Đường Thái Tông (chữ Hán: 唐太宗, 28 tháng 1 năm 598 – 10 tháng 7 năm 649), tên thật Lý Thế Dân (李世民), là vị Hoàng đế thứ hai của triều đại Nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc, ông trị vì từ năm 626 đến năm 649 với niên hiệu duy nhất là Trinh Quán (貞觀).
Năm 617, Lý Thế Dân khuyên cha là Lý Uyên nên khởi binh phản Nhà Tuỳ, lại có công đánh dẹp các thế lực phong kiến khác, lập nên cơ nghiệp nhà Đường nên ông thường được xem như một Khai quốc Hoàng đế đồng sáng lập Nhà Đường với Đường Cao Tổ.
Lý Thế Dân thường được xem như là một trong những Hoàng đế vĩ đại nhất trong các bậc đế vương của lịch sử Trung Quốc cũng là người đã thiết lập sự cường thịnh của Đại Đường. Triều đại của ông, thường gọi là Trinh Quán chi trị (貞觀之治), được xem như biểu mẫu để so sánh với tất cả các triều đại sau và các quân chủ đời sau đều bắt buộc phải học tập, cũng như đối với các nước đồng văn như Việt Nam, Nhật Bản.
Nhà Đường dưới thời Thái Tông phát triển về kinh tế và hùng mạnh về quân sự, trở thành đất nước rộng lớn nhất và hùng mạnh nhất trên thế giới thời bấy giờ. Nhà Đường thời Lý Thế Dân đã mở rộng đến hầu hết lãnh thổ Trung Quốc ngày nay, một phần Việt Nam và một phần lớn Trung Á, kéo dài đến phía đông Kazakhstan.
Trong 23 năm Thái Tông tại vị, quốc chính trong sạch, kinh tế phồn vinh, xã hội an định, võ công hưng thịnh. Văn hóa nghệ thuật, thi từ ca phú cũng cực kỳ nở rộ, tạo ra không khí sôi nổi chưa từng có, còn ảnh hưởng lan sang các nước đến chầu, là quốc gia hưng thịnh giàu mạnh nhất trên thế giới lúc bấy giờ.
Thành quả mà triều đại của Thái Tông đạt được đã đặt nền móng vững chắc cho thời kỳ cháu cố ông sau này là Đường Huyền Tông trở thành thời đại hoàng kim nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, sử gọi là Khai Nguyên thịnh thế.
Một thế kỷ sau khi Đường Thái Tông mất, Nhà Đường vẫn được hưởng hòa bình và thịnh vượng. Đến nay, rất nhiều con phố người Hoa ở các nước trên thế giới được gọi là “phố Đường Nhân”, thành tích thái bình thịnh trị thời Trinh Quán mãi được hậu thế truyền tụng.
Đường Thái Tông- Nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc
Quân sự
Ngay từ thời còn trẻ, Lý Thế Dân đã tỏ ra là một dũng tướng. Ông lập ra Huyền Giáp binh (đội kị binh giáp đen), cả người và ngựa được trang bị áo giáp hạng nặng màu đen, được phòng hộ tốt, lực tấn công lớn, là đội quân chủ lực trong các cuộc tấn công dã chiến.
Theo “Tư trị thông giám”, Tư Mã Quang viết: “Tần vương Lý Thế Dân đã chọn ra hơn 1.000 binh lính kỵ binh, và tất cả đều mặc đồng phục áo giáp đen. Ông chia quân thành các cánh quân bên trái và cánh quân bên phải, để cho Tần Thúc Bảo, Trình Giảo Kim, và Uất Trì Kính Đức thống lĩnh đội quân. Trong mỗi trận chiến, Lý Thế Dân đều mặc áo giáp đen và thống lĩnh đội quân tiên phong để tấn công kẻ thù. Khi đội quân đã tấn công thì không một kẻ thù nào có thể ngăn cản được. Vì thế, kẻ thù rất sợ nó”.
Mỗi binh sĩ trong đội kị binh giáp sắt đen đều phải rất thiện chiến, được lựa chọn từ cá nhân nổi bật tại các đơn vị. Sức mạnh tổng hợp của 1.000 kị binh giáp đen có thể chống lại được quân địch đông hơn gấp 10 lần.
Lý Thế Dân đã cùng đội kị binh áo giáp đen của mình đã chiến đấu rất dũng mãnh, lập nhiều chiến tích lớn. Trong trận Hổ Lao, Lý Thế Dân đã thống lĩnh 3.000 lính kỵ binh trực tiếp tấn công đối phương, cuối cùng đánh bại Đậu Kiến Đức khi ấy có hơn 100.000 binh lính, đồng thời bắt giữ hơn 50.000 quân.
Sau khi nhà Tùy sụp đổ, các thế lực quân phiệt cát cứ nổi lên rất nhiều, Trung Hoa chia cắt thành nhiều khu vực. Nhà Đường từ khi lập quốc tới khi tiêu diệt hết các thế lực cát cứ, thống nhất toàn Trung Hoa chỉ mất khoảng 10 năm, kết thúc chiến tranh nhanh chóng hơn các triều đại khác, một phần lớn là do công lao chinh chiến của Lý Thế Dân.
Sau khi lên ngôi, Thái Tông vẫn nhiều lần trực tiếp cầm quân đi khắp bốn phương, đánh Đột Quyết, bình định Tiết Diên Đà, đánh Cao Ly, hàng phục Thổ Phiên, dẹp Hồi Hột, khiến uy danh triều Đường vang khắp bốn phương.
Vua Thái Tông được nhiều nước vùng Trung Á tôn là “Thiên Khả Hãn”, trở thành một ông vua tầm cỡ quốc tế lúc đó.
Chính trị
Học hỏi từ những bài học lịch sử
Để tìm hiểu nguyên nhân thành bại của bậc đế vương đời trước, Đường Thái Tông đã đặc biệt mời Ngụy Trưng, Ngu Thế Nam, Chử Lượng và Đức Ngôn giải thích, tập hợp nguyên nhân hưng suy của các triều đại từ đó học hỏi kinh nghiệm.
Căn cứ vào chiếu lệnh của Thái Tông, quần thần đã tham khảo Lục kinh, Tứ sử, và Tinh yếu của bách gia chư tử, gồm hơn 14.000 bộ, trong đó có 89.000 cuốn sách cổ, biên tập thành sách vào năm Trinh Quán thứ 5 (631), và đặt tên cuốn sách là: “Quần thư trị yếu”. Nội dung chủ yếu của Quần thư trị yếu là phương pháp chỉ đạo và lý luận quan trọng trong vấn đề trị quốc, tập hợp trí huệ, phương pháp chỉ đạo, hiệu quả và kinh nghiệm trị quốc của cổ nhân qua hàng ngàn năm.
Thương dân như con, chọn người tài đức & nghe lời can gián chân thành
Về kinh tế, Thái Tông đặc biệt chú trọng đến sản xuất nông nghiệp, thực hành chế độ quân điền và chế độ tô thuế, “hạn chế xa xỉ, giảm lãng phí, giảm lao dịch, tô thuế” khiến cho nhân dân được an cư lạc nghiệp.
Về mặt văn hoá, ông ra sức khuyến khích học thuật, tổ chức cho các văn sĩ viết kinh sách và viết sử; ở Trường An lập Quốc tử giám, con em các nước chư hầu đến học tập.
Trực tiếp chứng kiến sự diệt vong của nhà Tùy, Thái Tông cũng thường xuyên lấy Tuỳ Dạng Đế làm tấm gương khuyên mình. Vì thế Lý Thế Dân chú ý trong việc cai trị, lựa chọn người hiền tài, biết nghe lời can gián. Ông từng nói: “Phép làm vua là phải bảo tồn dân trước nhất, nếu hại dân để nuôi mình thì giống như cắt thịt đùi mình lèn bụng, bụng tuy no đầy nhưng người sẽ chết”
Thái Tông khéo dùng người, tùy theo sở trường của từng người mà giao trọng trách, tuyển chọn người hiền tài phục vụ việc nước như Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, Ngụy Trưng, Lý Tịnh, Lý Tích, Tần Quỳnh, Úy Trì Kính Đức…
Chính vì biết dùng người tài đức, biết nghe lời can gián chân thành, quý trọng và đối đãi hết lòng với kẻ sĩ, nên dưới thời Đường Thái Tông nhân tài quy tụ, chính sách rõ ràng, thế lực đất nước thêm hùng mạnh.
Viết về sự thịnh trị những năm Thái Tông cai trị trong “Trinh Quán Chính Yếu”, Ngô Hách chép như sau:
“Quan lại thanh liêm trong triều đã tự nhiên ước chế vương công, hậu duệ quý tộc, hoàng thân quốc thích, đại tộc phú hào, đều biết ơn và phục tùng theo uy nghiêm của bậc quân chủ, không dám coi thường vương pháp quấy nhiễu dân chúng. Khách thương gia có thể yên tâm ngủ ngoài trời vùng đồng nội; kẻ trộm và cường đạo không thấy xuất hiện, nhà ngục thường để trống, trâu ngựa đâu đâu cũng có, cửa nhà không cần khóa. Mấy năm liên tục, ngũ cốc được mùa, một đấu gạo giá chỉ 3 đến 4 đồng. Khách lữ hành từ kinh thành đi tới vùng ngoại ô Ngũ Lĩnh, đi qua Sơn Dĩ Đông tới vùng Đông Hải, không cần mang theo lương khô, trên đường đi đều được cung ứng. Tiến vào thôn Lạc của Sơn Dĩ Đông, những gì mà lữ khách trải nghiệm đều là lễ gặp mặt, khi rời đi còn được tặng quà. Đây quả là cảnh tượng khó tin từ xưa tới nay”
Đường Thái Tông- Nhân cách bậc đế vương sáng ngời qua từng giai thoại
Vị vua cả đời không mừng sinh nhật
Trong các bộ phim dã sử hay cổ trang thường xuất hiện không ít các cảnh yến tiệc mừng sinh nhật linh đình của các vị Hoàng đế, đại thần thời xưa. Tuy nhiên, theo sử sách, rất nhiều vị Hoàng đế là minh quân của các triều không tổ chức sinh nhật mình theo cách xa hoa như vậy. Hoàng đế Đường Thái Tông là một người như thế, ông chưa từng tổ chức mừng sinh nhật trong cả đời mình.
Theo ghi chép trong sách “Trinh Quán chính yếu” của tác giả Ngô Căng triều Đường, ngày quý sửu tháng 12, năm Trinh Quán thứ 17, Hoàng đế Đường Thái Tông nói với thị thần:
“Hôm nay là ngày sinh nhật trẫm, dân gian cho rằng vào ngày sinh nhật có thể vui vẻ giải trí, nhưng mà cứ đến ngày này, tâm trạng trẫm lại ngược lại, càng thêm nhớ thương cha mẹ hơn. Hiện giờ trẫm đã là vua của một nước, thiên hạ giàu có, nhưng trẫm muốn được phụng dưỡng cha mẹ thì lại vĩnh viễn không được nữa.
Trẫm thật giống như người học trò Tử Lộ của Khổng Tử, trong lòng ôm theo nỗi ân hận không mang được gạo cho cha mẹ mình. Trong “Kinh Thi” có nói: ‘Bi thương phụ mẫu ta, sinh ta thật sự vất vả’, sao có thể vì cha mẹ khổ cực mà trong ngày này cử hành yến tiệc vui đây! Việc làm này rất trái với lễ phép”.
Ngày sinh nhật, chính là ngày người mẹ sau khi trải qua bao tháng khổ cực mà chịu đau đớn sinh con ra đời. Người xưa gọi ngày sinh nhật là ngày “mẫu nan nhật”, tức là ngày vất vả của người mẹ. Triều Nguyên gọi ngày sinh nhật là “Phụ ưu mẫu nan chi nhật” tức là ngày cha lo lắng mẹ vất vả.
Đường Thái Tông cho rằng ngày này là ngày mẹ ông phải chịu bao khổ cực đau đớn mà sinh ra ông. Vậy nên ông thường vào ngày sinh nhật của mình mà đẫm lệ khóc thương, nhớ tưởng lại công sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ đối với mình.
Thương dân như con, xem tướng sĩ là huynh đệ
Theo «Tùy Đường giai thoại», quyển thượng ghi lại, Đường Thái Tông đối với các đại thần trong triều thì vô cùng tôn trọng và gần gũi:
Trong những trường hợp không chính thức, đối với danh tướng Lý Tịnh, Ngài thường xưng là “huynh trưởng”; đối với đại thần ngay thẳng Ngụy Trưng, Ngài không dùng “trẫm” mà tự xưng là “Thế Dân”.
Đường Thái Tông đối với công thần Lý Thế Tích thì càng quan tâm săn sóc. Khi Lý Thế Tích về triều nhậm chức Binh Bộ Thượng Thư, lao lực lâu ngày thành bệnh, trọng bệnh triền miên. Thái Tông tự mình tới thăm, đốc thúc Thái y nghiêm túc chữa trị, thậm chí còn hỏi cả chuyện thang thuốc của Lý Thế Tích. Thái y bẩm báo với Thái Tông rằng: “Bệnh đã nhiều năm, phong hàn ứ tích, thần có một phương thuốc, các vị khác đều có đủ, chỉ thiếu mỗi vị ‘tu khôi’”. Thái Tông vội hỏi: “Tu khôi là thuốc gì, làm sao kiếm được?”. Thái y giải thích: “Tu khôi chính là râu đốt thành tro mà ra”. Thái Tông nghe xong nói luôn: “Thuốc ấy ta có”. Lập tức lệnh người mang kéo đến, tự mình cắt râu, thiêu thành tro rồi lại đích thân đem tro râu điều chế thành thuốc, giúp Thế Tích uống thuốc.
Sau khi uống thuốc, bệnh tình của Lý Thế Tích chuyển biến mau chóng, chẳng mấy chốc mà khỏi bệnh. Thế Tích bị sự việc Thái Tông cắt râu làm cảm động đến nỗi “khấu đầu chảy máu, khóc lóc tạ ơn”. Đường Thái Tông tự mình đỡ Lý Thế Tích dậy, ôn tồn nói: “Trẫm dựa vào khanh mà được an xã tắc, khanh an thì xã tắc cũng an; Trẫm pha râu để khanh trị bệnh, cũng là vì tính cho xã tắc, chứ đâu phải chỉ nghĩ cho một mình khanh, cớ sao phải tạ ơn?”.
Còn có một lần, Đường Thái Tông mời Lý Thế Tích vào cung dự yến; Thế Tích thoải mái chè chén, uống đến say mèm, trong tiệc ngủ ngon không tỉnh. Thái Tông lo lắng không yên, sợ ông bị cảm, bèn tự mình cởi trường bào, nhẹ nhàng khoác lên mình Lý Thế Tích. Những người có mặt tại đó, không ai không cảm động muôn phần trước đức nhân từ quý trọng của Thái Tông đối với công thần.
Tháng 5 năm Trinh Quán thứ 19, Đường Thái Tông dẫn quân tiến đánh Cao Ly (Triều Tiên ngày nay); khi tấn công thành Bạch Nham, đại tướng quân Lý Tư Ma hộ vệ bên phải chẳng may bị tên bắn trúng, máu chảy như nước, vết thương rất nặng. Thái Tông tự mình rút mũi tên ra, lại dùng miệng hút sạch máu đen trên vết thương cho Lý Tư Ma, buộc vết thương lại cẩn thận rồi sai người hộ tống về doanh trại.
Quân lính chứng kiến cảnh này, thì sĩ khí khởi sắc hẳn lên. Cho dù là binh sĩ phổ thông, bị thương hay bị bệnh thì cũng như nhau, đều được quan tâm chăm sóc. Có một binh sĩ nọ bị bệnh, không thể theo tiến quân; Đường Thái Tông bèn thân chinh tới trước giường bệnh thăm hỏi, lại đem anh ta giao cho quan phủ đương địa để thay nhau điều trị.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Thái Tông lệnh người đem các di cốt tướng sĩ tử trận thu thập lại, an táng ổn thỏa, sau đó tự mình tới tế, khóc lóc thất thanh, biểu thị nỗi thương tiếc và tưởng nhớ.
Các tướng sĩ sau khi trở về quê, đem tình cảnh này kể lại cho phụ mẫu những người tử trận, khiến họ rất đỗi cảm động, nói từ tận đáy lòng: “Chúng tôi bị mất con, thật muôn phần bi thống, thế nhưng Hoàng Đế đã tự thân vì họ mà khóc tế; dưới chín suối họ đã có thể nhắm mắt, chết cũng không có gì ân hận”
Nuốt châu chấu để bảo đảm sự no ấm cho bá tánh
Trong “Thượng Thư – Vi Tử Thiên” có nói: “Thiên tai từ thiên nhiên”. Ý nghĩa chính là thiên tai là sự trừng phạt của trời đối với nhân loại.
Văn hóa thần truyền của Trung Hoa cho rằng, sự xuất hiện của may mắn và xui xẻo đều dự báo được phồn vinh hoặc hoang tàn của một đất nước. Vì thế trong “Trung Dung” nói: “Đất nước sắp phồn vinh ắt sẽ có điềm lành; Đất nước sắp hoang tàn ắt sẽ có điều quái dị xảy ra”.
Đổng Trọng Thư thời Hán đưa ra học thuyết thiên nhân cảm ứng cho rằng: “Đất nước sắp thất bại thì trời sẽ dùng thiên tai để trách cứ. Nếu không biết tự xét, trời sẽ dùng hiện tượng quái dị để cảnh cáo. Nếu vẫn không biết chừng mực thì thất bại là điều khó tránh khỏi. Vì thế người quân vương nhân từ phải nhìn thấu lòng trời mà biết dừng chớ làm loạn”.
Cho nên, minh chủ thánh quân thời cổ đại khi sắp đối mặt với thiên tai, có thể cúi mình tự xét, tự chịu tội, cầu sự khoan dung từ trời cao để xóa bỏ thiên tai trong nhân gian.
Trong “Trinh Quán Chính Yếu” có ghi chép một câu chuyện có thật liên quan đến việc Đường Thái Tông tự vấn tự xét, xóa bỏ được nạn châu chấu.
Vào tháng tư năm Trinh Quán thứ hai đã xảy ra một trận hạn hán nghiêm trọng, châu chấu tác oai tác quái bay khắp cả trời, nông nghiệp gánh chịu một tổn thất vô cùng lớn. Trong lòng Đường Thái Tông vô cùng trầm mặc, ông quyết định tự mình đến Dã Uyển xem tình hình thiên tai.
Đường Thái Tông nhìn thấy châu chấu tràn ngập cả mảnh đất, ông còn nhặt được vài con rất to, ông nói với bọn chúng rằng: “Dân lấy lương thực làm trời, lấy ngũ cốc là mệnh, các ngươi lại ăn hết lương thực, điều này làm tổn hại rất lớn đối với bá tánh thiên hạ!”.
“Nếu như trời cao cảm thấy bá tánh có làm sai điều gì thì hãy đổ tội lên người trẫm đi, nếu như châu chấu các người thật sự có linh hồn, thì hãy mau chóng ăn tim của ta, chứ đừng làm hại đến bá tánh!”.
Nói một hồi, Thái Tông quả nhiên muốn nuốt những con châu chấu ấy vào trong bụng, để bọn chúng đến ăn trái tim của mình. Đại thần hai bên nhanh chóng ngăn cản, nói: “Bảo trọng long thể, việc này sẽ gây ra bệnh, tuyệt đối không được”.
Thái Tông nói: “Ta hy vọng có thể đem tai họa của trời cao chuyển hết lên người ta, sợ gì bệnh tật chứ?”. Nói xong, ông nuốt những con châu chấu vào trong bụng. Thái Tông dùng tâm đối xử với bá tánh, chân thành chịu tội, điều này đã cảm động đến trời xanh, không lâu sau đó, đại quân châu chấu đang ùn ùn kéo đến đều biết mất, nạn châu châu cũng không còn.
Câu chuyện này đều được ghi chép lại trong chính sử của “Tư Trị Thông Giám” và “Cửu Đường Thư”, có thể thấy những ghi chép đó không hề hư cấu, và lịch sử đều là những câu chuyện chân thật. Điển cố về việc Đường Thái Tông nuốt châu chấu bắt đầu được lưu truyền từ đó.
Trinh Quán Chính Yếu- Tác phẩm kinh điển về trị quốc thời Đường Thái Tông
“Trinh Quán chi trị” có thể nói là nét son rực rỡ nhất, chói lọi nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc hơn hai nghìn năm. Các nhà chính trị và sử học từ đầu nhà Đường trở đi đã nỗ lực tìm câu trả lời cho cách Đường Thái Tông Lý Thế Dân cùng quần thần đã thực hiện “Trinh Quán chi trị”.
Người đầu tiên coi trọng vấn đề này và cung cấp cho hậu thế sử liệu đầy đủ và tư tưởng nghiên cứu cơ bản là Ngô Hách thời Đường qua bộ “Trinh Quán chính yếu”.
“Trinh Quán chính yếu” là một bộ sử được viết theo chuyên đề, chủ yếu ghi lại lời bàn luận chính trị của vua tôi Đường Thái Tông. Bộ sách này được các nhà nghiên cứu Nhật Bản đánh giá cao hơn cả bộ“Tam quốc diễn nghĩa” về tư tưởng chính trị.
Cuốn sách lịch sử Trinh Quán Chính Yếu được xem là cuốn sách giáo khoa điển hình nhất dành cho bậc đế vương, cuốn sách ghi chép về những bàn luận chính trị trong triều đình, thảo luận về cách trị quốc của Đường Thái Tông.
Đây không chỉ là cuốn sách gối đầu giường của gia tộc Thiên hoàng và tướng quân Tokygawa Ieyasu của Mạc phủ, mà còn là cuốn sách yêu thích của các học giả, doanh nhân Nhật Bản ngày nay.
Trong quản trị học, giới lãnh đạo Nhật Bản xưa nay chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng cốt lõi “ôn cổ tri tân” (học chuyện xưa mà biết chuyện nay) của Khổng Tử. Qua nghiên cứu các sách kinh điển của Trung Quốc, họ đã chứng tỏ sự thông minh, xuất chúng khi biết đem những lời giáo huấn và những kinh nghiệm của người xưa vận dụng vào thực tiễn hiện nay, nhằm giải quyết các vấn đề nan giải phát sinh.
Đây chính là lý do vì sao từ xưa đến nay ở Nhật Bản, từ Thiên hoàng, tướng quân Mạc phủ cho đến thủ tướng và các nhà kinh doanh hiện nay đều coi Luận Ngữ và Trinh Quán Chính Yếu là những cuốn sách kinh điển quan trọng nhất.
Nguồn:
Wikipedia: Đường Thái Tông
Trithucvn.org: Lý do Đường Thái Tông cả đời không mừng sinh nhật mình
Tinhhoa.net: Đường Thái Tông nhân đức gần gũi, yêu dân như con
Tinhhoa.net: Gương người xưa: Đường Thái Tông nói một câu, nạn châu chấu lập tức biến mất
Epochtimesviet.com: Sức cuốn hút kỳ diệu của vị Thiên sách Thượng tướng Lý Thế Dân
Ntdvn.net: Phật Pháp hồng truyền: Câu chuyện về Đường Thái Tông và Đường Huyền Trang
NTD Việt Nam: Tam Tự Kinh – tập 30 – Đường Thái Tông Lý Thế Dân