri túc, vạn sự chí chung tổng thị không”: Đừng nói biết đủ là hạnh phúc, vạn sự đến cuối đều là không.
“Văn danh bất như kiến diện! Kiến diện thắng tự văn danh”: Nghe danh không bằng gặp mặt! Gặp mặt hơn hẳn nghe danh.
“Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu; phi ma cứu thủy, nhã diệm thiêu thân”: Họa phúc không có cửa, chỉ là do người tự rước lấy; khoác sợi đay đi dập lửa, dẫn lửa thiêu thân.
“Tướng mạo ngữ ngôn, nam bắc đông tây tuy các biệt; tâm tình can đảm, trung thành tín nghĩa tịnh vô soa”: Tuy mọi người có tướng mạo, ngôn ngữ, nơi ở nam bắc đông tây có sự khác biệt; nhưng tấm lòng can đảm, trung thành tín nghĩa là giống nhau.
“Thiên lý diện triêu tịch tương kiến, nhất thốn tâm tử sinh khả đồng”: Cách xa ngàn dặm vẫn có thể gặp mặt, tâm chỉ một tấc mà cùng sinh tử.
“Trượng phu hữu lệ bất khinh đạn, chích thị vị đáo thương tâm xử”: Nam nhi không dễ rơi lệ, chẳng qua chưa đến lúc đau lòng mà thôi.
“Tiếu huy thiền trượng, chiến thiên hạ anh hùng hảo hán; nộ xế giới đao, khảm thế thượng nghịch tử sàm thần”: Cười vung thiền trượng, chiến đấu với anh hùng hảo hán trong thiên hạ, phẫn nộ rút giới đao, chém gian thần nghịch tử trên đời.
“Lương viên tuy hảo, bất thị cửu luyến chi gia”: Lương Viên dù đẹp, nhưng đâu phải nhà ta mà quyến luyến lâu ngày. (Lương Viên là nơi thiết đãi khách của Lương Hiếu Vương thời Tây Hán)
“Đạp phá thiết hài vô mịch xử, đắc lai toàn bất phí công phu”: Đi mòn giày sắt tìm không thấy, lúc được lại là chẳng tốn chút công nào.
“Cổ nhân hữu ngôn: “Đắc chi dị, thất chi dị; đắc chi nan, thất chi nan”: “Cổ nhân có câu: “Dễ có được thì cũng dễ mất; khó có được cũng khó mà mất.”
“Thắng bại nãi binh gia thường sự, hà tất quải tâm”: Thắng thua là chuyện thường của người cầm quân, cần gì phải băn khoăn.
“Nhạc cực sinh bi, bĩ cực thái lai”: Vui quá hóa buồn, đau khổ đến cùng cực thì hòa bình vui vẻ sẽ đến.
Nguồn:
ShenYun.org: Thủy Hử truyện
Epochtimesviet.com: ‘Thủy Hử’ – Cuốn tiểu thuyết anh hùng bậc nhất nói lên đạo lý gì?
Ntdvn.net: Thủy Bạc Lương Sơn ký: Thủy Hử và 108 anh hùng Lương Sơn Bạc – Phi Lộ
Tinhhoa.net: Hàm ý của chữ “Nghĩa” trong Thủy Hử, Phong Thần và Tam Quốc có gì khác nhau?