LÃO TỬ (chữ Hán: 老子, cũng được chuyển tự thành Lao Tzu, Lao Tse, Laotze, Laotsu trong các văn bản Tây Phương) (571 TCN – 471 TCN) là một nhân vật chính yếu trong Triết học Trung Quốc, sự tồn tại của ông trong lịch sử hiện vẫn đang còn được tranh cãi. Theo truyền thuyết Trung Quốc, ông sống ở thế kỷ VI TCN. Nhiều học giả hiện đại cho rằng ông sống ở thế kỉ IV TCN, thời Bách gia chư tử, khoảng giữa thời kỳ Xuân Thu và đầu thời kỳ Chiến Quốc. Lão Tử được coi là người viết Đạo đức kinh (道德經) – cuốn sách của Đạo giáo có ảnh hưởng lớn, và ông được công nhận là Khai tổ của Đạo giáo (Đạo tổ 道祖), là một trong ba tôn giáo có ảnh hưởng mạnh đến văn hoá trung hoa, hay còn gọi là Tam giáo. Đời sống của Lão Tử cũng như học thuyết của Ngài vẫn có vẻ mơ mơ hoặc hoặc. Đạo Ngài khó nói và hành trạng Ngài cũng không dễ xác định. Hiện nay những chi tiết về tiểu sử Lão Tử chỉ có tính khả tín chứ chưa phải xác tín. Mặc dù thế, ta cũng có thể dựa vào ít chứng liệu của lịch sử để nhìn nhận một thánh nhân Đông phương với một cuộc đời có thực trong không gian thời gian.
Những sử liệu khác nhau
Có lẽ trong lịch sử Đông Tây kim cổ không có một nhân vật nào có một tiểu sử phức tạp phong phú bằng Lão Tử.
Trước hết theo Liệt Tiên truyện của Lưu Hướng (77-6). Lão Tử thuộc họ Lý, húy là Nhĩ, tự là Bá Dương, sinh tại nước Trần thời nhà Ân, làm quan Trụ hạ sử đời nhà Chu, sau thăng Thủ tạng sử thọ hơn 80 tuổi. Sử ký của Tư mã thiên (145-87?) chép : ông sống hơn 200 tuổi được người đời xưng tụng là « Ân quân tử » và có thụy hiệu là Đam. Khi Trọng Ni (Khổng Tử) tới nước Chu, có viếng thăm Lão Tử xác nhận Ngài là thánh nhân và coi Ngài như bậc thầy. Đến sau nhà Chu suy tàn, Lão Tử đi xe trâu vào nước Đại Tần. Khi qua cửa Tây, quan lệnh doãn tên Hỷ đón tiếp Ngài vì biết Ngài là người hiền. Ông xin Ngài lập ngôn. Lão Tử liền viết hai quyển « Thượng Hạ Đạo đức kinh ».
Sử ký lại có điểm khác, theo đó thì Lão Tử người nước Sở, húy là Nhĩ, họ Lý, tên là Đam, từng làm chức Thủ tạng thất nhà Chu. Sử ký bản mới lại nói ông có tự là Bá Dương làm quan dưới triều U vương nhà Chu. Sử ký cũng viết : Khổng Tử gặp Lão Tử một lần có lẽ là khi Khổng Tử cùng Nam Cung Kinh Thúc qua nước Chu. Sách Lễ ký, trong thiên Tăng Tử vấn, chép lời Khổng Tử rằng : « Xưa ta cùng Lão Đam đi trợ táng ở Hạng Đáng, ra đến đường có thấy nhật thực ». (Theo bản dịch Ngô Tất Tố, trong cuốn Lão Tử). Dưới nữa cũng trong thiên ấy lại có câu : « Tích Ngô tòng Lão Đam : xưa ta theo học Lão Đam ». Sử nước Sở cũng viết : « Lão Lai Tử giáo Khổng Tử : Lão Lai Tử dạy Khổng Tử ». Người đời sau vẫn cho Lão Lai Tử là Lão Tử.
Đến các tác giả mới, thì cũng mỗi người một chủ trương. Diêm nhược Cừ đời Thanh đọc trong Tả truyện thấy chép : « Mạnh hy Tử cho con là Mạnh ý Tử cùng Nam Cung Kính Thúc theo Khổng Tử học Lễ ». Nhân thấy sách chép : Mạnh hy Tử chết năm 25 đời Chiêu Công, năm ấy có nhật thực, nên ông đoán rằng Khổng Tử gặp Lão Tử vào năm 24 đời Chiêu Công. Lúc ấy Khổng Tử chừng 34 tuổi. Hồ Thích chép : « Đời nhà Chu có một viên Thái sử tên là Bá Dương, những người chép sách Sử ký sau này lầm Lão Tử với viên Thái sử ấy » (Hồ Thích, Trung quốc triết học sử). Phùng hữu Lan, trong cuốn Trung quốc triết học sử (xuất bản tại Thượng Hải, 1947) cũng cực lực phản đối ý kiến cho rằng : Lý Nhĩ và Lão Đam hay Lão Tử là một. Nhưng chứng lý của hai ông chỉ mới hữu lý, chứ chưa hẳn là xác lý.
Một Lão tử hợp lý
Tất cả những sử liệu trên đây đều có giá trị, nhưng dầu sao cuộc đời Lão Tử vẫn còn ở trong vòng khả nghi chưa có thể xác định theo từng chi tiết. Mặc dầu ta có thể đưa ra những điểm hữu lý có thể chấp nhận được về Ngài.
Trước hết có thể biết chắc rằng Ngài là một nhân vật lịch sử của Trung hoa và Ngài là bậc đàn anh của Khổng Tử. Sinh bởi gia đình quý tộc, sống trong thời nhà Chu vào khoảng từ năm 570 đến năm 490. Ngài có gặp gỡ và đàm đạo với Khổng Tử. Khổng Tử chu du 72 nước để giảng về chính danh với cái học hữu vi, còn Lão Tử lại chủ trương vô danh với cái học vô vi.
Con người và cuộc đời của Lão Tử vì có nhiều điểm đặc biệt nên đã được người đời tô điểm thêm nhiều nét kỳ diệu. Nhưng dù sao Ngài cũng là con người lịch sử, đạo lý Ngài là một đạo lý sâu rộng đã dẫn đạo cho các thế hệ hiền triết Trung hoa. Cùng tiếp tay với Lão Tử để xây dựng cái học phương Nam ; có các môn đệ Văn Tử, Thi Tử, Trang Tử và Liệt Tử. Nhưng đáng chú ý hơn là tác-giả Nam hoa kinh tức Trang Tử.
Tác phẩm của Lão Tử, cuốn Đạo Đức Kinh, là một trong những cuốn chuyên luận đáng chú ý nhất trong lịch sử triết học Trung Quốc. Là kiệt tác được cho là của Lão Tử, đụng chạm tới nhiều vấn đề của triết học trong quan hệ giữa con người và thiên nhiên, “người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”, rằng con người cần sống hòa hợp với thiên nhiên và tạo hóa, tuân theo quy luật của thiên nhiên, tu luyện để trở về với Đạo.
Nguồn: Tam Giáo Đại Cương