Đứng trước sự suy thoái của đạo đức xã hội ngày nay, các giá trị của Nho Giáo vốn đã được những bậc Thánh nhân lưu cấp lại cho con người ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Những triết lý về tu dưỡng tâm thân, nghi lễ, niềm tin vào Thiên mệnh đều rất hữu ích trong việc phát triển nền tảng đạo đức của mỗi con người chúng ta hôm nay. Đặc biệt Việt Nam ta với bốn nghìn năm văn minh và hơn nghìn năm vận dụng Nho giao xây dựng đất nước trở thành một nước văn hiến “lễ nghi chi bang”, chúng ta càng có điều kiện thành công hơn trong việc nghiên cứu và ứng dụng những giá trị cổ xưa quý giá này. Với mục đích đó, những kiến thức về sự ảnh hưởng và nguồn gốc của Nho giáo tại Việt Nam sẽ rất cần thiết.
Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu xem Nho giáo tại Việt Nam có quá trình lịch sử và phát triển như thế nào tại Việt Nam hơn nghìn năm qua
Nho giáo du nhập và quá trình hình thành Việt Nho
Thời Bắc Thuộc:
Sau khi An Dương Vương thất bại mất nước, dân ta phải nội thuộc Trung Quốc gần 1000 năm trải nhiều triều đại. Vốn dĩ nền văn minh Văn Lang rực rỡ bốn nghìn năm, nhưng qua ngàn năm nội thuộc cũng đã tản mát gần hết. Nhưng trong cái rủi có cái may, người Trung Hoa khi cai trị nước Nam đã đem văn hóa Nho gia của họ truyền sang nước ta. Văn hóa Nho gia vốn là tinh hoa quan trọng số một của Hán tộc, là một nền tảng triết lý và đạo đức rất tốt dùng để trị quốc và giúp cho quốc gia hùng mạnh. Nếu như một dân tộc bình thường khác, ắt qua 1000 năm nội thuộc dưới nền văn hóa mạnh mẽ như Nho gia sẽ bị đồng hóa vào Hán tộc. Tuy nhiên dân Việt ta có gốc rễ 4000 năm văn minh, con cháu trực hệ của dòng vua Long Quân là cháu của Thần Nông nên đã dễ dàng hấp thụ được nền văn minh Nho gia mà phát triển quốc gia của mình. Do đó sau này khi thế lực đủ mạnh, lấy lại độc lập mà dân ta có thể thiết lập các triều đại quân chủ mạnh mẽ với đầy đủ hệ thống vận hành. Từ thời Đông Hán trở đi, dù có gián đoạn bởi khởi nghĩa Hai Bà Trưng nhưng Nho giáo tại Việt Nam đã phát triển thịnh vượng. Từ đó đến cuối TK10, dân ta đã hoàn toàn dung nhập được Tam Giáo (Nho Phật Lão) vào văn hóa bản địa:
“Bởi vậy Nho học ở nước ta, vào quãng cuối đời Đông Hán đã có phần thịnh. Thuở ấy đã có người như Lý Tiến 李進, Lý Cầm 李琴 và Trương Trọng 張重, đỗ hiếu liêm hoặc mậu tài, được bổ đi làm quan ở bên Tàu. Qua sang đời Tam Quốc, ở quận Giao Chỉ có quan thái thú là Sĩ Nhiếp hết lòng mở mang việc học, làm cho nho học lại thịnh hành hơn trước nữa. Về sau trải qua Lưỡng Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, Tùy, Đường, người mình đều học tập theo Nho, theo Lão và theo Phật như bên Tàu.” (Nho Giáo-Trần Trọng Kim)
Ảnh Hai Bà Trưng đánh quân Hán- thời Bắc Thuộc
Thời Ngô Đinh Tiền Lê:
Từ khi Ngô Vương Quyền mở nước, đến Đinh, Tiền Lê và đầu thời Lý, Nho giáo ở Đại Việt là ảnh hưởng lối học của nhà Đường vốn coi trọng cả Tam Giáo. Do đó Nho học, Lão học và Phật học đều thịnh cả, mà thịnh nhất là Phật giáo vốn là quốc giáo thời đó. Vì thế những người Nho sinh giỏi nhất thời đó lại xuất thân từ các Tăng lữ trong Phật Giáo, do nghiên cứu kinh văn Hán Tự nên cũng thông thạo cả Nho lẫn Phật. Thời nay việc ngoại giao theo nghi lễ Nho gia đều do các tăng lữ vâng lệnh vua thi hành.
Chùa Bái Đinh-Ninh Bình-thuộc khu Tràng An kinh đô Hoa Lư xưa thời Đinh Lê
Thời Lý:
Đến thời Lý, vua Lý Thánh Tông (1034 – 1072) lập ra Văn Miếu thờ Chu Công, Khổng Tử và thất thập nhị hiền. Vua Lý Nhân Tông (1073 – 1127) mở khoa thi Tam trường để lấy người giỏi Nho học vào làm quan. Lúc ấy có Lê Văn Thịnh 黎文盛đỗ đầu, Vua Nhân Tông lại mở nhà quốc tử giám để đào tạo nhân tài, và đặt Hàn lâm viện có nho giả là Mạc Hiển Tích 莫顯績 làm chức hàn lâm viện học sĩ. Tuy Nho học đã khá phát triển, nhưng nhìn chung nước ta vẫn chủ đạo bởi Phật Giáo. Các danh Nho đa phần cũng tinh thông kinh điển hai nhà và rất nhiều người cũng tu theo Phật lúc cuối đời.
Ảnh phục dựng 3D chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) nguồn: SEN-Heritage
Thời Trần:
Đời nhà Trần, do các vua đều đi tu và Phật giáo đang thịnh nên Nho giáo cũng phát triển nhưng không ở thế độc tôn. Tuy nhiên nhà Trần có công mô phỏng cách thi cử khoa bảng theo nhà Tống, Nguyên bên Trung Quốc nên đã đặt nền móng cho Nho giáo phát triển rất mạnh về sau. Khoa thi đầu tiên ở nhà Trần là thi Tam giáo, nghĩa là thi cả Nho Phật Lão. Cách thi này lấy được sở trường của ba nhà, khiến cho phong thái triều đại vô cùng phát triển, nhân tài rất nhiều. Sau đó vua Trần Thái Tông lại mở khoa thi Thái học sinh có lấy Tam khôi, là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa, và đặt Quốc học viện để giảng dạy tứ Thư và ngũ Kinh. Đến cuối đời nhà Trần, vua Duệ Tông (1374 – 1377) mở Đình thí lấy Tiến sĩ xuất thân. Vua Thuận Tông (1388 – 1398) thi cử nhân, lệ cứ năm trước thi hương, năm sau thi hội rồi vào thi đình, để chọn lấy Tam khôi.
Rồng thời Trần (nguồn: D-sculpt-Studio)
Thời hậu Lê và Lê Trung Hưng, Mạc Nguyễn:
Sau khi nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, thế nước ta từ thịnh chuyển suy. Nhà Minh lúc này vừa thống nhất Trung Quốc, khí thế mạnh mẽ của một bá chủ mới đang lên, đem quân diệt nhà Hồ và đô hộ nước ta 20 năm. Trong thời gian đó, họ đặt học quan ở các phủ, châu, huyện và đem cái học của Tống nho dạy cho dân ta và lấy những sách Tứ Thư, Ngũ Kinh của họ Trình, họ Chu đã chú thích, cùng sách Tính Lý truyền bá ra khắp mọi nơi. Từ đó Nho học tông phái của Trình, Chu từ đó càng ngày càng thịnh tại nước ta. Lê Thái Tổ đánh bại nhà Minh, khôi phục lại được nước nhà, nhận thấy Nho giáo là tối cần thiết để trị lý nhà nước, nên ngài hết lòng lo mở mang việc học, lập Quốc tử giám ở Thăng Long đào tạo nho sinh làm quan, đặt học quan ở các phủ, các lộ, để trông coi việc giáo hóa. Thời đó, các quan từ tứ phẩm trở xuống phải đi thi Minh kinh, nghĩa là quan văn thì phải thi các kinh sử, quan võ thì phải thi võ kinh (binh pháp).
Đến thời Lê Thánh Tông (1460 – 1497), Nho giáo nước ta đạt cực thịnh, nước nhà cũng trở nên hùng mạnh. Thánh Tông định ra ba năm một lần thi: mùa thu năm trước thi hương, mùa xuân năm sau thi hội và thi đình. Những người đỗ tiến sĩ được khắc tên vào bia đá để ở Văn miếu. Từ đời nhà Lê về sau, trải qua nhà Mạc, nhà Hậu Lê trung hưng và nhà Nguyễn, Nho học ở Việt Nam trở nên rất thịnh hành. Tuy nhiên, cái dở lớn nhất là các Nho sĩ chỉ chăm chăm học Nho để cầu đỗ đạt công danh (lối học từ chương) chứ ít có ai thật sự đạt đến trình độ cao thâm (ngộ được nghĩa lý thâm ảo của Thánh nhân), có thể phò vua giúp nước nhà trở nên thịnh vượng.
Từ Tống Nho đến Việt Nho: Như đã nói ở trên, sau thời Minh đô hộ, Việt Nam ta chịu ảnh hưởng từ Nho gia thời Tống rất nhiều. Đặc biệt là hệ phái Trình Chu, đại biểu choTống Nho. Tống Nho khai thác sâu các nội dung của Kinh dịch, Phật giáo, Đạo giáo để giải thích nguồn gốc vũ trụ và các nội dung kinh sách của Nho gia. Họ cho rằng thế giới do “Lý” (tinh thần) và “Khí” (vật chất) tạo thành, trong đó Lý có trước, thuộc về phái duy tâm khách quan theo cách phân loại của phương Tây.
Nho giáo hệ Tống Nhó có thể xem là hệ tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài nhất đến xã hội Việt Nam thời trung và cận đại. Nó đóng vai trò là nền tảng đạo đức giáo dục con người, tổ chức nhà nước, duy trì trật tự xã hội, phát triển kinh tế, sáng tác văn học trong suốt các triều đại quân chủ từ thời Lê đến hết thời Nguyễn. Suốt hơn 600 năm đó nó đã dung hòa với đời sống người Việt hình thành nền Nho giáo bản sắc Việt Nam. Nhìn tổng quan thì Tống Nho mang tính bảo thủ, coi trọng thái độ cư xử ôn hòa, lương thiện, hướng cái nhìn về đời sống tâm linh nhiều hơn, trọng tín nghĩa và sự chính trực, đã hình thành nên những nét đẹp văn hóa trong cung cách sống của người Việt thời cận đại vậy.
Minh Bảo