Phần cuối
Vào năm thứ 10 đời Lỗ Định Công (năm 500 trước Công Nguyên), Khổng Tử nhậm chức quan Đại Tư Khấu của nước Lỗ. Trong ngày thứ ba sau khi nhậm chức, ông có thụ lý một vụ án khá thú vị. Cụ thể như sau:
Có hai người kéo áo túm tóc nhau đến nhờ Khổng Tử phân xử. Người lớn Hổ Giác chừng trên 40 tuổi, người nhỏ Hổ Kiến trạc 16 tuổi. Sau khi hỏi ra mới biết cả hai người này là cha con, nhưng trên người cả hai thì lại đầy vết thương tích do đánh nhau. Người nhỏ bầm người, người lớn bầm mặt. Nguyên do cậu con được mẹ nuông chiều từ nhỏ, không bao giờ động tay đến bất cứ việc gì, từ việc nhỏ trong nhà đến việc nặng nhọc ngoài đồng. Khi mẹ mất, cha cậu bảo cậu ra ngoài đồng cùng làm với mình. Chẳng những cậu không chịu mà còn đánh lại cha. Và kết quả thế nào thì các bạn cũng biết rồi đấy.
Chữ “hiếu” trong Nho giáo là cả một hệ thống giá trị, tư tưởng và đạo đức của con người
Ca không hiểu lễ chế này không khó nhưng xử lý sao cho vẹn toàn để cả hai hiểu và làm tròn vai trò của mình thì đến Khổng Tử cũng phải đứng hình, chưa nghĩ ra được cách gì. Trong lúc nhìn ra ngoài cửa sổ, Khổng Tử nhớ đến cái tổ én ở hiên nhà. Lập tức, ông cho người giam hai cha con vào ngục và dặn nhỏ sai nha làm sao cho họ thấy được cái tổ én trước hiên kia. Đến giờ cơm ngục, Hổ Giác và Hổ Kiến quan sát thấy cái tổ chim kia. Trông thấy cảnh chim cha mẹ liên tục vất vả kiếm mồi về, mớm mồi cho con cả ngày, cả hai cha con đều ngộ ra là mình đều chưa làm tròn vai trò, bổn phận của mình theo lễ nghĩa và cảm thấy thương người kia hơn.
Cuối cùng, Hổ Kiến hối lỗi, nhận tội xin quan Đại Tư Khấu tha cho Hổ Giác. Đạt được mục đích là hai cha con ấy đã hiểu được vai trò của mình, Khổng Tử tha cho họ về nhà. Trước khi ra về, Khổng Tử nói với Hổ Giác một câu: “Nuôi không dạy là tội của cha đấy”.
Trích hồi thứ 16, Khổng Tử truyện – Khúc Xuân Lễ
Đây không phải là câu chuyện đặc sắc, cảm động về tình cha con, nhưng nó cho thấy được nếu làm cha mà không dạy con từ nhỏ thì hậu quả sẽ thế nào. Ngoài vai trò nuôi con của người cha, nếu chỉ dạy không thì sẽ thành ông đồ, còn nếu chỉ làm bạn không thì chẳng khác nào những đứa bạn to xác của trẻ. Do vậy, việc cân bằng giữa việc làm thầy hay làm bạn trong quá trình dạy con từ nhỏ là hết sức quan trọng.
Âm dương trong việc dạy con của người làm cha
Làm thầy – Phần dương của chủ thể
“Nghề nhà giáo mang màu sắc thiêng liêng khi nhà giáo chọn phẩm hạnh hoặc tinh thần làm đối tượng để huấn luyện, mở mang chứ không phải tri thức hay lí trí” – Trích Võ sĩ đạo, Linh hồn của Nhật Bản, Inazo Nitobe.
Đó là câu miêu tả hết sức chính xác về nghề nhà giáo kiểu Nho gia xưa. Con trai thì xem cha là tấm gương để học theo, làm cha là dạy con thành “nhân”. Mà để thực sự thành “nhân”, người cha phải dạy con cách làm người thuận theo đạo trời, ứng với cách dạy con trong Nho gia thời xưa. Trời thì thuộc dương, phần dương trong việc dạy con của người cha sẽ có tính chất nghiêm khắc, uy nghi và đáng kính.
Làm bạn – Phần âm của chủ thể
Tình bạn là một trong những điều tuyệt vời mà thượng đế đã ban tặng cho chúng ta. Và càng tuyệt vời hơn nếu như bạn có người bạn thân nhất trong đời bạn là cha mẹ bạn.
Trong đó, không tình bạn nào tuyệt vời, bền chặt hơn tình bạn của cha và con.
Với việc dành thời gian để trở thành người bạn của con, người cha mang đến cho con mình sự thấu cảm, chia sẻ niềm vui nỗi buồn và nuôi dưỡng tâm hồn đứa trẻ phát triển. Đó chính là phần âm trong việc dạy con của người cha.
Cân bằng âm dương
Một sự vật, sự việc tồn tại luôn có tồn tại hai mặt âm dương. Dạy con cũng vậy, người cha không thể chỉ chọn làm thầy hay làm bạn mà phải thực hiện cả hai điều ấy.
Một người cha nếu như chỉ cả đời nghiêm khắc dạy con thì sớm muộn gì giữa cha và con sẽ dần hình thành khoảng cách. Thời gian càng trôi, khoảng cách càng lớn. Đến khi trưởng thành, khả năng cao người con sẽ ám ảnh với những điều người cha dạy dù những điều đó là đúng hay sai, có thể gây phản tác dụng. Đến khi cả hai nhận ra thì đã quá muộn. Con người ngày nay đa phần không thích phần dương trong giáo dục của cha.
Ngược lại, nếu người cha trở thành một người bạn tuyệt đối của người con thì cha con sẽ thân thiết theo nguyên tắc, vì con người thích âm vì nó dễ chịu. Nhưng với xã hội ngày nay, nếu bạn chỉ trông cậy con bạn sẽ trở thành “nhân” nhờ nền giáo dục nước nhà, thì kết quả thế nào chắc bạn cũng đoán được. Tôi không bàn sâu thêm nữa chỗ này.
Ngày xưa, Khổng Tử tùy từng học trò mà có cách dạy khác nhau; ngày nay, với mỗi giai đoạn trong đời, con bạn cũng trở thành những kiểu học trò khác nhau. Muốn dạy con hiệu quả, người cha cần tìm ra phương pháp phù hợp cho mỗi giai đoạn trong đời con. Làm bạn với con giúp bạn hiểu được tâm lý con bạn trong từng giai đoạn, từ đó đưa ra “giáo trình” phù hợp cho việc dạy con. Việc được lắng nghe, thấu hiểu sẽ giúp con bạn kính nể, tiếp thu nền “giáo dục” bạn cần truyền tải cho dù con đang trong giai đoạn nào của cuộc đời.
Âm ít dương nhiều hay âm nhiều dương ít, điều đó tùy thuộc vào tính cách và nhiều yếu tố khác của cả “thầy” và “trò”. Cuối cùng, cần phải hiểu cả làm thầy (dương) và làm bạn (âm) đều là 1 phần của việc dạy con (chủ thể), không thể tách rời.
Biết bao mùa xuân trôi, ngày lại nối ngày, đứa con ngày nào giờ đã trưởng thành
Đi qua bao nhiêu thăng trầm, đứa con trách cứ những điều ba mẹ làm cho nó
Nó nghĩ ba mẹ nó đã sai với nó trước đây…
Nhưng đứa con nào đâu biết ba mẹ nó đã hy sinh biết bao nhiêu cho nó
Thậm chí họ sẵn sàng chết để nó được sống
Ba Bruce