TỔNG QUAN VỀ NHO GIA
NHO: Thời cổ đại, người học đạo của Thánh hiền gọi là Nho 儒 tức là người đã học biết, thông suốt được lẽ trời đất và người, để dạy bảo người ta ăn ở cho phải đạo luân thường. Nho là bởi chữ Nhân 人 đứng bên chữ Nhu 需 mà thành ra. Nhân là người, nhu là cần dùng, tức là một hạng người bao giờ cũng cần dùng đến để giúp cho nhân quần xã hội biết đường mà ăn ở và hành động cho hợp lẽ trời. Chữ nhu lại có nghĩa là chờ đợi, tức là người học giỏi, đợi người ta cần đến, sẽ đem tài trí của mình ra mà giúp việc đời. Phàm những người học nho thuật thường là những người chuyên về mặt thực tế hơn mặt lý tưởng. Bởi vậy từ xưa đến nay, những người nho học đều là người luôn sẵn sàng cáng đáng việc đời, để làm ích quốc lợi dân, chứ không phải là người yếm thế, chỉ cầu lấy sự an dật bình tâm. Đó cũng là lý do vì sao Khổng Tử cứ phải đi chu du thiên hạ để cầu ra xuất chính. là để tạo phúc cho nhân dân bằng tài năng học thuật của mình.
Chữ Nho trong Hán Tự- gồm bộ Nhân và chữ Nhu
NHO GIA:
Hay nhà Nho nói chung, là danh từ chung chỉ những người tu thân theo Nho học, mang tâm nguyện cứu đời giúp dân, đem đạo đức làm cho xã hội an định trở lại. Chữ Nho gia còn được dùng để chỉ riêng trường phái Nho gia như một trong Bách gia trong thời Xuân Thu Chiến Quốc khi trăm nhà cùng phát dương học thuyết của mình.
NHO SĨ HAY SĨ PHU:
Mục đích của tất cả Nho gia hay của những người học Nho từ đời thượng cổ cho đến ngày nay là phải ra làm quan để đem tài năng của mình mà trị lý thiên hạ, làm cho xã hội thái bình. Bất sĩ vô nghĩa. Quân tử chi sĩ dã, hành kỳ nghĩa dã 不仕無義, 君子之仕也,行其義也 Không ra làm quan là vô nghĩa. Người quân tử ra làm quan là làm việc nghĩa vậy (Luận Ngữ: Vi tử, XVIII).
Trước đời Xuân Thu thì những nhà nho gọi là Sĩ thuộc quyền quản lý của chức quan gọi là Tư đồ. Những người sĩ do quan tư đồ chọn lấy cho đi du học văn chương và lục nghệ là: Lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số, sau để dùng làm quan coi việc nước. Bởi vậy sách Hán thư nghệ văn chí nói rằng: Nho giáo do ở quan tư đồ mà ra. Người học Nho do đó cũng gọi là Nho sĩ hay Sĩ phu. Tầng lớp trí thức lãnh đạo chủ đạo của các nước theo hệ thống Nho giáo suốt thời quân chủ.
- TỪ NHO GIA ĐẾN NHO GIÁO
Kể từ khi Khổng Tử xiển dương Nho giáo lưu truyền cho đời sau và được hậu thế tôn làm Thánh Nhân và được coi như người sáng lập ra Nho giáo, Người ta coi Nho giáo là một tôn giáo cũng như Phật giáo hay Lão giáo và gọi chung là Tam giáo, coi là 3 tôn giáo cội nguồn ảnh hưởng lớn nhất đến nền văn minh Trung Hoa. Trên thực tế, Nho giáo có thể xem là một hệ thống triết lý tu thân nhập thế lấy Thiên mệnh hay thiên lý làm chủ đạo. Các tôn giáo khác chủ trương tu thành Thần Phật, thoát khỏi luân hồi sinh tử. Tuy vậy Nho giáo chủ trương tu theo Nhân đạo, nghĩa là đạt đến đức Nhân để thành con người chân chính là quân tử, hay cao hơn là Thánh nhân. Triết lý của Nho giáo có thể khái quát như sau:
- Tín ngưỡng chủ đạo: Nho giáo tin vào Trời và Quỷ thần, lấy Thiên mệnh làm chỉ đạo, tin rằng con người và Trời tương quan với nhau. Tin rằng vũ trụ vạn vật đồng nhất thể.
- Cách thực hành: Người tu theo Nho giáo lấy Thiên mệnh làm chỉ dẫn, hướng nội tu sửa bản thân theo các giá trị đạo đức như lễ nghĩa trí tín dũng nhằm đạt đến đức Nhân. Về mặt kỹ năng phải rèn luyện và tinh thông đạo lý của Tứ Thư Ngũ Kinh và rèn luyện đầy đủ lục nghệ gồm lễ nhạc xạ ngự thư số (nghi lễ, âm nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, thư pháp, toán học). Đạo đức phải viên mãn, tài năng văn võ song toàn mới là nho gia thực sự. Về các đời sau Nho gia toàn thư sinh giỏi ngâm thơ viết chữ, trói gà không chặt là đã sai lệch với tông chỉ của đức Khổng tử dạy rồi.
- Tài liệu học tập: Tứ Thư ( Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử), Ngũ Kinh (Lễ, Dịch, Thi, Thư, Xuân Thu) và các bộ Sử các triều đại.
Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín là Ngũ đức của quân tử Nho gia
Các tác phẩm chính của Nho gia do Khổng Tử và các đệ tử biên soạn:
Gồm có Tứ Thư và Ngũ Kinh
Ngũ Kinh: 5 quyển kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo là Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu. Theo lịch sử, 5 quyển này đều được Khổng Tử soạn thảo hay hiệu đính.
Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước. Khổng Tử hiệu đính lại mong dùng làm phương tiện để duy trì và ổn định trật tự.
Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái…
Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê của Khổng Tử.
Tứ Thư: 4 tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa, được Chu Hy thời nhà Tống lựa chọn, bao gồm Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử.
Đại học: sách dạy những người lớn, từ 15 tuổi trở lên, khi đã vào được bậc Đại học, dạy cho biết cách ở đời để ra gánh vác việc dân việc nước.
Trung Dung: sách do Tử Tư viết, trích dẫn những lời của Đức Khổng Tử nói về cách giữ cho ý nghĩ và lời nói, cũng như việc làm đều ở mức trung hòa, không thái quá.
Luận Ngữ: sách ghi chép những lời của Đức Khổng Tử dạy học trò và những lời nói với người đương thời. Sách Luận Ngữ gồm 20 thiên, mỗi thiên đều lấy chữ đầu đặt tên, và các thiên không có liên hệ gì với nhau cả.
Mạnh Tử: sách do Ông Mạnh Tử hợp cùng các môn đệ Nhạc Chính Khắc, Công Tôn Sửu và Vạn Chương, làm ra để ghi chép lại những điều đối đáp giữa Mạnh Tử và các vua chư Hầu, giữa Mạnh Tử và các môn đệ, cùng với những lời phê bình các học thuyết khác như của Mặc Địch, Dương Chu.