Gia Cát Lượng (chữ Hán: 諸葛亮/ 诸葛亮), sinh năm 181 – 234, biểu tự Khổng Minh (孔明), hiệu Ngọa Long (臥龍) tại nơi là tỉnh Sơn Đông ngày nay.
Gia Cát Lượng là Thừa tướng, công thần khai quốc, nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, nhà giáo dục, và cũng là một nhà phát minh kỹ thuật nổi tiếng của nhà Quý Hán (Thục Hán) thời Tam Quốc.
Gia Cát Lượng đã phò tá Lưu Bị gây dựng nên nhà Thục Hán, hình thành thế chân vạc Tam quốc, liên minh Thục-Ngô chống Ngụy.
Ông được cho là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông, và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử. Tuy nhiên, năm chiến dịch đánh Tào Ngụy do ông phát động đều không thành công, cuối cùng ông bị bệnh mất trong doanh trại.
Không chỉ có tài năng hơn người, ông còn nổi tiếng với tấm lòng tận trung báo quốc, “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”. Con trai và cháu nội của Gia Cát Lượng cũng kế thừa chí nguyện bảo vệ nhà Hán của ông và đã anh dũng tử trận khi nhà Thục Hán sắp sụp đổ, tạo nên tấm gương “Trung nghĩa truyền gia thế vô song, Ba đời trung liệt chiếu sử xanh” nổi tiếng lịch sử của nhà Gia Cát.
Gia Cát Lượng cũng là vị quan văn duy nhất thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu (được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, trong đó thờ phụng 40 vị quan văn được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại). Ông khi còn sống có tước hiệu Vũ hương hầu (武乡侯), sau khi mất có thụy hiệu là Trung Vũ hầu, do đó hậu thế thường hay gọi ông là Vũ hầu (武侯) hay Gia Cát Vũ hầu (诸葛武侯) để tỏ lòng tôn kính.
Tài năng quân sự xuất chúng của Gia Cát Lượng, sự trung thành và tận tụy của ông đối với Lưu Bị đã trở thành bất tử và được lưu truyền cho tới tận ngày nay trong thơ ca, sách sử, bài hát, phim ảnh và trong cả những trò chơi điện tử. Hình tượng của ông được dân gian ca tụng qua những câu chuyện lưu truyền suốt cả nghìn năm, về sau được La Quán Trung tiểu thuyết hóa và càng trở nên nổi tiếng qua tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, một trong Tứ đại kỳ thư của văn học Trung Hoa.
Khổng Minh Gia Cát Lượng- Ba lần được Lưu Bị đến cầu làm quân sư
Gia Cát Lượng thường được mô tả với một chiếc áo choàng truyền thống của Đạo gia và chiếc quạt lông hạc phe phẩy trên tay.Ông là một học giả xuất chúng nhưng lại sống lặng lẽ, do vậy người đời thường gọi ông với biệt danh là “Ngọa Long tiên sinh”.
Theo sử sách, Lưu Bị đã ba lần đến lều cỏ để cầu Gia Cát Lượng.
Đến lần thứ ba, Gia Cát Lượng đã đồng ý giúp Lưu Bị phục hưng nhà Hán.
Gia Cát Lượng còn là một nhạc sĩ, một học giả uyên bác, một người có tầm nhìn xa và một nhà phát minh đầy sáng tạo.
Theo sử sách, Gia Cát Lượng đã phát minh ra mìn, phát minh ra một cỗ xe vận chuyển tự động có hình dáng giống xe cút kít, và phát minh ra cung tên tự động bắn liên tục vừa xa vừa nhanh gọi là “Nỏ Liên Châu”.
Người ta tin rằng Gia Cát Lượng là người đã phát minh ra đèn trời hay đèn Khổng Minh, khi bị tướng quân Tư Mã Ý của nước Ngụy bao vây ở Tây Thành.
Nhờ đọc được thông điệp cầu cứu trên đèn trời, các binh lính ở vùng lân cận đã đến để giải vây cho ông.
Khổng Minh Gia Cát Lượng- Những câu “Sấm truyền” để đời
Nhắc đến Gia Cát Lượng, có thể nói là nhà nhà đều biết, nhưng không nhiều người biết về Dự ngôn «Mã Tiền Khóa»(马前课).
Tương truyền Gia Cát Lượng vào lúc nhàn hạ trong quân đã sáng tác «Mã Tiền Khóa>>> (tên «Mã Tiền Khóa>>> có nghĩa là “quẻ bói gieo trước ngựa”).
«Mã Tiền Khóa>>> ngắn gọn súc tích phi thường, chỉ có 14 khóa, mỗi khóa dự ngôn một thời đại lịch sử, mà mỗi một khóa lại tuân theo một trật tự sắp xếp. Khi mỗi thời đại lịch sử qua đi rồi, người ta quay lại xem mới thấy Gia Cát Lượng dự ngôn chuẩn xác đến phi thường.
Nói về kỳ tài “liệu sự như thần” của Khổng Minh, dân gian Trung Quốc hãy còn lưu truyền một câu chuyện khá thú vị.
Tương truyền, trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng dặn dò con cháu: “Sau khi ta chết, trong số các con sẽ gặp phải đại họa chết người. Tới lúc ấy, hãy dỡ nhà, lấy từ trong tường ra một bọc giấy, trong đó có cách cứu mạng”.
Sau khi ông qua đời, Tư Mã Viêm lên ngôi hoàng đế. Nghe tin trong số quan quân triều đình có viên tướng quân là hậu thế của Gia Cát Lượng, Viêm bèn nghĩ cách trừng trị người này.
Một hôm, Tư Mã Viêm tìm cớ định tội chết cho viên tướng nhà Gia Cát. Trên Kim điện, Viêm cất lời hỏi: “Trước khi chết, tổ phụ nhà ngươi đã nói những gì?”. Kẻ “tội đồ” bèn thật thà truyền đạt tới vua lời dặn dò của Gia Cát Lượng.
Nghe thấy vậy, Tư Mã Viêm bèn ra lệnh cho quân lính dỡ nhà, lấy bọc giấy ra xem. Bên trong chỉ có một phong thư kín, phía trên viết rằng: “Ngộ hoàng nhi khai” (nghĩa là đúng hoàng thượng mới mở ra xem). Đám binh sĩ bèn dâng thư lên vua. Trong thư có mấy chữ: “Xin lùi ba bước”. Tư Mã Viêm lập tức làm theo. Vừa đứng vững đã nghe thấy một tiếng “rầm”, chiếc xà rơi thẳng xuống chỗ vua ngồi, khiến bàn ghế tan tành. Viêm trông thấy vậy mà sợ hãi lạnh người, rồi lại xem tiếp những dòng ở cuối thư: “Ta cứu mạng ngươi, ngươi hãy giữ lại mạng sống của con cháu ta”. Xem xong thư, Tư Mã Viêm thầm thán phục tài tiên đoán như thần của Gia Cát Khổng Minh rồi ra lệnh phục nguyên chức cho vị tướng quân này.
Còn theo Bách Khoa toàn thư mở, khi ra Kỳ Sơn lần thứ 6, Khổng Minh bỗng lâm bệnh nặng. Biết mệnh sắp tàn, ông cho gọi tướng tài Khương Duy vào truyền thụ 24 thiên binh thư của mình. Gia Cát Lượng còn cẩn thận dặn dò các tướng quân phải nêu cao cảnh giác, đề phòng mối nguy quân Ngụy tấn công, Ngụy Diên trở mặt làm phản rồi bày cho diệu kế đối phó.
Quả nhiên, mọi lo lắng, tiên liệu của ông trước khi qua đời đều thành hiện thực. Ngụy Diên tráo trở làm phản, nhưng vì nghe lời căn dặn của quân sư, Mã Đại đã chém chết Diên.
Lại nói, khi Tư Mã Ý hô quân tới đánh, bên Thục bèn đẩy xe có tượng gỗ của Khổng Minh ra trận, khiến Ý hoang mang lo sợ rồi tháo chạy. Nhờ đó, quân Thục bình an vô sự rút về Thành Đô.
Thêm lần nữa, tài tiên liệu hơn người của Gia Cát Lượng đã bảo toàn mạng sống cho quân binh và cứu vãn thế sự cho cả vương triều. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, dân gian lưu truyền câu nói: “Gia Cát chết vẫn đuổi được Trọng Đạt sống”.
Khổng Minh Gia Cát Lượng: Người tạo ra “bát trận” siêu thường
Người xưa thường gọi phương pháp bày binh bố trận là “bát trận”. Đây là một loại trận pháp cổ, chỉ việc bố trí binh lực và xác định phương pháp tác chiến dựa trên địa hình và địch tình.
“Bát trận đồ” không phải là phát minh độc quyền của Gia Cát Lượng nhưng ông chính là người đưa trận pháp này lên tầm huyền thoại với đầy đủ tinh hoa nghệ thuật dụng binh. Đã có rất nhiều kỳ tài và danh tướng thời Tam quốc cố tìm cách vượt bát quái kỳ trận nhưng đều thất bại, thậm chí bỏ mạng dưới tay ông.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, uy lực của “Bát trận đồ” chính là bố cục theo phương hướng, biến hóa khôn lường, khi tách, khi hợp. Hình thế của trận này dựa trên nguyên lý “Bát quái” với 8 cửa: Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Ảnh, Tử, Cảnh, Khai. Các cửa Sinh, Cảnh, Khai được gọi là “cửa cát” (cửa tốt), còn lại Hưu, Thương, Đỗ, Tử, Ảnh chính là “cửa hung” (cửa xấu).
Trong một trận đồ điển hình, toàn trận có thể huy động 14 ngàn kỵ binh, cứ 50 người thành 1 đội hình, tất cả gồm 280 đội. Bộ binh có 10 ngàn người, chia đều thành 200 đội. Mỗi một đội bộ binh chiếm 10 thước trong trận đồ.
Tùy theo tình hình cụ thể, “Bát trận đồ” có thể biến hóa khôn lường, làm quân địch mất phương hướng. Ngoài ra, ở bên trong “Bát trận đồ” người ta còn có thể bố trí các loại vật liệu đặc biệt như đá, xe lương thực tạo chướng ngại vật, ngăn cản kỵ binh địch tấn công. Sau khi địch lọt vào trận, quân sĩ bên trong sẽ dùng cung, tên, mâu, kích để đả thương, tấn công địch. Trận đồ này là cơn ác mộng với các đội quân kỵ binh trang bị nhẹ.
Gia Cát Lượng được cho là có những khả năng siêu thường, có thể hòa hợp với sức mạnh thiên nhiên và luôn đa mưu túc trí trong cả những hoàn cảnh hiểm nghèo.
Bát Trận Đồ “siêu thường” & “biến hóa khôn lường” của Gia Cát Lượng được ra đời nhờ áp dụng học thuyết Kinh Dịch và Bát Quái trong triết học Trung Hoa cổ đại. La Quán Trung trong “Tam Quốc diễn nghĩa” khen “Bát trận đồ” rằng: “Thường hữu khí như vân, từng nội nhi khởi”, nghĩa là: Có khí như mây, sức mạnh phát ra từ bên trong.
Theo “Tam Quốc diễn nghĩa” hồi thứ 84, do sai lầm của Thục Chúa Lưu Bị nóng lòng trả thù cho Quan Công, đại tướng Đông Ngô là Lục Tốn đã phá tan quân Thục, đốt cháy doanh trại liên tiếp 700 dặm và dẫn quân truy kích về hướng tây. Khi gần đến bến Ngư Phúc, Lục Tốn thấy phía trước có một luồng sát khí xông thẳng lên trời, bèn dừng ngựa bảo bộ tướng “Phía trước chắc có mai phục, không được khinh địch”, rồi cho lui quân, bày thành trận thế, cho thám mã đi thám sát.
Quân về báo không có gì cả, Tốn không tin, xuống ngựa lên núi nhìn xuống, sát khí lại xông lên, cho quân đi do thám lần nữa vẫn là phía trước không người. Trời đã về chiều, sát khí càng nhiều, Lục Tốn do dự, sai người thân tín đi xem xét kỹ, kết quả là bên bờ sông có xếp 8, 9 đống đá lớn mà thôi, không một bóng người. Lục Tốn càng nghi, cho gọi thổ dân đến hỏi, thổ dân thưa: “Nơi này gọi là bến Ngư Phúc. Gia Cát Lượng khi vào Thục đã luyện binh ở đây, lấy đá xếp thành trận thế trên bến sông. Từ đó trở đi thường có khí tuôn như mây”.
Lục Tốn nghe xong cưỡi ngựa lên sườn núi xem thạch trận, thấy đá xếp bốn phương tám hướng, đều có cổng, có cửa, bèn cười nói: “Đây là tà thuật làm mê hoặc người, có ích gì đâu”, rồi xuống núi dẫn quân xông thẳng vào trong trận xem xét. Bộ tướng thưa “Trời đã tối, xin đô đốc trở về”. Lục Tốn vừa muốn lui, đột nhiên cuồng phong nổi dậy, trong chớp mắt cát chạy đá bay, mịt mù trời đất. Chỉ thấy quái thạch sừng sững, đan chéo như gươm; Đất dựng dọc ngang, trùng trùng như núi; Sóng dâng gào thét như tiếng trống dậy gươm khua. Lục Tốn kinh hoàng nói: “Ta trúng kế Gia Cát Lượng rồi!”, muốn quay trở về nhưng đã bít lối ra.
Thạch trận này được chính sử “Tấn thư” quyển 9 xác nhận như sau: “Khởi đầu Gia Cát Lượng tạo Bát trận đồ trên bến Ngư Phúc, xếp đá thành 8 hàng, mỗi hàng cách nhau 2 trượng (khoảng 8m)“.
Nếu lúc ấy không có nhạc phụ của Gia Cát Lượng là Hoàng Thừa Ngạn chỉ cách đi bát quái kỳ trận thì chắc Lục Tốn cùng quân lính đã bị nguy khốn. Hoàng Thừa Ngạn còn nói cho Lục Tốn biết như sau: “Con rể ta khi vào Thục có bày thạch trận ở đây, tên gọi là “Bát trận đồ”, tới lui có 8 cửa án theo Bát môn độn giáp là Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Cảnh, Tử, Kinh, Khai. Mỗi giờ mỗi khắc biến hóa vô cùng, có thể sánh với 10 vạn tinh binh. Trước khi ra đi có dặn lão phu là: “Sau này có đại tướng Đông Ngô bị mê trong trận thì đừng dẫn ra. Lão phu ở trên núi thấy tướng quân đi từ cửa Tử mà vào trận nên biết là không hiểu trận, chắc hẳn bị mê. Lão phu bình sinh hiếu thiện, không nỡ để tướng quân bị hãm ở đây, nên đưa ra theo cửa Sinh vậy“.
Lục Tốn hỏi: “Ông có học được trận pháp này không?“, Thừa Ngạn đáp: “Biến hóa vô cùng, không thể học được“. Tốn kinh hoàng xuống ngựa bái tạ mà về, đến trại than rằng: “Khổng Minh đúng là Rồng nằm! Ta không bằng được!“, rồi hạ lệnh rút quân”.
Khổng Minh Gia Cát Lượng- Những câu nói bất hữu vang danh muôn đời
1. Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên
Tạm dịch: mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, không thể cưỡng lại được.
Khổng Minh dốc tận sức tàn phò tá cha con Lưu Bị, sáu lần xuất binh Kỳ Sơn phạt Ngụy, nhưng đều thất bại, đành thở dài mà rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, bất khả cưỡng dã.”
2. Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ
Tạm dịch: Tận tụy phục vụ, đến chết mới thôi
Khi Khổng Minh nói: “Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ”, kế hoạch ‘Phạt Ngụy’ đã tan thành mây khói, Khổng Minh chết ở gò Ngũ Trượng.
3. Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn
Đây là câu trích từ “Giới tử thư”, điều Gia Cát Lượng viết để răn dạy cho con trai 8 tuổi là Gia Cát Chiêm một năm trước khi ông qua đời.
Ông viết: “Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn”, nghĩa là: Trong tâm không thể điềm đạm quả dục thì không thể nào tỏ rõ chí hướng. Thân tâm không thanh tịnh thì không thể nào thực hiện được mơ ước to lớn, xa xôi.
Về sau câu nói này được thế nhân cô đọng lại thành “đạm bạc minh chí, ninh tĩnh trí viễn” (đạm bạc sáng chí, thanh tĩnh chí xa), được dân gian hết mực ưa chuộng và ca ngợi.
4. Phù học tu tĩnh dã, tài tu học dã. Phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học
Đây cũng là một câu trích từ “Giới tử thư”. Tạm dịch nghĩa của câu nói này là: Việc học cần tâm tĩnh, để thành tài cần phải học. Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học.
5. Đãi mạn tắc bất năng khai tinh, hiểm táo tắc bất năng lý tính
Đây cũng là một câu trích từ “Giới tử thư”. Tạm dịch nghĩa là: Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy thì không thể có lý tính.
Nguyên văn của “Giới tử thư”:
“Phù quân tử chi hạnh, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức. Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn. Phù học tu tĩnh dã, tài tu học dã. Phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học. Đãi mạn tắc bất năng lệ tinh, hiểm táo tắc bất năng trị tính. Niên dữ thời trì, ý dữ tuế khứ, toại thành khô lạc, đa bất tiếp thế. Bi thủ cùng lư, tương phục hà cập!”
Khổng Minh Gia Cát Lượng- Người phát minh ra bánh bao theo truyền thuyết
Một truyền thuyết kể rằng Gia Cát Lượng đã phát minh ra bánh bao của Trung Hoa, “màn thầu” – có nghĩa là đầu của kẻ man rợ.
Ông đã nghĩ ra màn thầu sau cuộc chiến với Mạnh Hoạch, vua của người Nam Man ở phía nam Trung Hoa.
Gia Cát Lượng và quân đội của nước Thục có lần phải băng qua một con sông chảy xiết rất nguy hiểm. Ông được khuyên rằng phải hi sinh đầu của 50 người để cúng thần sông. Tuy nhiên, Gia Cát Lượng không muốn hi sinh bất kì ai.
Vậy nên, ông đã giết một vài con bò và ngựa, đặt nhân thịt vào trong bánh bao có hình dạng giống đầu người và ném xuống dòng sông.
Từ đó ông gọi bánh bao là “màn thầu”.
Nguồn:
Khổng Minh Gia Cát Lượng | Văn Hóa Trung Hoa
Những câu nói hay của Gia Cát Lượng – Khổng Minh
“Bát trận đồ” của Gia Cát Lượng lợi hại như thế nào?
Bí ẩn bát trận đồ của Gia Cát Lượng
Những câu nói “sấm truyền” của Khổng Minh