Tìm kiếm sự tôn trọng bằng cách phát triển kiến thức chuyên môn.
Nếu đang là một lãnh đạo, liệu mọi người đang đi theo bạn bằng nỗi sợ hãi hay sự tôn trọng? Và nếu đang khao khát trở thành nhà lãnh đạo, bạn sẽ tận dụng tối đa đội ngũ của mình như thế nào?
Quyền lực từ vị trí, quyền trừng phạt và quyền kiểm soát thông tin có thể tạo ra nhiều rủi ro khi áp dụng. Chúng khiến nhân viên của bạn trở nên yếu thế và biến bạn thành người chuyên quyền, lạc lõng. Các nhân viên trong đội ngũ của bạn sẽ không thích có một lãnh chúa, và thậm chí là họ sẽ cố gắng làm bạn suy yếu nếu bạn sử dụng quyền lực của mình với mục đích… thể hiện quyền lực.
May mắn thay, chúng ta có 3 loại quyền lực đầy tích cực để áp dụng: Quyền lực Uy tín, Quyền lực Tham chiếu và Quyền lực Chuyên gia. Trong số này, quan trọng nhất là là quyền lực chuyên gia, vốn cần rất nhiều năng lực và sự tập trung để duy trì, nhưng lợi ích lại lâu dài hơn so với các hình thức quyền lực khác và mang đến nhiều lợi thế hơn.
Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá các bước để xây dựng quyền lực chuyên gia của bản thân.
Xác định quyền lực chuyên gia
Bạn có được quyền lực chuyên gia khi thể hiện trình độ kiến thức rất cao hoặc kỹ năng xuất sắc mà những người xung quanh bạn thấy được, cần và muốn chúng. Họ có thể tìm đến bạn bắt cứ lúc nào để xin lời khuyên và mong muốn làm theo hướng dẫn của bạn.
Không giống như quyền lực dựa trên vị trí chính thức, chuyên môn mới là quyền lực của riêng bạn. Bất kỳ ai đều có thể sở hữu quyền lực chuyên gia, bất kỳ ở cấp độ hay trình độ nào trong đội ngũ. Ví dụ, bạn là người duy nhất của một bộ phận hiểu được cách vận hành của một phần mềm cụ thể hoặc là người tìm hiểu rất sâu về kiến thức chuyên môn.
Tại sao Quyền lực Chuyên gia lại quan trọng
Quyền lực chuyên gia là một tài sản lớn cần có.
Nó cung cấp cho các nhà lãnh đạo nền tảng quyền lực mạnh mẽ, từ đó có thể quản lý con người một cách tự tin. Theo giáo sư môn quản trị Gary A. Yulk, quyền lực chuyên gia quan trọng hơn những quyền lực dựa trên khen thưởng hoặc bắt buộc trong hoạt động lãnh đạo nhân viên. Nếu có năng lực chuyên môn cao, đội ngũ của bạn sẽ cởi mở hơn khi bạn hướng dẫn và bạn cảm thấy dễ dàng thúc đẩy đội ngũ để khai thác hết tiềm năng.
Quyền lực chuyên gia cũng giúp bạn nhận được sự chú ý, mang đến vai trò nổi bật hơn. Nó giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân, và tăng tầm ảnh hưởng và danh tiếng tại nơi làm việc.
Quyền lực chuyên gia không chỉ mang đến lợi ích cho cá nhân bạn. Kiến thức chuyên môn là lý do để những người khác nhìn vào bạn để tìm hướng đi. Họ sẽ đặt nhiều niềm tin hơn vào bạn, để đưa ra những quyết định sáng suốt và tạo ra kết quả tốt. Đồng thời, mọi người cũng sẽ học hỏi những kỹ năng và kinh nghiệm làm việc khi làm việc với bạn.
Nhưng hãy nhớ rằng, bạn phải liên tục phát triển những kỹ năng và kiến thức để duy trì được quyền lực chuyên gia.
Cách xây dựng quyền lực chuyên gia
Xây dựng chuyên môn không phải là hành trình dễ dàng. Nó có thể là một nhiệm vụ tốn kém về mặt thời gian, nhưng thành quả là một công việc xứng đáng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bạn mất ít nhất một thập kỷ để xây dựng chuyên môn. Một số người cho rằng chỉ cần tới 10.000 giờ luyện tập để trở thành chuyên gia, nhưng những người khác lại không đồng ý với điều đó. Trong thực tế, duy trì quyền lực chuyên gia sẽ là hành trình trọn đời, vì vậy bạn phải liên tục cập nhật và làm mới kiến thức, nếu muốn tiếp tục là chuyên gia giỏi trong lĩnh vực của mình.
Cách xây dựng kiến thức chuyên môn sẽ phụ thuộc vào lĩnh vực mà bạn đang làm việc. Lý thuyết sẽ cần thiết trong một số lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, giáo viên, trong khi kinh nghiệm thực tế sẽ cần thiết ở những lĩnh vực khác, như xây dựng hay báo chí. Xem xét những lĩnh vực mà bạn đang hoạt động và xác định các chuyên môn mà bạn có khả năng là chuyên gia.
Sau đó, hãy tạo ra một “ngách” chuyên gia riêng cho bản thân, tận dụng bất kỳ cơ hội nào đến với bạn để mở rộng và truyền đạt kiến thức, đồng thời biến những cơ hội này thành nơi bạn xây dựng và thể hiện kỹ năng. Sử dụng kỹ năng thu thập thông tin để củng cố vai trò của bạn với tư cách là chuyên gia. Nó liên quan đến cả việc thu thập thông tin cơ bản, chẳng hạn như xu hướng và dữ liệu, và thông tin liên quan đến công việc cụ thể như đánh giá rủi ro hoặc tiêu chuẩn chất lượng.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng chỉ xây dựng kiến thức chuyên môn thôi thì chưa đủ. Mọi người phải biết và công nhận kỹ năng, cũng như cần tới những kỹ năng mà bạn sở hữu. Để làm được điều đó, bạn hãy thực hiện theo 6 bước sau:
1. Quảng bá hình ảnh về chuyên môn
Kiến thức chuyên môn thường gắn liền với học vấn và kinh nghiệm, do đó, hãy đảm bảo rằng đồng nghiệp của bạn biết về trình độ học vấn chính thức, kinh nghiệm làm việc và thành tích của bạn.
Bạn có thể treo các bằng cấp, giấy phép và giải thưởng trong văn phòng của mình, hoặc giới thiệu một cách tinh tế về trình độ học vấn hoặc kinh nghiệm làm việc trước đây vào một thời điểm thích hợp. Ví dụ, “Tôi từng gặp vấn đề tương tự khi còn là kỹ sư trưởng tại GE, do đó tôi thấy rằng…”. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, đừng lạm dụng chiến thuật này, bởi nó có thể phản tác dụng, khiến bạn trở thành kẻ khoe khoang trước mắt mọi người.
2. Duy trì uy tín
Một khi đã thiết lập được vị trí chuyên môn, điều quan trọng là bạn phải duy trì uy tín.
Rất dễ dàng để đánh mất uy tín, do đó, phải tránh đưa ra những nhận định cẩu thả về các chủ đề mà bạn thiếu thông tin, và tránh xa các dự án có khả năng thất bại cao.
3. Hành động một cách tự tin và quyết đoán trước khủng hoảng
Nhân viên luôn thích làm với một lãnh đạo biết cách lãnh đạo họ khi gặp vấn đề. Đó là sự kết hợp giữa sự tự tin và vững vàng trong kiến thức chuyên môn. Do đó, ngay cả khi bạn không chắc chắn về điều gì sẽ tốt nhất trong tương lai, hãy cố gắng không thể hiện sự hoài nghi hoặc bối rối. Nhưng tốt nhất là luôn Chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng để sự tự tin của bạn có cơ sở.
4. Nắm rõ thông tin
Việc nắm chắc dữ kiện và số liệu mới nhất là điều cần thiết nếu bạn muốn kiến tạo và duy trì sức mạnh chuyên gia của bản thân. Điều quan trọng là luôn cập nhật đầy đủ thông tin về sự phát triển của đội ngũ, cũng như trong lĩnh vực rộng lớn mà bạn đang tham gia.
Mở rộng mạng lưới thông tin chuyên nghiệp, bao gồm các mối quan hệ chất lượng cao hơn là những mối quan hệ đã thiết lập trước đó. Dành thời gian để đọc sách báo, chuyên đề, tạp chí hay blog, và thường xuyên tham gia các hội thảo, sự kiện liên quan. Quan trọng nhất là giữ cho bản thân bản luôn được cập nhật những xu hướng mới nhất trong công việc.
5. Ghi nhận ý kiến và đóng góp của những người xung quan
Trở thành chuyên gia có nghĩa là bạn sẽ trở thành kênh thông tin để mọi người tìm kiếm và định hướng, nhưng không có nghĩa là sự trao đổi của bạn với người khác chỉ là trao đổi một chiều. Nhớ lắng nghe kỹ về ý kiến của đồng nghiệp và đảm đảm bảo bạn sẽ giải quyết các thắc mắc của họ. Hãy thử tổ chức các cuộc thảo luận nhóm để trao đổi và mở rộng kiến thức của bạn.
6. Tránh làm tổn thương lòng tự ái của mọi người
Trở thành chuyên gia có thể khiến bạn rơi vào sự cạnh tranh và xung đột với những người tiếp cận với kiến thức của bạn. Nhìn chung, ai cũng không thích bị hạ thấp địa vị của bản thân so với người khác, đặc biệt là khi tồn tại những khoảng cách quá lớn và rõ ràng. Họ sẽ cảm thấy khó chịu trước một chuyên gia thường tỏ ra vượt trội và phô trương kiến thức.
Tránh lỗi này bằng cách thể hiện kiến thức chuyên môn của bản thân một cách khéo léo và cẩn thận kẻo bị rơi vào kiêu ngạo. Sử dụng các chiến lược quyền lực của Eldred sẽ giúp bạn không gây ra những phản ứng tiêu cực vả tổn hại nào từ những đồng nghiệp.
Chia sẻ kiến thức chuyên môn của bạn
Hào phóng với kiến thức của bạn và giúp mọi người cùng phát triển.
Khi mọi người thấy được kiến thức chuyên môn của bạn có giá trị và độc đáo, họ sẽ muốn khai thác nó một cách rất tự nhiên. Và ở chiều ngược lại, bạn có thêm cơ hội để giúp đỡ mọi người, mặc dù không phải lúc nào cũng giải quyết được vấn đề. Kỹ năng chuyên môn của bạn sẽ giúp đồng nghiệp phát triển công việc, giúp họ tiến bộ trong sự nghiệp, giống như những gì bạn đang có.
Sử dụng chuyên môn theo cách này không nhất thiết đe dọa vị trí hiện tại của bạn. Ngược lại, càng giúp đỡ nhiều người xung quanh, giá trị nghề nghiệp của bạn càng phát triển và vị thế càng trở nên mạnh mẽ. Bạn cũng có cơ hội để kiểm tra lại kỹ năng, xác định những lỗ hổng kiến thức của bản thân và học hỏi bằng cách phát triển và tham gia vào các mối quan hệ trong công việc.
Những nội dung chính
Bạn có được quyền lực chuyên gia khi mọi người nhận thấy trình độ kiến thức vượt trội hoặc một kỹ năng chuyên biệt ở bạn. Đó là yếu tố quan trọng để quản lý đội ngũ hiệu quả, nhưng không giới hạn ở người lãnh đạo – mà bất kỳ ai cũng có thể sỡ hữu quyền lực chuyên gia trong công việc.
Xây dựng nền tảng chuyên môn bằng cách dành thời gian phát triển kỹ năng và kiến thức của bản thân. Thúc đẩy vị thế chuyên gia bằng cách phát triển hình ảnh phù hợp, duy trì uy tín và hành động tự tin trong mọi tình huống khủng hoảng.
Luôn cập nhật những kiến thức mới trong lĩnh vực mà bạn đang là chuyên gia, tránh đe dọa lòng tự ái của đồng nghiệp. Tập trung chia sẻ kiến thức của bạn một cách khéo léo nhưng hào phóng, giúp người khác phát triển sự nghiệp.
Áp dụng vào cuộc sống
Suy nghĩ về khoảng thời gian mà bạn sỡ hữu kiến thức hoặc kỹ năng độc quyền, chuyên biệt hoặc hiếm có. Nhớ lại cách sử dụng quyền lực chuyên gia. Bạn có tinh tế với cảm xúc của người khác không? Bạn duy trì được quyền lực hay để nó biến mất? Cân nhắc những việc mà bạn có thể làm tốt hơn vào lần tới.
Bây giờ, hãy xem bạn có những cơ hội nào để phát triển chuyên môn trong công việc hiện tại. Ví dụ: có bất kỳ hội nghị hoặc diễn đàn nào để bạn được đóng góp không? Dự án mới nào đang được triển khai mà bạn có thể đảm nhận không?