Nho gia với lịch sử lâu dài bắt nguồn từ thời Ngũ Đế cổ xưa đến khi Khổng Tử phục hưng sau này đã trở thành một hệ triết lý hoàn chỉnh nhất, tốt nhất cho việc tu dưỡng bản thân và trị lý thiên hạ. Kể từ khi nhà Hán độc tôn Nho học, qua hơn 2000 năm, Nho gia đã góp phần to lớn vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa cổ truyền Trung Quốc cũng như các chuẩn mực đạo đức của xã hội trở nên ngày càng tốt đẹp hơn. Qua bài viết này chúng ta sẽ đi qua một cách khái quát sự phát triển của Nho giáo qua các triều đại Trung Hoa nhé.
Thời Tam Hoàng Ngũ Đế
Đây là thời kỳ hồng hoang huyền thoại của Trung Hoa, do các vị Tam Hoàng thay nhau cai trị. Tuy nhiên những thành tựu của thời đại này là các thành phần quan trọng nhất để tạo thành học thuyết của Nho Gia, các Kinh Thư quan trọng nhất. Âm Dương Ngũ Hành Bát Quái, Kinh Dịch chữ viết là tạo ra trong thời đại này.. Các vị Đế vương của thời đại này cũng là các Thánh vương được ca tụng trong sách của Nho gia, thời đại của họ là hình mẫu cho thành quả trị quốc mà Nho gia hướng tới.
Hà Đồ Lạc Thư-nền tảng văn minh Trung Hoa
Thời Tam Đại Hạ Thương Chu Đây là 3 triều đại phong kiến phụ hệ đầu tiên của Trung Quốc. Nho giáo mà Khổng Tử phục hưng là dựa trên nền tảng lễ nghi của nhà Chu. Chu Văn Vương, Chu Công Đán là hình mẫu lý tưởng mà Khổng Tử luôn học tập để khôi phục nền cai trị Vương đạo thay cho bá đạo đang hoành hành trong thời của ông sau này. Các sách vở và trước tác thời này cũng đã được Khổng Tử kết tập vào trong kinh sách Nho gia sau này.
Chân dung Chu Công Đán một trong các Tổ Nho gia Khổng Tử tôn sùng
Thời Xuân Thu Chiến Quốc-tiền Tần-Bách gia tranh minh
Đây là thời đại vô cùng loạn lạc trong lịch sử Trung Hoa. Khi vương thất nhà Chu suy yếu dời đô về phía Đông, các chư hầu cậy mạnh nổi lên đánh chiếm lẫn nhau suốt mấy trăm năm cho đến khi nhà Tần thống nhất. Tuy nhiên thời đại này cũng nổi tiếng là thời đại hoàng kim của các tư tưởng triết học, trăm nhà trăm tiếng, sử gọi là Bách gia chư tử. Bản thân Nho gia dù có lịch sử lâu đời cũng bị coi như 1 nhà trong số bách gia. Tư tưởng của Khổng Tử bị sự tạp loạn và chiến tranh mà không được các vương chư hầu tin dùng nên ông mới phải lưu lạc.
Bách gia chư tử Các triết gia nổi tiếng thời Xuân Thu Chiến Quốc
Thời Tần và vụ án giả đốt sách chôn Nho
Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ gồm thâu lục quốc. Bản thân ông ta tôn sùng Pháp gia vì thế mà phế bỏ bách gia, và hậu thế hay nói về chuyện ông ta đốt sách chôn Nho như một bằng chứng đàn áp Nho giáo. Về sau ngày càng nhiều chứng cứ lịch sử và nghiên cứu mới phát hiện từ sau những năm 1970 cho đến nay đã chỉ ra rằng sự kiện đốt sách và chôn Nho đã bị phóng đại lên và gán ghép khiên cưỡng cho Tần Thủy Hoàng, nhằm biến ông trở thành 1 bạo chúa không có lý trí trong mắt người đời sau. Những kẻ bị Tần Thủy Hoàng chôn là 400 giang hồ thuật sĩ liên quan đến thuật luyện đan, do dám lừa vua mà chịu tội. Các Nho sinh đương thời hơn 2000 người và 70 vị quan chức bác sĩ,kể cả vị quan xuất thân Nho gia nghịch ý với vua là Thuần Vu Việt cũng không hề bị giết. Các sách vở mà Tần Thủy Hoàng xuống chiếu cho đốt là do Lý Tư đề xuất, không phải chính ông ta đề xuất. Các sách bị đốt đa phần là sách của Bách gia chư tử và các sách loạn bát nháo chứ không phải thư tịch Nho gia. Ngoài ra, các quan tước bác sĩ nắm giữ tất cả các thư tịch đều được lưu giữ lại một bộ. Các thư tịch quan trọng như “Tần kỷ, y dược, bôc vu, kinh điển nông gia, trồng trọt…” đều không nằm trong danh sách đốt. Đó chính là sự kiện “đốt sách” mà lịch sử nói.
Chu Hy đời Tống cũng nói: “Tần đốt sách cũng chỉ là bảo thiên hạ đốt, triều đình của ông vẫn lưu giữ. Nếu nói “Không phải thưc tịch nước Tần và thư tịch mà các quan bác sĩ nắm giữ thì tất cả đều đốt”, thế thì thư tịch như Lục kinh triều đình vẫn nắm giữ, nhưng người trong thiên hạ là không có. Nếu muốn tra khảo nghiên cứu học tập thì triều đình và trong tay các bác sĩ đều lưu những giữ bộ hoàn chỉnh. Đó chính là đầu đuôi toàn bộ câu chuyện “đốt sách”.
Chân dung Tần Thủy Hoàng
Thời Hán- độc tôn Nho học
Thời Hán, vua Hán Vũ Đế đưa Nho giáo lên thành quốc giáo và dùng nó làm công cụ thống nhất đất nước về tư tưởng, bảo vệ chế độ phong kiến Trung Hoa trong suốt hai ngàn năm. Nho giáo thời kỳ này được gọi là Hán Nho. Thời Hán Nho, cuốn Đại Học và Trung Dung được gộp vào sách Lễ Ký. Thời Hán cũng là thời đại đưa Nho giáo vào hệ thống thi cử chính quy để tuyển chọn quan lại. Nó có thể coi là thời cực thịnh của Nho giáo tuy nhiên nội hàm về triết lý thời này lại không được đánh giá cao do lối học kiểu Huấn Hỗ chuyên về giải nghĩa câu chữ làm người học khó lòng mà ngộ được ý tứ cao xa của Thánh hiền.
Hán Vũ Đế- vị vua độc tôn Nho học đầu tiên (nguồn: Wikipedia)
“Tuy nhiên Nho học ở đời Lưỡng Hán bề ngoài thì thật thịnh, mà bề trong thì kém đời trước nhiều. Vì sự học thời ấy chỉ chú trọng ở lối huấn hỗ và lối từ chương mà thôi. Lối huấn hỗ tuy có cái lợi làm cho nghĩa sách sáng rõ ra, nhưng lại chỉ chăm chăm ở từng câu, từng chữ, mà bỏ mất cái ý nghĩa hoằng đại. Bởi thế cho nên trong thời ấy không có mấy người học quán xuyến được cái đạo thâm viễn của thánh hiền, cũng vì thế mà Nho học thuở ấy có phần hoành bác hơn đời xưa, nhưng lại kém phần uyên thâm. Đó là cái đặc sắc của Hán nho vậy.” (Trích Nho giáo- Trần Trọng Kim)
Các bậc danh nho nổi tiếng thời Hán có thể kể đến là Đổng Trọng Thư, Dương Hùng và Vương Sung.
Các sách vở Nho học nổi tiếng thời này có: Xuân Thu phồn lộ (Đổng Trọng Thư), Thái Huyền và Pháp Ngôn (Dương Hùng), Luận hành (Vương Sung), Tân ngữ (Lục Giả), Tân Thư (Giả Nghị)…
Thời Đường- Nho giáo huy hoàng
Thời Đường là thời đại hoàng kim trong lịch sử Trung Quốc, sự phát triển về văn hóa nghệ thuật quân sự cũng như học thuật, tâm linh đều đạt đến đỉnh cao. Thời này các Hoàng đế cũng độc tôn Nho học trị quốc và đạt nhiều thành tựu to lớn. Nho giáo thời Đường cũng dùng lối học huấn hỗ như của nhà Hán, đồng thời mở mang sự học ra khắp cả đế quốc.Cái học khoa cử để ra làm quan, trọng từ chương thi phú là từ thời này ảnh hưởng mãi đến về sau. Cái học này thời điểm đó có thể giúp bổ sung quan lại nhanh chóng, nhưng không có ích gì cho sự phát triển học thuật và tư tưởng thêm cho Nho học.
Đường Thái Tông- vị vua dùng Nho giáo đạt đến đỉnh cao trị quốc
“Vua Thái Tông nhà Đường lại mở hoằng văn điện chứa hơn 20.000 quyển sách chia làm bốn bộ: kinh, sử, tử, tập. Chọn những kẻ sĩ văn học vào làm học sĩ để bàn luận những việc học. Thái Tông lại mở thêm học xá đến 1.200 gian, học sinh ở kinh đô có đến 3.200 người. Thuở ấy những nước ở lân cận như Cao Ly, Thổ Phồn (Tây Tạng), v.v. cho người đến học rất đông. Xưa kia các nhà làm vua vẫn sùng bái Khổng Tử, nhưng không tôn danh hiệu gì cả. Đến năm Trinh Quán thứ 11 (637). Vua Thái Tông mới tôn Khổng Tử làm Tiên Thánh và Nhan Hồi làm Tiên Sư cùng thờ với Chu Công ở nhà thái học. Năm Khai Nguyên thứ 27 (739). Vua Huyền Tông có chiếu truy thụy Khổng Tử là Văn Tuyên Vương để theo vương lễ mà thờ.”
(Trích Nho giáo- Trần Trọng Kim)
Các danh nho thời Đường có thể kể đến như Vương Thông và Hàn Dũ, Ngụy Trưng, Lý Ngao, Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, Lý Tĩnh, Diêu Nghĩa, Ôn Ngạn Bác … đa phần cũng là các danh tướng danh thần phò tá vua nhà Đường. Ngoài ra vì là một đời văn hóa cực thịnh, các Danh nho nhà Đường nhiều người cũng là các danh họa thư pháp và thi gia nổi tiếng. Thơ Đường trở thành một thể loại thơ Trung Hoa nổi tiếng nhất. Các danh gia gồm có Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy, Thôi Hộ, Nhan Chân Khanh… Thư pháp thời Đường cũng như hội họa, kiến trúc đều để lại những tuyệt tác kỳ vĩ cho hậu thế.
Thời Tống-Nho đạo thăng hoa
Nho giáo qua các đời Hán Đường mấy trăm năm được vua chúa tôn sùng, độc tôn thiên hạ, đem lại cho quốc gia nhiều nhân tài và lợi ích lớn lao ở việc xử lý quốc sự và trị vì thiên hạ. Tuy nhiên phàm cái gì quá tốt ắt sẽ có chỗ xấu, Nho giáo và các Nho sinh đến thời này đã hoàn toàn để tâm vào con đường học vấn để kiếm công danh, lòng chỉ biết tụng niệm từ chương, tâm chỉ để ý đến thuật của Hình nhi hạ học, cốt cầu sao được làm quan để vinh thân phì gia. Những điều giáo nghĩa cao siêu của Hình Nhi thượng học đời Khổng Tử cũng như liệt thánh vương các đời nay không còn có ai hiểu và đột phá sâu xa hơn về lĩnh vực này. May thay sau khi trải qua chiến loạn cuối thời Đường, nhà Tống lên thay lại tạo ra một phong khí Nho học mới với nhiều trường phái chú trọng con đường huyền học, mở mang tâm thức để hiểu được các giáo lý cao siêu. Đây cũng là thời mà sách Đại Học và Trung Dung được tách ra khỏi Lễ Ký và cùng với Luận ngữ và Mạnh Tử tạo nên bộ Tứ Thư. Nho giáo thời kỳ này được gọi là Tống nho. Điểm khác biệt của Tống nho với Nho giáo trước đó là việc bổ sung các yếu tố “tâm linh” (lấy từ Phật giáo) và các yếu tố “siêu hình” (lấy từ Đạo giáo) phục vụ cho việc đào tạo quan lại và cai trị. Nhờ sự bổ sung này mà phần Hình Nhi Thượng Học của Nho giáo thời Tống đạt đến đỉnh cao, gợi ra phương hướng phát triển thêm cho các triều đại sau này. Nho giáo Việt Nam phát triển từ nhà Lý đến nay hầu như ảnh hưởng của Tống Nho mà thôi. Các danh nho thời này tài hoa và lập ra nhiều học phái, có thể kể đến các học phái nổi bật như:
- Phái Tượng số học của Thiệu Ung dựa trên Kinh Dịch Bát Quái
- Liêm phái của Chu Đôn Di dựa vào lý Thái Cực để tu dưỡng nhân nghĩa
- Lạc Phái của anh em Trình Hạo Trình Di đặt trên lý thuyết về Tính và Mệnh
- Tâm học phái của Lục Cửu Uyên học theo Mạnh Tử, chủ lấy sự tồn tâm, dưỡng tâm, cầu phóng tâm làm tông chỉ, và lấy cái tâm làm nhất quán, cho nên ta có thể gọi cái học ấy là duy tâm học.
Tượng Nhạc Phi- biểu tượng của Trung Nghĩa Nho giáo thời Tống
Thời Nguyên-phát huy cái học Trình Chu
Nhà Nguyên tuy xuất thân là đế quốc Mông Cổ nhưng các vua Nguyên lại là người sùng thượng Nho học và văn hóa Hán. Năm 1260, Hốt Tất Liệt lên ngôi, tức là vua Thế Tổ nhà Nguyên (1260-1294). sai người sửa miếu thờ Khổng Tử, mở nhà học quốc tử giám và đặt Nho học đề cử ti ở các lộ. Đến đời Nhân Tông (1312-1320), năm Hoàng Khánh thứ hai (1313) đem các danh nhân Tống nho là Chu Đôn Di, Trình Hạo, Trình Di, Trương Tái, Thiệu Ung, Tư Mã Quang, Chu Hi, Trương Thức, Lữ Tổ Khiêm và Hứa Hành vào tòng tự ở trong miếu Khổng Tử. Khoa cử cũng thi như lối nhà Tống, có hương thí, hội thí và đình thí, cho người Hán và người Mông Cổ đều phải thi.
Nho giáo thời Nguyên rất phát triển tuy nhiên về mặt đạo lý thì cũng loanh quanh trong lý thuyết của Trình Chu thời Tống, không có phát kiến đột phá nào cao hơn.
Danh nho đời Nguyên nổi tiếng có Hứa Hành, Triệu Phục, Hứa Khiêm, Diêu Khu, Liêm Hi Hiến, Lưu Bỉnh Trung. Họ cũng đồng thời là các danh thần triều Nguyên.
Chân dung Nguyên Thái Tổ Hốt Tất Liệt- chủ trương dùng Nho trị quốc
Thời Minh-Vương Dương Minh đột phá Tâm Học
Nhà Minh đánh bại nhà Nguyên, tái lập thống nhất toàn Trung Hoa, quốc lực hùng mạnh nên ra sức đánh dẹp các nơi, tuy nhiên các vua Minh vẫn chú ý phát triển văn hóa và Nho học.
Từ thời Minh Nhân Tông trở về sau, thái bình lâu dài nên Nho giáo nhà Minh phát triển vô cùng mạnh với nhiều học phái ra đời, có nhiều bậc danh nho nổi tiếng.
Nổi bật trong số đó có Vương Dương Minh (Vương Thủ Nhân) sau lập ra Diêu Giang Phái. Ông có thể coi là Thánh nhân đương thời, là người tu tập đại thành Nho học, dùng Tâm học mà lý giải triệt để tất cả giáo lý của thánh hiền xưa. Phái của ông chủ trương “tri hành hợp nhất” và mang tính ứng dụng thực tiễn cao.
Vương Dương Minh chủ trương “tri hành hợp nhất”
Không như các Nho phái khác ngày nay hầu như không còn, Vương Dương Minh và học thuyết của ông vẫn còn thịnh và ông rất được tôn sùng ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Các chí sĩ Minh Trị Duy Tân hầu như đều nghiên cứu và thực hành học thuyết của ông.
“Nguyên từ cuối thế kỷ thứ XII đã có người Nhật Bản như Huyền Huệ (Gen-e) và Viên Nguyệt (Engetsu) rất uyên thâm lý học của Tống nho. Đến thế kỷ thứ XVI và XVII, vào quãng năm Vạn Lịch đời vua Thần Tông nhà Minh, có Lâm La Sơn (Haysha Rozan) chủ trương công nhận cái học Trình, Chu làm chính học. Vào quãng đầu đời nhà Thanh, lại có Trung Giang Đằng Thụ (Nakae Tôju) giảng cái học của Vương Dương Minh, người Nhật Bản gọi là “Oyomei”, Môn đệ của Trung Giang Đằng Thụ là Hùng Trạch Phiên Sơn (Kumazawa Banzan) mở rộng cái học ấy ra ở Nhật Bản. Về sau cái học của Dương Minh càng ngày càng mạnh lên, át được cái học của Trình, Chu, và có cái hiệu quả rất hay trong thời kỳ duy tân trước đời Minh trị. Người Nhật Bản sở dĩ chuộng cái học của Dương Minh là vì cái học ấy rất thiết thực và rất có nghị lực. Nhất là theo cái học của môn phái Thái châu đã nói cái đại lược ở trên, thì lại thích hợp với tính tình của người Nhật Bản lắm, cho nên mới chóng thịnh hành như vậy. Hiện nay không có người Nhật Bản nào có học thức mà không đọc sách của Dương Minh”.
(Nho giáo- Trần Trọng Kim)
Thời nhà Thanh- ánh sáng cuối cùng trước khi tắt
Nhà Thanh thay thế nhà Minh, cũng giống người Mông Cổ khi xưa, tuy không phải gốc Hán nhưng các vua nhà Thanh đều chuộng Hán hóa, văn minh Hán, nhất là Nho học. Có thể nói các vua Thanh là những nhà cai trị Nho giáo giỏi nhất lịch sử cận đại. Triều đình họ có thể duy trì sự ổn định thịnh vượng đến 200 năm qua 10 đời vua quả là 1 kỳ tích, cho thấy sự ưu việt của Nho giáo khi dùng để cai trị một đế quốc rộng lớn trở nên an bình và thịnh vượng. Hai thời đại Khang Hy và Càn Long nối tiếp nhau thịnh trị 120 năm là điều chưa từng có trong lịch sử Trung Hoa cũng là 1 thành tựu đáng nể cho một dân tộc mới Hán Hóa như Mãn tộc. Tuy nhiên Nho giáo đến thời Thanh đã như nỏ mạnh hết đà, cái học vấn chỉ còn ở thi thố văn chương mong ra làm quan, không còn phát triển thêm về đường học để có đạo lý cao siêu nào nữa. Thời này chúng ta sẽ thấy có rất nhiều học phái, nhưng đa phần cũng chỉ chú trọng và cách thực dụng ở Hình Nhi Hạ mà bỏ mất cái tinh thần triết lý của Thánh Hiền khi xưa, có thể nói họ đã dần ngả theo cách học của khoa học Tây phương vậy.
Các phái chủ yếu thời Thanh là:
- Hán Học phái của Cố Viêm Võ, rồi đến Diễm Nhược Cự, Mao Lý Linh, Hồ Vị, Giang Vĩnh, Huệ Sĩ Ký, Huệ Đông, Đái Chấn, v.v.
- Kinh Học phái của Nhan Nguyên tư tưởng giống phái Diêu Giang, lấy Kinh Truyện làm gốc.
- Lục Vương học có Tôn Kỳ Phùng và Hoàng Tông Hi. Tôn Kỳ Phùng thì xuất ở họ Chu, họ Lục, mà Hoàng Tông Hi thì thụ nghiệp Lưu Trấp Sơn, giữ được cái học thống của Vương Dương Minh.
- Trình, Chu học. Phái này lấy lý học của Tống nho làm tông chỉ. Song tựu trung có người như Vương Phu Chi thì theo cái học của Trương tử; như Lục Lũng Kỳ biểu chương Trình, Chu. Hai người đều hết sức công kích Vương Dương Minh.
- Tân Học phái do hai đại biểu nổi tiếng là Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi, Đàm Tự Đồng, Chương Bình Lân các nhà cải cách cuối đời Thanh
Lời kết:
Ngày nay, trong hoàn cảnh đạo đức xã hội xuống dốc, thì những triết lý hữu dụng như Nho giáo càng trở nên có ích để truyền bá cho đại chúng, đặc biệt là giới trẻ, nhất là phong trào phục hưng Nho giáo ở Hàn quốc đang khởi xướng. Cũng là điều may mắn cho con người vậy. Quả đúng như học giảTrần Trọng Kim đã viết:
“Kế đến đời Thanh mạt, phái Tân học dấy lên, thường say đắm ở sự tiến hóa về đường vật chất, có nhiều người muốn hủy hoại hết tinh thần cựu học để cho chóng bằng các nước bên Âu, bên Mỹ. Sự phá hoại ấy hiện đang mạnh, làm cho cuộc nhân sinh rất rối loạn, nhưng thiết tưởng đó chỉ là một cơn gió bão đem làn sóng rất to tràn khắp cả bò biển, che lấp những cảnh thiên nhiên là chỗ xưa nay người ta vẫn đến du ngoạn. Song đến khi trời yên gió lặng, làm sóng lui xuống, thì những cảnh thiên nhiên lại xuất hiện, tươi tốt, đẹp đẽ hơn trước. Cái nền Nho giáo bên Á Đông ta và cái thế lực Tây học ngày nay tương tự như vậy. Có lẽ nhờ có cơn sóng ấy thì rồi mới làm mất những cái hẩm nát đi, cũng như nhờ có phong trào Tây học làm mất những điều hủ lậu của Nho giáo, để cho tinh thần lại phát minh ra rực rõ bội phần. Đó là một cái mộng tưởng, một điều ức đoán, song biết đâu lại không có ngày thành sự thực hay sao?”
Minh Bảo