Điều gì đang xảy ra với võ công truyền thống Trung Hoa?
Kể từ khi đưa ra lời thách thức có phần ngông cuồng đối với giới võ thuật Trung Quốc, Từ Hiểu Đông đã nhanh chóng trở thành hiện tượng khi anh đã dễ dàng đánh bại hàng loạt “cao thủ” có tiếng trong nước. Từ Thái Cực Ngụy Lôi cho đến gần đây nhất là “Đệ tử Diệp Vấn” Vịnh Xuân Lã Cương thì Từ cũng chỉ mất có 47 giây để kết thúc trận đấu.
Giới võ thuật truyền thống Trung Quốc im lặng, người hâm mộ MMA hả hê, người yêu võ thuật truyền thống thì ê chề và lên án các võ sư bại trận một cách dữ dội. Tất cả bùng lên như một bộ phim hài nhiều tập mà vai chính bị lên án nhiều nhất là các võ sư võ truyền thống. Vậy điều gì đang xảy ra tại Trung Quốc? Vì sao mà một tay đấm MMA bình thường như họ Từ kia lại khiến một nền võ học mấy nghìn năm trầm mặc? Chẳng lẽ tất cả tinh hoa võ thuật Trung Hoa cổ xưa đều là lừa người?.
Thiên tài khoa học Albert Einstein từng nói: “Chỉ có hai điều là vô hạn: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người, và tôi không chắc lắm về điều đầu tiên” (Two things are infinite: the universe and human stupidity; and I’m not sure about the universe).
Lẽ dĩ nhiên Einstein không thể khẳng định về vũ trụ nhưng tôi chắc rằng ông hoàn toàn nắm chắc điều thứ hai kia vì điều ấy vốn dĩ luôn hiện hữu trên thế giới chúng ta từ ngàn xưa đến bây giờ, là cái mà nhà Phật hay gọi là “vô minh”. Người ta trong vô minh mà hại chính mình, mà làm điều xấu. Quan trọng hơn trong “vô minh” không biết phân biệt tốt xấu, không biết mình đang mất đi cái gì thì càng đáng thương hơn.
Võ truyền thống Trung Quốc thực chất đã gần như biến mất
Nói một cách “chính thống” từ sau năm 1949 thì võ thuật “truyền thống Trung Quốc” là có “tồn tại” và đang “phát triển rất mạnh mẽ” khắp thế giới với tên gọi Wushu (võ thuật), có cả liên đoàn, có cả giải đấu quốc tế nữa. Hình ảnh hào nhoáng của các võ sinh Wushu và các bài quyền đẹp mắt thu hút hàng triệu người xem và học trên thế giới. Nhưng ít ai biết rằng, từ những năm 1950 wushu đã được nhà nước Trung Quốc “định hướng phát triển” theo hướng thể thao, những nội dung thực chiến hầu như không được phát triển đúng mực. Nếu có thì cũng chỉ là phần Tán Thủ làm cho có với cách đánh đấm cũng chẳng hay ho gì hơn quyền Anh hiện đại. Trong khi tính thực chiến, ứng dụng cao và hiệu quả lại là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của võ thuật truyền thống. Người xưa coi “võ thuật” chân chính là một cách để tu dưỡng và cũng là một phương thức dùng để giết địch chế thắng, hoàn toàn không có chuyện dùng võ để biểu diễn như Wushu ngày nay.
Chưa hết, trong thời đại kim tiền này thì những thứ biểu diễn hào nhoáng như võ thuật lại đem thu nhập khá cao, các môn phái “cổ truyền” giả hiệu cũng đua theo phong trào luyện võ biểu diễn trên khi có đến hàng nghìn võ sư múa may khoe mẽ trên mạng mỗi ngày. Chỉ lướt trên mạng một ngày thì thấy Trung Hoa Đại lục có cơ man nào là “Cao thủ võ lâm”. Có lẽ chưa thời đại nào mà “võ thuật truyền thống” Trung Quốc phát triển “rực rỡ” như hiện nay.
Thái Sơn Bắc đẩu của võ lâm là Thiếu Lâm Tự cũng không chịu kém khi có cả một ngôi chùa khổng lồ với võ đường hoành tráng, đại học võ thuật thu hút hàng triệu lượt võ sinh mỗi năm. Cái tên Thiếu Lâm Tự xuất khẩu đi khắp thế giới và biến phương trượng Thích Vĩnh Tín thành tỷ phú USD. Đó là còn chưa nói đến hàng nghìn đầu phim võ thuật từ cổ trang đến hiện đại với những pha biểu diễn đẹp đẽ của Lý Tiểu Long cho đến Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan liên tiếp đưa danh tiếng võ thuật Trung Quốc vang xa. Đến nỗi chỉ trong vòng vài chục năm mà hai chữ Kung Fu đã trở nên vô cùng phổ biến và được toàn cầu biết đến.
Hình minh họa: từ Thái Sơn Bắc Đẩu Võ Lâm Trung Hoa, giờ thành tập đoàn Thiếu Lâm Tự.
Nỗi bi ai vô cùng của nền võ học nghìn năm.
Hình minh họa: cái tên KungFu trở nên quá nổi tiếng- nhất là bộ phim KungFu Panda
Nhưng nghiêm khắc mà nói thì tại Trung Quốc hiện nay đã không còn cái gọi là “võ thuật truyền thống” nữa. Vì võ thuật là kết tinh của văn minh cổ truyền thừa nhiều nghìn năm với nhiều nội hàm sâu sắc, cần phải có vốn văn hóa sâu dày tương ứng mới có thể lý giải và ứng dụng đến đỉnh cao. Thế nhưng cuộc Đại cách mạng văn hóa với chủ trương Phá Tứ Cựu đã hủy hoại gần như hoàn toàn nền văn hóa truyền thống, các vị chân sư võ thuật cũng chịu nhiều tổn thất cùng với sự mất mát của các kinh điển cổ xưa. Suốt mấy chục năm người ta chỉ lo giữ mạng là chính thì làm sao mà có thể bảo trì truyền thống và phát huy võ thuật đây. Ngoài ra thì sự áp dụng chữ Hán giản thể vào giảng dạy phổ cập cũng là một nhát dao chí mạng giáng vào các giá trị truyền thống, trong đó có võ thuật. Khi giới trẻ đọc các tài liệu võ thuật viết bằng chữ Hán Cổ với những ẩn ý thâm sâu mà lại lý giải theo kiểu hiện đại thì võ thuật truyền thống chính thức chỉ còn lại cái vỏ bên ngoài.
Từ điểm này mà xét thì Từ Hiểu Đông cũng chẳng có gì sai, vì cái anh ta đang thách thức chính là “võ thuật truyền thống” giả hiệu kiểu Wushu chuyên dùng biểu diễn lòe người. Thứ “võ thuật” đó thất bại trước võ sĩ MMA vốn được huấn luyện đánh đài chuyên nghiệp thì sẽ thua là chuyện hiển nhiên.
(còn tiếp)
Tĩnh Thủy