“Bạn sẽ được trả công đúng với tỷ lệ trực tiếp của phần giá trị mà bạn cống hiến cho thị trường. Nếu bạn vẫn đang chưa kiếm được nhiều tiền vào ngay lúc này, điều đó có nghĩa là bạn chưa đóng góp được đủ giá trị tương xứng” (sưu tầm, Internet)
Theo câu nói trên, có vẻ như giá trị của chúng ta hiện nay được nhìn nhận tỷ lệ thuận với thu nhập của bản thân. Bên cạnh đó, thước đo thành công của những người lao động hiện nay có lẽ cũng phần lớn đo bằng địa vị và thu nhập. Vậy làm cách nào để có thể tạo ra giá trị lớn nhất cho bản thân hay thậm chí đem lại giá trị lớn lao hơn cả tiền bạc và địa vị?
Thu nhập không phải là giá trị tốt nhất và duy nhất của người lao động:
Thời đại ngày nay, khi mà con người ta đánh mất nhiều giá trị tinh thần tuyệt vời thì đồng tiền lên ngôi và mọi thứ đều được gắn với nó. Nhưng trong sự hỗn loạn của nền kinh tế hiện nay, nhất là ở Việt Nam, tôi thấy những người kiếm nhiều tiền nhất là những người giỏi nắm bắt cơ hội và có hậu thuẫn lớn mà thôi. Do đó khi gắn giá trị bản thân với đồng tiền kiếm được, vô hình trung chúng ta có thể sẽ sai lầm với cái giá sẽ trả là phí hết cả một cuộc đời lăn lộn kiếm tiền. Bởi vì việc lấy tiền làm thước đo giá trị không phù hợp cho tất cả mọi người, trừ những người coi tiền như mệnh và đam mê kiếm tiền. Thế nhưng, hạnh phúc, niềm vui và động lực cuộc sống không phải hoàn toàn 100% luôn gắn với tiền. Bạn hãy nhìn một đứa trẻ ngây thơ nô đùa bên cha mẹ hay quan sát sự đau đớn của một bệnh nhân giành giật từng giây mạng sống để thấy rằng đồng tiền không quá quan trọng như có khi chúng ta từng nghĩ. Và khi bạn có thể kiếm rất nhiều tiền, liệu tất cả số tiền đó sẽ đến mà không phải tốn một cái giá nào đó hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu cái giá đó bạn không thể trả nổi trong kiếp người lần này?. Ngày nay số lượng tỷ phú và người giàu trong những năm của TK21 này tăng lên chóng mặt, tổng tài sản của họ nhiều hơn tất cả nhân loại còn lại, ấy thế mà hành tinh này ngày một thiên tai, bệnh dịch, môi trường phá hủy và nhiều người bất hạnh đói khát, chiến tranh nhiều hơn. Vậy giá trị của số tiền mà tất cả người giàu trên hành tinh này đóng góp cho thế giới là gì mà trái đất chúng ta ngày nay càng tệ hơn 100 năm trước? và chúng ta lại cũng không thấy hạnh phúc hơn ông cha ngày xưa.
Nhìn nhận đúng giá trị bản thân mới có thể thành công
Ngày nay chúng ta thông thường đánh giá một người bất kỳ bằng bằng cấp, địa vị, tiền bạc và danh vọng… Thế nhưng tôi cho rằng để thành công thì những tiêu chí trên là không đủ, người ta cần phải có thêm vài điều mới có thể chắc chắn đạt đến thành công. Theo như sự hiểu biết hạn hẹp của bản thân trong bài viết này, các giá trị bên trên của mỗi người nếu không được bổ sung bằng sự hiểu biết về TRI MỆNH, và LẬP CHÍ thì nó cũng sẽ trở nên vô dụng. Ví như một mỏ vàng nằm giữa rừng, nhưng lại vào thời kỳ đồ đá thì giá trị của nó đối với thổ dân còn tệ hơn hòn đá xanh. Vì vậy, giá trị bản thân sẽ được quyết định đáng giá bao nhiêu dựa trên sự thấu hiểu của bản thân người đó về khái niệm là TRI MỆNH, LẬP CHÍ.
Tri mệnh, thời lai phong tống Đằng Vương Các
Tri mệnh hay tri thiên mệnh nghĩa là biết được Thiên thời và số mệnh, là chỉ sự tương ứng giữa việc con người làm và thời điểm để thành công.Do đó người nào hiểu biết về điều này có thể nói nắm được chìa khóa quan trọng nhất dẫn đến thành công và nếu không làm được thì cũng bảo toàn bản thân. Hầu như những người tạo nên sự nghiệp lớn đều là nhờ vào hai chữ Tri Mệnh này mà quật khởi.Tuy nhiên không phải ai cũng có thể nhận thức được khi nào thì thời thế sẽ đến. Do đó, giá trị mà bạn đang nắm nếu thiếu đi sự hiểu biết và nắm chắc thiên thời thì cũng sẽ trở nên vô dụng thôi, chẳng vậy mà tài năng trác tuyệt như danh tướng Đặng Dung còn phải cảm khái mà than thở:
“Thời lai đồ điếu thành công dị- Vận khứ anh hùng ẩm hận đa”- Thuật Hoài-Đặng Dung (dịch: Gặp thời bần tiện công nên dễ. Lỡ vận tài danh hận đến già)
Vậy làm sao để có thế Tri mệnh cho đúng?. có 1 câu nói đáng để suy ngẫm như sau:
“Tận nhân lực tri thiên mệnh” tức là “làm hết sức mình sẽ biết mệnh Trời”, làm hết sức là toàn tâm toàn ý mà làm, một lòng cố gắng và đặt sự thành bại được mất sang một bên. Khi đạt đến cảnh giới đó, dù việc bạn đã làm không đạt đến kết quả như mong muốn, nhưng nó cũng sẽ không làm bạn thất vọng đâu.
(Nguồn VOH online)
Ví dụ tiêu biểu nhất là Gia Cát Lượng, khi nhận phó thác của Lưu Bị gửi gắm cơ đồ cho mình, ông đã nói 1 câu là “cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ” (Một lòng gắn sức, đến chết mới thôi). Thân là một người tu Đạo có khả năng biết Thiên thời, hiểu được vận mệnh nhà Thục Hán của Lưu Bi đến cùng cũng sẽ thất bại. Tuy nhiên Gia Cát Lượng đã chọn con đường “tận nhân lực, tri thiên mệnh” và nhờ đó dù không thành công cùng nhà Hán, mà sự nghiệp và tấm lòng của ông vẫn chói sáng đến ngàn đời sau.
Lập chí học Đạo, thành công và hạnh phúc trong tất cả lãnh vực
Khái niệm tiếp theo chúng ta cần biết là LẬP CHÍ. Tuy được nhắc đến sau, nhưng nếu không hiểu và xác lập được đúng cái CHÍ của mình, thì sẽ chẳng bao giờ hiểu được thời thế, và càng không bao giờ tri mệnh để có thể trở nên siêu việt hơn người. LẬP CHÍ còn có một tác dụng lớn, là giúp cho chúng ta chọn đúng nghề đúng việc để đạt đến thành công mà không phí thời gian.
Khổng Tử viết :
“Chí ư Đạo, cư ư đức, y ư nhân, du ư nghệ”(dịch: Lập chí học Đạo, bám vào đức, dựa vào nhân và vui chơi trong lục nghệ).
Đạo ở đây là Đạo thánh hiền, đạo học để giúp đời giúp người, đạo của người quân tử. Lập chí cần phải dựa trên nền tảng mong muốn bản thân học theo Đạo lý, sống cao thượng để đạt đến cảnh giới của quân tử, hiền nhân.
“Cư ư đức” là sống và cư xử phải luôn trọng đạo đức, đức độ của bản thân.
“Y ư nhân” là luôn lấy lòng nhân từ, vì người khác, vì thiên hạ làm kim chỉ nam cho cách hành xử của bản thân, vì nhân là gốc rễ của ngũ đức.
“Du ư nghệ” đặt cuối cùng, vì chỉ khi con người ta có đầy đủ Đạo đức và nhân nghĩa thì có học nghề nào cũng đều sẽ tinh thông tài giỏi, có thể coi việc học nghệ là vô cùng vui thích vì học đến đỉnh cao có thể đem kỹ nghệ của mình giúp đời và giúp người, viên mãn cho con đường học Đạo của bản thân.
(Thư pháp 2 chữ THIÊN ĐẠO-Nguồn Internet)
Từ đó có thể thấy, cái CHÍ của người xưa là nguyện đem tài học của mình ra để giúp đời giúp người, nếu thành công thì tốt, không thành thì ít ra cũng làm một người sống lương thiện. Khi đã lập CHÍ rồi, thì việc học hay làm nghề, kiến tạo sự nghiệp sẽ trở thành những điều vô cùng thú vị và dễ dàng đạt đến đỉnh cao. Tôi còn nhớ có 1 câu nói là “hãy chọn công việc bạn yêu thích vì bạn sẽ không phải đi làm một ngày nào cả”. Nhưng sự thực là sau khi làm một nghề nhiều năm mà không có CHÍ HƯỚNG làm kim chỉ nam và câu thúc đạo đức bản thân, thì rất nhiều người sẽ bị tha hóa và bỏ nghề. Câu nói này chỉ đúng khi một người lập được chí hướng của mình, đem nghề của mình giúp đời với tâm cầu đạt Đạo làm kim chỉ nam, họ sẽ là người cân bằng, vui vẻ và hạnh phúc nhất.
Vậy nghề nghiệp của mỗi người, thực chất chính là con đường học Đạo của họ, chỉ có ai nhận ra điều này mới xứng đáng biết thiên thời, nhân mệnh và đạt đến đỉnh cao của bản thân. Cũng vì lý do này mà người Nhật là một đất nước có vô số người thành công và đạt đến trình độ nghệ nhân của lãnh vực mình làm. Đó là vì họ coi nghề nghiệp là con đường tu Đạo, học Đạo để viên mãn cho đạo đức của bản thân, giúp ích cho xã hội. Đến như việc đơn giản là cắm hoa và pha trà hay môn bắn cung cũng được gọi là Đạo thì ta mới thấy việc lập CHÍ học Đạo để đạt đến thành công là quan trọng thế nào. Ấy vậy mà ngày nay bậc cha mẹ khi hướng dẫn cho con cái thi Đại học hay chọn ngành nghề nào chỉ chăm chăm vào chuyện kiếm tiền và sống sao cho sung sướng mà thôi, đã sai từ đầu thì không còn gì để nói nữa vậy.
(Trà Đạo tinh hoa không phải ở Trà, mà là nghi lễ và nghệ thuật dùng để tu dưỡng Đạo đức và tinh thần. Ảnh: Sohu)
KẾT LUẬN:
Khổng Tử đã giảng “quân tử bất khí”, ý nói người quân tử không phải là một công cụ. Mà công việc, tiền bạc hay sự nghiệp chẳng qua cũng là một thứ công cụ. Mà chúng ta là con người, là “vạn vật chi linh” là sinh linh cao cấp nhất trong vạn vật. Chúng ta dùng công cụ để đạt đến cảnh giới cao hơn của sinh mệnh, điều tốt nhất cho bản thân, mà điều đó chắc chắn sẽ vượt trên sự thành đạt trong công việc và tiền bạc. Đó chính là hạnh phúc viên mãn cả tâm và thân, có thể chia sẻ lan tỏa cho mọi người. Nó mới là một mục tiêu mà tất cả chúng ta nên nhắm đến. Tiền bạc quan trọng nhưng nó chỉ là phương tiện mà thôi. Đừng đem giá trị của bản thân so với đồng tiền kiếm được, vì nó không xứng đáng như thế. Chúng ta có thể làm tốt hơn thế rất nhiều.
Mạnh Tử viết “Đạt tắc kiêm tế thiên hạ, cùng tắc độc thiện kỳ thân” (thành đạt thì cống hiến cho thiên hạ, không thành thì làm một người lương thiện). Hiện nay thế giới này không thiếu tiền, không thiếu người thành công và cũng không thiếu người nổi tiếng, nhưng có vẻ người lương thiện lại không nhiều. Nếu như mỗi người chúng ta có thể làm người lương thiện, ai dám bảo sự nghiệp đó là nhỏ
MINH BẢO