Trong giao tiếp thường ngày với nhau, chúng ta hay bắt gặp những câu nói dân gian hay ca dao tục ngữ, thành ngữ,… Cụ thể là những câu nói bất hủ của thế hệ xưa mà chúng ta thường hay gọi là “ông bà ta hay nói…” hoặc “các cụ thường bảo là…”. Nguồn gốc của những câu nói này đều là một bí ẩn và cũng chẳng cần phải tìm ra tác giả của nó. Chỉ biết là các câu nói này đều mang một đạo lý vô cùng thâm sâu và chứa đựng nhiều kinh nghiệm sống quý báu được đúc kết từ ngàn đời, chính vì vậy mà nó vẫn còn nguyên giá trị qua biết bao thế hệ từ xưa cho đến nay.
Chỉ tiếc rằng do truyền qua nhiều đời như vậy nên một số câu nói đã không còn nguyên vẹn ý nghĩa gốc của nó, nội hàm ý nghĩa đã suy giảm ít nhiều hoặc thậm chí còn bị lệch lạc, hiểu sai. Đó là do các thế hệ sau dần dần đã không còn đứng trong cảnh giới tư tưởng rất cao của người xưa để giải thích lại một cách đúng đắn.
Một trong những câu nói quen thuộc xuất phát từ dân gian đó là: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Đây là câu nói không chỉ mang giá trị đơn thuần là tình cảm cha con như chúng ta vẫn hay thấy trên bề mặt hoặc dùng để khen ngợi một kỹ năng nào đó của người con vượt trội hơn so với người cha để nói lên rằng gia đình đó may mắn. Cũng không Mà câu nói đó đứng tại góc độ nhận thức rất cao của người xưa về quan niệm đạo đức cũng như sự tu dưỡng tâm tính và đồng thời cũng không rời xa khỏi quy luật nhân quả.
Phúc đức chính là từ tổ tiên để lại cho con cháu
Người xưa thường hay nói “tích đức cho con cháu” hoặc “phước đức ông bà để lại”,…Những câu nói đó vô cùng đúng đắn. Nếu một gia đình không có phúc khí truyền thừa lại thì con cháu cũng chẳng hơn được đời sau. Dù có tài giỏi đến mấy nhưng bậc làm cha mẹ lại không biết gìn giữ đạo đức của mình, luôn chạy theo các thủ đoạn gây thương tổn và thiệt hại đến người khác, luôn chỉ muốn phần tốt nhất cho bản thân mình mà không đề cao lễ nghĩa và phẩm hạnh thì phúc khí cũng dần tản mất, nên đời sau cũng chẳng còn được thừa hưởng. Vì vậy người ta cũng thường nói là: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” cũng chính là ý muốn nói việc phúc đức luân chuyển qua mỗi thế hệ nếu không được coi trọng và gìn giữ thì sớm muộn cũng sẽ tiêu tan dần, không truyền thừa được qua nhiều thế hệ.
Cho nên câu nói “con hơn cha là nhà có phúc” chính là nói về phúc phận sinh ra từ đạo đức và sự tu dưỡng của cả thế hệ tổ tiên đời trước mà truyền thừa lại cho con cháu để đời sau có cơ hội làm rạng rỡ tông môn. Hay nói cách khác, nếu là một gia đình không có phúc đức to lớn thì con cái không thể nào hơn cha mẹ được. Đó mới chính là hàm nghĩa chân chính mà người xưa trong quá trình tu dưỡng đã lĩnh hội được và truyền miệng nhau câu nói đó.
Nuôi dạy con cái đúng đắn cũng chính là giữ được phúc đức
Nếu như được thừa hưởng ân đức tốt đẹp từ ông bà, cha mẹ thì mỗi cá nhân nên phải tích trữ và làm cho nó càng dày hơn thì đời sau chắc chắn sẽ phát hơn đời trước. Tuy nhiên, việc tích trữ và phát huy như thế nào mới là điều cần phải được các bậc làm cha mẹ dạy bảo và khuyên răn.
Trong cuộc sống chúng ta cũng gặp không ít trường hợp có nhiều gia đình giàu xổi chỉ sau một thời gian ngắn nhưng đến đời con cái tiếp quản lại bỗng chốc tiêu tan. Ấy là vì cách dạy dỗ của cha mẹ trước khi trao sản nghiệp chưa thật sự tốt. Họ chỉ muốn những điều tốt nhất cho con cái dựa trên những tiện ích mà họ có thể mua được bằng tiền, còn những giá trị đạo đức và sự khổ nhọc để nuôi rèn ý chí thì hầu như không được chú trọng.
Trong Tam Tự Kinh có câu: “Cẩu bất giáo, tính nãi thiên”
Có nghĩa là nếu không giáo dục tốt, tính tình của đứa bé sẽ dần thiên lệch và trở nên không còn thuần chính nữa.
Ý thức rất lớn từ việc tu rèn nhân phẩm để có thể xứng đáng tạo lập chỗ đứng trong xã hội và đáng được những gì nên có. Cho nên Nho giáo dạy con theo các giá trị ngũ thường này chính là phương hướng đúng đắn nhất để tạo ra các bậc hiền tài và nghĩa sĩ.
Vậy nên việc dạy dỗ con cái là điều vô cùng quan trọng, vì không chỉ giúp cho chính bản thân con cái giỏi giang hơn mà còn phát huy được đức hạnh to lớn để có thể mang lại điều tốt cho xã hội. Và đặc biệt hơn hết là tiếp nối được phúc khí của tổ tiên từ đời này sang đời khác để mỗi đời sau đều tốt hơn đời trước.
Tác giả: Tùng Phong