Nhị thập tứ hiếu (chữ Hán: 二十四孝) là một trong các tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Hoa kể lại sự tích của 24 tấm gương hiếu thảo do Quách Cư Nghiệp (có sách ghi Quách Cư Kinh 郭居敬) vào thời nhà Nguyên biên soạn.
Quách Cư Kính là một người con hiếu hạnh nổi tiếng triều Nguyên. Ông cảm thán rằng không còn cơ hội để hiếu thuận với cha mẹ đã mất, bèn lựa chọn những câu chuyện của 24 người con hiếu hạnh tiêu biểu nhất được lưu truyền trong các sách cổ, biên soạn thành sách “Nhị thập tứ hiếu” (24 tấm gương hiếu hạnh). Các câu chuyện được kể lại xảy ra từ thời Thuấn Đế đến đời ông.
Hai mươi bốn tấm gương này bao gồm:
- Ngu Thuấn: Hiếu cảm động Trời
- Lão Lai Tử: Mặc áo hoa mua vui cho cha mẹ
- Đàm Tử: Lấy sữa hươu chữa bệnh cho cha mẹ
- Trọng Do: Cõng gạo nuôi cha mẹ
- Tăng Sâm: Cắn tay đau lòng
- Mẫn Tổn: Áo bông lau giữ mẹ
- Thái Thuận: Hái dâu nuôi mẹ
- Hán Văn Đế: Tự mình nếm thuốc
- Vương Bầu: Nghe sấm ra mộ khóc
- Đổng Vĩnh: Bán mình chôn cha
- Giang Cách: Cõng mẹ lánh nạn
- Hoàng Hương: Quạt gối ủ chăn
- Khương Thi: Suối tuôn chép nhảy
- Đinh Lan: Khắc gỗ thờ cha mẹ
- Lục Tích: Giấu quýt cho mẹ
- Mạnh Tông: Khóc trúc mọc măng
- Đường Thị: Vắt sữa nuôi mẹ chồng
- Ngô Mãnh: Để muỗi đốt mình
- Vương Tường: Nằm trên băng câu cá chép
- Quách Cự: Giấu mẹ chôn con
- Dương Hương: Đánh hổ cứu cha
- Chu Thọ Xương: Bỏ quan tìm mẹ
- Hoàng Đình Kiên: Rửa bô cho mẹ
- Dữu Kiềm Lâu: Nếm phân lòng lo âu
Trong khuôn khổ bài viết này, Mindset.vn chỉ xin được trích ra ba trong số hai mươi bốn gương hiếu hạnh này:
Ngu Thuấn: Hiếu cảm động Trời
Một vị vua trong Ngũ Đế thời thượng cổ họ Diêu tên là Thuấn, một trang hiếu tử. Sau được vua Nghiêu, hiệu là Đào Đường gả hai người con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh, rồi lại truyền ngôi báu cho.
Vua Thuấn lên ngôi đặt niên hiệu là Đường Ngu. Nguyên cha của Thuấn là người hung bạo, không phân biệt được người hay kẻ dở, người đương thời đặt tên là Cổ Tẩu (người mù mắt).
Mẹ của Thuấn mất sớm, Cổ Tẩu tục huyền với người đàn bà sau này sinh ra Tượng. Vì có lời gièm pha của người kế mẫu và đứa em ngỗ nghịch cùng cha khác mẹ, Cỗ Tẩu không ưa Thuấn và định bụng giết đi. Biết thế, nhưng Thuấn vẫn trọn gìn chữ hiếu đối với cha và người dì ghẻ ác nghiệt, hòa thuận với đứa em độc ác, không một lời than oán.
Khi cha bắt đi cày ở đất Lịch Sơn cốt tìm cách trừ đi, vì nơi đây có tiếng là nhiều thú dữ hay ăn thịt người, nhưng tấm lòng hiếu thảo và hòa mục của Thuấn động đến lòng trời, cả đàn voi ra giúp Thuấn cày đất và muông chim vô số đáp xuống nhặt cỏ hộ. Thấy không hại được Thuấn, Cổ Tẩu và người dì ghẻ sai Thuấn đánh cá ở Hồ Lôi Trạch, nơi có nhiều sóng to gió lớn, nhưng khi Thuấn đến thì sóng lặng gió yên. Đến khi được vua Đường Nghiêu truyền ngôi, suốt 18 năm trị vì, Đế Thuấn chỉ ngồi gảy đàn hát khúc Nam Phong mà trị bình thiên hạ, nhà nhà đều lạc nghiệp âu ca.
“Cày ruộng voi tới giúp
Nhặt cỏ chim khắp nơi
Nối Nghiêu lên ngôi đế
Đức hiếu động lòng Trời”
Hán Văn Đế: Tự mình nếm thuốc
Hán Văn Đế tên thật là Hằng, con người vợ thứ của Hán Cao Tổ Lưu Bang em cùng cha khác mẹ với vua Huệ Đế. Vì người vợ cả của Hán Cao Tổ có tính hay ghen dữ tợn và sợ con của người vợ thứ sau này dành ngôi, nên không muốn cho Hằng và mẹ là Bạc Hậu ở triều.
Theo lời đề nghị của đình thần, vua Hán Cao Tổ liền phong cho Hằng chức Đại Vương ở đất Đại. Hằng tính tình hiếu thuận được triều thần nhà Hán cũng như thần dân đều mến phục. Sau khi anh là vua Huệ Đế mất, không con nối nghiệp, các quan liền ra đất Đại rước Hằng về lên ngôi, tức là Hán Văn Đế. Khi làm vua rồi, mẹ là Bạc Hậu lại đau yếu trong suốt ba năm liền, Văn Đế, ngoài những buổi chầu, vẫn mặc đại phục của vị Vương đế và đứng hầu mẹ, biếng ăn bỏ ngũ, đêm thức canh chừng bệnh mẹ. Thường ngự y dâng thuốc lên, Văn Đế đở lấy rồi nếm trước sợ có thuốc độc.
Các quan trong triều cũng như ngoài dân chúng biết Văn Đế là người hiếu tử đều bắt chước theo. Nhờ đó, người trong nước đều giữ lòng hiếu thảo hòa mục và thiên hạ thái bình thạnh trị không khác gì ở thời Tam Đại thuở trước (Tam Đại gồm có các đời vua nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu).
“Nhân – Hiếu vang thiên hạ
Trăm vua đức vượt xa
Ba năm Mẫu hậu bệnh
Nếm thuốc chăm đêm ngày…”
Mạnh Tông: Khóc trúc mọc măng
Mạnh Tông là người ở đất Giang Hạ, về đời Tam Quốc, mồ côi cha, ông ở với mẹ rất có hiếu. Một hôm, bà mẹ của Mạnh Tông đau thèm ăn canh măng, nhưng bấy giờ là mùa đông, khó tìm ra măng. Ông đi vào trong rừng tre, ngồi bên gốc tre mà khóc. Bỗng đâu có mấy mục măng từ dưới đất mọc lên, quá mừng rỡ. Mạnh Tông mang về nhà nấu canh cho mẹ ăn. Ăn xong bà mẹ liền hết bệnh. Người ta cho rằng lòng hiếu động của Mạnh Tông, động lòng trời, nên măng mọc lên để cho ông được tròn chữ hiếu. Về sau này có một loại măng màu xám được đặt tên là Mạnh Tông, hình dáng trông rất đẹp và ăn ngon.
“Khóc trong gió bấc đông hàn
Ngồi ôm khóm trúc mấy hàng lao xao
Hiếu kia cảm động Trời cao
Mọc măng, mẹ nếm canh vào bệnh lui…”
Nội hàm sâu sắc cổ nhân gửi gắm đằng sau chữ “Hiếu”
Giáo dục truyền thống xưa là dạy con người làm thế nào để “Làm Người”, xứng đáng là con người đứng trong trời đất: trên không thẹn với trời, dưới không hổ với đất, không hổ thẹn với lòng mình, xứng đáng là một trong Tam Tài: Thiên – Địa – Nhân.
Nho gia giảng: “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trăm nết thiện thì chữ Hiếu đứng đầu).
Nho gia dạy mọi người làm người quân tử, quang minh chính đại, phụng sự quốc gia. Tiêu chuẩn cao nhất của Nho gia là chữ Nhân. Để trở thành người quân tử, thành bậc nhân đức, thì bước đi đầu tiên là phải làm tròn chữ Hiếu.
Khổng Tử nói: “Hiếu là cái gốc của đức, giáo hóa đức hạnh đều do Hiếu sinh ra. Thân thể, da tóc, là nhận được từ cha mẹ, không được hủy hoại, là khởi đầu của Hiếu. Lập thân hành Đạo, lưu danh hậu thế, để rạng danh cha mẹ, là tận cùng của Hiếu. Đạo Hiếu, bắt đầu bằng phụng sự cha mẹ, tiếp đến là phụng sự quân vương, cuối cùng là lập thân”.
Trong Luận Ngữ có viết: “Người hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính anh chị, mà lại thích phạm thượng, chống đối cấp trên, thì rất ít. Người không phạm thượng, chống đối cấp trên mà lại thích tạo phản thì xưa nay chưa từng có. Người quân tử dốc sức tu dưỡng cái gốc. Cái gốc đã vững, thì nguyên tắc đạo đức mới hình thành. Hiếu thuận cha mẹ, tôn kính anh chị là cái gốc của đạo Nhân”.
Nho gia coi trọng “Trung hiếu, nhân nghĩa”, lấy nhân nghĩa làm trung tâm. Dạy chữ Hiếu để nuôi dưỡng chữ Nhân, dạy chữ Trung để vẹn toàn chữ Nghĩa. Có người phê phán Nho gia dạy người ta “ngu trung”, “ngu hiếu”, đó là họ chưa hiểu rõ mối quan hệ giữa Trung hiếu và Nhân nghĩa, hoặc cố tình tách ra để giải thích thiên lệch, bóp méo ý nghĩa đích thực của chữ Hiếu – Trung.
Nếu không có cội nguồn nhân nghĩa này, thì hiếu sẽ là tình riêng, trung sẽ là ngu trung, đều không theo được. Do đó hiếu cuối cùng là lập thân, lấy đạo nghĩa làm chủ đạo.
Làm bề tôi, làm quan, hiếu với mẹ cha, trung với vua cho đến lập thân… đều cần phải tuân theo nhân nghĩa. Do đó trung hiếu không có nghĩa là cứ nhất nhất tuân theo, trong Hiếu Kinh có viết:
“Xưa bậc thiên tử có 7 người bề tôi can gián, tuy thiên tử vô đạo, cũng không bị mất thiên hạ”.
“Bậc chư hầu có 5 người bề tôi can gián, tuy chư hầu vô đạo, cũng không bị mất nước”.
“Bậc đại phu có 3 người bề tôi can gián, tuy đại phu vô đạo cũng không bị mất gia tộc”.
“Kẻ sĩ có bạn bè can gián, thì không bị mất thanh danh”.
“Bậc làm cha có con can gián, thì không rơi vào bất nghĩa”.
Nền văn hóa truyền thống phương Đông đều dựa trên nền tảng kính ngưỡng Thần Phật, sự bác đại tinh thâm trong nền văn hóa nửa Thần này cũng chính là lấy ‘nhân, nghĩa, lễ, trí, tín’ làm quy phạm đạo đức cho con người.
Vì vậy, chữ “Hiếu” chịu sự ước thúc bởi luân lý cao hơn. Cổ đại có rất nhiều câu chuyện vì “Đại nghĩa diệt thân” (không phải giống như hình thức đấu tranh giai cấp biến dị trong các cuộc vận động chính trị trong quá khứ), thực tế, chính là để nói với mọi người cần biết rõ đúng sai, không vì tình riêng mà bao che điều sai quấy mới là nghĩa cử phù hợp với đạo lý.
Cũng là nói, người nếu có thể nhảy ra khỏi cái tôi nhỏ bé để tuân thủ quy phạm đạo đức của Thần mới đúng là người đại nghĩa, ngược lại nếu vì tình thân mà đẩy cha mẹ hoặc con cái vào đường bất nghĩa thì sẽ gây tội với trời.
Nguồn:
Sách: Nhị Thập Tứ Hiếu
Wikipedia: Nhị Thập Tứ Hiếu
Ntdvn.net: Bài giới thiệu – 24 gương hiếu hạnh xưa (Nhị thập tứ Hiếu)
Ntdvn.net: Cảm động người xem: bộ tranh “Nhị thập tứ hiếu” của họa sĩ Trần Thiếu Mai
Tinhhoa.net: Bên trong chữ “Hiếu” ẩn chứa điều huyền diệu
Tinhoa.net: Những Đạo lý về chữ “Hiếu” có thể bạn chưa biết