Đạo:
Đạo có nghĩa đầu tiên căn bản nhất là một con đường. Con đường này là con đường mà nhân loại phải đi cho đúng nếu muốn khám phá hết tất cả mọi bí ẩn trong vũ trụ cũng như nguyên lý hoạt động, nhân duyên sinh thành phát triển của vạn vật. Đây chính là khái niệm triết lý nền tảng và cơ bản của cả Đạo gia lẫn Đạo giáo. Ngoài ra thì Đạo cũng tương đồng với khái niệm Pháp trong Phật Pháp, là khái niệm về bản thể của vũ trụ, một loại quy luật vận động tạo ra vạn sự vạn vật trong toàn bộ vũ trụ này từ vi quan cho đến hồng quan.
Đối với các dân tộc Đông Phương, Đạo cũng là nền tảng mà từ đó cổ nhân đã xây nên một cơ sở văn hóa vô cùng phong phú bao gồm tất cả các bộ môn từ chữ viết, thiên văn, toán học, y dược học, võ thuật cho đến triết học, văn học, lịch sử và nghệ thuật xử thế, phương pháp tu luyện giúp thăng hoa bản thân.
Có thể nói văn hóa của người phương Đông là do Đạo tạo nên, mà bản thân văn hóa đó cũng lại là một con đường để hành giả thăng hoa và hiểu được ý nghĩa chân chính về Đạo. Thời điểm mà họ hiểu được hoàn toàn về Đạo, chính là khái niệm được gọi là đắc Đạo. Nhà Phật gọi là khai ngộ.
Đạo đức:
Đạo đức là danh từ kép ghép giữa hai chữ Đạo và Đức, được nói đến lần đầu trong tác phẩm Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Tuy nhiên hai chữ Đạo đức không chỉ đơn giản là chuẩn mực và lẽ sống của người tốt trong xã hội truyền thống mà nó còn có nội hàm sâu hơn. Nếu như nói Đạo là bản thể, là điều cấu thành vạn sự vạn vật và cả vũ trụ và rất vi tế thì nó tồn tại trong tất cả các sinh vật đều như nhau chứ không có phân biệt. Vì Đạo tồn tại trong mọi thứ và nó vô cùng thanh tịnh và là năng lượng cao tầng, cho nên con người muốn đắc Đạo bằng xác phàm vốn rất ô nhiễm này cần phải có một chủng vật chất làm trung gian để có thể đề cao bản thân từ từ dung nhập vào trong Đạo, đó chính là quá trình tu luyện để có thể đắc Đạo.
Dạng vật chất trung gian mà chúng ta cần có để tu luyện đó chính là Đức. Nó chính là một dạng vật chất thanh tịnh gần giống với Đạo, tuy nhiên nó tồn tại khác nhau ở mỗi người. Người lương thiện và sống thuận theo tự nhiên một thời gian dài sẽ có nhiều đức, nếu tích lũy như thế trong nhiều kiếp thì sẽ được gọi là người có đức lớn (Đại đức).
Người tu luyện chính là dùng Đức này mà tu luyện bản thân, Sư phụ của họ sẽ giúp họ diễn hóa Đức thành công để họ có thể thăng hoa đắc Đạo. Người thường không tu luyện thường sẽ quy đổi đức này ra vật chất tiền bạc công danh sự nghiệp. Người có đức lớn thường sẽ luôn hạnh phúc, may mắn và ít bệnh tật. Người khuyết đức hay thất đức là do làm điều ác và sống bất lương. Mỗi chén cơm ta ăn ở đời, mỗi sự sung sướng hưởng dụng kiếm này, từng manh áo hạt gạo đều là do đức bản thân kiếp trước tạo ra. Do đó người Trung Hoa xưa có câu “tử sinh hữu mệnh, phú quý do thiên” là điều hoàn toàn có cơ sở thực tế chứ không phải mê tín mà suy diễn ra.
Lưu ý: Để hiểu được các định nghĩa chính xác hơn về Đức, mọi người có thể đọc thêm tác phẩm Chuyển Pháp Luân của Sư phụ Lý Hồng Chí trong Pháp Luân Đại Pháp để có cái nhìn đúng đắn nhất. Nhận thức bên trên là ngộ ra từ cuốn sách này.
Âm Dương:
Đây là khái niệm về hai loại trạng thái đối lập cùng tồn tại trên bất kỳ sinh mệnh và vật chất nào trong Tam giới. Âm Dương có thế nói là biểu hiện của Đạo và Đức luôn hiển hiện trong vạn sự vạn vật. Học thuyết Âm Dương này có thể nói là lý thuyết quan trọng nhất, kết hợp với Ngũ Hành, nó trở thành bộ đôi triết lý và nhân sinh quan cốt tủy của văn minh Trung Hoa cũng như phương Đông. Tất cả mọi môn học vấn của Trung Hoa đều không ra ngoài triết lý này. Bản thân triết lý này cũng là quy luật vận động của vạn sự vạn vật trong Tam giới.
Ngũ Hành:
Mặc dù đây là khái niệm về 5 loại vật chất là Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ được coi như là các vật chất cơ bản cấu thành nên vũ trụ trong Tam giới này nhưng Ngũ Hành thực chất là chỉ 5 loại vận động. 5 loại vật chất chỉ là biểu hiện bên ngoài của các loại vận động này mà thôi. Vận động bên trong và biểu hiện bên ngoài chính là một dạng triển hiện thống nhất của vật chất đúng theo nguyên lý Âm Dương.