Lý thuyết nhị nguyên hay hai đặc tính đối lập tồn tại trong mọi vật là nhận thức chung của hầu hết các nền văn minh, trong đó có Trung Hoa. Người Trung Hoa thông qua Đạo gia mà nhận thức quy luật này và gọi nó là thuyết Âm Dương.
Triết thuyết này là quy luật cơ bản, then chốt xuyên suốt nền văn minh phương Đông, là nền tảng của mọi thứ từ học thuyết Nho gia, Đạo gia cho đến Kinh Dịch và các học thuật lý số khác. Nó đã tạo nên nhiều thành tựu phong phú và đáng kinh ngạc trong hầu như mọi mặt của cuộc sống. Một trong những thành tựu đó là nhận thức đối với con người và xã hội, đặc biệt là sự lý giải thấu đáo về các mối quan hệ của con người. Đối nhân xử thế sao cho “hài hòa” là một chủ đề quan trọng và được chú trọng ở văn minh phương Đông. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu triết lý Âm Dương áp dụng vào việc đối nhân xử thế sẽ đem lại hiệu quả kỳ diệu thế nào nhé.
一陰一陽之謂道,
Nhất âm nhất Dương chi vị Đạo (một Âm một Dương chính là Đạo)
繼 之 者 善 也, 成 之 者 性 也
Kế chi giả thiện dã. Thành chi giả tính dã (theo thì sẽ tốt đẹp, thành thì toàn chân)
(Hệ từ Thượng-Kinh Dịch)
Hãy sống mạnh mẽ, chủ động như Trời và lòng bao dung rộng rãi như Đất
Đại tượng truyện viết:
天行健,君子以自強不息
Thiên hành Kiện, quân tử tự cường bất tức
地勢坤,君子以厚德載物
Địa thế khôn, quân tử dĩ đức hậu tải vật.
Tạm dịch:
Đạo Trời luôn vận hành mạnh mẽ, người quân tử hãy theo trời mà tự trở nên mạnh mẽ không ngừng.
Khôn là Đất: Đạo của Đất có tính nhu hòa, quân tử dùng đức dày mà cưu mang vạn vật.
Hai lực Âm Dương vận động trong sự đối lập với nhau và chưa bao giờ ngừng và tạo ra động lực phát triển của toàn vũ trụ. Đó là nguyên lý Âm cực sinh Dương và Dương cực sinh Âm, một vòng tuần hoàn chưa bao giờ dừng lại. Nó thể hiện rõ nhất ở thời gian luôn trôi qua, ngày đêm và bốn mùa luôn tuần tự nối nhau mà thay đổi. Hoa nở rồi lại tàn, thành trụ hoại diệt nối tiếp nhau từ nhỏ nhất của từng tế bào cơ thể cho đến tận sâu nơi các thiên hà xa xôi. Đó là sức sống vô tận của trời đất vạn vật, luôn tuần hoàn và phát triển, luôn tích cực và mạnh mẽ không ngừng.
Trời và Đất đại biểu cho hai nguồn lực Âm Dương to lớn nhất, tuy nhiên dù có vận động mạnh mẽ như Trời hay dịu dàng che chở như Đất, thì nguyên lý của Trời Đất (Đạo) cũng đều phải vận động, dù là vận động đó có biểu hiện mạnh mẽ như Trời, hay là nhu hòa như Đất. Trời Đất phải vận động thì thế gian mới trường tồn, vì thế người quân tử (ở đây hiểu là người sống thuận theo đạo Trời Đất) phải làm theo thì mới đạt đến cái tốt hoàn hảo.
Do đó Kinh Dịch dùng 4 chữ Nguyên Hanh Lợi Trinh, để chữ sự tốt đẹp nhất mà con người ta có thể đạt đến khi luôn vận động theo đúng nguyên lý Âm Dương, sống thuận theo Thiên đạo. Nếu xã hội này ai ai cũng đều vận động tích cực phát triển bản thân, sống vui vẻ mạnh mẽ lạc quan đồng thời luôn nhẫn nhịn chịu đựng, vui vẻ hòa thuận với mọi người, hòa hợp thiên nhiên, thì có lẽ chúng ta sẽ không phải sống trong một trái đất xuống cấp và một cuộc sống nhiều khổ nạn như hiện nay.
So sánh đố kỵ là gốc của khổ đau, bản thân mỗi người là quý giá nhất
Hệ từ Thượng viết:
仁者見之謂之仁,知者見之謂之知。百姓日用而不知,故君子之道鮮矣。
Nhân giả kiến chi vị chi nhân. Tri giả kiến chi vị chi trí. Bách tính nhật dụng nhi bất tri. Cố quân tử chi đạo tiển hĩ.
Tạm dịch:
Người nhân thì gọi là Nhân. Người trí thì gọi là Trí. Bách tính thì tuy tiếp xúc với Đạo hàng ngày, mà vẫn chưa biết đạo là gì. Nên cái Đạo của người quân tử, thật là hiếm thấy vậy.
Lời bàn: Đạo chỉ có một nhưng tạo ra toàn thể thế gian và con người. Người nhân thấy nhân, người trí thấy trí, vậy Đạo ở vạn sự vạn vật là khác nhau. Mỗi thứ đều là duy nhất, là phản ánh của Đạo, cũng chứa Đạo hay Âm Dương trong nó. Nên ta có thể nói rằng, mỗi con người cũng là duy nhất trên thế giới này.
Không như cổ nhân sống an lạc, luôn khắc chế dục vọng nên ít có tâm truy cầu và ít khổ đau. Người ngày nay hầu như ai ai cũng không hài lòng với bản thân và cuộc sống hiện tại. Tất cả đều nhìn xung quanh, muốn vươn lên bằng cách nỗ lực để có được nhiều hơn và làm cho bản thân dễ chịu hơn. Nhưng điều nghịch lý là càng có nhiều, người ta lại càng muốn nhiều hơn vì dục vọng là vô tận. Ngoài ra, khi càng hướng ngoại, người ta lại càng cảm thấy không hài lòng với bản thân khi so sánh với người khác, do đó lại càng dấn sâu hơn vào con đường đau khổ. Tất cả điều này đều đến từ một loại tâm, mà người ta hay gọi là tâm đố kỵ. Nó xuất phát từ sự so sánh bản thân cũng như mọi thứ xung quanh bằng một thế giới quan sai lệch đã dưỡng thành từ nhỏ đến lớn.
Triết lý Âm Dương cho rằng hai thành phần Âm Dương cấu thành nên vạn sự vạn vật bằng cách kết hợp với nhau ở các tỷ lệ hoàn toàn khác nhau, thời gian khác nhau trong vô vàn hoàn cảnh khác nhau nên trên đời này chưa bao giờ có xuất hiện hai sự vật là hoàn toàn giống nhau. Nói một cách khác, mỗi một sự vật trên đời là duy nhất. Mỗi một cá nhân chúng ta đều là sinh vật duy nhất trong toàn vũ trụ, hoàn hảo theo tiêu chuẩn mà chúng ta được tạo ra và không thể so sánh với bất kỳ ai. Vậy thì sự tồn tại của tâm đố kỵ là gì nếu chẳng phải là một ảo tưởng do hàng loạt quan niệm của chúng ta tạo ra? Khi sự tồn tại của bạn là duy nhất và hoàn hảo theo cách của nó, vậy những nỗ lực trở nên hoàn hảo hơn người khác chẳng phải cũng là vô ích?
Vậy muốn hạnh phúc hơn, chẳng phải chỉ cần bỏ đi những tư duy đó, tận dụng thời gian để làm cho bản thân mạnh mẽ theo thời gian là đủ. Như bên trên chúng ta đã nói về “người quân tử” luôn tuân theo đạo Trời mà “làm cho bản thân mạnh mẽ” không ngừng. Hơn nữa, khi bạn biết rằng bản thân là duy nhất, là tạo vật kỳ diệu trong vũ trụ, có một cơ thể do Thần tạo ra và có đầy đủ năng lực trí tuệ để đạt được mọi hạnh phúc nếu làm đúng (con người được coi là vạn vật tối linh, là sinh vật duy nhất có thể tu thành Thần), thì chẳng phải nên tận hưởng niềm hạnh phúc đó sao? Kiếp người ngắn ngủi, thời thanh xuân sẽ qua trong chớp mắt, trăm năm đời người cũng sẽ qua như gió cuốn mây trôi. Đức Phật từng dạy rằng “nhân thân nan đắc”, vậy thì hãy ngừng so sánh và vui với chính mình, hãy luôn làm điều tốt nếu có thể. Bản thân sự sống, sinh ra và tồn tại của bạn xứng đáng là một tuyệt tác kỳ vĩ rồi đó, còn tìm kiếm bên ngoài làm gì.
Nếu bạn còn nghi ngờ điều này thì hãy xem thông tin mỗi ngày có bao nhiêu đứa trẻ phải chết khi vừa sinh ra. Hãy gặp những cặp vợ chồng hiếm muộn nói chuyện về nỗi buồn của họ sau bao năm chờ đợi một sinh mệnh ra đời. Sau cùng bạn hãy quay về nhà và hỏi cha mẹ bạn về cảm giác của họ khi mang nặng đẻ đau và chứng kiến bạn chào đời.
Bạn sẽ hiểu được bản thân mình đáng quý như thế nào. Viết đến đây, tôi lại chợt thấy buồn cho những bạn trẻ vì nông nổi mà đánh mất sinh mạng mình khi còn trẻ, hủy hoại đi một kỳ quan của tạo hóa, thật đáng tiếc thay. Giá như ai cũng hiểu một chút về nguyên lý Âm Dương này.
Muốn thay đổi thế giới, hãy thay đổi chính mình
Sách Đại học viết:
大學之道,在明明德,在親民,在止於至善
Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện.
Lời bàn: Đại học chi Đạo là cái học của bậc Đại nhân, của những nhà lãnh đạo muốn tạo nên sự nghiệp thiên cổ. Họ là những người có thể thay đổi thế giới. Ấy vậy mà cái Đạo của việc thay đổi thế giới ấy lại nằm ở việc tự mình tu thân để “minh minh đức” nghĩa là làm sáng cái đức của bản thân, khiêm tốn gần gũi nhân dân, học hỏi và sửa bản thân cho đến khi hoàn thiện mới thôi (chỉ ư chí thiện). Vậy để thay đổi thế giới này, hãy tu sửa chính bản thân mỗi người trở nên đạo đức thiện lương là đủ. Một người thiện lương sẽ có thêm nhiều người thiện lương. Một lãnh đạo thế giới thiện lương sẽ là hình mẫu của cả quốc gia thiện lương. Chẳng phải thay đổi thế giới là điều hoàn toàn khả thi sao?
Nhân loại giã từ thời cận đại và bước vào nền văn minh ngày nay với các cuộc cách mạng công nghệ lớn. Sự cải tiến liên tục của công nghệ tạo nên một nền văn minh vật chất chưa từng thấy nhưng nó cũng đem đến vô số hệ lụy. Những vấn đề về môi trường, bệnh tật, tinh thần do nền công nghiệp hóa gây ra chưa bao giờ dừng lại.
Điều này làm cho rất nhiều người trên khắp thế giới, mọi tầng lớp ai cũng muốn làm nên điều gì đó để thay đổi tình trạng hiện nay. Nhưng sau trăm năm nỗ lực, với vô số tiền bạc đổ ra, vô số anh tài ra tay, vô số giải pháp mà chỉ giải quyết được một số vấn đề trước mắt và tệ hơn là, nó lại khiến các vấn đề khác sinh ra không ngừng. Vậy phải chăng là con người chỉ có thể làm thế giới tệ hơn mà không thể nào thay đổi nó và làm nó tốt đẹp hơn hiện nay? Một lần nữa câu trả lời có thể không đến từ nền khoa học nguyên tử phương Tây, mà nó nằm sẵn trong triết lý Âm Dương của phương Đông.
Khi hỏi rằng chúng ta có thể thay đổi thế giới hay không và bằng cách nào? Thánh nhân phương Đông sẽ trả lời là hoàn toàn có thể và cách duy nhất là mỗi người phải thay đổi chính mình. Điều này dựa trên triết lý Âm Dương. Thuyết Âm Dương cho rằng: “Âm và Dương là hai mặt của một thể thống nhất là Thái cực và luôn vận động, luôn cân bằng. Không có gì thuần Âm hay thuần Dương”. Do đó, một con người sống trên đời và sự tồn tại của anh ta thế giới xung quanh hoàn toàn có thể coi là một cặp phạm trù Âm Dương. Nếu đã là một cặp Âm Dương, thì một cá nhân tuy nhỏ nhưng xét về lực lượng tương quan là chiếm phân nửa của cái vũ trụ đối ứng với anh ấy.
Vì nguyên lý Âm Dương cho rằng Âm và Dương cùng tồn tại trong một thể thống nhất (Thái Cực). Khi nào anh ta còn tồn tại nghĩa là lực lượng của anh còn mạnh mẽ cân bằng với cái vũ trụ xung quanh. Thế giới xung quanh anh ấy cũng là hình ảnh phản chiếu và hiển hiện ra căn cứ theo tình trạng của anh. Vì thế tuy cùng là một vũ trụ thực tại, nhưng cảm nhận của mỗi cá nhân là khác nhau, tác động qua lại của thế giới đến mỗi cá nhân là khác nhau. Thế giới của người giàu, thành công và thế giới của người nghèo, thất bại là khác nhau dù cùng tồn tại trong một vũ trụ thực thể. Bởi vì cảm nhận và tác động của mỗi người lên vũ trụ là khác nhau, tất cả đều là các cặp Âm Dương độc lập với nhau cùng tồn tại trong một vũ trụ chung bên ngoài.
Như chúng ta biết, Âm và Dương luôn tồn tại đối lập trong một thể thống nhất, nếu một trong hai thay đổi chẳng phải sẽ khiến cái còn lại thay đổi theo? Do đó nếu một người đột nhiên thay đổi chính mình hoàn toàn từ tư duy đến mọi thứ thì điều gì sẽ xảy ra? Câu trả lời là thế giới xung quanh anh ta sẽ hoàn toàn thay đổi theo vì Âm Dương là phải tương ứng với nhau trong một thể thống nhất. Đây cũng là chút bí quyết mà các diễn giả hay các tay triệu phú truyền cảm hứng hay đề cập đến trong các lớp làm giàu. Họ luôn nói rằng chỉ cần một người muốn trở nên giàu có thì hãy ngày ngày tưởng tượng hình dung cụ thể cái giàu có ấy, dùng cách kỹ thuật lặp đi lặp lại những điều đó khiến nó ghi vào tiềm thức, và người đó từ từ sẽ được như nguyện.
Điều này có một phần đúng nhưng thực tế là vẫn chưa đủ, vì muốn thế phải có thêm một yếu tố khác, ở đây tôi không đề cập đến. Ở đây tôi chỉ giải thích sự nguy hại của nó khi người học chỉ biết một nửa, nhất là những điều về tâm linh huyền diệu.
Bạn có thấy rằng sau các lớp học triệu phú, hầu như không có ai giàu lên trừ những diễn giả. Vì sao như thế? Vì khi người ta mong muốn làm giàu nhanh bằng mọi giá, ý nghĩ xấu ấy khiến cho vũ trụ xung quanh và người đó trở nên mất cân bằng, vì đó là tâm tham cầu. Một cá nhân càng tham cầu mạnh mẽ, sự cân bằng của vũ trụ xung quanh anh ta càng rối loạn và chiêu mời điều không tốt. Nếu anh ta không đạt được thì còn tốt, nếu đạt được gì đó thì cũng sẽ mất đi nhiều thứ tương ứng để lập lại sự cân bằng Âm Dương, bất thất bất đắc (không mất thì không được có).
Điều hệ trọng là khi cầu tiền bạc, anh ta chẳng hề biết mình sắp mất đi cái gì để đổi lấy nó, do đó có khi hối hận thì đã muộn. Vì vậy mà nền triết lý cổ xưa luôn dạy con người ta ức chế dục vọng để thành công và bình an là có lý do. Nên hãy hướng Thiện, bớt đi ham muốn bản thân thì mới có thể thay đổi thế giới xung quanh một cách tốt đẹp nhất.
Vì sao phải ức chế dục vọng bản thân? Vì dục vọng sẽ dẫn động tâm trí người ta, khiến nó không còn cân bằng mà chỉ ngả theo một hướng. Trạng thái đó rất nguy hiểm, vì tâm trí là chủ tể của con người và khống chế mọi thứ. Khi nó mất cân bằng và hướng về phía thỏa mãn dục vọng, dần dần người ta sẽ trở nên cực đoan và kích động, thậm chí tự làm hại mình và người khác. Tâm trí nhiều người nếu đều như thế, ắt toàn thế giới đều sẽ bị ảnh hưởng. Trong nền văn minh vật chất ngày nay, mọi thứ đều tập trung kích thích dục vọng nhân loại, làm mọi cách để kích thích và thỏa mãn nó. Nhưng dục vọng là không có điểm dừng, khi cháy lên nó có thể đốt cháy mọi thứ. Hãy nhìn thế giới ngày nay, hầu như suốt 100 năm qua chưa bao giờ thế giới có nổi 10 năm bình yên không chiến tranh, thiên tai loạn lạc. Kể cả biến đổi khí hậu thất thường mấy chục năm qua thực chất là do Âm Dương toàn cầu trở nên mâu thuẫn cực đoan mà thôi.
Trong lịch sử, có lẽ thế kỷ vừa qua là lúc nhân loại chứng kiến nhiều nhóm nổi dậy cực đoan xuất hiện nhất xưa nay. Nên tôi mới nói rằng những gì trở nên cực đoan đều không tốt và khiến con người ta đi về phía bất hạnh và hủy hoại chính mình. Vật cực tất phản, nhân loại làm ác đến nay mới xuất hiện con virus Vũ Hán làm cho cả thế giới phải giam mình lại, âu cũng là trời muốn con người bình tâm suy xét chính mình. Chẳng phải khi tất cả chúng ta ở trong nhà một thời gian dài, môi trường thiên nhiên lại tự phục hồi rất tốt đẹp hay sao, nó đâu cần chúng ta tác động bằng hàng tỷ đô la hay hàng tá tổ chức cực đoan ngụy trang bảo vệ môi trường tuần hành vì nó. Vậy muốn thay đổi hay cứu thế giới này quá đơn giản phải không, hãy thôi vọng động, bình tâm xuống đừng mong cầu gì cả, hãy tĩnh tâm và xung quanh bạn sẽ tự chữa lành chính nó, kể cả bản thân bạn. Cả thế giới hiện nay phải cách ly vì dịch bệnh cũng không phải là điều ngẫu nhiên, trong cái xấu hẳn có điều tốt chứ không hoàn toàn là xấu, lý Âm Dương là thế. Sau cả trăm năm vọng động chạy theo vật chất, dịch bệnh này cũng là do con người gây ra, có lẽ Thần muốn thấy con người có chút thời gian sám hối về tội lỗi của chính mình, hồi tâm hướng Thiện rồi mới dỡ bỏ dịch bệnh đi chăng?
Đông Phong