Khi nói đến lịch sử Việt Nam và công lao của các bậc tiền nhân, có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng bị ngập trong những thông tin về các cuộc chiến huy hoàng và những trận đại thắng vẻ vang trước thiên triều Trung Hoa. Lật sách lịch sử giáo khoa cũng chỉ toàn thấy nhan nhản những tiêu đề như “dân tộc ta anh hùng”, “đấu tranh anh dũng” “chiến thắng ngoại xâm”, đôi khi có ai trong chúng ta tự hỏi rằng liệu những nhận định trên có phải là đúng đối với công tích của tổ tiên chúng ta hay chưa?Nếu nói về chiến thắng vẻ vang hay các chiến quả huy hoàng thì sau cuộc viễn chinh chinh phục thế giời của vị bá chủ Alexander đại đế, dân Macedonia ngày nay hiện đang ở đâu trên bản đồ thế giới? Sau những trận đánh tưng bừng khắp nơi của đế quốc Đại Nguyên con cháu Thành Cát Tư Hãn, thì nhân dân Đại Nguyên ở đâu? chính xác là họ cũng bị chôn vùi mấy trăm năm trong cát bụi lịch sử mất rồi. Vậy nếu công tích của cha ông chúng ta chỉ là chiến đấu với ngoại xâm thì có lẽ dân nước Nam này kết cục cũng sẽ không khá hơn dân tộc chiến binh Spartans thời cổ đại.
Vậy cha ông có thực sự coi trọng chiến công và chiến tranh đến như vậy?
Bậc thánh binh pháp nước Nam là Đức Thánh Trần từng nói: “Khoan sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, ấy mới là thượng sách giữ nước vậy”. Vậy nghĩa là nguồn gốc chiến thắng của ngài là nhờ vào nuôi sức dân, chứ không phải chiến pháp. “Dân là gốc của nước” mà cũng có thể hiểu là gốc của binh pháp, quả đúng là nhận định của bậc thánh nhân dùng binh.
Bình Ngô Đại Cáo viết:
“Họ đã tham sống sợ chết, mà hòa hiếu thực lòng.
Ta lấy toàn quân là hơn. Để nhân dân nghỉ sức”
Bạch Đằng giang phú viết:
“Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.
Giặc tan muôn thủa thái bình.
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.”
Ngay cả hai áng văn chương ca ngợi võ công đệ nhất của dân tộc mà cũng cho rằng nhân dân và đạo đức mới là quan trọng nhất, chứ không phải chiến công.
Lão Tử viết: “Binh đao là việc bất tường, bậc thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng đến”.
Đạo Đức Kinh từng chép “vô trung sinh hữu”, từ không mới sinh ra có, nên trí huệ lớn của Nghệ thuật chiến tranh lại không phải là tìm cách chiến thắng, mà là tìm cách “không đánh mà thắng” hay “không cần chiến tranh” mới được coi là đỉnh cao. Vậy nghệ thuật không đánh mà thắng đã được các bậc quân chủ nước ta vận dụng thế nào để đem đến nền độc lập lâu dài hơn 1000 năm qua?
Đó chính là truyền thống mà mỗi triều đại đều hoàn thành xuất sắc, gọi là “triều cống và sắc phong”, chấp nhận cống nạp và xin sắc phong để Trung Hoa công nhận chính quyền nước ta.
Triều cống sắc phong có phải là yếu hèn, nhục quốc thể?
Dưới sự ảnh hưởng của tư tưởng đấu tranh và triết học đấu tranh hiện nay, những trang sử suy tôn các chiến thắng đẫm máu như một cách duy nhất để giành độc lập dễ dàng làm cho người ta có khuynh hướng xem việc triều cống và sắc phong là biểu hiện của sự yếu hèn và nỗi nhục trước Trung Hoa. Nhưng theo người viết thì đó chỉ là cách suy nghĩ cực đoan và khuyết thiếu góc nhìn toàn diện về khía cạnh văn hóa và chiến lược mà thôi. Cũng giống như các võ sư cao thủ, sự vận dụng nhuần nhuyễn giữa cương và nhu mới bảo đảm chiến thắng trong các cuộc chiến. Từ đó mà suy ra chiến tranh và cầu phong chính là 2 vũ khí chiến lược đại diện cho Cương Nhu hay Âm Dương mà cha ông đã vận dụng cực kỳ nhuần nhuyễn, thiếu 1 trong 2 đều sẽ không thành công để duy trì nền độc lập và hòa bình lâu dài, trả giá ít nhất mà hiệu quả cao nhất.
Phong Vương, sự công nhận của một dân tộc văn minh
Điều thứ hai cần chỉ ra, đó là hàm ý của từ “phong Vương”, đây là từ hoàn toàn không có hàm ý yếu hèn hay nhục nhã gì trước Trung Hoa.
Vương (王 chữ Hán) nguyên nghĩa với chiết tự là người quán thông Thiên Địa Nhân tam tài, nhận Thiên mệnh mà thi hành Đạo của trời tại Nhân gian, là Thiên tử. Con đường chính trị mà Vương thi hành, dùng Đạo đức truyền từ Thiên thượng để giáo hóa nhân dân, được gọi là Vương Đạo. Đây là thứ mà Nho gia sỹ phu mấy nghìn năm đều tôn sùng mong đạt đến khi xuất sỹ. Thiên tử của 3 triều đại dài nhất lịch sử Trung Hoa là Hạ Thương Chu cũng chỉ xưng là Vương.
Trái ngược với Vương Đạo là Bá Đạo, là đường lối chính trị của kẻ mạnh đàn áp và chiến thắng bằng vũ lực, coi trọng thủ đoạn mưu kế và pháp luật để trị dân. Đây cũng là đường lối cai trị bị khinh ghét trong suốt mấy nghìn năm ở phương Đông.
Văn minh Hoa Hạ còn có 1 khái niệm nữa gọi là Trung Nguyên, mang ý nghĩa là vùng đất trung tâm, bậc vương giả thi hành vương đạo, cần trị vì ở 1 vùng đất trung tâm bằng phẳng vuông vức để thuận lợi giáo hóa nhân dân và dùng đức độ của mình mà chinh phục Tứ Di ở bốn phương. Khái niệm Trung Nguyên cùng với Vương Đạo chính là chuẩn mực cao nhất của một hệ thống chính quyền Nho giáo Trung Hoa. Trong suốt thời gian 1000 năm qua, ở phương Đông nó là chuẩn mực mà tất cả các quốc gia đều muốn đạt đến và duy trì để bảo đảm tính hợp pháp theo Thiên mệnh và được công nhận là một dân tộc văn minh chứ không phải mọi rợ dã man chỉ thích dùng vũ lực.
Do điều kiện “phong Vương” khắt khe như vậy, nên khi một quốc gia mà có quân chủ được Trung Hoa phong vương, điều đó mang ý nghĩa là sự công nhận của dân Trung Hoa về một dân tộc văn minh giống như họ, được cai trị bởi một vị quân chủ tuân Thiên mệnh và có đạo đức. Và quan trọng hơn, một dân tộc văn minh ngang với Trung Hoa đồng nghĩa sẽ không bị Trung Hoa xâm lược, vì theo giáo điều của Nho giáo thì Thiên tử chỉ có thể “hưng binh phạt tội” hay cất quân “điếu phạt” khi một dân tộc trở nên dã man, tàn bạo và không có giáo hóa. Do đó việc phong Vương này về ý nghĩa còn bền vững và hiệu quả hơn bất kỳ hiệp định hòa bình nào được ký kết giữa hai dân tộc. Cái lợi của phong Vương là Trung Hoa có được thể diện của nước lớn và có 1 đồng minh cũng là 1 dân tộc văn minh đồng văn, trong khi đó cái lợi của Đại Việt là một sự bảo đảm hòa bình lâu dài để xây dựng và phát triển đất nước.
Lẽ dĩ nhiên là ông cha ta không bao giờ ngây thơ để tin vào sự bảo đảm hoàn toàn của Thiên triều, nên luôn xây dựng quân đội vững mạnh và luôn cảnh giác. Nhưng đồng thời tiền nhân nước Việt với trí huệ cao thâm cũng không quên rằng, gốc rễ sự hùng mạnh của quân đội là nền tảng trí thức của toàn dân vốn được bồi đắp bằng nền văn minh tôn sùng đạo đức và Thiên mệnh, giúp cho “khoan sức dân làm kế rễ sâu gốc vững” mà xây nên cơ nghiệp thái bình nghìn năm cho con cháu vậy.
Hàng năm, đất nước chúng ta đều tổ chức lễ lớn mừng các ngày chiến thắng 30/4 hay 10/10 gì đó, nhưng thực ra chiến thắng vĩ đại nhất lại chưa bao giờ được ca tụng. Bởi vì nó không phải là chiến thắng trên sa trường, nó chính là giá trị của một nền văn minh trọng đức, yêu chuộng và hiểu giá trị của hòa bình, một nền văn minh mà ngày nay con cháu chúng ta khó có thể thấy ngay cả khi đọc sách. Thật đáng tiếc thay.
Minh Bảo