Theo truyền thuyết Đạo Giáo, thuở Hỗn Độn sơ khai chưa có phân rõ Trời và Đất, trước cả Hỗn Mang, chỉ mới có cái nguyên khí huyền bí là Thái Vô Nguyên Khí (cũng gọi khí Hư Vô Nguyên Thuỷ, hay Hỗn Nguyên khí), có vị Nguyên Thủy Thiên Vương, Nguyên Thủy nghĩa là cái gốc đầu tiên. Nguyên Thủy Thiên Vương chưa phải hẳn là vị thần, mà chỉ là nguyên lý sơ khai. Khi hình thành Thái cực, có Âm Dương, thì thể chất Nguyên Thủy Thiên Vương ngưng kết thành Bàn Cổ rồi tạo ra Trời Đất. Khi Bàn Cổ khai Thiên tích Địa xong, thì kiệt sức ngã xuống, Bàn Cổ Nguyên Thần (Thần Thức hay còn gọi là Linh Hồn) kết hợp Tiên Thiên Thanh Khí phân làm ba trở thành Nguyên Thủy Thiên Tôn (Dương Thức – Hướng Thiên, sau quen gọi Thiên Hồn), Linh Bảo Thiên Tôn (phần Âm Thức – Hướng Địa, sau quen gọi Địa Hồn), Đạo Đức Thiên Tôn (Hoà Thức, tức hoà cả Âm Dương tạo thành Hoà Khí tức Thần Hồn, sau gọi chung là Nguyên Hồn), là bậc tối cao vô thượng của cả vũ trụ. Bàn Cổ thì chết đi, nhưng nguyên thần hóa thành ba vị Thiên Tôn thì tồn tại mãi mãi. Nguyên Thủy Thiên Tôn cùng với Linh Bảo Thiên Tôn và Đạo Đức Thiên Tôn tạo thành Tam Thanh.
Tam Thanh sinh hoá mới thành các đấng thần thánh tiên, và các thần thánh tiên đều quay về cõi Tam Thanh. Ngọc Hoàng Thượng đế là Thiên Đế ở thiên đình, cũng là do Nguyên Thủy Thiên Tôn chỉ định. Tam Thanh gồm Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn và Đạo Đức Thiên Tôn là học trò của Hồng Quân Lão Tổ, Tam thanh cũng chính là đấng tối cao của Đạo giáo.
Theo tiểu thuyết Phong Thần diễn nghĩa thì đồ đệ trưởng của Nguyên Thủy Thiên Tôn gồm 12 vị đại tiên (còn gọi là Thập nhị kim tiên)
- Quảng Thành Tử (chữ Hán 广成子) ở động Vân Tiêu, núi Thái Hoa (sư phụ của Ân Giao)
- Hoàng Long chân nhân (chữ Hán 黄龙真人) ở động Ma Cô, núi Nhị Tiên, tộc Kim Long, Bàn Cổ Long Tộc.
- Xích Tinh Tử (chữ Hán 赤精子) ở động Đào Nguyên, núi Cửu Tiên (sư phụ của Ân Hồng)
- Cụ Lưu Tôn (chữ Hán 惧留孙) ở động Phi Vân, núi Giáp Long (sư phụ của Thổ Hành Tôn) (dựa theo Phật Câu Lưu Tôn trong Phật giáo)
- Thái Ất chân nhân (chữ Hán 太乙真人) ở động Kim Quang, núi Càn Nguyên (sư phụ của Na Tra)
- Linh Bảo đại pháp sư (chữ Hán 灵宝大法师) ở động Nguyên Dương núi Không Động
- Văn Thù quảng pháp thiên tôn (chữ Hán 文殊广法天尊) ở động Vân Tiêu, núi Ngũ Long (sư phụ của Kim Tra) (dựa theo Văn Thù Bồ Tát Trong Phật giáo)
- Phổ Hiền chân nhân (chữ Hán 普贤真人) ở động Bạch Hạc, núi Cửu Cung (sư phụ của Mộc Tra) (dựa theo Phổ Hiền Bồ Tát trong Phật giáo)
- Từ Hàng đạo nhân (chữ Hán 慈航道人) ở động Lạc Già, núi Phổ Đà (sư phụ của Long Cát) (dựa theo Quan Âm Bồ Tát trong Phật giáo)
- Ngọc Đỉnh chân nhân (chữ Hán 玉鼎真人) ở động Kim Hà, núi Ngọc Tuyền (sư phụ Dương Tiễn)
- Đạo Hạnh chân quân (chữ Hán 道行真君) ở động Ngọc Ốc, núi Kim Đình (sư phụ của Hàn Độc Long, Tiết Ác Hổ, Vi Hộ)
- Thanh Hư đạo đức chân quân (chữ Hán 清虚道德真君) ở động Tử Dương, núi Thanh Phong (sư phụ của Hoàng Thiên Hóa, Dương Nhậm)
Câu chuyện hai lần cầu kiến tiên ông Quảng Thành Tử của Hoàng Đế Hiên Viên
Hoàng Đế Hiên Viên nghe nói rằng có một vị tiên nhân cổ xưa tên là Quảng Thành Tử ở trên núi Không Động (hiện nay nằm trong tỉnh Cam Túc), cách xa chỗ ông ở hằng ngàn dặm, rất khó gặp được. Mặc dù vậy, Hoàng Đế (tức vua Hoàng) không quản ngại xa xôi vẫn cố gắng đi đến núi Không Động tìm vị tiên ông Quảng Thành Tử để bái sư cầu Đạo.
Lần thứ nhất đi tới núi Không Động cầu kiến tiên ông Quảng Thành Tử thì Hoàng Đế đã bốn mươi tuổi. Khi đó ông đã làm Vua được hơn hai mươi năm dẫn theo cả một đoàn quân lính tùy tùng rầm rộ. Hoàng Đế ngồi chễm chệ trên lưng con voi lớn ở đằng trước, nguyên phi Luy Tổ và đoàn nữ tiết ngồi trong xe gỗ lớn ở đằng sau, bên ngoài còn có quan văn, quan võ, và binh sỹ gồm hơn trăm người, rầm rầm rộ rộ hướng núi Không Động tiến phát. Để biểu lộ thành ý của mình, ở dưới chân núi Không Động, Hoàng Đế cho đốt cỏ thơm. Cả một bầu không khí tràn ngập với khói xanh của cỏ thơm, các quần thần người múa người hát, âm thanh huyên náo chấn động cả sơn cốc.
Quảng Thành Tử hiện thân ra ở trên đám mây, nói với Hoàng Đế một câu đầy ẩn ý rằng: “Người trị vì thiên hạ kia, chưa nhìn thấy mây mà lại muốn mưa xuống, chưa đến mùa thu thì đã muốn lá vàng rơi, như vậy làm sao có thể bàn đến Đạo được?”. Nói xong, hất cái phất trần lên, Quảng Thành Tử ẩn vào trong đám mây biến mất. Hoàng Đế không thể gặp được, đành phải quay trở về.
Hoàng Đế suy nghĩ lại lời nói của Quảng Thành Tử, sau khi trở về nước, liền chăm chỉ làm việc, lo nước lo dân, tuyển chọn hiền thần theo khả năng đặt vào đúng trách nhiệm, trị quốc một cách sáng suốt, dùng cả hình thức ‘văn’ và ‘võ’, làm nên một sự nghiệp vĩ đại. Truyền thuyết cho rằng, chữ viết, cách nuôi tằm, giao thông bằng xe cộ và tàu bè, âm luật, y học, toán số, hôn nhân, và nghi lễ tang sự đều khởi đầu từ thời đại của Hoàng Đế.
Tuy rằng Hoàng Đế được tôn quý là thiên tử, nhưng ông luôn luôn nghĩ đến lời của tiên ông Quảng Thành Tử. Khoảng sáu mươi năm trôi qua, khi Hoàng Đế được trăm tuổi thì ông quyết định đi lên núi Không Động lần nữa để bái sư học Đạo. Lần này Hoàng Đế đơn độc một mình, yên lặng đi lên núi Không Động.
Lúc này Hoàng Đế đã học được cung cách khiêm tốn, trên đường đi gặp được một vị trưởng giả (tức là tiên ông Xích Tùng Tử). Xích Tùng Tử chỉ điểm cho Hoàng Đế rằng: “Tiên và phàm là không có biên giới, chỉ phân biệt ở trong tâm; nếu không quản ngại lê bước trên đầu gối, thì lòng thành đó sẽ mở ra cả trăm cửa”.
Trên đường đi, Hoàng Đế không ngừng suy nghĩ ý nghĩa của câu nói này. Đến khi đôi giầy của ông đã hoàn toàn mòn quẹt rách rưới, và bàn chân đau đến độ không thể đi bộ nổi nữa, ông đột nhiên tỉnh ngộ, quyết tâm đi tới núi Không Động bằng đầu gối. Đá và cát sỏi giống như dao cắt, cứa đầu gối của ông đến chảy máu. Máu của ông nhuộm đỏ cả đá trên đường đi.
Quảng Thành Tử đã sớm biết sự việc Hoàng Đế lại đến cầu Đạo. Lòng thành và ý chí kiên trì của Hoàng Đế đã làm tiên ông Quảng Thành Tử cảm động. Lúc Hoàng Đế bò đến dưới chân núi Không Động, Quảng Thành Tử lập tức phái một con rồng vàng xuống chở ông lên núi.
Sau đó Quảng Thành Tử đã truyền Đạo cho Hoàng Đế. Khi Hoàng Đế trở về nước, cứ y theo con đường mà tiên ông Quảng Thành Tử dạy bảo, yên lặng tu dưỡng thân tâm. Khi Hoàng Đế được 120 tuổi thì ông cưỡi rồng bay lên Trời giữa ban ngày. Hai lần Hoàng Đế đi bái Sư cầu Đạo đã dẫn đến hai kết quả khác nhau bởi vì trạng thái trong tâm và mức độ chí thành khác nhau. Lần thứ nhất, tuy rằng trong tâm của Hoàng Đế hướng đến Đạo, và biểu lộ một phần kính trọng và lòng chí thành, nhưng ông cũng tỏ vẻ kiêu ngạo với cái tâm nông nổi. Dù rằng ông đã gặp được tiên ông Quảng Thành Tử, ông cũng không học được Đạo. Lần thứ nhì, Hoàng Đế đã không còn tâm nông nổi, tự kiêu nữa. Lòng chí thành hướng đến Đạo cùng với nghị lực và sự chịu đựng khổ nhọc của Hoàng Đế đã làm cho tiên ông Quảng Thành Tử cảm động.