Vị Đại Nho và thi nhân ẩn dật trứ danh thiên cổ
- “Ngũ Liễu Tiên Sinh” Đào Uyên Minh
Đào Uyên Minh là “thi nhân điền viên” nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. (Ảnh: Kknews)
Đào Uyên Minh (365 – 427), danh là Tiềm, tự là Nguyên Lượng, biệt hiệu là “Ngũ Liễu tiên sinh”, thụy hiệu là Tĩnh tiết, là người Tầm Dương, Sài Tang (nay thuộc phía Tây Nam thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây).
Đào Uyên Minh sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm quan. Cụ nội của ông là Đào Khản, là khai quốc công thần thời Đông Tấn, được truy tặng chức Đại tư mã và được phong chức Trường Sa quận công; cụ ngoại Mạnh Gia cũng là danh sĩ của Đông Tấn.
Tuy nhiên, khi Đào Uyên Minh được sinh ra thì gia cảnh sa sút, 8 tuổi đã mất cha, ông cùng mẹ và em gái sống qua ngày, cô nhi quả mẫu, cuộc sống hết sức khó khăn.
Từ nhỏ Đào Uyên Minh đã là người ham thích đọc sách, không muốn theo đuổi con đường công danh sự nghiệp, làm quan lớn. Mặc dù ông thường bị đói vì trong nhà không có gì ăn nhưng vẫn lấy việc học làm vui.
Về sau, gia cảnh ngày càng khốn khó, Đào Uyên Minh dù chăm chỉ làm ruộng nhưng cũng không đủ nuôi gia đình. Lúc ấy, bạn bè đều khuyên ông nên ra làm quan vừa phục vụ dân chúng lại có thể sinh tồn. Để sinh tồn, Đào Uyên Minh đành chấp nhận.
Sau ông ra làm quan, nhậm các chức quan nhỏ như Tế tửu Giang Châu, Trấn quân tham quân, Bành trạch lệnh…được quan trên hậu đãi bởi tài năng đức độ.
Tuy nhiên, do bởi nhìn không quen tác phong tồi tệ chốn quan trường, chẳng bao lâu ông xin từ chức. Năm 41 tuổi, ông treo ấn từ quan, ẩn cư tại chân núi Lư Sơn, cày cấy ruộng đồng, uống rượu làm thơ, sống vậy đến cuối đời. Sau này người đời đã tôn xưng ông là “Thiên cổ ẩn dật chi tông”.
- Thi nhân Đào Uyên Minh- Người không tu đạo mà đã ở trong đạo
Tranh vẽ Đào Uyên Minh. (Tranh: Họa sĩ Thạch Đào, thời Minh – Thanh, Wikipedia, Public Domain)
Đào Uyên Minh là một nhân vật quan trọng hàng đầu và là “thi nhân điền viên” nổi tiếng nhất trong lịch sử và văn học Trung Quốc.
Không chỉ là người khởi xướng phái thơ “điền viên” của Trung Quốc, mà còn là nhà từ phú, nhà tản văn, ông để lại hơn 120 bài thơ ca, hơn 10 bài tản văn và từ phú.
“Ngũ Liễu Tiên Sinh” là loại hình nhân cách ảnh hưởng sâu đậm nhất đến văn chương và lịch sử Việt Nam, thậm chí còn có phần lấn lướt hơn cả Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch, hay Đường Tống bát đại gia…Nếu như Nghiêu Thuấn là biểu tượng huyền thoại của các đấng minh quân, Trương Lương là biểu tượng tham chính thành công của các bậc đế sư, thì Đào Uyên Minh là hình mẫu phổ biến cho Nhà Nho ở ẩn.
Không những giống như các sĩ đại phu thông thường học tập theo Lão Tử, Trang Tử, Đào Uyên Minh còn học theo văn học, lịch sử, “Lục kinh” của Nho giáo, và các loại “Dị thư” như thần thoại… vì vậy tư tưởng của ông mang hơi hướng của cả Nho giáo và Đạo giáo.
Thơ của Đào Uyên Minh khiến người đọc có thể cảm nhận được một dư vị thanh đạm. Cái “thanh đạm” trong thơ của ông đã thanh đến mức không màu và đạm đến mức không vị.
Thi nhân thời nhà Kim – Nguyên Hiếu Vấn, đã bình luận về thơ của Đào Uyên Minh như sau: “Người chỉ một lần nói về tự nhiên mà muôn đời còn thấy mới mẻ, bao nhiêu hào hoa đã rụng hết chỉ còn lại văn phong chân thực thuần phác của ông”.
Các thi nhân đều cho rằng muốn hiểu được thơ Đào Uyên Minh chẳng những cần phải có trình độ văn thơ mà còn cần phải có nội tâm siêu thoát người thường. Bởi vì có thể làm thơ đến mức chí thanh chí đạm thì trong lòng phải không vấy bụi trần, gạt bỏ được những suy nghĩ tầm thường và cần một loại tâm tính chỉ có thể có ở những người gần với Đạo.
Thơ ca của Ngũ Liễu Tiên Sinh về cơ bản có thể chia làm hai loại là thơ vịnh hoài và thơ điền viên.
Thơ vịnh hoài đả kích sự đen tối trong hiện thực chính trị xã hội; thơ điền viên lại ca ngợi phong cảnh tự nhiên và cuộc sống điền viên, đồng thời phản ánh cuộc sống khổ cực của người nông dân.
Những bài thơ kiệt xuất siêu phàm thoát tục của Đào Uyên Minh phải kể đến như “Ẩm tửu ngũ thủ”, “Tạp thi ngũ thủ”, “Vịnh bần sỹ ngũ thủ”, “Quy viên điền cư ngũ thủ”, “Di cư”…
Câu thơ nổi tiếng “Thái cúc đông ly hạ; Du nhiên kiến Nam sơn” (Giậu đông hái đoá cúc nhà; Nam sơn thanh thản cho ta ngóng về) chính là lời khắc họa về cuộc đời của Đào Uyên Minh. Giống như hoa cúc là ẩn sĩ giữa muôn loài hoa, Đào Uyên Minh “không chịu khom lưng vì năm đấu gạo”, cũng giống như hoa cúc thanh nhã dịu dàng tỏa hương, mãi mãi được người đời sau ngưỡng mộ.
Ông cũng bộc bạch trong bài “Quy khứ lai từ tự”: “Chất tính tự nhiên, phi kiểu lệ sở đắc”, vì bản tính ta vốn tự nhiên chất phác, cái việc làm quan này chẳng phải là việc miễn cưỡng mà làm được.
Đào Uyên Minh cả đời sống trong nghèo khổ bủa vây. Tuy vậy, ngay cả khi ở vào hoàn cảnh khó khăn bần cùng đến như vậy, Đào Uyên Minh vẫn luôn không một lời than vãn, không tiếc nuối công danh bổng lộc mà an bần thủ đạo.
Ông từng viết: “Ngày hè thường nhịn đói, đêm lạnh không có chăn. Trời vừa tối đã mong gà gáy sáng, trời vừa sáng lại mong trời tối. Bản thân ta không oán trời, cũng không oán trách đất. Trước mắt cuộc sống khó khăn như vậy cũng phải sống. Ta cũng không muốn lưu lại cái danh gì, hết thảy đều tựa như mây khói bay”.
- Giai thoại về “Ngũ Liễu Tiên Sinh”
Đào Uyên Minh (Theo vn.edu.vn)
- Học tập quý ở chỗ kiên trì
Một cậu thiếu niên thỉnh giáo Đào Uyên Minh rằng: “Con hết sức kính nể học thức của tiên sinh, muốn thỉnh giáo Ngài bí quyết đọc sách”.
Đào Uyên Minh nói: “Học tập nào có bí quyết gì? Chăm học thì tiến bộ, ngừng học thì sa sút thôi”.
Ông kéo thiếu niên tới chỗ ruộng lúa, trỏ vào rễ và mầm lúa, nói: “Con nhìn kỹ xem nó có cao lớn không?”.
Cậu thiếu niên nhìn kỹ một lúc lâu, rồi nói: “Dạ không thấy cao ạ”.
Đào Uyên Minh lại hỏi: “Thật sự không thấy cao ư? Như thế, cây mạ giống tí xíu này làm sao cao lớn như thế được vậy?”.
Ông thấy thiếu niên cúi đầu không nói, bèn hướng dẫn từng bước, nói: “Thực ra nó mỗi thời khắc đều đang lớn lên đó! Nhưng mắt thường chúng ta không nhìn được rõ. Đọc sách học tập cũng cùng một lý như thế, học thức là từ từ tích lũy lại, có khi ngay bản thân cũng không dễ phát hiện ra đâu, chỉ cần chăm học không ngừng nghỉ, thì có ngày tài giỏi”.
Tiếp đó, Đào Uyên Minh lại chỉ vào một khối đá mài bên bờ suối, hỏi cậu thiếu niên: “Bề mặt tảng đá mài kia vì sao mà lõm như cái yên ngựa thế?”.
Thiếu niên thuận miệng đáp: “Đó là vì bị mài mòn thành như thế“.
Đào Uyên Minh nói: “Đó là vì các bác nông dân hàng ngày mài dao, mài cuốc, dần dần mới thành ra vậy. Học tập cũng như thế, nếu không kiên trì đọc sách, mỗi ngày đều sẽ tổn thất đó”.
Thiếu niên bỗng tỉnh ngộ, bái tạ Đào Uyên Minh. Đào Uyên Minh viết cho cậu một câu đối như sau: “Cần học như xuân khởi chi miêu, bất kiến kỳ tăng, nhật hữu sở trường; xuyết học như ma đao chi thạch, bất kiến kỳ tổn, nhật hữu sở khuy.” (Tạm dịch: Cần cù học tập giống như mầm cây mùa xuân, không thấy nó tăng trưởng, nhưng hàng ngày nó đều có lớn lên. Bỏ học giống như tảng đá mài dao, không thấy tổn thất gì, nhưng hàng ngày nó đều bị khuyết đi)
- Không vì năm đấu gạo mà khom lưng
Lần cuối cùng Đào Uyên Minh làm quan đó là vào năm Nghĩa Hi thứ nhất (năm 405). Năm đó, ông đã qua tuổi “bất hoặc” (40 tuổi), theo lời khuyên của bạn bè ông ra làm huyện lệnh Bành Trạch.
Có một lần trên quận phái tên đốc bưu luôn “cậy quyền cậy thế, tác uy tác phúc” xuống xem xét tình hình. Có tiểu lại bảo Đào Uyên Minh đó là người của bên trên phái xuống, phải ăn mặc chỉnh tề cung kính mà nghênh tiếp. Ông nghe xong than dài và nói rằng: “Ta không vì bổng lộc 5 đấu gạo của huyện nhỏ này mà khom lưng khúm núm phục vụ cho những người ấy”.
Nói xong ông liền từ quan về nhà. Đào Uyên Minh làm huyện lệnh Bành Trạch chỉ hơn 80 ngày. Lần từ quan này, ông vĩnh viễn rời khỏi chốn quan trường. Từ đó trở đi ông vừa đọc sách làm thơ, vừa tham gia cày cấy sinh sống.
Về sau do bởi nông điền luôn gặp phải thiên tai, nhà lại bị cháy, gia cảnh ngày càng túng bấn, nhưng trước sau ông vẫn không ra làm quan để cầu bổng lộc, thậm chí ngay cả Thứ sử Giang châu tặng đến gạo và thịt ông cũng kiên quyết không nhận. Triều đình từng cho mời ông làm Trứ tác lang cũng bị ông từ chối.
Đào Uyên Minh qua đời trong cảnh nhà bần hàn. Ông vốn có thể sống một cuộc sống thong dong, chí ít cũng không phải lo cái ăn cái mặc, nhưng ông đã lấy nhân cách và khí tiết để đánh đổi, nên ông đã chọn lấy cuộc sống nghèo khổ thiếu ăn thiếu mặc nhưng tâm bình an.
Nguồn:
- Tinhhoa.net: Thiên cổ ẩn sĩ Đào Uyên Minh (P.1): Tuổi trẻ tài cao, nổi danh thiên hạ
- Tinhhoa.net: Học tập quý ở kiên trì và bền bỉ
- Tinhhoa.net: Khí tiết của trí thức xưa: Thà chịu chết đói chứ không vì miếng ăn mà khom lưng
- Trithucvn.org: Thi sĩ Đào Uyên Minh: Người không tu Đạo mà đã ở trong Đạo
- Trithucvn.org: Tâm cảnh trong thơ của các thi nhân kiệt xuất thời cổ
- Minhui.org: Văn hóa Thần truyền: Học tập quý ở chỗ kiên trì
- Sách Đào Uyên Minh toàn tập- Trần Trọng Dương