THIÊN CỔ HÙNG VĂN BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ
Thời đại nhà Trần với võ công đệ nhất ba lần chiến thắng Nguyên Mông đã lưu dấu ấn oai hùng không phai mờ trong các tác phẩm thơ văn của các võ tướng như “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, thơ của Chiêu Minh Vương và Phạm Ngũ Lão… Tuy nhiên, khi nói đến phong khí hào hùng, khí phách thượng võ của cả một thời đại lại chỉ có thể biểu hiện tốt nhất qua thể loại Phú, chứ không phải Thơ hay Hịch. Do đó “Bạch Đằng Giang phú” là bài phú duy nhất thời Trần về sông Bạch Đằng, là tác phẩm bất hủ thể hiện tuyệt vời nhất về cả ba lần chiến công trên con sông lịch sử này. Dù Trương Hán Siêu văn võ toàn tài, sự nghiệp vẻ vang, nhưng chỉ có bài phú này mới có thể đưa ông xứng đáng là một bậc đại nho lưu danh thiên cổ vậy.
Học vấn uyên thâm, phò tá bốn triều vua
Trương Hán Siêu (chữ Hán: 張漢超) (năm sinh không rõ – 1354) tên tự là Thăng Phủ hoặc Thăng Am, hiệu Đôn Tẩu), quê ở làng Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay là phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).
Ông không chỉ là nhà chính trị, nhà thơ, nhà sử học danh tiếng, mà còn là một nhà quân sự với học thức sâu rộng, được các vua Trần luôn tôn gọi là Thầy chứ không gọi tên húy. Ông từng làm nhiều chức quan trải suốt 4 đời vua nhà Trần.
Năm Quý Tỵ 1353, ông lãnh quân Thần sách ra trấn nhậm ở Hóa Châu (Huế), giữ đất này yên ổn. Tháng 11 năm sau, ông cáo bệnh xin về nghỉ, nhưng về chưa đến kinh sư thì ông mất. Sau khi ông mất, vua cho truy tặng hàm Thái bảo. Năm 1363, thượng hoàng Trần Nghệ Tông truy tặng Trương Hán Siêu chức Thái phó và được thờ ở Văn Miếu quốc gia (từ năm 1372), ngang với các bậc hiền triết đời xưa.
“Bậc danh nho các đời có bài trừ được dị đoan, truyền giữ được đạo thống thì mới được tòng tự ở Văn Miếu, thế là để tỏ rõ đạo học có ngọn nguồn. Nghệ Tông cho Chu An, Trương Hán Siêu được dự vào đó, thì Hán Siêu là người cứng cỏi, bài xích đạo Phật, An sửa mình trong sạch, bền giữ khí tiết, không cầu hiển đạt”. (Đại Việt sử ký toàn thư)
Lập công thời loạn, đời tư nhiều điều tiếng
Trương Hán Siêu là người tài giỏi, đa tài đa nghệ, văn võ song toàn nhưng cuộc đời thời trẻ cũng lắm gian truân và nhiều điều tiếng.
Đầu tiên, Trương Hán Siêu là một trong những người tài giỏi nhất của lớp học trò đầu tiên của trường đào tạo nhân tài do Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc mở ra. Ông học giỏi đứng đầu trường, được Chiêu Quốc Vương cho phép thay mặt đào tạo các môn sinh khác.
Sau đó ông bị Trưởng tràng là Nguyễn Văn Long ganh ghét nên bày mưu ám hại, phải thay tên đổi họ lẩn trốn.
Sau này khi giặc Nguyên sang xâm lấn, Chiêu Quốc Vương đầu hàng giặc để cầu phú quý vinh hoa, ông được Hưng Đạo Vương mời làm môn khách để cùng bàn tính việc chống ngoại xâm.
Bản thân Trương Hán Siêu tinh thông văn võ, nhất là binh pháp, nên những đóng góp của ông về mặt chiến lược như kế hoạch Thanh dã, sử dụng kỳ binh chính binh kết hợp,… đã góp phần lớn trong các quyết sách quan trọng của Hưng Đạo Vương và triều đình, đem lại thành công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.
Ngoài những chiến công lẫy lừng khi làm môn khách cho Hưng Đạo Vương, thì Đại Việt Sử Ký, cũng ghi nhận nhiều điều không tốt về đời tư của ông:
“…Trương Hán Siêu là ông quan văn học, vượt hẳn mọi người, tuy cứng cỏi, chính trực nhưng lại chơi với kẻ không đáng chơi, gả con gái cho người không đáng gả….”
Thời ấy có điều tiếng cho rằng ông khinh bỉ người cùng hàng, không giao du với họ, khi coi đất Lạng Giang thì gả con gái cho tù trưởng đất ấy là Nùng Ích Vấn, khi coi chùa Huỳnh Lâm thì gả con gái cho tam bảo nô Nguyễn Chế, đều vì mộ sự giàu có của họ cả. Người đời chê ông tham tài mà gả con, không giao du tốt với người cùng hàng mà không nhớ rằng chính những người cùng hàng ấy đã từng cùng nhau công kích khi ông chịu hàm oan. Những người mà ông gả con gái cho đều là những nhân vật có thể giúp vùng biên cương xa xôi kia thần phục trong hòa bình. Nhưng khi người quân tử hành sự, ắt mong sao cho thành đại sự, tránh sao được miệng đời cười chê. Cuộc đời mấy chục năm làm quan được các triều vua kính trọng vì đức độ cứng cỏi, phò vua giúp đời đã nói rõ hơn nhiều về con người của ông.
Vịnh hoa cúc, ai hiểu lòng người quân tử
Thời đại Lý Trần là thời kỳ rực rỡ của văn minh Đại Việt, nhất là văn chương thi ca. Trương Hán Siêu là một bậc đại nho kỳ tài của thời đại đó lẽ dĩ nhiên cũng là một nhà thơ hạng nhất. Ngoài bài Phú sông Bạch Đằng Giang ông còn để lại cho đời những bài thơ Vịnh hoa cúc tuyệt vời, nó biểu hiện sự cao đẹp thanh kỳ của một loài hoa cao thượng có lẽ tượng trưng tốt nhất cho nhân cách chính trực của Trương Hán Siêu.
Trương Hán Siêu trồng hoa cúc bên núi Dục Thúy Sơn, cũng là ngọn núi mà ông đã đặt tên cho nó, những nụ hoa tượng trưng cho khí tiết quân tử được ưa thích bao đời bởi tao nhân mặc khách. Câu thơ “bận rộn khi ngày sắp cuối đông” thể hiện tinh thần “tự cường không nghỉ” dù tuổi đã xế chiều, mỗi ngày đều sống để có thể để lại một tấm gương cho hậu thế.
Vũ dư khai phố di căn chủng
Sương hậu tuần ly trích nhị thu
Mạc đạo u nhân hồn lãn tán
Nhất niên mang sử thị thâm thu.
Mưa tạnh ra vườn tỉa gốc trồng
Sương gieo quanh giậu lượm từng bông
Chớ rằng nhàn ẩn nên lười nhác
Bận rộn khi ngày sắp cuối đông (Đào Phương Bình dịch thơ).
Ông trời như cũng muốn khích lệ tinh thần người văn sĩ, nên dẫu mưa gió tơi bời vẫn để lại nhiều khóm hoa làm bạn với ông:
Nhất thu đa vũ hựu đa phong
Khởi ý thu hoa thượng mãn tùng
Ưng thị thiên công linh lãnh lạc
Cổ lưu hàn nhị bạn suy ông.
Trời thu lắm gió lại nhiều mưa
Khóm trĩu hoa thu thật chẳng ngờ
Tạo hoá phải chăng thương quạnh vắng
Dành bông hoa lạnh tặng già nua – (Đào Phương Bình dịch thơ).
Khi ở xa, nỗi lòng nhớ quê nhà với những khóm cúc vào tiết trùng dương như càng thôi thúc ước mơ lánh đời của bậc trí sĩ, tuy nhiên Trương Hán Siêu là người nặng lòng với dân với nước, nên dầu có nhớ quê thì tấm lòng cũng chỉ dừng lại ở việc làm một bài thơ giống như bài “Quy lai” mà thôi (Quy Lai là bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Lý Thương Ẩn nhà Đường).
Trùng dương thời tiết kim triêu thị
Cố quốc hoàng hoa khai vị khai?
Khước ức cầm tôn tiền nhật nhã
Kỷ hồi tao thủ phú quy lai.
Sớm nay vừa tiết trùng dương
Chẳng hay quê cũ hoa vàng nở chưa
Rượu đàn chạnh nhớ thú xưa
Vò đầu mấy bận làm thơ “đi về” – (Huệ Chi dịch thơ).
Thế nhưng cuộc đời Trương Hán Siêu không phải buồn nhất là không có thời gian nhàn tản với hoa cúc hay về thăm nhà, người viết cho rằng điều khiến ông luôn buồn phiền cả đời là thiếu những người tri kỷ hiểu được cái tâm chân thực của ông. Lúc thiếu thời thì bị bạn đồng môn hãm hại vu cáo đển nỗi phải lánh đi, lúc vào triều thì cách sống lại bị người ta đem ra làm điều tiếng, hỏi ai có thể làm tri kỷ của Trương Hán Siêu đây? Chắc cũng chỉ có Hưng Đạo Đại Vương vừa là cấp trên vừa là tri kỷ của ông thôi. Nhưng Đại Vương sớm đã về trời, cũng như hoa kia không còn rượu để mà vui vẻ cùng thưởng thức nữa rồi. Ai có thể thấu hiểu nỗi lòng của ông đây?
Khứ niên kim nhật hữu hoa đa
Đối khách sầu vô tửu khả xa
Thế sự tương vi mỗi như thử
Kim triêu hữu tửu khước vô hoa.
Ngày này, năm ấy hoa đương độ
Không rượu ngồi suông khách với ta
Trái ngược việc đời thường vẫn thế
Hôm nay có rượu lại không hoa – (Nhóm Lê Quý Đôn dịch thơ).
Lời bàn:
Cổ nhân có câu “văn chính là người”, đạo đức cá nhân, tinh thần của văn nhân sẽ thể hiện rõ rệt trong tác phẩm của họ. Tuy thế văn nhân sinh ra trong các triều đại khác nhau sẽ có phong thái khác nhau. Thời đại võ công đệ nhất như nhà Trần đã sản sinh ra những bậc quân tử văn tài lỗi lạc, để lại những tác phẩm với văn phong hùng tráng, Trương Hán Siêu có thể coi là đứng đầu trong số đó với khí phách và tấm lòng rộng lớn thể hiện trong bài phú Bạch Đằng Giang, xứng đáng là một . Thời Trần, ngay lúc Phật giáo đang ở đỉnh cao nhưng bậc đại nho như ông vẫn kiên định cổ vũ cho Nho học chứ không xu thời phụ thế. Các đời vua Trần đều xưng ông là Thầy chứ không gọi tên, cũng là danh xứng kỳ thực vậy. Một bậc thầy đáng kính của Nho gia thời Trần. Hai câu thơ của ông đơn giản mà hàm súc, đã biểu thị ra phần tinh túy nhất của giá trị quan Nho gia trong việc dựng và giữ nước cho muôn đời.
“Giặc tan muôn thuở thăng bình,
Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao”.” (Bạch Đằng giang phú)
Tác giả: Minh Bảo