Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biếnTên mà có thể đặt ra để gọi nó (đạo) thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến.
Đạo là gì?
Câu mở đầu Đạo Đức Kinh, Lão Tử đã định nghĩa “đạo” là gì. Cái đó, ông không biết tên là gì, tạm đặt tên cho nó là “đạo”. Ông không tạo ra một tiếng mới mà dùng một tiếng cũ để diễn một ý mới. Chữ đạo {道} mới đầu trỏ một đường đi, rồi sau trỏ cái lí phải theo, như khi người ta nói: đạo làm người, đạo làm con… sau cùng nghĩa mở rộng ra nữa, và đạo trỏ luật, trật tự thiên nhiên. Lão tử có lẽ đã lựa chữ đạo để trỏ bản nguyên của vũ trụ vì cái nghĩa sau cùng đó. Nhưng ông nhận rằng tên đó, ông dùng tạm vậy thôi vì không thể tìm được một tên nào thích hợp, và ngay cái bản nguyên của vũ trụ đó cũng không thể nào diễn tả được.
Ông thú thật với ta rằng cái đạo đó huyền diệu vô cùng, vĩnh cửu bất biến, công dụng
của có vô biên, ông không hiểu biết nó được (vì con người chỉ là một phần tử cực kì bé
nhỏ của nó, đời sống lại cực kì ngắn ngủi so với sự vĩnh cửu vô chung của nó) và chỉ có
thể truyền cho ta ít điều ông suy tư về nó, để ta dùng trực giác mà lĩnh hội được phần
nào thôi, chứ ông không chứng minh gì cả.
Lão Tử cho rằng đạo là “mẹ của vạn vật”, vậy nó là khởi thủy của vũ trụ nhưng ông cũng bảo rằng “ta không biết nó là con ai” nghĩa là trước khi có đạo là gì thì ông không biết được. Ông cho rằng vạn vật từ đạo sinh ra, biến hoá rồi lại trở về đạo; “luật vận hành của đạo là trở về lúc đầu” Vậy cơ hồ ông cho rằng không gian thì có thể hữu hạn, nhưng thời gian thì vô cùng. Trên dòng thời gian vô cùng đó, đạo xuất hiện vào một thời điểm nào đó và ông tạm lấy điểm đó làm khởi thuỷ.
Đạo sinh ra vạn vật, nuôi dưỡng vạn vật, vạn vật cuối cùng đều trở về đạo, thì tất nhiên không gì lớn bằng đạo. Nhưng đạo có hình trạng gì không? Có giống cái gì không? Ông chỉ đáp: cơ hồ không có gì giống nó cả, nhưng ông không thể tả nó được vì nhìn nó không thấy, nghe nó không thấy, nắm nó không được.
Trong chương 1, Lão Tử Đạo Đức Kinh có nói:
“Không” là gọi cái bản thủy của trời đất
“Có” là gọi mẹ sinh ra muôn vật.
Vậy theo Lão tử, đạo là bản nguyên của vũ trụ, cũng có thể là tổng nguyên lí hay nguyên tố của vũ trụ. Nó sinh vạn vật ra sao, theo trình tự nào?
Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh vạn vật.
Vạn vật đều cõng âm mà ôm dương, điều hòa bằng khí trùng hư.
Đức là gì?
Như vậy theo Lão Tử thì Đạo sinh ra vạn vật, vạn vật theo đạo mà sinh hóa, rồi lại trở về đạo. Vậy vạn vật sinh hóa như thế nào?
Đó chính là nhờ có Đức, đạo khi chưa hiển hiện trong mỗi vật thì là đạo, khi đã hiển hiện rồi thì phần hiển hiện trong mỗi vật là “đức”. Mỗi vật đều có “đức” mà đức của bất kì vật nào cũng là từ đạo mà ra, là một phần của đạo, cho nên đức mới nuôi lớn mỗi vật mà luôn luôn tuỳ theo đạo.
Lão Tử Đạo Đức Kinh chương 21:
“Khổng đức chi dung, duy đạo thị tòng”
Lão Tử Đạo Đức Kinh chương 51:
Đạo sinh ra vạn vật, đức bao bọc, bồi dưỡng, nuôi lớn tới thành thục, che chở mỗi vật (…); Vật chất khiến cho mỗi vật thành hình;
Hoàn cảnh [khí hậu, thuỷ thổ] hoàn thành mỗi vật. Đạo có công sinh ra vạn vật thôi;
Công nuôi dưỡng, che chở mỗi vật cho tới lớn là về “đức”.
Có người coi đức chính là bản năng sinh tồn của mỗi sinh vật: đói thì kiếm ăn, khát thì kiếm uống; bản năng tự vệ, mệt thì nghỉ ngơi, tìm sự an toàn, tránh nguy hiễm; bản năng truyền chủng v.v… Nhờ những bản năng đó mà sống được, lớn được, tự bồi dưỡng, tự bảo vệ; mà những bản năng đó đều phú bẩm, nên rất thuận luật tự nhiên, rất hợp với đạo, luôn luôn “duy đạo thị tòng”. Có thể như vậy không?
Về hai điểm cuối trong đoạn đã dẫn: vật chất khiến cho mỗi vật thành hình; hoàn cảnh [khi hậu, thuỷ thổ] hoàn thành mỗi vật, thì rất dễ hiểu và rất đúng. Vật nào cũng nhờ một số hoá chất mà thành hình là cũng chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, biến đổi theo hoàn cảnh: cá dưới nước thì có mang, người thì có phổi, vật xứ lạnh thì lông rậm và dài, xứ nóng thì lông thưa, ngắn v.v…
Kết luận
Khi người ta khen Einstein đã tìm ra được công thức E = mc2 (cơ bản của khoa học nguyên tử) và thuyết tương đối, ông mượn lời của Newton (người đã tìm ra luật hấp dẫn vạn vật) để đáp: “Tôi chỉ như một em nhỏ may mắn tìm được một hòn cuội trên bờ một đại dương”.
Lời đáp khiêm tốn đó chính là sự thực. Chẳng những sự hiểu biết của hai vĩ nhân đó, mà toàn thể sự hiểu biết của nhân loại ngày nay so với sự bí mật trong vũ trụ chỉ như một hòn cuội, một hạt cát trên bờ một đại dương. Chúng ta mới biết được một phần rất nhỏ trong cơ thể của chính chúng ta, mới biết được một phần rất nhỏ của lớp vỏ trái đất, mới chỉ đặt chân lên mặt trăng, chụp được ít tấm hình, đem được ít cục đá về… mà vũ trụ thì có tỉ tỉ ngôi sao và hành tinh, sâu rộng cả tỉ tỉ năm ánh sáng và có từ thời nào thì không ai biết được, không thể nào đoán được.
Theo Lão Tử Đạo Đức Kinh – Nguyễn Hiến Lê