Thiên hạ có câu “Nhàn cư vi bất thiện”, điều này làm nhiều người không thiện cảm lắm với chữ này vì nó mang một dáng vẻ quá vô tích sự và phát sinh điều xấu. Nhưng nếu ngẫm kỹ lại, thì nghìn năm qua chữ Nhàn này đã có trong những tác phẩm văn thơ kinh điển của các vị học giả danh nhân đáng kính nhất của nước ta, vậy ắt hẳn nó sẽ có điều gì đó đáng quý vậy. Tết thì người người ai cũng muốn nói về chữ Phúc, Lộc, Thọ, Phú Quý An Khang. Riêng tôi chỉ muốn nói về một chữ NHÀN như một lẽ sống đời mà mình tự nhiên hiểu ra vào đầu xuân này.
“Công danh đã được hợp về nhàn
Lành dữ âu chi thế nghị khen” (Thuật Hứng-Nguyễn Trãi)
Người xưa lấy chữ Nhàn 閒 để biểu thị cho người đạt đến viên mãn trong sự nghiệp. Chữ Nhàn gồm có bộ Môn (cánh cửa) và chữ Nguyệt nằm giữa làm gợi lên trong ta một khung cửa sổ êm đềm nhìn ra khoản sân nhà với ánh trăng vằng vặc trong một bầu trời đêm huyền ảo và thanh tĩnh, khiến lòng dạ con người trở nên nhẹ nhàng và khoáng đạt.
Nếu công danh sự nghiệp là thứ mà phải vận động cả đời để có, vậy đỉnh cao của nó là chữ Nhàn, mang ý nghĩa thụ động và thanh tĩnh, vậy phải chăng là mâu thuẫn chăng?
Thực ra động tĩnh cũng như âm dương là 2 mặt của vạn sự vạn vật. Nên ta có thể hiểu rằng công danh chính là một quá trình vận động để….dừng lại. Mà cái dừng quan trọng nhất là dừng được sự náo động trong đầu của mình, giữ cho bản thể luôn thanh tĩnh thì mới có thể coi là thành công thực sự. Nếu một người mà công việc luôn luôn bị sự bận rộn xâm chiếm đầu óc, không còn thời gian để bản thể trở nên thanh tĩnh để chiêm nghiệm cuộc đời, để ngộ ra những lẽ sống đúng, thì không thể nói anh ta là người thành công, bất kể người đó có địa vị hay tiền bạc “khủng” đến mức nào.
“Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then
Buôi có một lòng trung lẫn hiếu
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen” (Thuật Hứng-Nguyễn Trãi)
Là người sống trên đời, ai cũng muốn mình thành công, nhưng ít ai nhận ra cản trở lớn nhất trên con đường sự nghiệp lại chính là sự mong cầu của chính mình.
Tôi không nói sự mong cầu là sai, nhưng nó sẽ là sai khi mong cầu cho chính bản thân. Có thể nói, càng mong cầu cho chính mình nhiều bao nhiêu thì độ to lớn của sự nghiệp sẽ càng giảm đi tương ứng. Và dĩ nhiên, những bậc vĩ nhân lập nên sự nghiệp bất hủ tự cổ chí kim chính là hoàn toàn không mong cầu gì cho chính mình. Họ ôm trong tâm hoài bão lớn để giúp đời giúp người nên mới có thể thuận ý Trời mà hoàn thành đại nghiệp. Nguyễn Trãi là bậc danh nhân, đại công thần khai quốc, ấy vậy mà gia sản của ông chỉ là “trăng gió đầy kho” và thuyền cũng chỉ chở toàn “mây khói lam chiều”. Sự thanh tĩnh vô cầu và tấm lòng son muốn gầy dựng nên một triều đại mới chấm dứt sự đau khổ của dân tộc đã tạo nên một bậc đại nho lẫm liệt chính khí đến nay hậu thế vẫn còn ngưỡng mộ. Đương thời không thiếu bậc huân công đại thần giàu có ức vạn, rồi có mấy người lưu danh như Ức Trai tiên sinh?
Minh Bảo