Đạo Đức Kinh ( 道 德 經 ) là tác phẩm “được cho là” do triết gia Lão Tử viết ra vào thời chiến quốc.
Theo truyền thuyết thì Lão Tử vì chán chường thế sự nên cưỡi trâu xanh đi ở ẩn. Ông Doãn Hỷ đang làm quan giữ ải Hàm Cốc níu lại “nếu ngài quyết đi ẩn cư xin vì tôi để lại một bộ sách!”, Lão Tử bèn ở lại cửa ải Hàm Cốc viết bộ “Đạo Đức Kinh” dặn Doãn Hỷ cứ tu theo đó thì đắc đạo. Do đó, Đạo Đức Kinh còn được gọi là sách Lão Tử.
Sở dĩ nói là “được cho là” do triết gia Lão Tử viết ra vào thời chiến quốc, vì bản thân Lão Tử cũng là một nhân vật gây ra nhiều tranh cãi trong lịch sử Trung Hoa với nhiều thuyết khác nhau. Nhưng tựu chung lại mọi thuyết đều cho rằng Lão Tử sinh ra vào thời chiến quốc (khoảng thế kỷ thứ V TCN).
Đạo đức kinh do ai viết?
Về tác phẩm Đạo đức kinh, thì nhiều người cho rằng là do môn sinh chép lại chứ không phải do đích thân Lão Tử viết giống như nhiều tác phẩm khác thời này. Ngay cả những bộ chân thư như Mặc tử, Trang tử cũng có nhiều thiên nguỵ tác, ngay cả những thiên đáng tin nhất cũng chưa hẳn là do chính tay Mặc tử, Trang tử viết mà có nhiều phần chắc là do môn sinh chép.
Lý do là những sách thời đó, tới đời Hán lại được các học giả sắp đặt, chỉnh lí lại và những bản Mặc tử, Trang tử lưu hành ngày nay, đời Tiên Tần không có. Khi chỉnh lí, họ thu thập tất cả các thiên được cho là của một học phái nào đó, gom cả vào một bộ, đặt tên là Mặc tử, Trang tử, Tuân tử… ngầm hiểu rằng đó là tác phẩm của cả học phái Mặc, Trang, Tuân chứ không phải của một người. Họ tuyệt nhiên không coi trọng quan niệm tác giả như chúng ta ngày nay, mà chỉ chú trọng tới tư tưởng của mỗi phái. Họ chỉ cốt thu thập cho đủ, không có óc phê phán, không đặt vấn đề chân hay nguỵ, cho nên trong Hàn Phi tử ta thấy có tư tưởng của Đạo gia (như những thiên Giải Lão, Dụ Lão) trong Trang tử, Ngoại thiên và Tạp thiên, ta thấy tư tưởng của Nho gia (như thiên Thiên địa).
Nếu cuốn Lão tử cũng vậy, thì có thể không phải của Lão tử viết. Và truyện Doãn Hỷ yêu cầu ông chép lại học thuyết trước khi qua ải chỉ là một truyền thuyết vô căn cứ, mà là của môn sinh của ông viết.
Có một số điều có thể chắc chắn đó là có những chương do người đời sau thêm vào và thời gian xuất hiện là vào thế kỉ thứ IV, nhưng có thể qua thế kỉ thứ III nó mới có hình thức như chúng ta thấy ngày nay. Có một điểm gây thắc mắc nữa là: nếu do môn sinh viết mà tại sao không nhắc đến tên thầy, không ghi “Lão tử bảo” hoặc “thầy bảo” như bộ Mạnh tử, Mặc tử, hay Luận Ngữ của Khổng Tử ? Hay là Lão tử đọc cho môn sinh chép? Nếu vậy thì chính ông viết rồi. Điểm đó vẫn còn một nghi vấn.
Tuy nó có thể không phải của một người viết, nhưng cũng thu thập hết tư tưởng Đạo gia (vì Đạo gia gồm Lão, Trang mà Đạo đức kinh tuyệt nhiên không chứa tư tưởng của Trang) không kể mươi chương do người sau thêm vào, còn thì tư tưởng trong Lão tử vẫn nhất quán, vẫn là của một môn đệ bậc thầy đã chép lại.
Nội dung và hình thức
Có nhiều bản Lão Tử – Đạo đức kinh được biết đến, bản dài nhất gồm khoảng 5.200 chữ, bản ngắn nhất không đầy 5.000 chữ. Bản Đạo Đức Kinh được biết đến hiện nay gồm có 81 chương với khoảng 5000 chữ Hán, có lẽ từ thế kỉ thứ II TCN, Hán Cảnh đế (156-140) cho ý nghĩa trong Lão tử thâm thuý, nên gọi là kinh và từ đó sách Lão tử còn gọi là Đạo Đức kinh (cũng như Trang tử còn có tên là Nam Hoa kinh). Sở dĩ có tên Đạo Đức kinh là vì 81 thiên được chia làm 2 thiên Thiên Thượng (Thượng Kinh) Thiên Hạ (Hạ Kinh):
– Thượng Kinh gồm 37 chương, bắt đầu bằng câu: “Đạo khả Đạo phi thường Đạo”. Thượng Kinh luận về chữ Đạo nên được gọi là Đạo Kinh.
– Hạ Kinh gồm 44 chương, bắt đầu bằng câu: “Thượng Đức bất Đức thị dĩ hữu Đức”. Hạ Kinh luận về chữ Đức nên được gọi là Đức Kinh.
Về cả nội dung và hình thức trong tác phẩm hiện nay còn nhiều điểm gây tranh cãi như:
Về hình thức đa số câu hay vế số chữ thường cân đối, nhiều đoạn có vần, nhưng cũng có những câu tiết điệu không đều về số chữ và đổi vần.
Về nội dung có nhiều ý trùng lặp, tư tưởng có chỗ như mâu thuẫn, có chương diễn tư tưởng của binh pháp gia, có chương giọng gay gắt như giọng Mặc tử, Mạnh tử, không phải giọng Lão tử hoặc thậm chí có những chương không liên quan gì đến học thuyết Lão tử.
Về các đọc hiểu hiện nay cũng có nhiều cách hiểu khác nhau, mỗi người có thể chấm câu một cách khiến cho cách hiểu khác nhau. Còn vô số cách giảng nữa, không làm sao chép hết được. Có điều đáng mừng là không người nào chỉ trích người nào cả, cho nên không gây những cuộc tranh luận sôi nổi, tốn giấy mực như vấn đề đời sống của Lão tử. Vì có ai dám chắc rằng mình hiểu đúng tư tưởng Lão tử đâu, mà Lão tử và môn sinh chết cả rồi, ai là người chỉ ra được đâu là phải đâu là trái.
Kết luận
Rốt cuộc người ta phải nhận rằng đọc Đạo Đức kinh không nên căn cứ vào chữ nghĩa, chỉ nên coi tác phẩm gợi ý cho ta thôi, và mỗi người cứ hội ý theo “trực giác linh cảm” của mình. Cách đọc đó, từ đầu thế kỉ thứ V, Đào Tiềm một thi nhân, ẩn sĩ, theo Lão Trang, đã chỉ cho ta trong bài Ngũ Liễu tiên sinh truyện (Ngũ Liễu tiên sinh chính là ông):
“…Đọc thư bất cầu thậm giải, mỗi hữu hội ý, tiện hân nhiên vong thực”…Đọc sách không cần thâm cứu chi tiết (tìm hiểu nghĩa từng chữ, chỉ cần hội ý thôi), mỗi lần hội ý được điều gì thì vui vẻ quên ăn.
Dĩ nhiên, mỗi người tuỳ bản tính, sở học, kinh nghiệm của mình, hội ý một cách. Nhà Nho hiểu “vô vi” của Lão tử theo đạo Nho, Pháp gia như Hàn Phi hiểu “vô vi” theo Pháp gia, Binh pháp gia hiểu theo binh pháp, mà phái tu tiên hiểu theo đạo trường sinh, Phật gia hiểu theo Phật học và gần đây có một số học giả theo logic của Tây phương phê phán Đạo Đức kinh theo logic. Có thể đem tất cả các triết thuyết hiện đại nhất như triết thuyết hiện sinh, hay cơ cấu mà giải thích Đạo Đức kinh đều được cả. Trong lịch sử triết học Đông Tây, chưa có tác phẩm nào ngắn như vậy, mà được đời sau giải thích, dịch, phê bình nhiều bằng.
Trích & tham khảo: Lão Tử Đạo Đức Kinh – Nguyễn Hiến Lê Bài đọc thêm: Đạo và Đức