Trong bất kỳ môn học hay lĩnh vực nghiên cứu nào, việc nắm vững các khái niệm cơ bản là vô cùng quan trọng. Nho giáo cũng vậy, trước khi đi sâu vào hệ thống kiến thức này, chúng ta cần hiểu rõ những khái niệm cơ bản nhất. Có như vậy, thì con đường của bạn mới trở nên sáng tỏ và rõ ràng ngay từ bước chân đầu tiên.
Đầu tiên về mặt học vấn, cái sở học của Nho gia chia làm 2 phần cao thấp khác nhau:
Hình nhi Thượng học: là cái học cao nhất trong Nho gia, hướng người quân tử tập trung vào việc tu thân dưỡng đức nhằm đạt đến cảnh giới cao, hòa hợp Thiên Đạo, hiểu Thiên mệnh mà hành sự. Cái học này đòi hỏi thiên tư của người học phải cao, có Ngộ tính tốt. Nó cũng là quan niệm về thế giới quan của Nho giáo, rất uyên áo cao viễn có viết trong Kinh Dịch (sách căn bản về triết Lý của Nho giáo) và trong sách Trung Dung (sách Triết học bàn về Thiên đạo và Nhân đạo rất sâu xa).
Hình nhi Hạ học: Là cái học ứng dụng của Nho gia, là các kiến thức thuộc về các loại thuật dùng để giáo hóa nhân dân, trị lý quốc gia, các chuẩn mực quy phạm đạo đức hành xử theo tiêu chuẩn nhà Nho. Đây là cái học có thể dùng cho rộng rãi, đòi hỏi lòng thành và ý chí quyết tâm rèn luyện mới thành.
Dưới đây là chi tiết về các khái niệm cơ bản của hai học thuyết đó
Hình nhi Thượng Học
Thiên mệnh: Trời là Chủ thể của cả Càn khôn Vũ trụ và vạn vật nên có cái sức mạnh bí mật điều khiển tất cả sự biến hóa và xoay chuyển trong Vũ trụ cho được điều hòa. Đó là Thiên mệnh, tức là Mệnh Trời. Thiên mệnh là xương sống của tất cả học thuyết Nho giáo vì nó là gốc rễ của mọi hành động của một người quân tử Nho giáo chân chính, luôn tuân theo Mệnh trời mà tạo phúc cho nhân dân. Học Nho mà không hiểu về khái niệm Thiên mệnh hay xa rời khỏi nó ắt là đang đi vào đường sai rồi.
Thiên ý: Nghĩa là Ý trời, trong Nho giáo cho rằng con người bẩm thụ tính mệnh từ trong, là vạn vật chí linh, nên Thiên ý sẽ thể hiện qua dân tâm, nghĩa là “ý dân là ý trời”. Nhưng nói cho rõ hơn, “Sự sáng suốt của trời hiện ra ở sự sáng suốt của dân” (Đại Vũ mô) nên ý dân chỉ có thể là ý trời khi dân tộc đó có ý chí sáng suốt, lương thiện và đạo đức tốt. Còn như dân đen làm loạn kết bè gây rối thì không phải ý trời mà Khổng Tử nói đến.
Thiên tử: Nghĩa là con trời, là người duy nhất được tế Trời, là do Trời sinh ra để giúp cho dân an cư lạc nghiệp. Ý dân là Ý trời, Trời thương dân chúng nên mới sinh ra Thiên tử. Nên địa vị của Thiên tử mang trách nhiệm vô cùng nặng nề khi thay Trời làm cho dân no ấm. Đây là khái niệm đúng và thể hiện quan điểm Dân chủ, trọng dân của Nho giáo, không giống như các Nho gia về sau hay giải thích sai, nhấn mạnh uy quyền của Thiên tử, trong khi thực tế uy quyền lớn nhất mà một Thiên tử Nho gia có là đến từ Đạo đức và cách trị quốc của chính ông ấy.
Quỉ Thần: Nho giáo dạy người ta tin ở Trời, tin ở Thiên mệnh, tất nhiên tin có Quỉ Thần. Sự cúng tế Quỉ Thần là để mình tỏ lòng thành kính, chớ không phải để cầu phúc riêng cho mình. Quỉ Thần đều sáng suốt và chính trực, nên chẳng hề tư vị ai. Quỷ Thần trong Nho giáo là một dạng thể hiện của Thiên mệnh luôn hiện hữu để răn người quân tử giữ mình mà tu thân, xử thế đúng đạo.
Hồn phách: Đức Khổng Tử nói: “Nhân sinh hữu khí, hữu hồn, hữu phách. Khí, Hồn, Phách hội chi vị sinh.” Nghĩa là: Người sinh ra có Khí, có Hồn, có Phách. Khí, Hồn, Phách hội lại gọi là sống.
Dịch hay Dịch lý: Đây là tên bộ sách cao tầng nhất của Nho giáo, mệnh danh là sách đứng đầu các Kinh thư. Người học Nho muốn tinh thông Thượng học phải học thông sách này. Căn bản của Dịch là Âm Dương, là quy luật chi phối toàn bộ vũ trụ trong Tam giới này. Muốn hiểu Đạo, phải hiểu Âm Dương hay Dịch. “Dịch là không xa sự thực, mà đạo Dịch là biến đổi luôn luôn, không nhất định chỗ nào, lưu truyền khắp cả vũ trụ” (trích Kinh Dịch – Hệ từ hạ)
Hoàng Đạo vô vi: là tên gọi của cách trị quốc thời các vua Tam Hoàng thượng cổ. Kinh sử Trung Hoa cho rằng đây là thời đại Thần và Người cùng tồn tại, các vị Thánh vương cũng là Á Thần nên cai trị dân chúng không dùng đến Pháp luật hay bất cứ hình thức chính quyền nào mà xã hội luôn an lạc hạnh phúc như cõi Thiên đàng. Cách cai trị đó cũng có tên là “Vô vi nhi trị” là một cảnh giới đỉnh cao mà bất cứ Nho gia quân tử nào cũng muốn đạt đến. Để hiểu Hoàng Đạo, phải là người tu luyện thì mới có khả năng đó.
Đế đạo trọng đức:là tên gọi cách trị quốc của thời Ngũ Đế thượng cổ, sau Tam Hoàng. Các vua trong Ngũ Đế là những người kiến lập nền văn minh Trung Quốc. Gồm có Hoàng Đế (黃帝) Chuyên Húc (顓頊). Đế Khốc (帝嚳) Đế Nghiêu (帝堯). Đế Thuấn (帝舜). Thời này xã hội không còn tốt như trước nên bắt đầu có chế độ và nhà nước cai trị, xuất hiện các tầng lớp dân chúng. Tuy nhiên các vị vua đời này cũng là các Thánh vương và Thánh nhân vốn là người tu luyện nên cũng là thời đại trị mong ước của các Nho gia đời sau, đặc biệt là thời Hoàng Đế và Nghiêu Thuấn. Ước vọng làm cho dân chúng nên đời Nghiêu Thuấn là câu nói cửa miệng của bao thế hệ người học Nho.
Vương đạo trị quốc: là giai đoạn ba vương triều đầu tiên của Trung Hoa là Hạ, Thương, Chu. Các vương triều này đều sáng lập ra chuẩn mực về các tiêu chí trị quốc, cũng như chuẩn mực đạo đức cư xử từ trên xuống dưới cho xã hội. Nhà Chu là triều đại đưa các chuẩn mực đó đến đỉnh cao, gọi là Lễ Nhạc. Khổng Tử là mong ước lấy Lễ Nhạc của triều Chu để trị thiên hạ.
Nội Đạo ngoại Nho: do Nho giáo có chung nguồn gốc với Đạo giáo, các triết lý cao tầng Hình nhi Thượng học của Nho giáo sẽ có rất nhiều điểm tương đồng với triết lý của Lão tử. Kết hợp 2 triết lý vào trong trị lý quốc gia là cách làm thường thấy của các triều đại Trung Hoa, gọi là Nội Đạo Ngoại Nho. Ý là bản thân các Hoàng đế sẽ tu dưỡng Đạo đức sao cho việc trị quốc đạt đến Vô vi như Đạo giáo, nhưng bên ngoài thì quốc gia vẫn duy trì thể thức của Nho giáo.
Minh Bảo